Cuộc chiến ở Ukraine đã ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ đại kết với Chính thống giáo?

Đức Tổng Giám mục  Chính thống Hy Lạp Dimitrios Ploumis của Pháp, cử hành Thánh lễ trong Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo vào ngày 19 tháng 1 năm 2024  (Ảnh: Corinne SIMON / HANS LUCAS)

Đức Tổng Giám mục Chính thống Hy Lạp Dimitrios Ploumis của Pháp, cử hành Thánh lễ trong Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo vào ngày 19 tháng 1 năm 2024  (Ảnh: Corinne SIMON / HANS LUCAS)

Khi các Kitô hữu cử hành Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo, mối quan hệ đại kết với Chính thống giáo dường như đang căng thẳng ở cấp độ tổ chức, trong khi các sáng kiến cá nhân đang gia tăng.

Cha Jivko Panev, một Linh mục và Giáo sư tại Viện Thần học Chính thống Saint Sergius ở Paris, nhấn mạnh rằng cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine không làm tổn hại đến mối quan hệ đại kết với Giáo hội Chính thống Nga. Cha Panev nói rằng “không có gì khác biệt… kể từ khi bắt đầu chiến tranh”, nổ ra vào tháng 2 năm 2022 khi Nga xâm chiếm quốc gia láng giềng. Và, trên thực tế, các tín hữu Tin Lành, Công giáo và Chính thống đã tập trung vào thứ Sáu tuần trước tại Nhà thờ Chính thống Hy Lạp Saint Stephen ở thủ đô nước Pháp vào ngày thứ hai của Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo, diễn ra từ ngày 18 đến ngày 25 tháng Giêng.

Cha Serge Sollogoub, Linh mục phụ trách ủy ban đại kết trong Hội đồng Giám mục Chính thống Pháp, cũng đưa ra đánh giá tương tự. “Các mối quan hệ Kitô giáo ở đây rất tốt và luôn luôn như vậy”, Cha Sollogoub nói, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng thay vì thể hiện sự chia rẽ, chiến tranh thực sự đã “buộc các Kitô hữu phải lên tiếng với cùng một tiếng nói”.

Nhưng Yves Hamant, Giáo sư đại học đã nghỉ hưu và chuyên gia nghiên cứu về Nga và Liên Xô, không đồng ý về điểm này. “Đối thoại đại kết hiện nay không còn có động lực như trước nữa”, ông Hamant lập luận, đồng thời chỉ ra rằng, kể từ khi chiến tranh bắt đầu, một cơn gió lạnh đã thổi qua các mối quan hệ liên Chính thống giáo cũng như giữa Chính thống giáo và các giáo phái Kitô giáo khác.

Các mối quan hệ bị cản trở bởi chiến tranh

“Tôi chỉ có thể ghi nhận sự thất bại của các mối quan hệ đại kết ở cấp độ thể chế”, Antoine Arjakovsky, nhà sử học và Giám đốc nghiên cứu tại Collège des Bernardins ở Paris, khẳng định.

Chẩn đoán của ông Arjakovsky bắt nguồn từ việc Hội đồng các Giáo hội Thế giới (WCC) không lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga trong cuộc họp vào tháng 9 năm 2022 tại Karlsruhe, Đức. Ông cũng lưu ý rằng một số thành viên của Tòa Thượng phụ Moscow đã được bầu lại để đứng đầu các ủy ban và văn phòng khác nhau của WCC tại cuộc họp đó.

“Hội đồng các Giáo hội Thế giới tự coi mình là một diễn đàn để đối thoại chứ không phải là một cơ quan phán xét, nhưng cuộc đối thoại chỉ có thể thực hiện được trong một thời gian nhất định”, nhà sử học giải thích. “Chúng tôi không thể chấp nhận vô thời hạn việc vi phạm các giới luật của Tin Mừng và luật pháp quốc tế”.

Cuộc chiến ở Ukraine đã thêm vào một tình huống vốn đã tế nhị giữa các Giáo hội Chính thống khác nhau ở Pháp, kể từ tháng 1 năm 2019 khi Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople chính thức công nhận sự tự trị (hoặc sự độc lập) của Giáo hội Chính thống Ukraine (OCU). Tòa Thượng phụ Moscow sau đó đã cắt đứt quan hệ với Tòa Thượng phụ Constantinople. Đồng thời, các Giáo xứ Chính thống Nga ở Pháp ban đầu được liên kết với Tòa Thượng phụ Đại kết, thuộc thẩm quyền của Tòa Thượng phụ Moscow.

“Điều này đi kèm với một số căng thẳng và chia rẽ nhất định giữa Chính thống giáo gốc Nga ở Pháp”, ông Hamant nói.

Sự ủng hộ của Đức Thượng phụ Kirill của Moscow đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã làm gia tăng căng thẳng với Chính thống giáo trước đây liên kết với Tòa Thượng phụ Constantinople. Họ đã lên án cuộc xâm lược và do đó tự nhận thấy mình có mâu thuẫn với một Giáo hội liên kết chặt chẽ với Điện Kremlin.

“Điều này làm phức tạp và gây khó khăn rất lớn cho bất kỳ mối liên hệ chính thức nào với Chính thống giáo ở Pháp”, ông Hamant lưu ý, đồng thời cho biết điều này cũng ảnh hưởng đến vấn đề này ở cấp độ đại kết rộng hơn. “Vẫn còn những mối quan hệ giữa các cá nhân, nhưng ở cấp độ chính thức thì phức tạp hơn. Làm sao chúng ta có thể giải quyết một vấn đề ngầm như cuộc chiến này mà chúng ta không thể thảo luận?”, ông Hamant tự hỏi.

“Các Giáo hội Chính thống bị tê liệt vì sợ hãi, và Giáo hội Moscow đang hủy hoại các mối quan hệ liên Chính thống và đại kết”, ông Antoine Arjakovsky nói một cách thẳng thắn.

Vai trò của các Giáo hội trong việc xây dựng hòa bình

Bất chấp những phức tạp ở cấp độ thể chế, chiến tranh không ngăn cản được mối quan hệ ở cấp địa phương, Cha Serge Sollogoub khẳng định. Cha Sollogoub đã trích dẫn ví dụ của Cha Nikolai Tikhonchuk, một Linh mục của một Giáo xứ ở Paris dưới quyền quản lý của Tòa Thượng phụ Moscow, người đã đưa ra một “bài giảng vì hòa bình” vào tháng 2 năm 2022, lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Ngài cũng đã mô tả một phong trào ở Pháp nhằm hỗ trợ các Linh mục ở Nga đã bị kết án vì chỉ trích cuộc tấn công ở Ukraine, mặc dù họ có liên kết với Tòa Thượng phụ Moscow. Do đó, tương lai cho các mối quan hệ đại kết nằm ở những cơ cấu tìm cách vượt ra khỏi cách tiếp cận mang tính thể chế.

“Chúng tôi quan sát thấy những hành động liên đới tuyệt vời được hình thành giữa các Kitô hữu”, ông Arjakovsky nói, trích dẫn các sáng kiến như tổ chức phi chính phủ Œuvre d’Orient ở Ukraine, hỗ trợ các Kitô hữu Công giáo và Chính thống mà không có sự phân biệt. “Một phong trào đại kết thực sự, một tình bạn, đang nổi lên”, ông Arjakovsky nói. “Các Giáo hội có thể đóng một vai trò quan trọng trong mô hình mới này”.

Ông đã tổ chức một cuộc hội thảo nghiên cứu tại Collège des Bernardins bắt đầu từ ngày 23 tháng 1 để giúp các Giáo hội “xem xét rõ ràng hành động của mình và đồng thời tìm ra những cách thức mới để xây dựng hòa bình”.

 Về mặt lịch sử, mối quan hệ giữa các Kitô hữu thuộc mọi giáo phái ở Pháp đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự hợp tác ở cấp độ hiệp hội. Ông Yves Hamant đã đưa ra ví dụ về ACAT (Hành động chống tra tấn của các Kitô hữu). “Tất cả các nhà hoạt động của ACAT trong thời kỳ Xô Viết đều bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự hợp tác này, lấy cảm hứng từ việc bảo vệ các Kitô hữu bị đàn áp ở Liên Xô”.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube