‘Cộng sự viên trong sứ mạng’ của Thiên Chúa và con người

MỘT THÂN MÌNH

3_16_St-Clement-Mary_best

THÁNH CLÊMENTÊ M. HOFBAUER

 “CỘNG SỰ VIÊN TRONG SỨ MẠNG” CỦA THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI

Dẫn nhập : Sứ mạng là gì?

Để hiểu cụm từ “cộng tác trong sứ mạng” hay “ chia sẻ sứ mạng” nghĩa là gì, chúng ta trước hết phải trả lời một câu hỏi khác: Sứ mạng là gì? Các câu trả lời khác nhau đã được đưa ra cho câu hỏi này theo dòng thời gian.

Chẳng hạn, người ta đã mô tả rằng việc truyền giáo là thành lập Giáo Hội ở những nơi mà Hội Thánh đã chưa hiện diện. Đức Hồng y Van Rossum (1854-1932) thuộc Dòng Chúa Cứu Thế là một người ủng hộ ý tưởng này. Bằng cách này, ngài không có ý nói rằng Giáo Hội nên thành lập các chi nhánh từ Rôma. Thay vào đó, ngài chỉ ra rằng các cộng đoàn địa phương sẽ được thành lập, dưới sự tự quản lý của chính họ, và tất nhiên, dưới sự giám sát của hệ thống phân cấp.

Những người khác đã nói rằng: Truyền giáo là gieo hạt giống Tin Mừng trong lòng người ta, những người không tin và những người tin. Trước hết, ý tưởng này không phải về Giáo Hội. Đó là những tia lửa ngay lập tức tràn ra nơi nhà thừa sai và người thân cận với anh ta. Tôi nghĩ rằng chính trong tinh thần này mà thánh Anphongsô đã đề cập đến, trong các sứ mạng đặc thù, trong các ấn phẩm của ngài.

Một suy nghĩ mới hơn thậm chí còn đi xa hơn. Truyền giáo tiên vàn mọi sự là loan báo về Nước Thiên Chúa. Tiếp đến, Chúa Giêsu Kitô là vị thừa sai đầu tiên. Và nếu chúng ta truyền giáo theo gương Ngài, chúng ta rao giảng Tin Mừng của Vương Quốc về Tự do và Ân sủng (Lc 4, 18-19). Nói cách khác: chúng ta tham gia vào “Sứ mạng của Thiên Chúa”, trong sự hoạt động của Chúa đến và trong thế giới. Mục tiêu cuối cùng “Sứ mạng của Thiên Chúa” này là cuộc gặp gỡ tình yêu giữa Thiên Chúa và thế giới, giữa Thiên Chúa và chúng ta. Đây cũng là một ý tưởng nền tảng trong linh đạo của Thánh Anphongsô.

Những nhà thừa sai tìm kiếm cộng sự viên: mẫu gương của Thánh Clêmentê M. Hofbauer

Nếu đây là cốt lõi của sứ mạng, rất nhiều câu hỏi sẽ được trình bày theo một cách khác. Riêng mối quan tâm cũng sẽ được đưa vào quan điểm. Mối quan tâm đầu tiên của chúng ta không còn là việc chúng ta tổ chức mô hình quy chuẩn của Giáo Hội hay chúng ta sử dụng các công thức phù hợp trong việc rao giảng. Mối quan tâm đầu tiên và duy nhất của chúng ta là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người sẽ được thực hiện. Mọi thứ khác rơi vào thứ yếu: cơ cấu thể chế của Giáo Hội, cách diễn đạt chính xác về sứ điệp. Trong ánh sáng đó, chúng ta thậm chí có thể chuẩn bị để từ bỏ cấu trúc và suy nghĩ lỗi thời – và tìm kiếm những cấu trúc và ý tưởng mới.

Sau đó, chúng ta cũng có thể nghĩ khác về câu hỏi ai là nhà thừa sai và hoạt động của họ là gì. Những nhà thừa sai không còn chỉ là những người có một chức năng cụ thể và một sứ mạng nhất định. Những nhà thừa sai không chỉ là những người đã “rút lui khỏi thế giới”. Mọi người đều có thể được kêu gọi để truyền giáo, cả những người sống theo các hội đồng truyền giáo, cũng như những người sống “trong thế giới”. Cả hai tìm thấy nhau và hỗ trợ nhau nếu mọi thứ được sắp xếp phù hợp. Họ cùng chia sẻ một sứ mạng. Và họ bước ra khỏi thế giới, theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, từng hai người một (Lc 10,1), với tư cách là cộng sự viên trong sứ mạng.

Tôi thiết nghĩ rằng thánh Clêmentê M. Hofbauer đã có kinh nghiệm trở thành một nhà thừa sai theo cách này. Thánh nhân đã thấy điều đó trong thời của ngài, việc truyền giáo là nhu cầu khẩn thiết tập trung vào cốt lõi của Tin Mừng. Những công thức và kế hoạch cũ thậm chí đôi khi còn gây khó chịu. Vì thế, thánh nhân đã mở ra với các hình thức rao giảng mới (do đó câu nói nổi tiếng của ngài rằng “chúng ta phải rao giảng Tin Mừng theo cách thức mới”). Ngài đã mở ra với cách thức hợp tác mới. Ngay từ ban đầu, thánh Clêmentê đã không tự xem mình như một người sống ơn gọi trong sa mạc. Ngài đã thấy bản thân là cộng sự viên của Chúa trong sứ mạng và luôn quan tâm đến các đối tác khác trong sứ mạng. Sau một thời gian tìm kiếm lâu dài, với tư cách là một ẩn sĩ và người hành hương, lần đầu tiên ngài đã tìm thấy những người ủng hộ mình trong Dòng Chúa Cứu Thế.

Từng là một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, thánh nhân cũng nhìn thấy các đồng minh và cộng sự viên hợp tác bên ngoài Nhà Dòng. Chính trong thời gian ở Warsaw (1787-1808), ngài đã “khám phá ra” giá trị của sự hợp tác với giáo dân. Thánh nhân đã sớm thiết lập một cấu trúc cho sự hợp tác như vậy: cộng đoàn Oblates, một hiệp hội của những giáo dân tận tụy và trình độ cao, hoàn thành sứ mạng truyền giáo. Thánh Clêmentê đặt ra những yêu cầu cao đối với nhóm tận hiến về mặt tâm linh, cam kết xã hội, và sự sẵn sàng cho hoạt vụ thừa sai. Một người không chỉ trở thành một thành viên của hiệp hội mà còn phải chứng minh sự phù hợp của mình. Thánh Clêmentê M. Hofbauer không bao giờ đi nửa đường, ngài chỉ đơn giản là đặt cao kỳ vọng vào những giáo dân được đào tạo tốt, với tư cách là những nhà thừa sai “ưu tú”.

Trong thời gian ở Vienna (1808-1820), tông đồ của thành phố không bắt mọi người vào Nhà thờ mà thay vào đó xem họ như những người bạn đối thoại. Chẳng hạn như, ngài đã tổ chức một câu lạc bộ đọc sách, trong đó mọi người trao đổi ý tưởng về đức tin dựa trên những cuốn sách họ đã đọc. Ngài đã thành lập một thư viện và một tạp chí. Tóm lại, thánh nhân đã không né tránh việc sử dụng các phương tiện truyền thông. Ngài tôn trọng và chấp nhận rằng mọi người không còn lắng nghe linh mục một cách nín thở và im lặng nữa, nhưng họ tự hình thành, phát triển và trở thành những người đối thoại bình đẳng.

Điều này đặc biệt được diễn tả qua tên gọi Vòng tròn Hofbauer ở Vienna, nơi nổi bật các học giả và nghệ sĩ của thành phố thuộc về. Thánh Clêmentê khuyến khích những nhà trí thức này tự nguyện đến với Tin Mừng trong thế giới, theo cách riêng của họ. Mối tương quan giữa thánh Clêmentê và tầng lớp giáo dân ở Vienna là hai chiều. Một mặt, nhờ sự tiếp xúc của ngài với giáo dân, thánh nhân đã có thể giữ liên lạc với tinh thần của thời đại. Ngài đã học được từ họ. Mặt khác, họ là cánh tay nối dài của ngài. Họ có mối quan hệ của họ và có thẩm quyền trong môi trường riêng. Bằng cách này, họ có thể trở thành những công tác viên thừa sai cho Tông đồ của thành Vienna.

Kết luận: Thánh Clêmentê là người sẵn sàng vượt qua những giới hạn

Như người con của thánh Anphongsô, thánh Clêmentê biết rằng không ai tự mình là nhà thừa sai. Chúng ta là những cộng sự viên đầu tiên của Thiên Chúa, Đấng đã rời bỏ Thiên Đàng của Ngài để tìm kiếm loài người chúng ta. Chúng ta là đồng minh của Chúa trong cuộc kiếm tìm này. Nhưng nếu Thiên Chúa cần mọi người và mời họ chia sẻ một sứ mạng, thì chúng ta cũng cần nhau hơn bao giờ hết. Đôi khi, thánh Clêmentê đã phải nổ lực hết sức để đưa điều này vào thực tế. Ngài có một cá tính mạnh mẽ – và thi thoảng ngài xung đột với những người cá tính mạnh mẽ khác. Thánh nhân thậm chí còn được ngưỡng mộ hơn vì sự sẵn lòng, hết lần này đến lần khác, tham gia vào cuộc phiêu lưu với công sự viên trong sứ mạng và khắc phục những hạn chế cũng như mở ra những triển vọng mới cho sứ mạng chung.

Câu hỏi để suy tư

– Tôi có thể xem mình là “Cộng sự viên trong sứ mạng” của Chúa không?

– Tôi muốn chia sẻ sứ mạng thừa sai của mình với ai? Cộng sự viên của tôi là ai? Họ ở đâu?

   Làm thế nào để tôi tìm thấy họ? Và làm thế nào để họ tìm thấy tôi?

– Tôi phải khắc phục những hạn chế nào (hạn chế về ngôn ngữ và văn hoá, nhưng cũng có những hạn chế giữa các nhóm trong Giáo Hội và trong gia đình Dòng Chúa Cứu Thế)? Những hạn chế cá nhân nào mà tôi phải vượt qua?

– Khi nào tôi trải nghiệm rằng tôi đã thành công hay thất bại trong “sứ mạng chung”? Tôi có thể học được gì từ thành công và thất bại?

Lời cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa Hằng sống,

trong Con của Ngài, Ngài đã đến với nhân loại chúng con

với sự trao ban tình yêu và khát khao của Ngài cho tình yêu đáp trả của chúng con.

Ngài đã kêu mời cho chúng con trở nên những người bạn đồng hành của Ngài trong hành trình tìm kiếm này.

Xin mở rộng đôi mắt của chúng con với những người bạn đồng hành khác và mở rộng con tim của chúng con với họ. Xin cho chúng con biết chia sẻ và hợp tác.

Vì điều này, xin hãy ban cho chúng con Thần Khí của Ngài, nhờ sự chuyển cầu của thánh Clêmentê.

Chúng con cầu xin nhờ Chúa Giêsu, Con của Ngài, Người bạn đồng hành của chúng con trên hành trình.

Amen.

Chuyển ngữ: Tâm An

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube