Cầu nguyện trong tinh thần và truyền thống thánh Anphongsô Liguori - Chương 2

 

cq5dam.thumbnail.cropped.1500.844

CẦU NGUYỆN TRONG TINH THẦN VÀ TRUYỀN THỐNG

THÁNH ANPHONGSÔ LIGUORI

Rev. Michael Brehl, C.Ss.R.

Hiệu đính: Rev. Raymond Coriveau, C.Ss.R.

Chuyển ngữ: Lm. Antôn Nguyễn Văn Nam, C.Ss.R.


 

 

Chương 2: LỜI NGUYỆN XIN[1]

 

Nếu bạn muốn làm hài lòng con tim yêu thương của Thiên Chúa, hãy cố gắng liên lỉ trò chuyện cùng Người bất cứ khi nào và với lòng chân thành nhất có thể. Thiên Chúa không miễn cưỡng khi đáp lời bạn. Thiên Chúa không nói theo cách mà đôi tai của bạn có thể nghe được nhưng thông qua sự cảm nhận của con tim bạn. Hãy rời bỏ cuộc đối thoại với tạo thành và trò chuyện một-đối-một với Thiên Chúa: “Ta sẽ đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16). Trong nơi thinh lặng, Thiên Chúa sẽ khích lệ bạn, sẽ soi sáng trong tâm hồn bạn, sẽ ân thưởng hào phóng cho bạn, sẽ ban cho con tim bạn một cảm nếm ngọt ngào, sẽ tha thứ cho bạn, cho bạn kinh nghiệm sự bình an đích thực, niềm hy vọng trong thiên đàng, với những niềm vui nội tâm, sự ngọt ngào của ân sủng, với cái ôm yêu thương và nồng ấm, với ngôn ngữ tình yêu được thấu hiểu bởi những ai Thiên Chúa yêu thương và những người không tìm kiếm chính mình nhưng chỉ Thiên Chúa duy nhất mà thôi”.[2]

Trước hết, tôi mời gọi anh em theo gương mẫu cầu nguyện của Chúa Giêsu. Cầu nguyện trở thành một điều không thể thiếu trong đời sống và trong việc thi hành sứ vụ của Người.[3] Trước tất cả những quyết định và sự kiện quan trọng, Chúa Giêsu đều cầu nguyện. Người cầu nguyện trong bữa ăn. Sau khi các môn đệ trở về từ kinh nghiệm đầu tiên trong thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu lại cầu nguyện. Trong Lc 6,12, trước khi tuyển chọn các tông đồ, Người đã cầu nguyện suốt đêm! “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6,12).

Tin mừng Luca được biết đến với rất nhiều tên gọi khác nhau như: Tin mừng của lòng thương xót, Tin mừng của các phụ nữ, của người nghèo, của ơn cứu độ phổ quát, Tin mừng của sự từ bỏ dứt khoát… Một số khác gọi đó là Tin mừng của cầu nguyện – và một nhà chú giải tôi đọc vừa rồi nói rằng trong Tin mừng Luca, điều duy nhất mà Chúa Giêsu làm thường xuyên hơn cầu nguyện đó là ăn uống!

Nếu cầu nguyện trở nên rất quan trọng trong đời sống và trong sứ vụ của Chúa Giêsu, thì chắc hẳn nó còn khẩn thiết hơn nữa trong đời sống của chúng ta! Chúng ta muốn cầu nguyện phải trở thành điều quan trọng. Chúng ta biết chúng ta nên cần gì.

Qua mẫu gương của Chúa Giêsu và qua lời giảng dạy của thánh Anphongsô, chúng ta thấy rằng cầu nguyện là một sự đối thoại chân thành. Khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy họ cầu nguyện, Người đề nghị một cách thức trò chuyện và một mối tương quan thân mật hơn là một công thức có sẵn. Điều này nhắc tôi nhớ lại một sự kiện tại quê nhà năm 1980 khi tôi đang giúp cho các em lớp 2 chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thánh Thể lần đầu. Một ngày nọ, khi tôi đang chia sẻ với các em rằng cầu nguyện như một cuộc trò chuyện chân thành – như các cuộc trò chuyện thường ngày của các em với những người bạn, tôi hỏi các em có hiểu không, một cậu bé giơ tay lên và nói: “Cha Mike, đôi lúc con cầu nguyện thực sự, nhưng hầu hết con chỉ đọc các lời kinh mà thôi”.

Việc đọc các lời kinh là điều quan trọng. Các lễ nghi thì quan trọng vì chúng bày tỏ các mối tương quan. “Chào ngày mới tốt lành” là một phần của lễ nghi, cũng giống như việc hỏi thăm “bạn có khỏe không”. Các lễ nghi là những dấu chỉ cho thấy chúng ta ý thức về sự hiện diện của người khác và thể hiện sự quan tâm của chúng ta đến với họ.

“Việc đọc các kinh nguyện” cũng có thể là một trong những nghi lễ quan trọng. Thói quen trong việc cầu nguyện có thể giúp chúng ta ý thức hơn về sự hiện diện và sự chăm sóc của Thiên Chúa. Tôi nhớ bà tôi vẫn nhắc đến những cụm từ như “thánh ý Thiên Chúa” và “làm hài lòng Chúa” mỗi khi nói chuyện với bất cứ ai. Chúng tôi biết rằng đây không phải là một thói quen trống rỗng, nhưng chúng tôi biết bà thực sự luôn sống trong đức tin.

Chính đức tin vào một Thiên Chúa đang sống và cá vị làm cho những lời cầu nguyện trở nên có ý nghĩa, bao gồm cả những lời nguyện xin mà chúng ta đang đề cập trong chương này. Thánh Anphongsô nhìn nhận hình thức cầu nguyện khấn xin rất quan trọng và cần thiết cho ơn cứu độ. Đôi khi theo tôi nghĩ, chúng ta đã thờ ơ, bỏ mặc hình thức cầu nguyện này và cho rằng nên “bỏ đằng sau” hình thức cầu nguyện này khi chúng ta đã trưởng thành trong đức tin và lớn lên trong mối tương quan với Chúa. Tuy nhiên, thánh Anphongsô nhìn nhận điều này là một nhận định sai lầm và rất nguy hiểm.

  1. Những vấn đề nảy sinh trong hình thức cầu nguyện khấn xin

Trong nhiều cách diễn tả ngày nay, lời nguyện xin được xem như đang có “vấn đề”. Điều này có thể nhận ra nơi những cuộc trò chuyện cách nghiêm túc với các linh mục, tu sĩ và giáo dân khi nói về một ‘đời sống sùng đạo’. Và điều này còn được thể hiện qua các bài báo và các sách vở [viết về đời sống thiêng liêng]. Đôi lúc tôi thật sự ngạc nhiên khi lời nguyện xin được xem như “lời cầu nguyện hạng hai”. Nó được xem như hình thức cầu nguyện phải dùng khi không biết phải sử dụng hình thức nào khác! Một lối suy nghĩ sai lầm hơn, đó là cách cầu nguyện mà nếu ai sử dụng, người ấy được coi không còn thuộc vào nhóm những người có đời sống thiêng liêng sâu sắc.

Một sự thật là khi được nhấn mạnh quá nhiều, những lời thỉnh cầu có thể dẫn tới tình trạng xem thường trách nhiệm của con người. Tôi nên tận dụng những phương tiện cần thiết trong tầm tay của mình hơn là hoàn toàn thoái thác hành động và trách nhiệm cho Thiên Chúa. Điều này được minh họa trong câu chuyện người đàn ông bị kẹt trên mái nhà trong một trận lũ lớn. Nước đang dâng lên cao và anh ta tin rằng Chúa sẽ đến cứu anh. Trong khi đó anh từ chối sự giải cứu từ một chiếc thuyền và máy bay trực thăng. Một ví dụ thực tế khác đề nghị rằng thay vì đơn giản là cầu nguyện cho hết chiến tranh, tôi nên làm điều gì đó để chiến tranh sớm kết thúc. Điều này nhắc lại giáo huấn của Đức Phaolô VI khi ngài tuyên bố dõng dạc và dứt khoát rằng nếu chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải đấu tranh cho công lý.

Cầu nguyện cho người khác cũng có thể bị xem là trẻ con và ảo tưởng. Tôi không thể hành động vượt trên tự do của người khác, và tất nhiên Thiên Chúa không muốn xâm phạm quyền tự do mà Người đã trao ban cho con người khi họ được tạo dựng theo hình ảnh của Người và giống như Người. Đồng thời cũng không có một lời thỉnh cầu nào nhằm thông báo cho Thiên Chúa về những khát vọng của chúng ta hoặc gây ảnh hưởng khát vọng của Thiên Chúa trong việc cứu chúng ta. Thiên Chúa đã biết sẵn chúng ta cần gì trước khi chúng ta bày tỏ điều ấy ra. Chính nền tảng này cung cấp dữ kiện cho một số thần học gia và những nhà tâm lý học tôn giáo đi đến kết luận rằng các Kitô hữu với đức tin trưởng thành sẽ không còn thực hành hình thức cầu nguyện khấn xin nữa.

Những câu hỏi được đưa ra và vấn đề chúng ta vừa đề cập cũng không phải là điều gì mới mẻ. Những vấn đề này đã được nêu ra và diễn tả bằng nhiều cách khác nhau trước đây. Thánh Anphongsô đã sống và làm mục vụ trong giai đoạn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi thuyết Jansen[4] và thuyết Tiền Định (Predestinationism), cũng như những tranh luận về chủ nghĩa Lập Dị (Quietism)[5]. Các nhà thần học, và quan trọng hơn nữa, các nhà giảng thuyết và ‘chuyên gia trong đời sống thiêng liêng’ đã chất vấn: Đâu là giá trị của hình thức cầu nguyện khấn xin? Người ta có thể được cứu hay không? Những người theo chủ thuyết Jansen, thuyết Tiền Định và chủ nghĩa Lập Dị đều chối bỏ hình thức cầu nguyện khấn xin. Điều này là đến từ quan điểm tiêu cực của các chủ thuyết về bản tính tự nhiên của con người.

Thánh Anphongsô đáp trả lại các chủ thuyết này bằng cách khẳng định, cầu nguyện khấn xin không những chỉ sinh lợi ích mà còn cần thiết cho ơn cứu độ. “Ai cầu nguyện chắc chắn sẽ được cứu rỗi. Ai không cầu nguyện chắc chắc sẽ bị luận phạt”. Đối với thánh nhân, khấn xin trong việc cầu nguyện là bắt đầu sống một đời sống đã được cứu độ![6]

Đối diện với những người giảng dạy rằng ơn cứu độ chỉ ‘hạn chế’ cho những người ‘được tuyển chọn’, thánh Anphongsô mạnh mẽ xác tín về ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Không một ai bị tiền định rơi vào chốn lưu đày. Một trong những trích dẫn thường xuyên trong các tác phẩm của ngài lấy từ thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi ông Timôthê: “Thiên Chúa Đấng Cứu Độ chúng ta… muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4). Ngài trích dẫn câu này trong các tác phẩm về cầu nguyện, trong tác phẩm Cuộc Thương Khó và Ơn Cứu Độ (the Passion and Redemption) và trong các tác phẩm thần học hệ thống. Đây là câu kinh thánh quan trọng trong các tác phẩm của ngài.[7]

Đối với thánh Anphongsô, lời cầu nguyện khấn xin luôn hướng tới ý định cứu rỗi của Thiên Chúa và ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Dựa trên mặc khải, thánh Anphongsô dùng nền tảng giáo lý khi chống lại thuyết Tiền Định để ủng hộ cho ơn cứu độ phổ quát. Ngài lưu ý việc mặc khải này cũng liên hệ với ý định cứu rỗi của Thiên Chúa qua các hình thức cầu nguyện khấn xin, lời khẩn khoản, lời chuyển cầu và sự cầu nguyện của các Ki-tô hữu. “Tôi nhấn mạnh rằng lời khẩn khoản, lời cầu nguyện, lời chuyển cầu và lời tạ ơn được dùng cho tất cả mọi người… Điều này là đúng đắn và được chấp nhận trong cách nhìn của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, Đấng khao khát cho mỗi người chúng ta được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,1-4). Đối với thánh Anphongsô, chống lại thuyết Jansen và thuyết Tiền Định là điều hoàn toàn thích đáng vì Thiên Chúa sẽ không bao giờ chống lại tự do của con người, do đó cầu nguyện khấn xin thật sự là quan trọng.

Thiên Chúa ban cho mỗi người ơn ban để cầu nguyện vì Người muốn tất cả mọi người đều được cứu rỗi. Ngươi luôn đi bước trước (khẳng định chủ quyền của Thiên Chúa), nhưng Người chọn hành động theo cách thức tôn trọng và khoan dung đối với tất cả mọi người mà không có sự phân biệt, đặc biệt hướng đến những người nghèo, những người chưa bao giờ được nhìn nhận là thành phần của những người “xuất chúng” hoặc những người thuộc “tinh thần ưu tú”. Thiên Chúa mời gọi mọi người bước vào tình thân hữu, sự tương trợ, sự đối thoại ngang qua sự nghiêng mình xuống trong những lời cầu nguyện khấn xin. Cha Kevin O’Shea diễn tả sự phát triển tương quan này trong một tác phẩm nhỏ của ngài về thánh Anphongsô và thần học luân lý – Sự Nhã Nhặn Của Thiên Chúa (The Courtesy of God).

  1. Lời cầu nguyện của tạo thành

Lời nguyện xin là một cách thức nhắc nhớ chúng ta là những tạo thành và Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa. Nó là lời cầu nguyện chất phác nhất của những con người nhìn nhận mình nghèo nàn và phụ thuộc. Bởi vì chúng ta là những tạo thành, chúng ta nghèo túng tự bản chất, do đó chúng ta phải cầu xin sự nuôi dưỡng, sự trợ giúp và trợ lực. Chúng ta đặt niềm tin nơi cha mẹ, bạn bè, giáo viên và chủng tộc của chúng ta. Chúng ta không thể tự lấy làm đủ nơi chính mình. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta trở nên ngu ngốc khi tự cho mình là đủ!

Cha Paul Hitz nhắc nhở chúng ra rằng lời nguyện xin diễn tả nhu cầu về Ơn Cứu Độ – về Đấng Cứu Độ – rằng Ơn Cứu Độ chỉ được trao ban cho những ai khao khát mong chờ. Cũng vậy, được gợi hứng từ thánh Têrêsa Avila, thánh Anphongsô đã viết, Thiên Chúa có thể và sẽ chỉ làm chúng ta no thỏa tới hạn mức của lòng khao khát ở nơi mình.[8]

Có bao giờ chúng ta tự hỏi mùa Vọng bắt đầu với lời cầu nguyện và khao khát của dân Israel, cũng là điều mà chúng ta ao ước: “Lạy Chúa xin hãy xé trời và ngự xuống với chúng con”. Câu Kinh Thánh này đến từ ngôn sứ Isaia, được công bố trong Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng, là bản văn yêu thích của thánh Anphongsô. Vào cuối mùa Vọng, khát khao của chúng ta đã được nhận thấy khi chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, nơi ấy các tầng trời mở ra và Chúa Thánh Thần đã ngự xuống tựa chim bồ câu. Lời cầu xin của chúng ta đã được nhậm lời – Thiên Chúa đã mở tầng trời và ngự xuống trên chúng ta.

Lời nguyện xin là lời cầu nguyện của một người con, một người đau khổ, một người nhận ra sự nghèo túng của mình. Nó là lời cầu nguyện thâm sâu trong bản chất con người, một lời cầu nguyện gần gũi, tôn trọng phẩm giá con người.

  1. Lời nguyện xin là cách cầu nguyện được Chúa Giêsu dạy

Thánh Anphongsô nhận ra lời nguyện xin đã được chính Chúa Giêsu dạy. Nó chiếm vị trí ưu tiên trong cả bốn Tin mừng. Thật vậy, Chúa Giêsu thường dạy các môn đệ kiên nhẫn trong cầu nguyện, “cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (x. Lc 11,9). Người thường xuyên dặn dò các môn đệ hãy xin Cha trên trời – Đấng thấu suốt mọi nhu cầu, và lời cầu xin của họ sẽ được nhậm lời. Người nhắc nhở các môn đệ rằng nơi nào có hai hay ba người họp nhau để cầu nguyện nhân danh Người, thì họ sẽ được nhậm lời (x. Mt 18,19). ‘Kinh Lạy Cha’, vốn là một mẫu hình cầu nguyện của các Kitô hữu diễn tả mối tương quan của cộng đoàn đức tin với Thiên Chúa bằng những từ ngữ thân thương, chứa đựng một chuỗi các lời nguyện xin. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Tin mừng Gioan là một lời nguyện xin (x. Ga 17). Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Ghetsemane – một lời cầu nguyện đau khổ và cảm giác bị bỏ rơi – cũng là một lời nguyện xin.

  1. Lời cầu nguyện của Hội Thánh

Cách thức cầu nguyện này được nối tiếp và diễn tả trong lời cầu nguyện của Phaolô và trong Phụng vụ của Hội thánh – Phụng vụ các Giờ Kinh và Thánh Thể. Thánh Anphongsô đã quan sát toàn bộ truyền thống và nhận ra, kinh nghiệm từ các thế hệ Ki-tô hữu và của các cộng đoàn địa phương đã dạy rằng lời nguyện xin có một sự phát triển nhất định và có một chỗ ưu tiên trong truyền thống cầu nguyện của Ki-tô giáo.

Sau ngày 9/11, tôi đã nghe thấy một số giáo xứ không còn nhắc đến sự kiện đau thương này trong lời nguyện tín hữu trong ngày Chúa Nhật nữa – họ đã sử dụng những lời nguyện có sẵn. Một số giáo dân đã phản ứng với sự bỏ qua này, điều này cho thấy nhu cầu cần thiết trong việc đưa các kinh nghiệm sống hàng ngày vào lời cầu nguyện của họ.

  1. Cầu nguyện và ơn cứu độ

Sự liên hệ giữa cầu nguyện và ơn cứu độ thể hiện rất rõ trong tư tưởng và các tác phẩm của Anphongsô và đã được trích dẫn trong Giáo lý Hội Thánh Công Giáo: “Ai cầu nguyện chắc chắn sẽ được cứu độ và ai không cầu nguyện chắc chắn sẽ bị luận phạt”.[9] Nhiều người hiểu nhầm câu trích dẫn của thánh Anphongsô này là để chỉ sự cần thiết của tâm nguyện (mental prayer). Tôi cũng hiểu như thế trong bao nhiêu năm – tôi nghĩ rằng thánh Anphongsô nói đến tâm nguyện trong câu trích này. Không phải thế, thánh Anphongsô tin rằng tâm nguyện thì rất quan trọng, và thậm chí có thể ‘cần thiết hơn về mặt luân lý’ để đạt tới ơn cứu độ – thế nhưng lời nguyện xin cũng là một phương thế cần thiết để đạt tới ơn cứu độ.

Thánh Anphongsô bảo vệ tầm quan trọng của lời nguyện xin vì một số lý do sau:

Trước hết và trên hết, đây là tác động ân sủng của Thiên Chúa trong bản tính con người hơn là một hành động của con người thuần túy.

Đây là cách cầu nguyện của người nghèo, là những người mà Chúa Giêsu đã tự đồng hóa với họ, và thánh Anphongsô cũng vậy.

Nó mở rộng tâm hồn chúng ta để đón nhận thánh ý Chúa và qua đó, chúng ta trở thành những người cộng tác trong công trình cứu độ của Người.

Lời nguyện xin không phải là sự thông tri cho Thiên Chúa những nhu cầu của chúng ta, hoặc thay đổi ý định của Thiên Chúa, nhưng thông qua đó Thiên Chúa biến đổi chúng ta.

Lời nguyện xin mở ra mối tương quan tình yêu với những người mà chúng ta cầu nguyện cho, và mời gọi chúng ta đối xử với họ trong tình yêu như Thiên Chúa đã đối xử với chúng ta.

Lời nguyện xin dẫn đến một đời sống tạ ơn, biết ơn và chúc tụng vốn được đề cập nhiều trong Kinh Thánh, và trên hết trong kinh Magnificat.[10]

Tôi muốn nhấn mạnh một vài điểm trên.

  1. Lời cầu nguyện của người nghèo

Lời nguyện xin là cách cầu nguyện dễ hiểu và dễ thực hiện nhất đối với những người nghèo. Họ đối diện với những nhu cầu hàng ngày, và họ kêu lên trong sự nghèo đói của chính mình. Chính Chúa Giêsu đã đồng hóa mình với những người nghèo, và thánh Anphongsô cũng thế.

Thánh nhân xuất phát từ một gia đình quý tộc và quyền thế tại Napoli – xã hội mà ngài sống chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lối cầu nguyện của những người theo chủ nghĩa lập dị và trường phái suy niệm của những người ưu tú. Những hạng người ưu tú, những người giàu đều có thời gian và cơ hội để học các phương pháp suy gẫm, làm các cuộc linh thao, tham dự các cuộc tĩnh tâm – thậm chí các cuộc tĩnh tâm nhiệm nhặt trong tu viện. Nhưng thánh Anphongsô tự hỏi, có khi nào họ ý thức về những nhu cầu, sự nghèo đói và sự lệ thuộc thực sự của họ nơi Thiên Chúa. Thực tế, họ sống theo cách mà dường như họ không ý thức về những điều này. Điều này cũng có thể xảy ra cho chúng ta vậy!

Những người nghèo dạy cho thánh Anphongsô về một sự lệ thuộc căn bản, và chính vì thế Thiên Chúa đã cúi xuống đến với họ trong chính những khát vọng của họ. Lời nguyện xin dạy cho người ta trở nên con người hơn, và lời cầu nguyện trở nên thiết thực hơn. Cha Jorge Colón, C.Ss.R. đã phát triển chủ đề này qua một bài viết dài trên bản tin tông đồ cầu nguyện.[11]

  1. Mở lòng ra với Thiên Chúa

Thánh Anphongsô nhận ra rằng tất cả những chỉ trích đương thời về hình thức lời nguyện xin là hợp lý nếu chúng ta hiểu lời nguyện xin như là một hành động hoàn toàn từ phía con người. Tuy nhiên, ngài không hiểu theo cách thức đó. Ngài hiểu lời nguyện xin như là một hoạt động của Thiên Chúa trong chúng ta. Những lời nguyện xin là lời đáp trả của chúng ta đối với ân sủng của Thiên Chúa. Thánh Anphongsô nhận thức rõ ràng, cầu nguyện không phải là thông tin (informing) những nhu cầu của chúng ta hoặc nhu cầu của người khác lên Thiên Chúa, nhưng qua cầu nguyện chúng ta có thể ý thức hơn về những nhu cầu đó. Sự ý thức này phải dẫn chúng ta đến những hành động cụ thể thay cho người khác. Lời nguyện xin chấp nhận để Thiên Chúa làm cho lòng trắc ẩn lớn lên trong chúng ta, để chúng ta trở nên ‘đức tin hành động nhờ đức ái’ (x. Gl 6,5). Thông qua việc giải thích ý nghĩa của lời nguyện xin, thánh Anphongsô đã giải quyết sự tranh luận giữa đức tin và việc làm.

Thánh Anphongsô đã viết rằng chúng ta không thể cầu nguyện để thay đổi Thiên Chúa, nhưng vì cầu nguyện mà Thiên Chúa có thể thay đổi chúng ta, thay đổi mỗi người và cộng đoàn đang cầu nguyện. Khi tôi mở chính mình ra cho hồng ân và hành động của Thiên Chúa, khi cộng đoàn mở chính mình ra cho hồng ân và hành động của Thiên Chúa, thì tôi sẽ được biến đổi và cộng đoàn cũng được biến đổi. Đây là sự bảo đảm tính cách hiệu lực của lời cầu nguyện. Thật vậy, khi chúng ta thay đổi, chúng ta trở thành công cụ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

Liên hệ với Thomas Merton, có một câu chuyện rất hay sẽ làm sáng tỏ vấn đề đang bàn. Thomas Merton rất nổi tiếng trong một phong trào về quyền dân sự. Có một linh mục trẻ đã viết cho cha Merton một lá thư. Ngài là một cha xứ ở vùng Deep South. Trong giáo xứ của ngài có hai nhà thờ, một cho người da trắng và một cho người da màu. Vị linh mục trẻ nói điều này không đúng với tinh thần Kitô giáo và muốn thay đổi nó. Nhưng ngài gặp phải sự chống đối. Ngài viết cho cha Thomas Merton và hỏi rằng: “Tôi nên làm gì?” Thomas Merton trả lời rằng ngài không nên làm điều gì cả – chỉ cầu nguyện mà thôi. Và khi có một điều gì cần làm, vị linh mục trẻ không cần phải hỏi làm thế nào. Ngài bắt đầu cầu nguyện mỗi buổi sáng tại nhà thờ dành cho người da trắng, và mỗi buổi tối tại nhà thờ dành cho người da màu cho sự hiệp nhất của giáo xứ. Người ta bắt đầu hỏi ngài đang làm chuyện gì vậy, và ngài trả lời họ là cầu nguyện. Một vài người trong số họ bắt đầu cầu nguyện với ngài – cho người da trắng trong buổi sáng và cho người da màu vào buổi tối. Sau đó, khi một số người da trắng không thể cầu nguyện vào buổi sáng, họ cầu nguyện với ngài vào buổi tối trong nhà thờ dành cho người da màu. Và khi một số người da màu không thể cầu nguyện vào buổi tối, họ bắt đầu cầu nguyện với ngài vào buổi sáng trong nhà thờ dành cho người da trắng. Qua một thời gian, điều này cứ tiếp tục diễn ra mà ngài không cần phải làm điều gì cả. Cuối cùng người da màu và da trắng đã cầu nguyện với nhau thường xuyên trong mỗi nhà thờ, và giáo xứ đã trở nên hiệp nhất. Quả thật, cầu nguyện làm thay đổi họ!

Một vài năm trước đây, chúng tôi kinh nghiệm điều tương tự ở Toronto. Trong một khu bỏ hoang của thành phố, những tay buôn bán ma túy đã bán những chất gây nghiện cho trẻ em trên đường phố. Những cô gái mại dâm chào mời khách tại những góc đường. Tình trạng bạo lực của các băng đảng khuấy động sự sợ hãi trong nhiều gia đình. Một nhóm Kitô hữu nữ bắt đầu một dự án gọi là Take back the night – Lấy lại từ đêm tối. Họ quy tụ bên ngoài trời để cầu nguyện, hát thánh ca và đọc Kinh Thánh. Họ cùng diễu hành qua các con phố, và dừng lại cầu nguyện tại nhiều điểm khác nhau. Dần dần, tỉ lệ tội phạm suy giảm rõ rệt.

Cách thức cầu nguyện này đào sâu mối tương quan hiệp thông trong cộng đoàn Kitô hữu, và trong gia đình nhân loại – bởi vì ý định của Thiên Chúa là tất cả đều được cứu độ.

Lời nguyện xin là một ‘hành động’ thực sự. Nó không phải là một điều gì đó chúng ta làm để ‘cảm thấy’ tốt. Nó là sự tham dự vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện trong cách thế này là để làm công việc của Thiên Chúa.

  1. Lời nguyện xin và thánh ý Thiên Chúa

Thánh Anphongsô tin rằng tất cả những lời khấn xin đều hướng tới hai lời thỉnh cầu quan trọng là sự bền chí và tình yêu. Đây là những ơn ban cao cả hơn mọi ơn ban khác mà chúng ta phải cầu xin ngày qua ngày, bất chấp điều ấy xem ra tẻ nhạt với bản thân tôi thế nào.

Mục tiêu tiên quyết của mọi lời cầu nguyện, và đặc biệt lời nguyện khấn xin giúp tôi trở nên một với thánh ý Thiên Chúa, tiếp tục sự hiện diện và sứ mạng của Chúa Giêsu để cứu độ thế giới này. Ở đây, xin nhắc lại rằng thánh Anphongsô tin vào ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Đây là thánh ý của Chúa trên tất cả mọi sự – rằng tất cả đều được cứu độ. [Tất cả các kinh nghiệm và hiểu biết tình yêu Thiên Chúa đều vượt quá và ở trên tất cả mọi kiến thức có thể lãnh hội].

Chúng ta có thể nghĩ rằng mối bận tâm của thánh Anphongsô với thánh ý của Thiên Chúa là về điều này hoặc điều kia, về việc này hay việc nọ! [Nếu chúng ta nghĩ như vậy], chúng ta đang bán khống Chúa và đang bán khống thánh Anphongsô! Vì những cách diễn đạt như vậy quá hạn hẹp, quá nhỏ bé để chứa đựng khao khát vĩ đại của Thiên Chúa đã được liên kết trong tình yêu, như hình ảnh bàn tiệc cánh chung được trình bày tuyệt hảo trong Isaia chương 25!

Thánh Anphongsô dạy chúng ta cầu nguyện để tương hợp với thánh ý Chúa – để chúng ta có thể làm những gì Chúa muốn và chấp nhận những gì Chúa định. Điều này được cha Henk Manders, C.Ss.R. gọi là ‘sự từ bỏ’ (resignation). Tuy nhiên từ tương hợp (conformity) đến đồng nhất với thánh ý Chúa (uniformity with God’s will) có nghĩa là ý của tôi chỉ là những gì Chúa muốn, khao khát thực sự của tôi là những gì Chúa khao khát, tôi thấy như Chúa thấy và yêu như Chúa yêu; đây là những nguyên tắc và ân sủng luôn hướng dẫn tôi! Điều này cha Manders gọi là ‘đầu phục’ (surrender), và nó mở ra một khả năng để tiến tới một mối tương quan cộng sự đích thực với Thiên Chúa trong việc thực thi công trình cứu độ của Người. Từ tương hợp đến đồng nhất. Từ sự từ bỏ đến đầu phục.[12]

Theo nghĩa này, tôi không cầu nguyện để có ân sủng làm những việc tôi phải làm (nhiệm vụ) – đây là lối suy nghĩ theo chủ nghĩa luân lý. Điều cần làm khi cầu nguyện là để xin ân sủng của Thiên Chúa giúp mình, trong tư cách là một bạn hữu, nhận định để biết điều gì mình cần phải làm với Người – điều này dẫn đến:

Trước hết, chủ nghĩa luân lý đề cao nghĩa vụ và luật lệ. Thứ hai, luân lý đề cao lương tâm và tự do, tôn trọng và ‘nhã nhặn’. Điều này làm cho chúng ta trở thành một cộng sự viên (partner) của Thiên Chúa. Với lý do này, một người không thể làm về thần học luân lý nếu không có cầu nguyện. Làm thế nào để tôi có thể dùng những nguyên tắc phổ quát này và biện phân để có thể áp dụng chúng vào một trường hợp cụ thể? Làm sao tôi có thể thực sự biết thánh ý Thiên Chúa mà không cầu nguyện?

Đây là tình yêu mà trong đó chúng ta cầu nguyện – không phải như một cảm giác lãng mạn, ấm áp và mờ nhạt – nhưng là một tình yêu muốn trở nên một với Thiên Chúa, khao khát Thiên Chúa, mong mỏi những gì Thiên Chúa mong mỏi, ước muốn những gì Thiên Chúa ước muốn. Thánh ý Thiên Chúa là ơn cứu độ cho tất cả mọi người, như đã được diễn tả trong 1Tm 2,1-8.

Lời nguyện xin giúp tôi trở thành bạn hữu của Thiên Chúa. Tôi nhớ lại một bài nhạc đồng quê rất hay của Carrie Underwood: “Giêsu, hãy cầm lấy bánh lái”. Tôi vừa bình chọn cho bài hát này trong top đầu ở Canada. Tôi rất thích bài hát này. Nó đưa ra một bức tranh có ba tình huống khác nhau trong đó người ta khám phá ra, họ không thể giải quyết các tình huống trong cuộc sống bằng sức riêng của mình. Họ mời Chúa Giêsu cầm lấy bánh lái, nhưng họ cũng không buông xuôi. Họ cùng lái con thuyền với Người. Tôi nghe hai người thảo luận với nhau về bài hát đó. Một người thích bài hát vì anh ta nghĩ thật tuyệt vời khi chỉ việc ngồi đằng sau và để Chúa Giêsu điều khiển và hướng dẫn cuộc đời anh ta đến lúc hoàn thành. Người khác hoàn toàn không thích bài hát với cùng lý do đó. Anh ấy cho rằng đó là sự từ bỏ ý định, tình yêu và quà tặng Thiên Chúa đã ban cho. Khi tôi nghe bài hát ấy, tôi đồng ý với cả hai người, Chúa Giêsu và cả người cầu nguyện với đôi tay còn trên bánh lái. Nó tựa như lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin mừng Mát-thêu: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi… Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,29-30). Ách của Người được cả hai bên cùng mang trong sự hợp tác, cùng mang gánh nặng với nhau, nhưng mỗi bên đều góp phần của mình vào đó

  1. Lời nguyện xin

Thánh Anphongsô nhận biết rằng lời nguyện xin sẽ dẫn đến sự chúc tụng. Chúng ta không cần dạy một em nhỏ làm sao để xin điều mà chúng muốn. Chúng ta có thể phải dạy chúng nói lời biết ơn, nhưng không cần dạy chúng phải xin điều gì. Tuy nhiên, chúng ta có thể cần dạy chúng làm sao để nói lời cảm ơn. Mẹ tôi luôn nhắc chúng tôi viết lời cảm ơn trong ngày Lễ Giáng sinh và bà giúp chúng tôi làm điều đó. Thánh Anphongsô khuyến khích chúng ta dâng lời tạ ơn sau khi rước lễ cũng như trong mỗi lần cầu nguyện.

Việc Thiên Chúa đáp trả lòng khát khao của Mẹ Maria về ơn cứu độ cho Israel trước tiên dẫn đến sự cộng tác và sau đó là lời ca tụng của Mẹ. Và đó cũng phải là điều chúng ta nên làm. Nó là điều rất tự nhiên, thậm chí không cần phải được thúc đẩy. Thái độ biết ơn trở thành một linh đạo, một cách sống cho những ai sống trong tình yêu.

  1. Đi bước trước

Nên nhớ rằng chính Thiên Chúa là Đấng đi bước trước trong lời nguyện xin chứ không phải chúng ta. Chính Thiên Chúa ban ân sủng để chúng ta cầu nguyện. Chính Thiên Chúa thúc đẩy trong ta lòng khao khát cầu nguyện. Thậm chí Thiên Chúa vun trồng trong chúng ta những ý tưởng để chúng ta có thể cầu nguyện trong ý thức của mình. Anh em có nhớ lời khuyên của thánh Phaolô trong lá thư gửi cho tín hữu Rôma? “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải…” (Rm 8,26).

Đôi lúc tôi gặp phải những phân tâm trong khi cầu nguyện. Một linh mục lớn tuổi đạo hạnh đề nghị tôi thay vì cố tránh những sự phân tâm, tôi hãy dâng lên một lời nguyện đơn sơ cho một mục đích cụ thể và hãy để những sự phân tâm trôi dạt đi một cách tự nhiên. Và nó thực sự hiệu quả.

  1. Cách thực hành

Cầu nguyện cho ơn bền đỗ và tình yêu, cho sự mở lòng ra đối với ân sủng Chúa. Cầu nguyện những điều này hàng ngày. Làm cho chúng trở thành những lời cầu nguyện thực sự. Hãy tự nhiên trong việc trò chuyện với Chúa.

Thực hành việc chuyển cầu ơn lành cho người khác, cho thế giới, cho những nhu cầu bạn nghe từ tin tức. Làm một danh sách những ý nguyện bạn muốn dâng lên Chúa và cả những ý nguyện riêng tư của bạn mỗi ngày. Hãy lắng nghe Thần Khí: “Thần khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26).

Hãy chú ý đến những ao ước và khát vọng của anh em.

  1. Tự nhiên và bình dân

Đã bao giờ anh em kinh nghiệm thời khắc của ân sủng, lòng trắc ẩn khi anh em cầu nguyện một cách tự nhiên và không cần phải suy nghĩ? Một thời khắc làm cho tôi nhớ mãi đó là lúc tôi xem vở nhạc kịch Les Miserables. Vào cảnh cuối cùng khi Jean Valjean cầu nguyện cho một anh thanh niên mà con gái nuôi của ông ấy đang yêu. Jean Valjean muốn thoát khỏi cách mạng đang lớn mạnh ở Paris và chạy tới London. Ông muốn bảo vệ con gái nuôi của mình. Ông không muốn cầu nguyện cho anh thanh niên kia, thậm chí ông không thích anh thanh niên đó. Tuy nhiên, ông lại cầu nguyện cho anh thanh niên rằng: “Xin hãy mang anh này về nhà”.

Lời cầu nguyện ấy đã thay đổi Valjean. Ông nhận ra khi ông xin Chúa hãy mang anh thanh niên này về nhà, Thiên Chúa lại đòi hỏi chính ông: Này Jean Valjean ! ‘Hãy mang anh ta về nhà’. Khi tôi xem cảnh này, tôi nghĩ đến nhiều người mà tôi quen biết, những người mà tôi cầu nguyện cho họ, và tôi đã cầu nguyện ngay trong đêm ấy tại rạp hát. Khi cầu nguyện, tôi xin Chúa mang họ về nhà. Tôi nghe thấy chính Chúa đang yêu cầu tôi mang họ về nhà.

Tự nhiên – Bình dân – Đơn giản – Sâu thẳm

Tôi muốn để lại cho anh em một hình ảnh. Thiên Chúa sẽ mang họ về nhà khi chúng ta thực hiện điều đó! Qua lời nguyện xin, khi chúng đến từ trái tim của chúng ta, Thiên Chúa mời chúng ta trở thành bạn đồng hành với Người cho chương trình cứu độ thế giới. Đó có thể là ý nghĩa và mục đích sâu xa nhất của lời nguyện xin.

 

(Còn tiếp chương 3)

 


 

[1] ND: Đây có thể là hình thức cầu nguyện phổ biến nhất. Khi dùng hình thức cầu nguyện “khấn xin”, chúng ta xin Chúa – Đấng luôn yêu thương chúng ta, cho chúng ta những điều mà chúng ta cho là tốt với bản thân và với người khác. Bằng hình thức cầu nguyện này, chúng ta ý thức nhu cầu của người khác và cả của chúng ta. Chúng ta ý thức rằng Chúa muốn chúng ta trình bày những vấn đề, những ưu tư lo lắng vào việc cầu nguyện trong ý thức Chúa luôn nghe và đáp lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa có thể đáp trả những lời xin của chúng ta theo cách thức và thời điểm mà Người muốn, nhưng tin rằng Chúa luôn trao ban những điều cần thiết cho chúng ta.

Những lời cầu nguyện khấn xin nhắc nhở chúng ra rằng Thiên Chúa mong đợi chúng ta quan tâm đến nhau và đến toàn thể tạo thành. Chúng ta có thể cầu nguyện cho những vấn đề hằng ngày như: người đang bị bệnh, xin việc làm, giúp việc học, xin đi lại bình an, cầu nguyện bình an cho gia đình và cho thế giới. Đồng thời chúng ta có thể trình bày sự hối hận ăn năn của chúng ta trong lời cầu nguyện.

(Nguồn: https://www.cathedralstm.org/about-our-catholic-faith/expressing-our-faith/four-basic-forms prayer/?)

[2]Cách thức chuyện trò liên lỉ với Thiên Chúa như một người bạn”, CWS, p. 284-285.

[3] Lc 3,21; 5:15-16; 6, 12-13; 9,18-21.28-29; 10,21-22; 11,1; 22,17.31-32.41-42; 23,34.46 & những đoạn song song, x. Ga 11,41 & chương 17.

[4] ND: “Học thuyết phái Jansen tự nhận là dựa vào truyền thống của thánh Augustinô, được giám mục Jansen gốc Hà Lan (1585-1638) trình bày trong tác phẩm Augustinus xuất bản năm 1640 (khi ông đã mất). Khá giống với Calvin, Jansen tỏ ra bi quan về bản tính con người đã hư hỏng do tội nguyên tổ; chỉ những ai được tiền định mới được cứu; sống nghiêm ngặt về luân lý là dấu hiệu được tiền định”. (Nguồn: https://giaophanvinhlong.net/Chuong-14-Giao-Hoi-Va-Cuoc-Khung-Hoang-Luong-Tam-phan-1.html)

[5] Lời người dịch: “Một hệ thống thần bí tôn giáo dạy rằng sự hoàn hảo và bình an tinh thần đạt được bằng cách tiêu diệt ý chí và thụ động trong việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa và những điều thiêng liêng”. (Nguồn: https://www.merriam-webster.com/dictionary/quietism)

[6] Các phương thế tuyệt hảo của ơn cứu độ, (Grimm biên tập), vol 3, p. 49.

[7] X. The Great Means of Salvation and Perfection (Các Phương Thế Tuyệt Hảo Của Ơn Cứu Độ và Sự Hoàn Thiện), Grimm biên tập, Vol 3, p. 109-116.

[8] Saint Anphonsus Liguori, The Practice of the Love of Jesus Christ. A New Translation by Peter Heinegg, Liguori, Missouri: Liguori Publication, 1997, p. 76.

[9] GLHTCG, #2744, trích từ Các Phương Thế Tuyệt Hảo của Ơn Cứu Độ (Grimm biên tập), vol. 3, p. 49.

[10] The Great Means of Salvation and of Perfection, (Grimm ed.), Vol 3, pp. 25-104.

[11] Colón, The Apostolate of Prayer, pp. 14-20; the same is in Readings in Redemptorists Spirituality, vol. 3, pp. 9-15.

[12] Fr. Henk Maders, C.Ss.R., “Love in the Spritituality of Saint Alphonsus”, in Readings in Redemptroist Sprituality, Vol 2, pp. 63-65. Cf. Alphonsus’ little work: “Conformity to the Will of God”, in CWS., pp. 69-93.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube