Bách hại, chiến tranh và nghèo đói: Cuộc sống hết sức khó khăn của các tín hữu Công giáo ở Myanmar

Cộng đồng đã tìm thấy sức mạnh và nguồn cảm hứng qua các giáo huấn của Giáo Hội, và chuyến viếng thăm gần đây của ĐTC Phanxicô tới nước này đã tạo ra những động lực mới cho công cuộc truyền giáo. Cuộc đàn áp tôn giáo tiếp theo tiểu bang Kachins ở Yangon. Cuộc chiến đấu “đã phá hủy hy vọng và ước mơ của những người trẻ ở tiểu bang Shan phía bắc”.

Yangon (AsiaNews) – Người Công giáo Myanmar hiện đang phải đối diện với nhiều thách thức trên cơ sở hàng ngày, bao gồm cả cuộc đàn áp tôn giáo, các cuộc xung đột sắc tộc và cả những khó khăn về mặt kinh tế.

Ở một đất nước nơi mà 89,2% dân số là các Phật tử, các Kitô hữu luôn chỉ là một cộng đồng thiểu số. Sau những nỗ lực to lớn và rất nhiều anh hùng tử đạo trong số các nhà truyền giáo đã ngã xuống, các tín hữu Công giáo hiện chỉ đạt được con số 675.745 người, chỉ hơn 1% dân số.

MYANMAR_-_0821_-_FamiglieTuy nhiên, cộng đồng đã tìm thấy sức mạnh và nguồn cảm hứng qua các giáo huấn của Giáo Hội, và chuyến viếng thăm gần đây của ĐTC Phanxicô đã tạo ra cho các thành viên của mình một động lực mới để rao giảng Lời Chúa.

Margaret Hla Yin đã nhận biết điều này một cách hết sức rõ ràng. Bất chấp sự nghèo đói của gia đình mình, bà Margaret đã tham gia vào các hoạt động từ thiện bác ái của phong trào Legio Mariae ở Yangon.

“Tôi sống ở đây cùng với con gái tôi”, người phụ nữ lớn tuổi phát biểu với AsiaNews. “Trước kia, một đầu lương đã đủ để có thể sống. Nhưng hiện nay phải gấp ba hoặc bốn lần như vậy mới đủ sống”.

“Con gái tôi làm việc ở lễ tân khách sạn. Mỗi ngày tôi chờ nó trở về nhà. Sự cô đơn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của những người cao niên như tôi. Tuy nhiên, vào những ngày cuối tuần, tôi đi với những người tình nguyện viên vào các khu ổ chuột của thành phố. Vì vậy, tôi học được cách để đối phó với nó”.

Bà Margaret là một người thuộc dân tộc Kachin, đến từ tiểu bang cùng tên ở miền bắc Myanmar, vốn hiện đang bị lôi kéo trong cuộc chiến dữ dội giữa quân đội chính phủ và Quân đội Độc lập Kachin (KIA). Hầu hết các tộc người Kachin đều là những người Ki tô giáo.

Thậm chí ngay cả ở Yangon, cuộc bức hại tôn giáo vẫn đang diễn ra. ” Thậm chí ngay cả ở đây, người Công giáo Kachin đang bắt đầu phải chịu những hạn chế về mặt tôn giáo”.

“Trước kia, khi chúng tôi cử hành Thánh Lễ, có rất ít những giới hạn được đưa ra bởi chính phủ. Nhưng năm nay, chính quyền địa phương bắt đầu yêu cầu chúng tôi phải xin phép mỗi tháng. Một số nhóm Phật giáo thậm chí còn sử dụng loa phóng thanh ngày đêm để làm gián đoạn các cuộc họp của chúng tôi”.

Myu San, một nghệ sĩ 26 tuổi đến từ Bhamo, cũng đã rời Bang Kachin và gia đình để thử vận may của mình tại Yangon. “Tôi kiếm sống với những bức tượng Công giáo do tôi làm ra”, Myu San nói. “Ở Myanmar, cơ hội việc làm rất ít và đối với những người trẻ, quả thực vô cùng khó khăn để có được một mức lương kha khá”.

“Nền kinh tế của đất nước hiện đang trong cuộc khủng hoảng do chiến tranh thương mại và nhiều doanh nghiệp đang đóng cửa. Mặc dù vậy, tôi vẫn tìm thấy nguồn cảm hứng trong công việc của mình và một lý do để đi tiếp”.

Cuộc chiến “đã phá hủy hy vọng và ước mơ của những người trẻ ở bang Shan phía bắc”, Hkawn Mai, 30 tuổi, đến từ Muse, một thành phố nằm ở biên giới giữa Miến Điện và Trung Quốc, cho biết.

“Cuộc nội chiến giữa các phiến quân địa phương và quân đội khiến cuộc sống hàng ngày trở nên ngày càng hết sức khó khăn hơn”, Hkawn Mai giải thích.

“Giáo xứ của tôi tiếp nhận và giúp đỡ hàng trăm người tỵ nạn. Trong khoảng hơn 5 năm, Caritas Myanmar và cộng đồng Kitô hữu đã cung cấp sự hỗ trợ và chỗ ở cho những người dân bị di tản.

“Hòa bình quả thực vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Thậm chí ngay cả khi nó có vẻ như là một điều gì đó hết sức xa vời, chúng tôi vẫn tiếp tục hy vọng và cầu nguyện cho hòa bình”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube