Amoris Laetitia gây tranh luận

Nhiều người nghĩ rằng tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng của Đức Phanxicô về gia đình “Amoris Laetitia” (AL) có vẻ đã được viết trong một hình thức mơ hồ cố ý, cho phép mọi người đọc theo những gì họ muốn, đặc biệt về vấn đề nan giải là việc rước lễ của những người ly dị tái hôn. Các nhà thần học, các vị giám mục và hồng y đang phải nỗ lực đưa ra một cách giải thích rõ ràng và không mơ hồ, phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội mọi thời đại.

Trong vòng 4 tháng qua, kể từ khi AL được công bố (08/04/2016), đã xảy đến những cuộc tranh luận đôi khi rất gay cấn và trái chiều về tông huấn này.

Một số người phản đối

AL bị chỉ trích

Ngay từ sau khi AL được công bố, một số người đã coi tông huấn nói chung và cước chú 351 nói riêng, là một tai họa. Ở đây, chúng ta sẽ chỉ nhắc đến một vài ý kiến như là những ví dụ điển hình.

Trước hết phải kể đến một lời phản đối đến từ bên ngoài Hội Thánh Công Giáo nhưng phản ánh lập trường cực bảo thủ. Đó là lời phản đối của vị lãnh đạo Huynh Đoàn Thánh Pio X, giám mục Bernard Fellay, trong một bài giảng tại Puy-en-Velay hôm 10/4/2016, hai ngày sau khi AL được công bố. Ông cho rằng AL theo lập trường chủ quan chủ nghĩa và tương đối chủ nghĩa về luân lý: “Luật khách quan đã bị thay thế, theo cách thức thệ phản, bởi lương tâm cá nhân (…). Thay vì đề cao điều phải được đề cao như nó phải là, thì người ta lại hạ thấp nó xuống cho vừa tầm với sự buông thả luân lý của những người theo chủ thuyết hiện đại và cấp tiến”. Tóm lại, theo Bernard Fellay, thay vì niềm vui, thì chỉ là chuyện đáng than khóc!

Ngày 28/4/2016, đúng 3 tuần sau khi AL được công bố, trong một cuộc phỏng vấn với Hãng Thông Tấn Công Giáo Đức (German Catholic News Agency), Robert Spaemann nói rằng hầu hết các nội dung trong tông huấn AL của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội – mặc dù một số đoạn có khả năng bị đọc khác đi. Tuy nhiên, theo Spaemann, số 305 khi đọc với cước chú 351 đi kèm, “trực tiếp mâu thuẫn [widerspricht direkt] với số 84 của tông huấn Familiaris Consortio của Đức Gioan Phaolô II”.

Spaemann được công nhận là một trong những nhà triết học hàng đầu của Châu Âu hiện nay, đã viết gần 20 cuốn sách, và là người nổi tiếng ở phạm vi quốc tế vì những nghiên cứu của ông trong lãnh vực luân lý cũng như trong các lãnh vực khác. Ông cũng là một trong số các nhà tư tưởng gần cận với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và đã từng tham dự các cuộc họp do ngài tổ chức.

Theo Robert Spaemann, vấn đề rước lễ của những người ly dị tái hôn là một vấn đề thuộc dạng “có hoặc không”, và tông huấn AL của Đức Giáo Hoàng có thể dẫn đến một cuộc ly giáo.

Spaemann nói: “Đừng hy vọng rằng mọi người sẽ thưởng thức một văn bản đẹp và bỏ qua câu quan trọng làm thay đổi giáo huấn của Giáo Hội [die Lehre der Kirche verändern] trong một văn kiện giáo hoàng. Sự thực là chỉ có một quyết định rõ ràng có-hay-không: cho rước lễ hay không cho rước lễ, không có vị trí nửa vời ở giữa hai điểm đó”.

Ngày 18/7/2016,  Catholic Herald tường thuật rằng họ đã nhận được bản sao với đầy đủ chữ ký của một lá thư do 45 nhà thần học gửi đến 218 Hồng Y, đề ngày 29/6/2016, cùng với văn bản dài 13 trang, kết án điều gọi là hàng loạt “sai lầm nguy hiểm” của AL. Từ ngày 27/7/2016, xuất hiện trên mạng lưới toàn cầu một bản văn được nói là văn bản nói trên và danh sách 45 người đã ký tên vào văn bản đó. Trong bản văn được đăng tải trên mạng đó, có 19 điểm bị coi là sai lầm trầm trọng của AL, trong đó, AL 305 cùng với cước chú 351 bị kết án, ở điểm thứ 16 chung với AL 300, là (1) Erronea in fide, falsa và (2) Scandalosa.

Vào ngày 03/08/2016, Katholisches.info đã đăng tải một bài viết dài của giáo sư người Áo Josef Seifert, phê bình AL. Giáo sư Seifert là Hiệu Trưởng sáng lập Học Viện Triết Học Quốc Tế và là cha của sáu người con. Trong bài phê bình mạnh mẽ này, Seifert đã phân tích những điểm mà ông cho là sai lầm và nguy hiểm của AL.

Seifert nhấn mạnh rằng những phê bình của ông được viết một cách khiêm tốn và trung thành, không  hề có ý “tấn công Đức Giáo Hoàng, làm tổn hại đến ngài hoặc từ chối tư cách Giáo Hoàng hợp pháp của ngài”. Seifert nói rằng ông viết bài phê bình đó là để “ủng hộ Đức Thánh Cha và giúp đỡ ngài trong nhiệm vụ cơ bản của ngài là dạy sự thật”.

Vị giáo sư người Áo nói rằng “một số đoạn của AL – và đặc biệt là những đoạn có ảnh hưởng lớn nhất – là nguyên nhân gây ra mối quan ngại lớn lao và cũng là nỗi buồn sâu sắc”. Ông nói rằng một số đoạn ít nhất cũng có vẻ như mâu thuẫn với Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo về trật tự luân lý, về bản chất hành vi xấu xa và vô trật tự, về điều răn của Thiên Chúa và về năng lực của chúng ta thực hiện các điều răn ấy với sự giúp đỡ của ân sủng, về mối nguy hiểm sa hỏa ngục đời đời, về sự bất khả phân ly của hôn nhân và sự linh thiêng của các bí tích Thánh Thể và hôn phối, cũng như về kỷ luật bí tích và việc chăm sóc mục vụ của Giáo Hội phát xuất từ ​​Lời của Thiên Chúa và truyền thống 2000 năm của Giáo Hội.

Ông kêu gọi tất cả tín hữu Công Giáo hãy bày tỏ lòng yêu mến Hội Thánh và yêu mến Đức Thánh Cha Phanxicô bằng cách xin ngài rút lại những tuyên bố sai lầm trong AL, thay vì để cho một vị Giáo Hoàng hay một công đồng chung sau này phải làm điều đó.

Đây có lẽ là một trong những bài phê phán mạnh mẽ nhất nhắm vào AL và vào chính Đức Thánh Cha.

AL bị “hạ giá”

Không rõ ràng chỉ trích AL, một số người tìm cách “hạ nhiệt” khi nhấn mạnh rằng AL chỉ là một tông huấn, chứa đựng những ý kiến riêng của Đức Giáo Hoàng với một thẩm quyền giáo huấn rất giới hạn.

Điển hình cho lập trường này là Đức Hồng Y Raymond Burke, một người siêu bảo thủ nổi tiếng, nguyên Giám Mục Saint Louis (Mỹ), người đã từng đứng đầu Tòa Ân Giải Tối Cao của Tòa Thánh, đã từng công khai bày tỏ thiện cảm với những người ủng hộ Giám Mục Lefebve, đứng đầu nhóm theo lập trường “nói không với mọi sự thay đổi” tại Thượng Hội Đồng năm 2014. Ngài lập luận rằng trong AL, Đức Giáo Hoàng đã chỉ trình bày những suy nghĩ cá nhân của mình, và do đó không cần phải đặt vấn đề liệu văn bản này có phải là một bước đột phá so với truyền thống của Giáo Hội hay không. Điều quan trọng là: vì AL không phải là một hành động của Huấn Quyền, nên giáo huấn trước AL vẫn không bị thay đổi.

Đặt vấn đề về tính xác thực của cước chú 351

Ngày 16/4/2016, trên chuyến bay từ đảo Lesbos về Rôma, trả lời một nhà báo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết ngài không thể nhớ cước chú 351.

Viết trên tờ Catholic Herald, Cha Raymond de Souza nói rằng điều đó cho thấy các cước chú là kết quả can thiệp của các biên tập viên văn kiện.

“Tôi không mong đợi Đức Thánh Cha tự mình duyệt kỹ tất cả 391 cước chú và đưa chúng vào văn kiện. Như ngài đã cho thấy trên chuyến bay, ngài không thể nhớ ngay cả cước chú quan trọng nhất. Tôi nghĩ sự rắc rối ở đây phải được quy trách cho những người biên tập Amoris Laetitia” – Cha de Souza viết.

Giuse Nguyễn Thể Hiện

(còn tiếp)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube