Amoris Laetitia gây tranh luận (III)

Các nhà thần học bảo vệ và đào sâu Amoris Laetitia

Dành riêng cho sự đồng hành, phân định và hội nhập những tình cảnh mong manh, chương VIII của Amoris Laetitia đụng đến vấn đề gây tranh cãi và chống đối nhất mà hai Thượng Hội Đồng 2014 và 2015 đã phải đối diện. Nó nhanh chóng thu hút sự chú ý của báo chí và cả của các mục tử và tín hữu vốn từ lâu đã chờ đợi một giải pháp mới về kỷ luật dành cho những cuộc hôn nhân “bất hợp luật”.

Có rất nhiều kiến giải khác nhau của các nhà thần học trong cuộc thảo luận rất sôi nổi hiện nay về AL nói chung và chương VIII nói riêng. Dưới đây sẽ chỉ là một số ý kiến.

Miguel Ángel Ortiz

Ngày 12/4/2016, hãng thông tấn Zenit đã phỏng vấn Cha Miguel Ángel Ortiz, giáo sư luật tại Đại học Giáo Hoàng Thánh giá Rôma, luật sư Tòa Thượng Thẩm Roma từ năm 1996 và thẩm phán của Tòa án phúc thẩm Giáo phận Roma, về AL.

Trả lời cho câu hỏi AL có phải là một văn kiện “cách mạng” hay không, ngài nói:

“Đây chắc chắn không phải là cách mạng theo nghĩa đưa ra một đạo lý mới … Trong thực tế, Đức Thánh Cha đã nhiều lần nhấn mạnh sự liên tục của giáo huấn của ngài với các giáo huấn tiền nhiệm, đặc biệt là với Familiaris Consortio của Đức Gioan Phaolô II. Đối với các vấn đề cơ bản về tín lý, Đức Phanxicô  rõ ràng khẳng định giá trị của đạo lý của Giáo Hội và bày tỏ ý định của ngài là không thay đổi các quy định hiện hành. Tuy nhiên, điều mới mẻ là Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân định các tình cảnh cần được soi sáng bởi ánh sáng của Tin Mừng. Tôi nghĩ đến vấn đề có lẽ sẽ được tranh luận nhiều trong công chúng, là việc mục vụ cho những người ly dị tái hôn; về điểm này, Đức Thánh Cha – như trong Relatio của Thượng Hội Đồng năm 2015 – khi đề cập số 84 của Familiaris Consortio, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải phân định các tình cảnh bất hợp quy tắc khác nhau”.[1]

Gerhard L. Müller

Trong số các Hồng Y cố gắng đưa ra cách giải thích AL rõ ràng, không mơ hồ và phù hợp với kỷ luật xưa nay của Giáo Hội, vị có thẩm quyền cao nhất là Đức Hồng Y Gerhard L. Müller, nguyên Giám Mục Regensburg, và từ năm 2012 là người đứng đầu Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Một vài ngày trước khi “Amoris Laetitia” được công bố, Đức Hồng Y  Müller đã nhắc lại các điểm chắc chắn mà Huấn Quyền của Giáo Hội không thể đi chệch, trong một cuốn sách xuất bản tại Tây Ban Nha mang tên “Informe sobre la esperanza“.

Nhưng vào đầu tháng 5/2016, một tháng sau khi AL được công bố, ngài trở lại Tây Ban Nha, trước tiên là ở Madrid và sau đó ở Oviedo, không chỉ để trình bày cuốn sách của ngài, nhưng đặc biệt là để đưa ra một cách đọc tông huấn của Đức Thánh Cha đúng như những gì đã được viết. Đức Hồng Y Müller đã trình bày một bài diễn thuyết dài về “Amoris Laetitia” tại chủng viện Oviedo, ngày 04 tháng 5 năm 2016, với tựa đề  “¿Qué podemos esperar de la familia?

Ngài giải thích sự mơ hồ của AL không phải như một con đường tự do để thay đổi đạo lý và cách thực hành, mà là bằng chứng rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô không có ý định, trong bất kỳ cách nào, phá vỡ các quy tắc trước đây. Bởi vì, theo Đức Hồng Y Müller, nếu Đức Giáo Hoàng thực sự “muốn xóa một kỷ luật đã ăn sâu và rất quan trọng, thì ngài đã có thể nói rõ ràng và trình bày những lý lẽ chống đỡ”, nhưng Đức Giáo Hoàng đã không làm thế.

Về cước chú số 351 nổi tiếng mà những người ủng hộ việc cho những người ly dị tái hôn rước lễ dựa vào, Đức Hồng Y Müller nói rằng Tông huấn đã không hề nói đến các trường hợp cụ thể.

Về “sự phân định” để tìm hiểu xem một người có tội hay không về phương diện chủ quan và nhờ đó chấp nhận hay không việc cho phép người đó rước lễ, Đức Hồng Y Müller cho biết: “Nhiệm cục bí tích là nhiệm cục của các dấu chỉ hữu hình, chứ không phải của các lập trường nội tâm hay của tội lỗi chủ quan. Việc làm cho nhiệm cục bí tích trở thành cái gì đó riêng tư, chắc chắn sẽ không còn phải là một việc mang bản chất Công Giáo.”

Điểm quan trọng trong toàn bộ bài phát biểu của Đức Hồng Y Müller là cấu trúc giáo lý và thần học của vấn đề. Đức Hồng Y nói:

“Nguyên tắc cơ bản là không ai thực sự có thể ước muốn một bí tích, ở đây là bí tích Thánh Thể, mà không muốn sống phù hợp với các bí tích khác, trong đó có bí tích hôn phối. […] Thay đổi kỷ luật trong điểm cụ thể này, bằng cách gây ra một mâu thuẫn giữa Thánh Thể và hôn phối, nhất thiết sẽ thay đổi lời tuyên xưng đức tin của Hội Thánh, vốn giảng dạy và thực hiện sự hài hòa giữa tất cả các bí tích, như đã nhận lãnh từ Chúa Giêsu. Máu của biết bao thánh tử đạo đã đổ ra để tuyên xưng đức tin vào sự bất khả phân ly của hôn nhân, không phải như là một lý tưởng xa xăm nhưng là một thực tại cụ thể”.

Điều đáng nói là một bài phát biểu của một nhân vật cao cấp như Đức Hồng Y Müller lại đã không được trình bày ở Rôma, mà ở Tây Ban Nha, và không được báo chí chính thức của Giáo Hội đăng tải. Tờ L’Osservatore Romano đã hoàn toàn bỏ qua bài phát biểu này!

Lý giải điều đó, nhiều người cho rằng ấy là vì hiệu quả thực tế của bài diễn văn này là rất hạn chế. Thậm chí có nhà báo còn cho rằng đấy chính là một bằng chứng cho thấy vị Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã bị gạt ra bên lề, không còn là nhân vật quan trọng như ngày xưa, và rằng với Đức Phanxicô, hình dạng của huấn quyền giáo hoàng, trong thực tế, đã thay đổi.

Giuse Nguyễn Thể Hiện

(Còn tiếp)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube