Quan chức ngoại giao hàng đầu của Vatican: ‘Nga và Ukraine phải đàm phán với nhau’

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican (Ảnh: Vatican News)

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican (Ảnh: Vatican News)

Đức Thánh Cha Phanxicô không yêu cầu Ukraine xem xét việc đầu hàng Nga khi ngài kêu gọi đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh, nhưng ngài kêu gọi cả Nga lẫn Ukraine chấm dứt sự thù địch và tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình, ngoại giao hàng đầu của Vatican cho biết.

Rõ ràng là việc tạo điều kiện cho một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến ở Ukraine “không chỉ thuộc về một bên mà là thuộc về cả hai bên”, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Ý Corriere della Sera xuất bản ngày 12 tháng 3. Bước đầu tiên hướng tới đạt được hòa bình, Đức Hồng Y Parolin nói, là “chấm dứt sự xâm lược”.

Trách nhiệm chấm dứt tình trạng thù địch ở Ukraine “trước hết thuộc về kẻ xâm lược”, Đức Hồng Y Parolin nói, nhưng không nêu đích danh Nga. Chỉ khi đó, quan chức ngoại giao hàng đầu của Vatican nói, các cuộc đàm phán mới có thể bắt đầu.

“Đức Thánh Cha giải thích rằng đàm phán không phải là sự yếu đuối mà là sức mạnh. Đó không phải là sự đầu hàng mà là lòng can đảm”, Đức Hồng Y Parolin nói.

Bình luận của Đức Hồng Y Parolin được đưa ra sau khi công bố một phần của cuộc phỏng vấn vào ngày 9 tháng 3, trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng các bên tham chiến ở Ukraine cần phải có “sự can đảm cầm cờ trắng” – một thuật ngữ thường gắn liền với sự đầu hàng nhưng Vatican cho biết nó nhằm mục đích mở cửa cho các cuộc đàm phán.

Các nhà lãnh đạo dân sự và Giáo hội Ukraine đã lên tiếng đáp lại những bình luận của Đức Thánh Cha. Không đề cập trực tiếp đến Đức Thánh Cha Phanxicô, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết trong bài phát biểu qua video hàng đêm vào ngày 10 tháng 3 đã ca ngợi các nhà lãnh đạo Giáo hội, những người ở tuyến đầu hỗ trợ việc phòng thủ của Ukraine và “không phải ở cách xa 2500 km ở một nơi nào đó gần như là trung gian giữa người muốn sống và kẻ muốn tiêu diệt bạn”.

Trong một bài đăng vào ngày 10 tháng 3 trên X, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine cho biết lời kêu gọi đàm phán của Đức Thánh Cha Phanxicô dường như đặt thiện và ác “trên cùng một nền tảng như nhau”, và các Giám mục của Thượng hội đồng thường trực của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine đã đưa ra một tuyên bố trong đó họ nói rằng “với Putin, sẽ không có cuộc đàm phán nào cả”.

Đại sứ quán Ukraine tại Tòa Thánh cho biết trên X vào ngày 11 tháng 3 rằng Sứ thần Vatican tại Ukraine, Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas, đã được triệu tập đến Bộ Ngoại giao Ukraine sau những bình luận của Đức Thánh Cha, vốn đã “làm thất vọng” Ukraine.

Thay vì những lời kêu gọi hợp pháp hóa “quyền của kẻ mạnh nhất và khuyến khích hắn ta bỏ qua các quy tắc của luật pháp quốc tế”, Bộ Ngoại giao cho biết trong tuyên bố của mình, Đức Thánh Cha nên khuyến khích cộng đồng quốc tế đoàn kết “để đảm bảo chiến thắng của cái thiện trước cái ác”.

Bộ Ngoại giao cũng cho biết Đức Thánh Cha nên đưa ra những lời kêu gọi của mình “với kẻ xâm lược, chứ không phải với nạn nhân”.

Trong khi lưu ý rằng nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân là hiện hữu – và điều mà các quan chức Nga đã nhiều lần đe dọa – Đức Hồng Y Parolin nói rằng Tòa Thánh về cơ bản quan ngại về việc các bên tham chiến ngày càng trở nên “ngày càng khép kín vì lợi ích riêng của mình chứ không làm những gì có thể nhằm đạt được một nền hòa bình công bằng và ổn định”.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube