Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Ủy ban về vấn nạn giáo sĩ lạm dụng: ‘Cam kết của chúng ta không được suy yếu’

Đức Thánh Cha Phanxicô tham gia cùng với Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên trong buổi cầu nguyện tại Vatican vào ngày 7 tháng 3 năm 2024 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô tham gia cùng với Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên trong buổi cầu nguyện tại Vatican vào ngày 7 tháng 3 năm 2024 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích Ủy ban Giáo hoàng có nhiệm vụ chống lại vấn nạn giáo sĩ lạm dụng hãy tiến lên trong nỗ lực biến Giáo hội thành một môi trường an toàn hơn cho cả trẻ vị thành niên lẫn những người lớn dễ bị tổn thương.

Thừa nhận rằng thật dễ dàng để cảm thấy chán nản khi đối mặt với thực tế của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, Đức Thánh Cha đã nói với Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên (PCPM) vào sáng hôm thứ Năm rằng “cam kết của chúng ta không được suy yếu”.

“Thật vậy, tôi khuyến khích anh chị em tiến về phía trước để Giáo hội sẽ, luôn luôn và ở mọi nơi, là nơi mà mọi người có thể cảm thấy có cảm giác thoải mái”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe “tận tai” các nạn nhân bị lạm dụng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh với tổ chức rằng “chúng ta không thể giúp người khác mang lấy gánh nặng của họ trừ khi chúng ta tự mình gánh lấy chúng, trừ khi chúng ta thể hiện sự gần gũi và lòng trắc ẩn thực sự”.

“Trong sứ vụ của Giáo hội trong việc bảo vệ trẻ vị thành niên, việc gần gũi với các nạn nhân bị lạm dụng không phải là một khái niệm trừu tượng mà là một thực tế rất cụ thể bao gồm việc lắng nghe, can thiệp, ngăn ngừa và hỗ trợ”, Đức Thánh Cha tiếp tục.

Đức Thánh Cha cũng nói về tầm quan trọng của việc mang lại tầm nhìn rõ ràng hơn cho công việc của ủy ban.

“Mọi người nên biết và xem anh chị em đang đồng hành với các Giáo hội địa phương như thế nào trong công việc mục vụ bảo vệ trẻ vị thành niên. Sự gần gũi của anh chị em sẽ củng cố các nhà chức trách Giáo hội địa phương để chia sẻ những thực tiễn tốt nhất và xác minh rằng các biện pháp thích hợp đã được thực hiện”, Đức Thánh Cha nhận xét.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh báo cáo thường niên của ủy ban cũng như Sáng kiến Ghi nhớ (Memorare Initiative) là hai ví dụ về cách hoạt động của cơ quan đã mang một “hình dạng rõ ràng hơn” trong việc biến Giáo hội thành “một nơi ngày càng an toàn cho trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương”.

Sáng kiến Ghi nhớ được PCPM đưa ra vào năm 2023 nhằm hỗ trợ các Giáo hội địa phương, cụ thể là ở Nam toàn cầu, trong các chương trình đào tạo cũng như hướng dẫn các chính sách ngăn ngừa lạm dụng. Vào tháng 12 năm 2023, ủy ban đã phê duyệt khoản tài trợ 230.000 euro để giúp đưa ra “các sáng kiến bảo vệ” ở một số quốc gia bao gồm Paraguay, Panama và Mauritius, cũng như cho Hiệp hội các Thành viên Hội đồng Giám mục ở Đông Phi (AMECEA).

“Đây là một cách thức rất cụ thể để ủy ban thể hiện sự gần gũi của mình với sự lãnh đạo của các Giáo hội này”, Đức Thánh Cha giải thích. “Điều này sẽ tạo ra một mạng lưới liên đới với các nạn nhân và những người thúc đẩy quyền lợi của họ, đặc biệt là ở những nơi nguồn lực và kinh nghiệm còn hạn chế”.

Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên (PCPM) đã được Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập vào năm 2014 sau cuộc gặp gỡ với Hội đồng Hồng y với tư cách là cơ quan cố vấn “để đề xuất các sáng kiến cho Đức Thánh Cha… nhằm mục đích thúc đẩy trách nhiệm địa phương trong các Giáo hội cụ thể để bảo vệ tất cả trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương”.

Vào năm 2022, ủy ban được đặt trong Bộ Giáo lý Đức tin (DDF), phù hợp với Tông Hiến Praedicate Evangelium của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhằm cải cách việc quản lý Giáo triều La Mã, cơ quan hành chính của Tòa Thánh. Tuy nhiên, PCPM vẫn báo cáo trực tiếp với Đức Thánh Cha thông qua chủ tịch của ủy ban này, Đức Hồng Y Seán O’Malley, Tổng Giám mục Địa phận Boston.

Đức Thánh Cha cũng đề cập việc cơ quan này tuân thủ Tông Thư Vos Estis Lux Mundi của ngài, vốn đã thiết lập một bộ quy tắc mới cho Giáo hội hoàn vũ liên quan đến việc xử lý thủ tục các trường hợp lạm dụng tình dục, như một ví dụ khác về hoạt động của cơ quan trong việc đưa ra hành động thiết thực.

“Tôi đã đề nghị anh chị em đảm bảo tuân thủ Vos Estis Lux Mundi để có sẵn các phương tiện đáng tin cậy để chào đón và chăm sóc các nạn nhân và những người sống sót cũng như để đảm bảo rằng kinh nghiệm và sự chứng kiến của các cộng đồng này sẽ hỗ trợ cho công việc bảo vệ và phòng ngừa”, Đức Thánh Cha nhận xét.

Vos Estis Lux Mundi được ban hành vào năm 2019 và được thiết lập trên cơ sở thử nghiệm trong thời gian ba năm các quy định mới nhằm chống lại vấn nạn lạm dụng tình dục trong Giáo hội Công giáo. Vào năm 2023, Đức Thánh Cha đã ban hành các quy định vĩnh viễn và mở rộng phạm vi áp dụng sang cả các nhà lãnh đạo giáo dân của các hiệp hội tín hữu quốc tế được Vatican công nhận.

Tuy nhiên, một số nạn nhân đã đặt vấn đề về tính hiệu quả của những cải cách này, thậm chí còn cho rằng văn hóa im lặng vẫn tồn tại và nạn nhân vẫn bị gạt ra bên lề.

Vào tháng 2, hai nạn nhân bị cáo buộc lạm dụng bởi cựu nghệ sĩ khảm Dòng Tên đã bị trục xuất khỏi dòng, linh mục Marko Rupnik, đã phát biểu tại một cuộc họp báo đầy cảm xúc ở Rôma, nhấn mạnh điều mà họ cho là sự không khoan nhượng của Vatican khi lắng nghe các nạn nhân.

“Chúng tôi rất tiếc vì các tổ chức, thay vì lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của chúng tôi để xem xét lại cách hành động của mình, lại tiếp tục khép mình trong sự im lặng”, Marjiam Kovač, một cựu nữ tu người gốc Slovenia thuộc Cộng đoàn Loyola hiện đã giải thể, người đã cáo buộc linh mục Rupnik, cho biết.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube