Đại dịch và thiên tai

Một thảm kịch toàn cầu như đại dịch Covid-19 cách nào đó đã làm chúng ta ý thức rằng chúng ta là một cộng đồng toàn cầu, tất cả đều ở chung trên một con thuyền nơi mà vấn đề của bất kỳ một người nào đó cũng là vấn đề của tất cả mọi người.

Một lần nữa chúng ta nhận ra rằng không ai được cứu một mình cả; mà chúng ta được cứu cùng với nhau. Như tôi đã từng nói trong những ngày đó, “Cơn bão cho thấy sự yếu đuối của chúng ta và phơi bày những điều chắc chắn thừa thãi và sai lầm xung quanh những thứ chúng ta dựa vào đó để xây dựng nên các lịch trình, các dự án, các thói quen cũng như những ưu tiên của chúng ta…  Giữa cơn bão này, vẻ bề ngoài của những khuôn mẫu chúng ta dùng để ngụy trang cho cái tôi của mình, sự lo lắng về diện mạo, không còn nữa, để lộ ra nhận thức thiêng liêng không thể tránh khỏi đó là chúng ta là một phần của nhau, chúng ta là anh chị em của nhau.”

Thế giới đã không ngừng tiến tới một nền kinh tế mà thông qua các tiến bộ về công nghệ nhằm giảm đi các “chi phí về con người”, và người ta muốn chúng ta tin rằng sự tự do của thị trường là đủ để giữ mọi thứ được an toàn. Tuy nhiên, sự tàn bạo, không lường trước và không kiểm soát được của đại dịch đã buộc chúng ta hồi phục lại mối quan tâm của chúng ta đến quyền con người của tất cả mọi người hơn là lợi ích của một vài người. Ngày nay, chúng ta có thể nhận ra rằng “chúng ta tự nuôi mình bằng những giấc mơ vĩ đại và tráng lệ để rồi kết thúc bằng những trò tiêu khiển, sự vô tâm và cô độc. Chúng ta bám vào các mối quan hệ công việc và đánh mất đi hương vị của tình huynh đệ. Chúng ta tìm kiếm những kết quả nhanh chóng và an toàn để rồi bị chôn vùi trong sự lo lắng và nóng vội. Bị giam cầm trong một thực tại ảo khiến chúng ta đánh mất đi mùi vị của thực tại thật sự. Nỗi đau, sự không chắc chắn, sự sợ hãi và việc nhận ra những giới hạn của bản thân do đại dịch gây ra càng cho chúng ta thấy tính cấp bách của việc chúng ta cần nhìn lại lối sống của mình, nhìn lại các mối quan hệ của chúng ta, cách thức tổ chức xã hội của chúng ta và trên hết chính là ý nghĩa của sự tồn tại của chúng ta.

Nếu mọi thứ đều liên hệ với nhau, thật khó để có thể hình dung ra thảm họa toàn cầu này không có liên quan đến cách thức chúng ta tiếp cận với thực tế, cách chúng ta tự cho rằng mình hoàn toàn làm chủ cuộc sống của chúng ta cũng như những thứ chung quanh chúng ta. Tôi không muốn nói về sự thưởng phạt của đấng thiêng liêng nào đó, cũng như không đủ để nói rằng tác hại của việc chúng ta làm đối với thiên nhiên chính là sự trừng phạt cho những việc chúng ta làm. Thế giới đang kêu gào nổi loạn. Chúng ta nhớ đến những câu thơ mà nhà thơ Virgil đã gợi lên “những giọt nước mắt của các đồ vật”, sự bất hạnh của cuộc đời và quá khứ.

Tuy nhiên, rất nhanh thôi chúng ta lại quên đi bài học của lịch sử, “người thầy của cuộc sống”. Một khi cuộc khủng hoảng ảnh hưởng sức khỏe này qua đi, phản ứng tồi tệ nhất của chúng ta sẽ là lao vào sâu hơn nữa chủ nghĩa tiêu thụ đang sôi nổi và các hình thức mới về việc duy trì cái tôi của bản thân. Sau tất cả những điều này, chúng ta sẽ không còn nghĩ đến các cụm từ “họ”, “những người đó” mà chỉ là “chúng tôi”. Giá như điều này có thể minh chứng rằng lại thêm một thảm kịch mới trong lịch sử mà chúng ta không rút ra được bài học nào. Giá như chúng ta có thể ghi nhớ tất cả những người già đã chết vì thiếu máy trợ thở, một phần do ảnh hưởng của việc dần dần dỡ bỏ các hệ thống chăm sóc sức khỏe. Giá như nỗi đau to lớn này có thể không trở nên vô ích nhưng giúp chúng ta có thể tiến đến một lối sống mới. Giá như chúng ta có thể tái khám phá thêm một lần nữa là tất cả chúng ta cần nhau, và bằng cách này gia đình nhân loại của chúng ta có thể được tái sinh, với đầy đủ các khuôn mặt, các bàn tay, các giọng nói, vượt lên tất cả những rào cản chúng ta đã dựng lên.

Trừ khi chúng ta tái khám phá ra mong ước chung là cùng xây dựng một cộng đồng thống nhất và đoàn kết tương xứng với thời gian, công sức và nguồn lực của chúng ta, sự ảo tưởng toàn cầu đã lừa dối rằng chúng ta sẽ bị sụp đổ và khiến nhiều người rơi vào đau khổ và trống rỗng. Chúng ta cũng không thể ngây thơ phủ nhận rằng “nỗi ám ảnh về một lối sống tiêu thụ mà chỉ có một số ít người có thể duy trì nó sẽ dẫn đến bạo lực và hủy diệt lẫn nhau.” Khái niệm “Thân ai nấy lo” sẽ nhanh chóng biến thành một thứ tự do cho tất cả mọi người, điều tệ hại hơn bất cứ đại dịch nào.

Nhìn vào gương của Chân phước Charles de Foucauld, một người với đức tin sâu sắc đã dựa vào những kinh nghiệm đáng quý của mình về Thiên Chúa để thực hiện một hành trình biến đổi và cảm nghiệm được mình là anh em của tất cả mọi người. Chân phước Charles đã hướng lý tưởng của mình hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa đến việc trở nên đồng nhất với những người nghèo, những người bị  bỏ rơi trong các vùng hoang mạc Châu Phi xa xôi. Chính  trong bối cảnh đó, ngài cho thấy mong muốn được trở thành một người anh em của tất cả mọi người, và ngài nhờ một người bạn “cầu nguyện cùng Thiên Chúa để tôi có thể trỏ thành anh em của tất cả mọi người”. Sau cùng, ngài muốn trở thành “người anh em chung của mọi người trên vũ trụ này”. Tuy nhiên, chỉ khi trở nên đồng nhất với những người bé nhỏ nhất, cuối cùng ngài đã trở thành một người anh em của tất cả mọi người. Xin Thiên Chúa khơi dậy ước mơ đó trong mỗi chúng ta.

Lời nguyện cầu với Đấng Sáng Tạo

Lạy Thiên Chúa là Cha của gia đình nhân loại,

Ngài đã sáng tạo ra loài người với phẩm giá như nhau, đã đổ vào lòng chúng con tinh thần huynh đệ

và khơi dậy trong chúng con mong ước về một cuộc gặp gỡ được đổi mới, một cuộc đối thoại, về công lý và hòa bình.

Xin thúc đẩy chúng con biết xây dựng xã hội lành mạnh hơn

và một thế giới có giá trị hơn,

một thế giới không còn đói khát, nghèo khổ, bạo lực hay chiến tranh.

Xin cho tim chúng con luôn rộng mở với tất cả mọi dân nước trên trái đất này.

Xin cho chúng con nhận ra vẻ đẹp và sự thánh thiện

Ngài đã gieo trong lòng mỗi người chúng con,

qua đó tạo nên các mối quan hệ thống nhất, có chung những kế hoach và ước mơ.

 

Chuyển ngữ: Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam

* Đoạn trích trong thông điệp “Tất cả là Anh chị em”, của Đức Thánh Cha Phanxico về tình mến huynh đệ và tình hữu nghị xã hội. (The Word Among Us Press, 2020)

 

 

 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube