Châu Phi: Thượng Hội đồng về Hiệp hành theo phương pháp đối thoại thiêng liêng

Ngày khai mạc Hội nghị Thượng Hội đồng lục địa châu Phi

Ngày khai mạc Hội nghị Thượng Hội đồng lục địa châu Phi

Hội nghị lục địa thuộc Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SECAM) đã khai mạc tại Addis Ababa, Ethiopia, nơi có hơn 200 đại biểu quy tụ để cùng nhau suy tư về tài liệu cho Giai đoạn lục địa của Thượng Hội đồng về Hiệp hành.

Sau lời phát biểu chào mừng của Cha Rafael Simbine, Tổng thư ký của SECAM, Phó Chủ tịch thứ nhất của cơ quan lục địa, Đức Tổng Giám mục Lucio Muadula, đã hướng dẫn các tham dự viên cầu nguyện và suy tư rút ra từ câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa viên thái giám người Ethiopia và ông Phi-líp-phê trong Sách Công vụ Tông đồ 8:6-8, 25-40.

“Hiểu biết về tiến trình Thượng Hội đồng đồng nghĩa với việc mở rộng tâm hồn của chúng ta để Chúa Thánh Thần ngỏ lời với chúng ta và lắng nghe lẫn nhau để thực hiện tốt hơn sứ mạng của Giáo hội. Đó là lý do tại sao ông Phi-líp-phê cầu xin Chúa Thánh Thần”, Đức Tổng Giám mục Muadula nói. “Ở Châu Phi, chúng ta tin rằng chúng ta phải cùng nhau thực hiện cuộc hành trình với tư cách là một gia đình, lắng nghe lẫn nhau. Và đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta cùng nhau thực hiện cuộc hành trình trong Thượng Hội đồng về Hiệp hành này, để mở rộng trái tim của chúng ta, giờ đây chúng ta hãy cùng nhau khép lại lời  cầu nguyện khai mạc bằng kinh Lạy Cha, cầu xin Chúa Thánh Thần hiện diện cùng với chúng ta”.

Phương pháp đối thoại thiêng liêng

Về ý nghĩa, phương pháp và cách thức tiến hành của Thượng Hội đồng, Cha Giacomo Costa, Cố vấn cho Ban Tổng thư ký của Thượng Hội đồng, cho biết phương pháp được gọi là Đối thoại thiêng liêng bao gồm ba bước chính: “Nhiệt tình đối thoại”, “Thời gian dành cho người khác”, “Cùng nhau Xây dựng”.

“Phương pháp Đối Thoại thiêng liêng không bảo đảm kết quả nhưng nó cung cấp cách thức đồng hành cùng với nhau”, Cha Giacomo cho biết thêm.

“Phương pháp này giúp chúng ta lắng nghe sự đóng góp của nhau, và do đó mở ra với Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho chúng ta những cách nhìn mới về sứ mạng loan báo Tin Mừng”, Cha Giacomo tiếp tục. “Phương pháp này không đảm bảo bất cứ điều gì; đó là một thái độ cầu nguyện, bắt đầu bằng lời cầu nguyện và kết thúc bằng lời cầu nguyện”.

“Nó không nhằm mục đích đi ngược lại thẩm quyền của Giáo hội mà là tổng hợp các kinh nghiệm của chúng ta như một cách tham gia vào tiến trình của Thượng Hội đồng về Hiệp hành; nó không phải là một tình huống thắng-thua”, Cha Giacomo giải thích.

Bắt đầu từ kinh nghiệm sống

Đề cập đến các môn đệ đang rời bỏ cộng đoàn trên đường Emmaus, Cha Giacomo liên hệ với Tông Huấn Christus Vivit của Đức Thánh Cha Phanxicô, lập luận rằng chính từ kinh nghiệm sống của họ mà Chúa Giêsu yêu cầu họ bày tỏ những mối bận tâm và khó khăn của họ. “Vì vậy, bước đầu tiên là tiếp xúc với thực tế mà chúng ta đang sống” và tạo ra một môi trường để “mỗi người kể câu chuyện của mình và những gì đang diễn ra trong lòng mình, nhưng đó không phải là một cuộc tranh luận mà là đưa câu chuyện của một người vào nhóm”.

Đi sâu hơn

Bước thứ hai mời gọi các tham dự viên đi sâu hơn vào trải nghiệm. Về lưu ý này, Cha Giacomo nói, “Chúa Giêsu dẫn dắt họ diễn giải kinh nghiệm của họ trong bối cảnh Kinh Thánh để đi vào trọng tâm câu chuyện của họ, để hiểu câu chuyện của họ theo một cách khác cho đến khi trái tim họ bừng cháy”.

“Điều này mời gọi chúng ta đi xa hơn những gì mỗi người đã nói, nhằm tránh nhấn mạnh quan điểm của tôi nhưng để nhận ra rằng tôi đã nghe được điều gì đó về mầu nhiệm đức tin từ đâu, cả từ những chia sẻ của tôi và từ những gì những người khác nói. Do đó, những gì tôi chia sẻ phải cộng hưởng với những gì người khác đã nói, từ đó đặt câu hỏi: ‘Điều gì đã đánh động tôi khi tôi lắng nghe’ để chúng ta có thể chuyển từ ý kiến cá nhân sang việc nhận ra điều mà Chúa Thánh Thần đang mời gọi chúng ta thực hiện từ câu chuyện được chia sẻ”.

Chia sẻ kinh nghiệm

Trong bước thứ ba, Cha Giacomo giải thích, “Chính các môn đệ đã quyết định quay trở lại cộng đoàn ở Giêrusalem để chia sẻ kinh nghiệm của họ với Chúa Kitô phục sinh”.

“Chúng ta cũng phải gặp gỡ Chúa Giêsu để lấy hết can đảm bước vào đêm tối và quay trở về với cộng đoàn của chúng ta, được biến đổi nhờ kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh”.

Kế đến, Cha Giacomo nói với các đại biểu: “Chúng ta phải biến điều này thành kinh nghiệm của mình, và đây là mục đích của phương pháp này, để Chúa Giêsu khiến chúng ta có thể chọn cách chúng ta muốn thực hiện”, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng “Chúng ta được mời gọi rời xa việc nói rằng ‘Tôi, sự hiểu biết của tôi’ thành ‘Chúng ta/tôi, sự hiểu biết của chúng ta/tôi’; từ sự hỗn độn đến sự hòa hợp như Lễ Ngũ Tuần; và điều này có thể thực hiện được bằng cách lắng nghe Chúa Thánh Thần”.

“Kế đến, từ đó cùng nhau xây dựng, chúng ta mở đường để chúng ta quay trở lại các Hội đồng Giám mục và cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệm của mình”.

Cùng nhau phân định

Khi các đại biểu tham gia vào các nhóm đối thoại thiêng liêng, một ấn tượng chung là cần có những người điều hành để cung cấp cho họ nhiều định hướng hơn về phương pháp luận.

“Phương pháp này rất thú vị đối với tôi vì nó thúc đẩy việc lắng nghe các quan điểm khác nhau và cùng nhau phân định xem điều gì thực sự gây được tiếng vang”, Georges Pascal Kendema, một đại diện giới trẻ đến từ Morocco, cho biết.

Về phần mình, Nữ tu Nelenta Ngarndiguimal, đại diện của các Tu sĩ đến từ Chad, chia sẻ rằng Sơ cho rằng theo thời gian, các đại biểu sẽ nắm được phương pháp luận vì nó dễ thực hiện, trong khi chị Marie Laure Epse Boni bày tỏ: “Tôi nhận thấy thật khó để nắm bắt mọi thứ vì nền tảng tiếng Pháp của tôi. Tôi tin rằng với sự giúp đỡ của các điều phối viên của nhóm, tôi sẽ cảm thấy thoải mái hơn vào cuối ngày”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube