Câu chuyện tuần qua: Nỗi buồn chuyện Formosa của Đức Cha Phaolô

“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Gaudium et Spes, #1).

Nỗi buồn đầu tháng 5

Những ngày đầu tháng 5/2017, trong chuyến đi châu Âu vận động quốc tế và trao thỉnh nguyện thư về thảm họa mà Formosa gây ra cho các tỉnh ven biển Miền Trung, Đức Giám mục Giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp, dẫn đầu phái đoàn của Ban Hỗ trợ các nạn nhân thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung, đã thực hiện những cuộc tiếp xúc với Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu, một số bộ ngoại giao, các tổ chức thuộc Giáo hội Công giáo và các tổ chức xã hội dân sự. Đức Cha không che giấu cảm xúc phiền muộn của mình khi nói: “Đây là chuyến đi đau lòng,” vì lẽ ra, “những chuyến đi như vậy phải là của nhà cầm quyền”.

Nhưng nhà cầm quyền, dù luôn hô vang khẩu hiệu chính quyền là của dân, do dân và vì dân, đã đi ngược lại với lợi ích của nhân dân mình, khi công khai bao che, binh vực cho những sai lầm của Formosa, bất chấp những nguy cơ làm chết cả một dân tộc, hủy hoại tương lai của cả một giống nòi. Nhà cầm quyền còn từ chối những sự trợ giúp của quốc tế muốn giúp xử lý môi trường, bởi lẽ, họ muốn “nhận chìm” cả những thông tin về hậu quả kinh khủng kéo dài nhiều thập niên đối với con người và môi trường do Formosa gây ra, cũng như cố đưa ra những bằng cứ “ngớ ngẩn đến ngu người” về việc biển có khả năng tự làm sạch, tái tạo. Thậm chí một số quan chức còn dám ngang ngược tuyên bố rằng biển đã sạch! “Đánh” vào lòng vị tha, thương cảm của người dân, các viên chức chính quyền còn lên mặt nhân ái, kêu gọi sự bao dung, cảm thông và tha thứ cho “con quái thú Formosa”, con “quái thú” đang hàng ngày đẩy Dân Việt tới bờ tuyệt chủng. Tất cả những điều đó càng làm cho cõi lòng của vị mục tử thêm đau đớn.

Nhưng chưa hết. Dù biết rõ Đức Giám mục và các linh mục là những vị chủ chăn chỉ vì đau lòng trước những hậu quả kinh khủng của thảm họa mà lên đường cùng với người dân khiếu kiện Formosa, đòi bồi thường thỏa đáng cho những thiệt hại, nhưng nhà cầm quyền vẫn dùng cả một hệ thống tuyên truyền để bôi nhọ danh dự, xuyên tạc và bóp méo mục đích chuyến đi vận động của các ngài, làm cho nỗi đau càng lớn hơn và nặng thêm. Nhà cầm quyền đã và vẫn đang dùng các phương tiện sẵn có trong tay để xúc phạm công khai Đức Cha và các linh mục, kích động một phong trào hận thù gây chia rẽ khối đoàn kết lương – giáo, đánh đập, khủng bố, phá hoại tài sản của giáo dân…

Nỗi buồn đầu tháng 8

Mới đây, ngày 04/08/2017, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp cùng phái đoàn trong Ban Hỗ trợ các nạn nhân thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung, đã đến Phủ Tổng Thống Đài Loan, trao thỉnh nguyện thư với gần 200,000 chữ ký cho bà Tổng Thống Thái Anh Văn, và tại buổi họp báo với Quốc hội Đài Loan, Đức Cha Phaolô, một lần nữa, đã nói về nỗi buồn của ngài, khi phải hiện diện ở đó vì lương tâm, lòng yêu mến và sự hiệp thông với người dân trong Giáo phận, lương cũng như giáo.

Đức Cha phải buồn vì những dối trá và sự vô trách nhiệm của nhà cầm quyền đối với người dân trong việc công bố nguyên nhân thảm hoạ môi trường Formosa cũng như tác động của thảm họa này lên con người và môi trường, và nhất là vì chính quyền đã không hề có những tác động tích cực để khôi phục môi trường.

Những người dân trong giáo phận của Đức Cha và trong cả nước vẫn đang hàng ngày phải lao nhọc để kiếm ăn, để nuôi sống gia đình và “cần mẫn” đóng thuế, cả những thứ thuế bất công và bất hợp lý để “nuôi” cả bộ máy chính trị cầm quyền tham nhũng và vô nhân đạo. Nhưng đổi lại, họ chỉ nhận được những hành xử tùy tiện, “vô pháp”, do những thỏa hiệp ngầm với Formosa, không có cơ sở thấu tình đạt lý… của những người cầm quyền khi giải quyết hậu quả của thảm họa.

Với sự hung hăng, nhiều quan chức chính quyền sẵn sàng sử dụng bạo lực để ngăn cản người dân thực thi quyền pháp lý của mình khi họ khởi kiện Formosa, và trấn áp tàn nhẫn những cuộc đấu tranh ôn hoà của người dân cả nước khi họ bày tỏ thái độ ủng hộ các nạn nhân của Formosa.

Vẫn còn chút hy vọng cho tương lai…

Đức Cha Phaolô cảm thấy vui khi biết bà Tổng Thống quan tâm đến việc phát triển của đất nước Đài Loan và là người có tầm với chính sách kinh tế Hướng Nam Mới. Nhưng ngài cũng đề nghị Đài Loan, khi thi hành chính sách ấy, đừng chỉ đặt trọng tâm vào vấn đề tăng trưởng kinh tế của Đài Loan, mà không chú ý đến tương tác với sự tăng trưởng kinh tế của các nước láng giềng Đông Nam Á. Sự tăng trưởng như thế “chưa phải là một chương trình phát triển toàn diện kinh tế – xã hội – con người và môi sinh”, theo lời Đức Cha.

Đức Cha kêu gọi nhân dân Đài Loan, các tổ chức xã hội dân sự và những người thành tâm thiện chí, hãy mạnh mẽ kiến nghị chính phủ Đài Loan thực hiện chính sách kinh tế phát triển Hướng Nam Mới trong sự chú tâm thực sự đến các vấn đề môi trường và nhân quyền, buộc các công ty của Đài Loan phải tôn trọng và có trách nhiệm hơn đối với môi trường cũng như người dân ở những nơi họ hoạt động, để không xảy ra những chuyện đau buồn và đáng tiếc như thảm họa mà công ty Formosa đã gây ra tại Hà Tĩnh.

Cuối cùng, Đức Cha nhận định: “Trong con mắt dân chúng Việt Nam, Đài Loan được biết đến như một quốc gia độc lập, tự do ngôn luận, dân chủ, hoà bình và hiếu khách.” Đài Loan – vẫn lời Đức Cha – đã có những khó khăn, những trắc trở nhưng đồng thời cũng có “quyết tâm của nhân dân Đài Loan trên bước đường xây dựng dân chủ, nhân quyền, cũng như bảo vệ môi sinh.” Theo Đức Cha, nếu chính sách kinh tế của Đài Loan chú trọng vấn đề môi trường và nhân quyền, Đài Loan sẽ chứng tỏ được với mọi người rằng, tuy cũng là người Trung Quốc, nhưng họ không phải là “Trung Quốc” với chính sách Đại Hán mới, và sản phẩm kinh tế của họ cũng thế.

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube