Các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Lebanon phản đối động thái của Trump về Giêrusalem

  • Tin tức
  • Thứ Bảy, 16-12-2017 | 07:30:59

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo và Hồi giáo của Lebanon đã lên án quyết định “bất công” của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thừa nhận Giêrusalem là thủ đô của Israel và đồng thời yêu cầu đảo ngược quyết định này.

20171214T1416-0858-CNS-JERUSALEM-CAPITAL-NO-690x450

Trong tuyên bố hôm 14 tháng 12 vào cuối hội nghị thượng đỉnh liên tôn, các nhà lãnh đạo cho biết rằng “ngoài việc vi phạm luật pháp và các điều lệ quốc tế”, quyết định trên đã bỏ qua thực tế rằng Giêrusalem là một thành phố thánh địa đối với các Kitô hữu, các tín đồ Hồi giáo và Do Thái.

Tối hôm trước, tại Amman, Jordan, các nhà lãnh đạo Kitô giáo đã dẫn đầu khoảng 2.000 giáo dân trong một cuộc thắp nến diễu hành để phản đối quyết định của Hoa Kỳ.

“Đối với chúng tôi, các Kitô hữu và những người Hồi giáo Arab, khi chúng tôi mất Giêrusalem, chúng tôi mất tất cả”, linh mục Rifat Bader, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phương tiện Truyền thông, cho biết trong một tuyên bố. “Chúng ta mất cốt lõi đức tin của chúng ta, bởi vì mọi thứ bắt đầu tại Giêrusalem. Tất cả chúng ta đều được sinh ra ở Giêrusalem”.

Hội nghị thượng đỉnh liên tôn tại Lebanon, dưới sự lãnh đạo của Đức Hồng y Bechara Rai, Thượng Phụ Công giáo Maronite, đã quy tụ các Thượng Phụ và các đại diện Công giáo và Chính Thống giáo, cũng như các nhà lãnh đạo các Giáo hội Tin lành quốc gia và các cộng đồng Hồi giáo Dòng Sunni, Shiite và cộng đồng Druze.

Tất cả các tham dự viên nhấn mạnh rằng Giêrusalem “có một vị trí đặc quyền trong lương tâm của các tín hữu của các tôn giáo này”.

“Quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ, được dựa trên những sự tính toán chính trị đặc biệt, là một thách thức và một sự khiêu khích đối với hơn 3 tỷ người và đồng thời động chạm vào chiều sâu đức tin của họ”, tuyên bố cho biết.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo ghi nhận rằng cộng đồng quốc tế “đã tuân thủ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, vốn xem Giêrusalem và phần còn lại của Bờ Tây là phần lãnh thổ bị chiếm đóng”, vì vậy hầu hết các quốc gia “tránh việc thiết lập các đại sứ quán tại Giêrusalem”.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng kêu gọi cộng đồng Arab và cộng đồng quốc tế “gây áp lực lên chính quyền Hoa Kỳ để hủy bỏ quyết định này, vốn là quyết định thiếu sự khôn ngoan mà những nhà thương thuyết hòa bình đích thực cần phải có”.

Họ cũng kêu gọi nhân dân Hoa Kỳ và các tổ chức tôn giáo và dân sự và tôn giáo của họ lên tiếng và cảnh báo Trump cũng như chính quyền của ông về “quyết định bất công chắc chắn sẽ đẩy Trung Đông một lần nữa trở lại một chu kỳ bạo lực mới”.

Trong bài phát biểu khai mạc của mình, linh mục Rai cho biết ngài “không biết liệu người dân Hoa Kỳ có đồng ý với quyết định của vị tổng thống của mình hay không,” nhưng đồng thời lưu ý rằng các Giám mục Hoa Kỳ đã phản đối việc chuyển Đại sứ Hoa Kỳ từ Tel Aviv đến Giêrusalem kể từ năm 1984. Linh mục Rai cho biết ngài hy vọng các Giám mục sẽ tiếp tục lập trường đó.

Linh mục Rai cũng cho biết rằng các nhà lãnh đạo liên tôn “dứt khoát bác bỏ việc Do Thái hóa thành phố thánh địa này”.

Tại Jordan, linh mục Bader phát biểu với Catholic News Service rằng cuộc diễu hành hôm 13/12 vừa qua là một “sự lên án đối với quyết định” của Trump và đồng thời là lời kêu gọi việc giữ nguyên hiện trạng đối với Giêrusalem. Linh mục Bader cho biết các nhà lãnh đạo Kitô giáo cũng muốn khuyến khích các nỗ lực ngoại giao của Quốc vương Abdullah của Jordan tại Jerusalem. Quốc vương Jordan được công nhận là người canh giữ các thánh tích của Kitô giáo và Hồi giáo tại Giêrusalem theo hiệp ước hòa bình năm 1994 với Israel.

Đức Cha William Shomali, Giám mục phụ tá Toà Thượng phụ Giêrusalem, Đức Nguyên Tổng Giám mục Công giáo Hy Lạp Yaser Ayyash Địa phận Jordan và Đức Tổng Giám mục Chính Thống Benedict đã dẫn đầu cuộc diễu hành kết thúc bên ngoài Nhà thờ Công giáo St. Mary of Nazareth ở Amman. Chuông nhà thờ đã vang lên khi mọi người quy tụ bên ngoài nhà thờ.

Trong tuyên bố của mình, linh mục Bader đã gọi quyết định của Trump là “bất công đối với người Palestine và trái với Liên hợp quốc và các nghị quyết quốc tế khác”.

“Giêrusalem đang kêu gọi tất cả mọi người đứng lên kháng cự lại”, linh mục Bader nói, đồng thời ngài cũng cho biết thêm rằng các Kitô hữu và người Hồi giáo liên kết với nhau để đối mặt với bất kỳ hành động nào gây nguy hiểm cho Thánh Địa.

Quốc vương Abdullah đã gọi quyết định của Trump là một hành động “nguy hiểm” và là một mối đe doạ đối với vấn đề hòa bình, đồng thời cho biết rằng “không có một sự thay thế nào cho Giêrusalem như là chìa khóa nhằm chấm dứt cuộc xung đột lịch sử ở Trung Đông”.

“Chúng tôi đã liên tục cảnh báo nguy cơ của các quyết định đơn phương đối với Giêrusalem ngoài khuôn khổ của một giải pháp toàn diện vốn đáp ứng tất cả các quyền hợp pháp của người dân Palestine đối với vấn đề tự do và một quốc gia độc lập, với việc Đông Giêrusalem là thủ đô của nó”, Quốc vương Abdullah nói.

“Hơn nữa, những nỗ lực để giải phóng Giêrusalem và thay đổi căn tính Ả Rập, Hồi giáo và Kitô giáo của nó sẽ gây ra thêm nhiều bạo lực và cực đoan; vì thành phố này là hết sức thánh thiêng đối với các tín đồ của ba tôn giáo theo thuyết độc thần”, Quốc vương Abdullah nói. “Quyền của chúng tôi, những người Hồi giáo và các Kitô hữu, đối với Giêrusalem là vĩnh viễn”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube