Các đề nghị mục vụ chăm sóc "các tín hữu ly dị tái hôn"

Trong cái nhìn chia sẻ mục vụ, chúng tôi đề xuất một số tiêu chí có thể sử dụng như là một tài liệu tham khảo chung, đặc biệt là cho các linh mục, trong việc chăm sóc “các tín hữu ly dị tái hôn”.

hon nhanVề vấn đề này, cần minh định hai điều.

Trước tiên, nên nhớ rằng kiểu nói “các tín hữu ly dị tái hôn” không phải là kiểu nói thích hợp nhất và nên được làm rõ hơn bằng cách nói “các tín hữu đã ly dị và tái hôn về phương diện dân sự”. Trong Giáo Hội Công Giáo, trên thực tế, một cuộc hôn nhân bí tích thành sự chỉ được giải gỡ bởi cái chết của một người trong hai vợ chồng, và nếu không như vậy thì cuộc hôn nhân bí tích thứ hai sẽ không được phép tồn tại. Chắc chắn sự ly dị và cuộc hôn nhân dân sự mới của những người đã cử hành thành sự bí tích hôn phối phải được tính đến khi lượng giá sự kết ước vợ chồng của các tín hữu.

Tuy nhiên, hôn thú dân sự tự nó không giống với hôn ước bí tích, vì hôn ước bí tích bao gồm những yếu tố đặc biệt. Vì vậy, trong khi sử dụng, như là phổ biến ngay cả với huấn quyền, cách nói “các tín hữu ly dị tái hôn”, chúng ta hiểu bao gồm trong đó cả những tín hữu, dù chưa ly dị và tái hôn dân sự, đã ngưng cuộc sống hôn nhân là kết quả của một cuộc hôn nhân bí tích và đi vào vào một kết hợp vợ chồng mới.

Điều thứ hai cần làm rõ: việc chăm sóc mục vụ dành cho các tín hữu đã ly dị tái hôn, mặc dù không thể và không được bỏ qua đối tác đang cùng với họ sống kết hợp mới, vẫn là hướng đến mỗi cá nhân tín hữu, vốn khác biệt với đối tác của họ về trách nhiệm đối với sự thất bại của cuộc hôn nhân trước và về trách nhiệm trong việc gây dựng kết hợp lứa đôi mới. Điển hình là trường hợp trong đó chỉ có một đối tác trước đó đã kết hôn với các nghi thức bí tích, trong khi người kia chưa bao giờ cử hành bí tích hôn nhân, tức là chỉ một trong hai người ở vào đúng vị trí được định nghĩa – dù không chính xác, như chúng ta vừa nói ở trên – về các tín hữu ly dị tái hôn.

Sau hai sự minh định nói trên, chúng tôi xin đề nghị các tiêu chí hướng dẫn, quy về hành động tam diện liên kết chặt chẽ, là đồng hành, phân định và hội nhập, và ghi chú, trong cước chú, những trích dẫn Amoris Laetitia theo từng điểm đề nghị.

Đồng hành

Sự đồng hành với các tín hữu ly dị tái hôn, mà không làm giảm bớt giá trị của lý tưởng Tin Mừng, nhường chỗ cho lòng thương xót của Chúa, ngõ hầu họ cảm thấy mình “là đối tượng của một lòng thương xót ‘vô cùng đại lượng, vô điều kiện và nhưng không” (AL 297). Đối với mục tiêu ấy, sẽ thật là thích hợp:

  • Giúp các tín hữu ly dị tái hôn tìm lại tư cách của họ là thành viên của Giáo Hội và tham gia tích cực vào đời sống của Giáo Hội.[1]
  • Đề nghị lý tưởng toàn vẹn của hôn nhân, tương ứng với đạo lý của Giáo Hội về hôn nhân bí tích.[2]
  • Nhắc nhớ sự không hoàn hảo (‘bất thường’) của tất cả mọi người trong việc sống lý tưởng toàn vẹn của hôn nhân và sự tiệm tiến của tất cả mọi người trong việc theo đuổi lý tưởng đó.[3]
  • Lượng giá cuộc hành trình, mặc dù không hoàn hảo và tiệm tiến, của các tín hữu ly dị tái hôn.[4]

Phân định

Sự phân định mục vụ của vị linh mục là để trợ giúp sự phân định cá nhân của các tín hữu ly dị tái hôn, ngõ hầu họ có thể ý thức về tình cảnh của họ trước mặt Thiên Chúa bằng cách phán đoán một cách đúng đắn những chướng ngại vật đang ngăn cản sự tham dự đầy đủ hơn của họ vào đời sống Giáo Hội và các bước có thể giúp họ thực hiện sự tham dự đó và làm tăng triển sự tham dự đó. Sự phân định sẽ liên quan đến cuộc hôn nhân trước và đến sự kết hợp đôi lứa mới, bằng cách phân biệt cách thích đáng trách nhiệm cá nhân và điều tốt nhất có thể.

Liên quan đến cuộc hôn nhân trước:

  • Xác định sự thành hiệu theo Giáo Luật, bằng cách nại đến, nếu cần thiết, các thủ tục để được tuyên bố hôn nhân vô hiệu.
  • Thẩm định tính chất không thể đảo ngược hoặc ít là sự thất bại.
  • Đánh giá trách nhiệm cá nhân trong tương quan với người phối ngẫu, với con cái có thể có, với gia đình đôi bên và với cộng đoàn Kitô hữu.[5]
  • Ngăn ngừa, cách đặc biệt, sự thiếu trách nhiệm đối với con cái.[6]

Liên quan đến kết hợp mới:

  • Đánh giá trách nhiệm đối với đối tác mới, đối với con cái nếu có, đối với gia đình đôi bên liên hệ, đối với cộng đoàn Kitô hữu.[7]
  • Xem xét cơ cấu của kết hợp mới về mặt luân lý.
  • Thẩm định sự cam kết dấn thân trong đời sống Kitô hữu.

Liên quan đến trách nhiệm cá nhân:

  • Xem xét các tình cảnh giảm khinh và các yếu tố thuộc điều kiện chi phối.[8]
  • Đánh giá tình trạng chủ quan của tội lỗi, nghiêm trọng nhiều ít thế nào, hay của ân sủng, sống động nhiều ít thế nào.[9]
  • Cân nhắc những phương thế trợ giúp mà Giáo Hội có thể cung cấp để cho phép thực hiện tốt hơn hành trình hoán cải và đời sống Kitô hữu, kể cả khả năng có thể lãnh các bí tích.

Hội nhập

Hướng đến lý tưởng toàn vẹn của hôn nhân và ý thức về tình cảnh và trách nhiệm của mình trước mặt Thiên Chúa và đối với Giáo Hội, các tín hữu ly dị tái hôn phải được hội nhập hết sức có thể vào đời sống Giáo Hội.

Vì mục tiêu ấy, sẽ thật là thích hợp:

  • Nhắc lại rằng đức ái huynh đệ, luật đầu hết của các Kitô hữu, đòi hỏi bất kỳ sự lựa chọn cá nhân nào cũng phải tránh tất cả cớ vấp phạm đối với đức tin của người khác.
  • Trợ giúp các tín hữu ly dị tái hôn tìm cách riêng của họ để tham gia vào đời sống Giáo Hội.
  • Đôn đốc các thành viên của cộng đoàn Giáo Hội cư xử với họ theo logic của lòng thương xót.

Đồng hành với các tín hữu ly dị tái hôn, phân định hành trình dành cho họ, hội nhập họ nhiều hơn vào đời sống Hội Thánh, không phải là hoạt động được thực hiện chỉ trong cuộc trò chuyện với các linh mục. Khi thích hợp và cần thiết, việc chăm sóc mục vụ dành cho các tín hữu ly dị tái hôn không phải là khu vực độc quyền của các cuộc trò chuyện tại tòa trong. Góp phần vào đó là cuộc sống đức tin đa diện trong cộng đồng Kitô giáo, và đặc biệt, những hành trình mà nhiều người trong số họ đã thực hiện, trong nhiều năm, với sự đồng hành của các hiệp hội và các phong trào của Giáo Hội, cũng như của các Giáo Hội địa phương.

Lắng nghe những kinh nghiệm đó là hết sức quan trọng trong việc đưa ra các tiêu chí hướng dẫn việc chăm sóc mục vụ của Giáo Hội cho các tín hữu ly dị tái hôn.

Linh mục Aristide Fumagal

Trích “VIA CARITATIS” – VỀ CHƯƠNG VIII CỦA “AMORIS LAETITIA”

Ngọc Huỳnh chuyển ngữ

Chú thích:

[1] “Đối với những người ly dị đang sống một kết hợp mới, điều quan trọng là làm cho họ cảm thấy rằng họ vẫn là thành phần của Hội Thánh, ‘không bị rút phép thông công’ và không bị đối xử như vậy, bởi lẽ họ luôn là thành phần làm nên sự hiệp thông Hội Thánh” (AL 243). “Không những không được làm cho họ cảm thấy bị dứt phép thông công, mà còn phải làm cho họ cảm thấy có thể sống và trưởng thành như những thành viên sống động của Hội Thánh, cảm thấy Hội Thánh như một người mẹ luôn luôn đón nhận họ, ân cần trìu mến chăm sóc họ và khích lệ họ trên hành trình cuộc sống và Tin Mừng” (AL 299).

[2] “Cảm thông với những hoàn cảnh ngoại lệ không bao giờ hàm nghĩa che giấu ánh sáng của lý tưởng trọn vẹn nhất và cũng không cắt bớt những gì Đức Giêsu đã trao ban cho con người” (AL 307). “Các linh mục có nhiệm vụ ‘đồng hành với những người có liên hệ trên con đường phân định dựa theo giáo huấn của Hội Thánh và những hướng dẫn của Giám Mục” (AL 300).

[3] “Trên thực tế không gia đình nào là hoàn hảo và được kiện toàn một lần dứt khoát; nhưng đòi hỏi một sự phát triển tiệm tiến khả năng yêu thương của mình” (AL 325).

[4] “‘Một bước nhỏ, giữa những giới hạn lớn của con người, có thể làm đẹp lòng Chúa hơn là một cuộc sống đúng đắn bên ngoài êm ả trôi qua từng ngày mà không phải đối mặt với những khó khăn đáng kể nào’. Việc chăm sóc mục vụ cụ thể của các thừa tác viên và cộng đoàn không thể bỏ qua thực tại này” (AL 305).

[5] “Những người ly dị tái hôn nên tự hỏi xem mình đã sống thế nào đối với con cái khi mối liên kết vợ chồng đi vào khủng hoảng; tự hỏi xem mình đã có những nỗ lực hòa giải hay không; xem người phối ngẫu bị bỏ rơi đang sống thế nào” (AL 300).

[6] “ Trên tất cả mọi xem xét mà mình muốn làm, thiện ích của con cái phải là mối quan tâm hàng đầu, không được để cho bất cứ quyền lợi hay mục tiêu nào khác che lấp. Tôi khẩn khoản xin các cha mẹ ly thân: ‘Đừng, đừng, đừng bao giờ lấy con cái mình ra làm con tin! Anh chị ly thân vì nhiều khó khăn và nhiều lý do, cuộc sống đã trao cho anh chị thử thách này, nhưng chớ để con cái là kẻ phải gánh chịu hậu quả nặng nề của sự phân lý ấy, không được sử dụng chúng làm con tin chống lại người phối ngẫu kia, chúng can lớn lên trong khi nghe người mẹ nói tốt về người cha, cho dù hai người không còn sống với nhau, và nghe người cha nói tốt về người mẹ’. Thật là vô trách nhiệm việc làm hư đi hình ảnh của người cha hoặc người mẹ với mục đích để tranh thủ tình cảm của đứa con, để trả thù hoặc để tự vệ, bởi vì việc làm đó sẽ gây thiệt hại cho đời sống nội tâm của con cái và sẽ tạo nên những vết thương khó chữa lành” (AL 245).

[7] “Những người ly dị tái hôn nên tự hỏi mình xem […] mối quan hệ mới có những hậu quả gì trên những người khác trong gia đình và cộng đoàn tín hữu; xét xem mẫu gương nào mình đang cống hiến cho các bạn trẻ đang chuẩn bị hôn nhân” (AL 300).

[8] “Một người, dù biết rõ luật, cũng có thể gặp khó khăn lớn trong việc hiểu biết ‘các giá trị hàm ẩn trong nguyên tắc luân lý’, hoặc có thể đương sự đang ở trong các điều kiện cụ thể không cho phép người ấy hành động khác đi và có những quyết định khác mà không mắc một tội mới” (AL 301).

[9] “Vì những yếu tố hoàn cảnh chi phối hay các yếu tố giảm khinh, trường hợp có thể xảy ra là, trong một hoàn cảnh tội lỗi về mặt khách quan – mà không phải là lỗi phạm chủ quan hoặc không phải lỗi phạm hoàn toàn – người ta có thể sống trong ân sủng của Chúa, có thể yêu thương, và cũng có thể tăng trưởng trong đời sống ân sủng và bác ái, trong khi đón nhận sự giúp đỡ của Hội thánh vì mục đích ấy” (AL 305)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube