Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình (Mt 5,43-48)

Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải yêu thương chính những kẻ thù của chúng ta, những kẻ ngược đãi chúng ta vì chúng ta là Kitô hữu. Trong tương quan giữa người với người, bạo lực phải hoàn toàn bị loại trừ; thay vào đó là tình yêu mến tràn đầy hy sinh và lời cầu nguyện tha thiết để những ước muốn thiện hảo được thành tựu.

law-of-loveChúa Giêsu đòi hỏi các đồ đệ của Người phải yêu thương chính những kẻ thù của họ. Người nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44). Tác giả Tin Mừng dùng động từ agapaô để nói rằng: tình yêu dành cho kẻ thù ở đây là một tình yêu mến hy sinh cho người mình yêu (phân biệt với tình yêu được diễn tả bằng động từ phileô, là tình thương yêu có sự trao đổi, có sự đồng thuận hỗ tương dựa trên các phẩm chất, sự quan tâm, sự để ý đến nhau…). Như thế là có một thực tại mới mẻ hẳn được yêu cầu, theo đó, trong tương quan giữa người với người, bạo lực phải hoàn toàn bị loại trừ. Không còn chỗ cho sự oán thù. Thay vì sự căm ghét, phải là sự ước muốn những điều thực sự thiện hảo cho nhau (tình yêu mến và lời cầu nguyện).

Đâu là tiêu chuẩn và mức độ của tình yêu thương đối với kẻ thù và những kẻ ngược đãi các đồ đệ của Chúa? Và tại sao các đồ đệ của Chúa phải yêu thương kẻ thù và ước ao điều thiện hảo cho những kẻ ngược đãi mình?

Đức Giêsu nói: “Như vậy [yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình], anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,45-48).

Thực ra, người ta không trở nên con cái Thiên Chúa nhờ vào những công trạng của riêng mình. Nhưng vì đã được là con cái Thiên Chúa, họ phải chứng tỏ tư cách cao quý ấy bằng cách hành xử như Thiên Chúa hành xử, tức là yêu thương không phân biệt hay kỳ thị, cũng không theo nguyên tắc “hòn đất ném đi hòn chì ném lại”, mà là yêu thương vô điều kiện, không mong chờ đáp trả. Điều quan trọng nhất là các đồ đệ phải nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (c.48). Đó chính là tiêu chuẩn và cũng là lý do của đòi hỏi phải yêu thương kẻ thù và khao khát sự thiện hảo cho kẻ ngược đãi mình.

Với lời quả quyết cuối cùng (c.48), Đức Giêsu còn ngầm đưa ra một nhận định hết sức tiêu cực về lý tưởng hoàn thiện mà các kinh sư đề cao. Theo họ, lý tưởng hoàn thiện là sự tuân giữ triệt để Luật Môsê. Nhưng theo Đức Giêsu, chính tình yêu vô vị lợi và không giới hạn mới là yếu tố làm cho con người nên hoàn thiện và nên giống Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.

Tiêu chí tối hậu của sự hoàn thiện mà các Kitô hữu nhắm tới là chính sự hoàn thiện của Cha trên trời. Chúa Giêsu đã không đưa ra một tiêu chuẩn tương đối, cho dù Người biết rõ chúng ta yếu đuối và giới hạn. Nhưng Người phán: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (c.48).

Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube