Trong mọi hoàn cảnh

“Nóng không chịu nổi! Lạnh khủng khiếp! Chán quá! Buồn hết biết! Sao mà xui thế!”

Chúng ta phải có một ý muốn duy nhất với Chúa trong những điều xảy ra quanh ta theo cách tự nhiên: thời tiết nóng, lạnh, mưa, những tháng năm đói kém, dịch bệnh và những vấn đề tương tự. Chúng ta tránh nói những lời này: “Nóng không chịu nổi! Lạnh khủng khiếp! Chán quá! Buồn hết biết! Sao mà xui thế!” và những lời khác tương tự, những lời ấy cho thấy sự khiếp sợ đối với ý Chúa. Chúng ta phải muốn mọi sự như nó là vì không có gì xảy ra ngoài sự sắp đặt của Chúa. Thánh Francois de Borgia, khi đến một nhà thuộc Dòng của ngài trong đêm mưa tuyết, ngài gõ cửa nhiều lần, nhưng không ai dậy để ra mở cửa cho ngài. Sáng ra, mọi người trong tu viện hối hận vì đã để ngài phải chờ ngay giữa trời đầy tuyết, nhưng thánh nhân trả lời rằng, trong những giờ phút ấy, ngài đã được tận hưởng một sự an ủi ngọt ngào, khi nghĩ rằng Chúa đang vui khi ném lên đôi vai ngài những bông tuyết ấy.

Chúng ta phải nên một với ý Chúa trong những gì khiến ta tổn thương ngay trong chính bản thân chúng ta, như những đau khổ vì đói, vì khát, vì nghèo khổ, những buồn sầu, nhục nhã. Đó là những cơ hội để ta lập lại lời này: “Lạy Chúa, xin thực hiện và dẫn dắt theo ý Ngài, con luôn vui lòng; con chỉ muốn điều Ngài muốn.”

Cha Rodriguez gợi ý chúng ta phải trả lời thế nào cho một vài trường hợp tưởng tượng mà ma quỉ thỉnh thoảng gợi lên trong tâm trí ta, nhằm lôi kéo chúng ta vào một vài sai lầm nội tâm hoặc ít là đẩy chúng ta vào tình trạng bất an. “Nếu một người nào đó hoặc một lời nào đó đến với bạn, bạn sẽ nói thế nào, bạn sẽ làm gì?” Chúng ta chỉ có một câu trả lời: “Tôi sẽ nói hoặc tôi sẽ làm những gì Chúa muốn.” Như vậy, chúng ta sẽ không có lỗi, cũng không phải áy náy gì.

Nếu chúng ta có khiếm khuyết nào đó về tinh thần hoặc thể xác, trí nhớ yếu kém, trí khôn chậm chạp, thiếu khéo léo, một phần thân thể khiếm khuyết, sức khoẻ yếu kém, chúng ta không nên phàn nàn về điều ấy. Chúng ta lấy quyền nào để đòi một trí tuệ khá hơn, hoặc đòi một thân xác mạnh giỏi hơn? Và ai buộc Thiên Chúa phải ban cho chúng ta những điều ấy? Người lại không thể buộc chúng ta ở trong tình trạng của những thọ tạo không lý trí, hoặc để mặc chúng ta trong hư vô sao? Một sự hào phóng đã được trao cho chúng ta, chúng ta không nên tranh luận về điều ấy. Hãy tạ ơn Chúa về những gì chúng ta đã nhận được từ lòng nhân hậu của Người và hãy bằng lòng với những gì mà Người làm cho chúng ta.

Nếu với một tinh thần sáng suốt, một sức khoẻ tốt hơn, một vẻ bề ngoài duyên dáng hơn, thì ai biết chúng ta có bị hư mất hay không? Chẳng phải tài năng và kiến thức đã là cơ hội hư mất của bao người, bởi họ muốn làm vừa lòng mình và bởi những thái độ khinh miệt mà họ đã làm cho người khác; những người được phú bẩm những phẩm chất tri thức lại không nguy hiểm hơn sao? Vẻ đẹp hoặc sức mạnh thể xác đã chẳng nên tai hoạ cho bao người và khiến họ sa vào vô vàn hành động gian ác đó sao? Trái lại, bao người khác, nếu như đã giàu có, mạnh khoẻ hoặc có những nét quyến rũ, thì có lẽ đã sa hoả ngục, nhưng do nghèo khó, tàn tật, và mang những nét xấu xí mà họ đã đạt tới sự thánh thiện và được cứu độ! Vâng, chúng ta hãy bằng lòng với những gì Chúa ban cho chúng ta; vì chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi (Lc 10,42), và chuyện duy nhất cần thiết ấy không phải là sự duyên dáng, sức khoẻ phi thường, cũng không phải là trí khôn siêu việt, nhưng là sự rỗi linh hồn.

Đặc biệt, chúng ta phải thực thi sự nhẫn nại khi đau ốm và mệt mỏi; chúng ta phải sẵn lòng chấp nhận những đau đớn ấy và đón nhận chúng như Thiên Chúa muốn và trong bất cứ thời điểm nào Người muốn. Dĩ nhiên chúng ta cũng phải sử dụng những phương thuốc thông thường, vì đó cũng là ý Chúa; nhưng nếu các phương thuốc không sinh ích gì thì hãy kết hợp với ý Chúa, ý Chúa sẽ giúp chúng ta nhiều hơn sức khoẻ của ta giúp ta. “Khi đó, chúng ta thưa với Người: Lạy Chúa, con không muốn lành bệnh cũng không muốn sống trong tình trạng bệnh tật; con chỉ muốn những gì Chúa muốn, lạy Thiên Chúa của con.”

Không phàn nàn về những đau khổ của mình, chắc chắn đó là nhân đức lớn hơn cả; tuy nhiên, khi những đau khổ ấy quá lớn và quá sức chịu đựng, thì chẳng có gì là bất toàn khi ta tỏ cho bạn bè hay những đau khổ của ta, cũng như xin Chúa giải thoát ta khỏi tình trạng ấy. Tôi nói đến những đau khổ lớn lao; trái lại, sẽ là một khuyết điểm rất đáng chú ý, như một số người mới chỉ đau khổ hoặc mới gặp một chút khó chịu thì đã rên rỉ và muốn mọi người nhìn đến với lòng thương cảm.

Vả lại, chính Chúa chúng ta khi bước vào cuộc thương khó, đã bày tỏ nỗi đau buồn của Người cho các môn đệ: Tâm hồn Thầy buồn đến chết được (Mt 26,38); và cũng đã cầu nguyện xin Chúa Cha cất khỏi đau khổ cùng tột ấy: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này qua đi khỏi con.”

Đồng thời chính Chúa Giê-su đã dạy chúng ta điều phải làm sau lời cầu xin tương tự như thế: mau chóng tuân theo ý Chúa, khi Người nói thêm: “Tuy nhiên, đừng theo ý con, mà theo ý Cha” (Mt 26,39).

Cho nên trong mọi hoàn cảnh chúng ta hãy luôn quy hướng về Chúa để nhờ đó mà ý muốn của ta luôn phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa.

Nguyên tác: L’Expérience de Dieu avec Alphonse de Liguori

 “Thánh Anphongsô Và Sự Kết Hiệp Với Thiên Chúa

                     của cha Rey-Mermet, C.Ss.R.

Người dịch: Giuse Đỗ Đình Tư C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube