TÔNG HUẤN "AMORIS LAETITIA" (Chương VI: các số 199 - 258)

CHƯƠNG VI

NHỮNG QUAN ĐIỂM MỤC VỤ

  1. Cuộc đối thoại xảy ra suốt Thượng Hội Đồng đã khơi lên nhu cần phải có các phương pháp mục vụ mới. Tôi sẽ cố đề cập tới một số trong các phương pháp ấy cách rất chung chung. Các cộng đoàn khác nhau sẽ phải phát minh ra những sáng kiến thực tế và hiệu quả sao cho vừa tôn trọng giáo huấn của Hội thánh vừa tôn trọng các vấn đề và các nhu cầu địa phương. Tuy không yêu cầu trình bày một kế hoạch mục vụ cho gia đình, nhưng tôi cũng muốn suy nghĩ về một số thách thức mục vụ có ý nghĩa hơn.

Loan báo Tin mừng cho các gia đình hôm nay

  1. Các Nghị phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh rằng gia đình, nhờ ân sủng của bí tích hôn phối, là những tác nhân chính của việc tông đồ dành cho gia đình, nhất là nhờ “chứng tá đầy hoan lạc của họ với tư cách là Hội thánh tại gia”[1]. Vì thế mà, “điều quan trọng là người ta phải kinh nghiệm được Tin mừng của gia đình như một niềm hoan lạc, ‘đầy ắp tâm hồn và cuộc sống họ’ vì trong Đức Kitô, ta được ‘giải thoát khỏi tội lỗi, u buồn, sự trống rỗng và cô đơn trong lòng’ (Evangelii Gaudium). Như trong dụ ngôn người gieo giống (Mt 13, 3 – 9), ta được mời gọi giúp gieo hạt; việc còn lại là của Thiên Chúa. Ta cũng không được quên rằng, trong giáo huấn về gia đình, Hội thánh là một dấu chỉ của sự mâu thuẫn”[2]. Các vợ chồng biết ơn vì các mục tử của mình đã giương cao lý tưởng cao đẹp của tình yêu, một tình yêu tha thiết, vững bền, dài lâu và có khả năng chống đỡ họ vượt qua bất cứ thử thách nào họ có thể phải đương đầu. Hội thánh mong muốn, với sự khiêm tốn và lòng xót thương, đến với các gia đình và “giúp họ khám phá ra phương cách tốt nhất để khắc phục các trở ngại gia đình gặp phải”[3]. Bày tỏ mối bận tâm chung đối với các gia đình trong kế hoạch mục vụ chưa đủ. Làm cho các gia đình có thể mang lấy vai trò của mình như các tác nhân chủ động của việc tông đồ gia đình đòi hỏi “một cố gắng phúc âm hóa và giáo lý ngay trong gia đình”[4].
  2. “Nỗ lực này đòi hỏi việc hoán cải có tính thừa sai của mọi người trong Hội thánh, nghĩa là, một việc hoán cải không chỉ hài lòng với việc loan báo sứ điệp có tính lý thuyết không liên quan gì những vấn đề thật của con người”[5]. Việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình “cần làm rõ rằng Tin mừng của các gia đình bao giờ cũng đáp lại những khát vọng sâu xa nhất của con người: một sự đáp trả lại phẩm giá và sự hoàn tất của mỗi người trong sự hỗ tương, hiệp thông và sinh sản. Điều này không chỉ bao gồm việc trình bày một bộ luật, mà còn bao gồm việc đưa ra các giá trị rõ ràng con người đang cần đến, cả trong các quốc gia tục hóa nhất”[6]. Các Nghị phụ Thượng Hội Đồng cũng “nhấn mạnh sự kiện này là việc phúc âm hóa cần dứt khoát vạch trần những dữ kiện kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội nào – như tầm quan trọng quá đáng người ta trao cho logic thị trường – ngăn chặn cuộc sống gia đình đích thực và đưa tới chỗ kỳ thị, nghèo khó, loại trừ và bạo lực. Do đó, cần nuôi dưỡng việc đối thoại và hợp tác với tổ chức xã hội và khích lệ giáo dân tham gia, với tư cách là Kitô hữu, vào các lãnh vực văn hóa, chính trị, xã hội.”[7].
  3. “Đóng góp chính yếu cho việc chăm sóc mục vụ các gia đình do giáo xứ thực hiện, giáo xứ là gia đình của các gia đình, là nơi các cộng đoàn nhỏ, các phong trào và các hiệp hội của Hội thánh sống trong sự hài hòa”[8]. Cùng với việc ra đi làm mục vụ nhắm cách riêng tới các gia đình, giáo xứcho thấy nhu cầu cần “một nền đào tạo đầy đủ … cho các linh mục, phó tế, nam nữ tu sĩ, giáo lý viên và những người làm mục vụ khác”[9]. Trong các bản trả lời cho việc hỏi ý kiến trên toàn thế giới, rõ ràng là các thừa tác viên có chức thường thiếu nền huấn luyện cần thiết để đương đầu với những vấn đề phức tạp hiện đang đối diện với các gia đình. Ta cũng có thể dựa vào kinh nghiệm của truyền thống phương đông rộng lớn về giáo sĩ có gia đình.
  4. Các chủng sinh phải tiếp nhận một nền giáo dục có tính học thuật bao quát hơn, không chỉ về tín lý, trong những lãnh vực liên quan tới việc đính hôn và kết hôn. Việc huấn luyện chủng sinh không phải lúc nào cũng cho phép họ đào sâu bối cảnh tâm lý và tình cảm và những kinh nghiệm của họ. Một số xuất thân từ các gia đình có vấn đề vì thiếu vắng cha mẹ và thiếu sự ổn định tình cảm. Cần bảo đảm rằng tiến trình đào tạo làm cho họ có thể đạt được sự trưởng thành và quân bình tâm lý cần thiết cho thừa tác vụ tương lai của họ. Những mối quan hệ gia đình rất quan trọng cho việc củng cố sự tự trọng lành mạnh. Điều quan trọng đối với các gia đình là phải trở thành một phần của tiến trình chủng viện và đời sống linh mục, vì các gia đình sẽ giúp tái khẳng định các mối quan hệ này và giữ cho các quan hệ ấy được xây dựng vững chắc trên thực tế. Đối với các chủng sinh, kết hợp thời gian ở chủng viện với thời gian ở giáo xứ là điều rất ích lợi. Ở đó, họ có thể tiếp xúc nhiều hơn với các thực tại cụ thể của đời sống gia đình, vì trong thừa tác vụ tương lai họ sẽ phần lớn tiếp xúc với các gia đình. “Sự hiện diện của giáo dân, các gia đình và nhất là sự hiện diện của phụ nữ trong việc đào tạo linh mục, sẽ đẩy mạnh việc hiểu rõ sự đa dạng và bổ túc của những ơn gọi khác nhau trong Hội thánh”[10].
  5. Việc trả lời cho bản tham khảo ý kiến cũng nhấn mạnh đến nhu cầu huấn luyện các vị lãnh đạo giáo dân, những người có thể trợ giúp trong việc chăm sóc mục vụ các gia đình, với sự giúp đỡ của các thầy dạy và các nhà tư vấn, các y sĩ của gia đình và cộng đoàn, những người làm công tác xã hội, những người bênh vực thiếu niên và các gia đình và việc dựa vào những đóng góp của tâm lý học, xã hội học, khoa trị liệu và tư vấn gia đình. Những nhà chuyên môn, nhất là những người có kinh nghiệm thực tế, luôn giúp giữ cho các sáng kiến mục vụ được xây dựng vững chắc trong những hoàn cảnh thật và những âu lo cụ thể của các gia đình. “Các khóa học và các chương trình, được sắp xếp cách riêng cho những người làm mục vụ, có thể được trợ giúp bằng cách đưa chương trình dự bị hôn nhân vào trong động lực lớn hơn của đời sống Hội thánh”[11]. Việc huấn luyện mục vụ chu đáo rất quan trọng “nhất là dưới ánh sáng của những hoàn cảnh khẩn thiết đặc biệt xuất phát từ những trường hợp bạo lực gia đình hay lạm dụng tình dục”[12]. Tất cả những điều này không giảm bớt, nhưng bổ túc cho giá trị căn bản của việc hướng dẫn thiêng liêng, của kho tàng thiêng liêng phong phú của Hội thánh và bí tích Hòa giải.

Chuẩn bị hôn nhân cho những người đã đính hôn

  1. Các Nghị phụ Thượng Hội Đồng tuyên bố bằng nhiều cách rằng ta cần giúp các bạn trẻ khám phá ra phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân”[13]. Ta phải giúp đỡ họ cảm nhận được sự hấp dẫn của sự kết hợp hoàn toàn, một sự kết hợp nâng cao và hoàn thiện chiều kích xã hội của sự sống, đem lại cho giới tính ý nghĩa sâu xa nhất của nó và đem lại lợi ích cho con cái bằng cách cho chúng bối cảnh tốt nhất để lớn lên và phát triển.
  2. “Sự phức tạp của xã hội ngày nay và những thách thức các gia đình đang phải đương đầu đòi hỏi nhiều nỗ lực về phía toàn bộ cộng đoàn Kitô hữu trong việc chuẩn bị cho những người sắp kết hôn. Nỗ lực ấy phải bao hàm tầm quan trọng của các nhân đức. Trong số các nhân đức ấy, khiết tịnh cho thấy là rất quan trọng đối với sự phát triển đích thật của tình yêu giữa hai người. Trong lãnh vực này, các Nghị phụ Thượng Hội Đồng đã nhất trí về nhu cầu thu hút toàn cộng đoàn cách rộng rãi hơn qua việc nhấn mạnh đến chứng tá của chính các gia đình và gắn việc chuẩn bị hôn nhân vào tiến trình khai tâm Kitô giáo, đưa ra mối liên kết giữa hôn nhân, Thánh tẩy và các bí tích khác. Các Nghị phụ cũng nói về nhu cầu cần có một chương trình dự bị hôn nhân đặc biệt nhắm đến việc đem lại cho đôi bạn một kinh nghiệm đích thật về việc tham gia vào đời sống Hội thánh và một giới thiệu trọn vẹn về các khía cạnh khác nhau của đời sống gia đình”[14].
  3. Cha khuyến khích các cộng đoàn Kitô hữu nhận ra lợi ích lớn lao chính mình nhận được qua việc nâng đỡ các đôi bạn đã đính hôn khi họ lớn lên trong tình yêu. Như các giám mục Ý nhận xét, các đôi bạn ấy là “một nguồn vô giá vì, khi chính họ cam kết lớn lên trong tình yêu và việc tự hiến, họ có thể giúp canh tân công trình xây dựng của toàn thân thể Hội thánh. Hình thức đặc biệt này của tình bằng hữu của họ có thể cho thấy có tính lây lan và nuôi dưỡng sự phát triển của sự hiệp thông và tình huynh đệ trong cộng đoàn Kitô hữu, mà họ là một thành viên”[15]. Có một số cách thức hợp pháp để tổ chức các chương trình dự bị hôn nhân và mỗi Hội thánh địa phương sẽ phải xem xem cách nào tốt nhất để cung cấp một nền đào tạo thích hợp mà không làm cho giới trẻ xa cách bí tích. Ta không cần dạy họ toàn bộ giáo lý hay nhồi nhét cho họ quá nhiều thông tin. Ở đây “giáo lý ấy không phải là kiến thức quan trọng, mà là khả năng cảm nhận và tận hưởng các sự việc đem lại sự hài lòng và thỏa mãn cho linh hồn cách nội tâm”[16]. Phẩm quan trọng hơn lượng, và ta phải ưu tiên – cùng với việc loan báo Kerygma cách mới mẻ – cho việc trình bày cách hấp dẫn và hiệu quả thông tin có thể giúp đôi bạn sống những ngày còn lại với nhau, “cách hết sức can đảm và hào phóng”[17]. Việc chuẩn bị hôn nhân phải là một thứ “khởi sự” của bí tích  hôn phối, cung cấp cho đôi bạn sự trợ giúp họ cần thiết để đón nhận bí tích cách xứng đáng và làm cho việc khởi đầu sự sống với tư cách là gia đình được vững chắc.
  4. Với sự trợ giúp của các gia đình truyền giáo, với các gia đình của riêng đôi bạn này và các tài nguyên mục vụ khác nhau, ta cũng phải tìm ra những cách thức đem lại một sự chuẩn bị xa, qua gương sáng và các lời khuyên tốt lành, có thể giúp tình yêu của họ triển nở và trưởng thành. Các nhóm hội thảo, các cuộc nói chuyện nhiệm ý về các chủ đề khác nhau thật sự hấp dẫn giới trẻ cũng cho thấy là rất có lợi. Dẫu sao đi nữa, một cuộc gặp gỡ cá nhân vẫn rất quan trọng, vì mục tiêu đầu tiên là giúp mỗi người học cho biết yêu thương chính con người thật ấy mà họ đang có kế hoạch chia sẻ toàn bộ cuộc sống. Học cho biết yêu một người nào đó không tự động xảy ra, cũng không thể dạy trong một cuộc hội nghị nào đó ngay trước khi cử hành hôn phối. Đối với mọi đôi bạn, việc chuẩn bị hôn nhân đều khởi sự từ lúc sinh ra. Những gì họ nhận được nơi gia đình sẽ chuẩn bị cho họ biết mình và giúp thực hiện cam kết dứt khoát và trọn vẹn. Những người được chuẩn bị tốt nhất để kết hôn có lẽ là những người đã học biết hôn nhân Kitô giáo là gì từ nơi cha mẹ họ, những người đã chọn nhau cách vô điều kiện và canh tân quyết định ấy mỗi ngày. Theo nghĩa này, các sáng kiến mục vụ nhắm đến việc giúp vợ chồng lớn lên trong tình yêu và trong Tin mừng về gia đình cũng giúp con cái họ nữa, bằng cách chuẩn bị cho chúng về cuộc sống hôn nhân tương lai. Ta cũng không được đánh giá thấp giá trị mục vụ của các thực hành tôn giáo truyền thống. Chỉ cần đưa ra một ví dụ: tôi nghĩ về ngày Valentine; tại một số nước, các lợi nhuận thương mại đã thấy được tiềm năng của việc cử hành ngày lễ này nhanh hơn ta trong Hội thánh.
  5. Việc chuẩn bị đúng lúc của các đôi bạn đã đính hôn nhờ cộng đoàn giáo xứ cũng giúp họ nhận ra những vấn đề và những nguy hiểm bất ngờ. Theo cách này, họ có thể bắt đầu nhận ra sự khôn ngoan của việc cắt đứt một mối tương quan mà họ có thể thấy trước thất bại và hậu quả đau lòng. Lúc đầu khi mới quen, các đôi bạn có thể cố che giấu hay tương đối hóa một số điều và tránh các bất đồng; chỉ sau đó vấn đề mới nổi lên. Vì lý do đó, ta nên mạnh mẽ khuyến khích họ bàn về việc họ chờ mong gì nơi hôn nhân, họ hiểu thế nào về tình yêu và sự cam kết, họ muốn gì nơi nhau và muốn cùng nhau xây dựng một kiểu sống nào. Những bàn luận ấy sẽ giúp họ thấy nếu thật sự họ không có nhiều điểm chung và nhận ra chỉ một mình việc hấp dẫn nhau thôi sẽ không đủ để giữ họ lại với nhau. Không có gì bấp bênh, mong manh và không đoán trước được bằng khát vọng. Ta đừng bao giờ khuyến khích quyết định kết hôn trừ phi đôi bạn đã phân định những lý do sâu xa hơn sẽ giúp họ bảo đảm được việc cam kết chân thật và ổn định.
  6. Trong bất cứ biến cố nào, nếu một người nhận thấy rõ những nhược điểm của người kia, thì người ấy cần có sự tin tưởng cách thực tế vào khả năng giúp phát triển các điểm tốt để quân bình với các điểm xấu ấy và như thế cũng là thúc đẩy sự phát triển nhân bản nơi họ. Việc này đòi phải sẵn sàng đương đầu với những hy sinh, rắc rối và hoàn cảnh xung đột bất ngờ; và cũng đòi một quyết tâm mạnh mẽ sẵn sàng chấp nhận điều ấy. Đôi bạn cần có khả năng phát hiện ra những tín hiệu nguy hiểm trong mối tương quan của mình và trước khi kết hôn, phải tìm ra các cách đáp trả các tín hiệu ấy cách hiệu quả. Tiếc rằng, nhiều đôi bạn kết hôn mà vẫn chưa thực sự biết nhau. Họ đã tận hưởng được việc có nhau và đã làm với nhau nhiều việc, nhưng lại chưa đương đầu với thách thức bộc lộ chính mình này và vẫn chưa biết người kia thật sự là ai.
  7. Việc dự bị hôn nhân cả ngắn lẫn dài đều phải bảo đảm rằng đôi bạn không nhìn lễ cưới như đoạn kết của một con đường, nhưng thay vào đó là nhìn việc bước vào hôn nhân như một lời kêu gọi kéo dài suốt đời dựa trên một quyết định vững chắc và thực tế cùng nhau đương đầu với mọi thử thách và những lúc gian nan. Việc chăm sóc mục vụ cho những người đã đính hôn và thành hôn phải tập trung vào sợi dây hôn phối, giúp đôi bạn không chỉ đào sâu tình yêu của mình thôi mà còn khắc phục các vấn đề và khó khăn. Điều này không chỉ liên quan tới việc giúp họ chấp nhận giáo huấn của Hội thánh và tận dụng được các nguồn tài nguyên giá trị của Hội thánh mà còn đưa ra những chương trình thực tế, các lời khuyên tốt lành, các chiến lược từng trải và việc hướng dẫn tâm lý. Tất cả những điều ấy đòi hỏi một khoa sư phạm về tình yêu, phù hợp với tình cảm và nhu cầu của các bạn trẻ và có thể giúp họ phát triển nội tâm. Việc chuẩn bị hôn nhân cũng phải cung cấp cho đôi bạn tên của những nơi, những người và các dịch vụ họ có thể đến xin giúp đỡ khi có vấn đề. Nhắc cho họ biết về sự sẵn sàng của bí tích Hòa giải cũng là điều quan trọng, nơi bí tích ấy họ có thể đưa đến trước Thiên Chúa, các tội lỗi của quá khứ và cả mối tương quan của mình và đón nhận sự tha thứ nhân từ và sức mạnh chữa lành của Ngài.

Chuẩn bị cho việc cử hành hôn lễ

  1. Việc chuẩn bị ngắn hạn cho hôn nhân có khuynh hương tập trung vào thiệp mời, quần áo, tiệc tùng và một số chi tiết khác hướng đến chỗ sao cho không chỉ dốc cạn ngân sách mà cả sức lực và niềm vui. Vợ chồng đến với lễ cưới thường mệt lử và lo ra, chứ không tập trung và sẵn sàng cho bước quan trọng họ sắp thực hiện. Bận tâm về một nghi lễ khí thế cũng phần nào ảnh hưởng tới những sự kết hợp thực tế; vì những tốn kém có liên quan, thay vì phải quan tâm trước hết đến tình yêu và việc cử hành tình yêu ấy trước sự hiện diện của người khác, đôi bạn lại như thể không bao giờ kết hôn. Ở đây, Cha xin có mấy lời với các hôn phu: Các con hãy can đảm (làm) khác với người ta. Đừng để mình bị xã hội tiêu thụ và chuộng vẻ giả dối bên ngoài nuốt chửng. Điều quan trọng là tình yêu các con chia sẻ, được ân sủng củng cố và thánh hóa. Các con có thể chọn một nghi lễ đơn sơ và giản dị hơn trong đó, tình yêu vượt trên mọi sự. Những người làm mục vụ  và toàn cộng đoàn có thể giúp làm cho ưu tiên này thành qui tắc chứ không phải là luật trừ.
  2. Trong việc chuẩn bị hôn nhân, ta nên khuyến khích đôi bạn làm cho việc cử hành phụng vụ thành một kinh nghiệm bản thân sâu sắc và đánh giá đúng ý nghĩa của mỗi dấu chỉ. Trong trường hợp cả hai đều đã chịu Thánh tẩy, thì việc cam kết được diễn tả qua lời ưng thuận và sự kết hợp thân xác làm cho hôn nhân hoàn hợp chỉ có thể được nhìn như các dấu chỉ của giao ước tình yêu và sự kết hợp giữa Con Thiên Chúa nhập thể và Hội thánh Ngài. Nơi những người đã được thánh tẩy, lời và dấu chỉ trở thành một ngôn ngữ hùng hồn của đức tin. Thân xác, được tạo dựng với ý nghĩa Thiên Chúa ban, “trở thành ngôn ngữ của các thừa tác viên của bí tích, ý thức rằng trong giao ước hôn nhân mầu nhiệm được diễn tả và được hiện thực là mầu nhiệm có nguồn gốc nơi chính Thiên Chúa”[18].
  3. Đôi khi, đôi bạn không hiểu thấu đáo ý nghĩa thần học và linh đạo của lời ưng thuận, lời làm sáng tỏ ý nghĩa của mọi dấu chỉ theo sau. Ta cần nhấn mạnh rằng không ai được giảm những lời ấy xuống chỉ còn là những lời thuộc hiện tại; những lời ấy liên  quan tới một toàn thể bao gồm cả tương lai: “Cho tới chết mới chia cắt ta”. Nội dung của các lời ưng thuận ấy cho thấy rõ “sự tự do và trung thành không chống lại nhau, nhưng nâng đỡ nhau,  cả trong các mối tương quan liên vị lẫn xã hội. Thật vậy, ta hãy xem xem tác hại của việc ngày càng không giữ lời hứa xã hội truyền thông toàn cầu của ta gây ra… Kính trọng lời nói của con người, trung  thành với lời hứa của mình: đó là những điều không thể mua bán được. Sức mạnh không thể buộc được những việc ấy và không có hy sinh, không thể giữ được những việc ấy”[19].
  4. Các đức giám mục Kenya  nhận xét rằng “nhiều [bạn trẻ] tập trung vào ngày cưới và quên mất việc cam kết suốt đời họ sắp đi vào”[20].  Ta cần khuyến khích họ nhìn bí tích không phải là một khoảnh khắc đơn độc mà lúc ấy trở nên một phần của quá khứ và những kỷ niệm của quá khứ, nhưng là một thực tại không ngừng ảnh hưởng  trên toàn bộ đời sống hôn nhân[21]. Ý nghĩa sinh sản của giới tính, ngôn ngữ thân xác, và các dấu chỉ của tình yêu được chiếu tỏa suốt  cuộc sống hôn nhân, tất cả đều trở nên một “sự liên tục không bị đứt quãng của ngôn ngữ phụng vụ” và “đời sống vợ chồng  theo một nghĩa nào đó  luôn trở nên có tính phụng vụ”[22].
  5. Đôi bạn cũng có thể suy gẫm về các bài đọc Kinh thánh và ý nghĩa của các chiếc nhẫn họ trao cho nhau và các dấu chỉ khác là những thành phần của nghi lễ. Cũng không tốt, đối với họ khi đến với đám cưới mà chưa hề cầu nguyện với nhau, chưa cầu nguyện cho nhau, chưa tìm kiếm sự trợ giúp của Thiên Chúa để được trung thành và quảng đại, chưa cùng nhau xin Chúa những gì Chúa muốn nơi họ và hiến thánh tình yêu của mình trước hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria. Những người giúp họ chuẩn bị kết hôn phải giúp họ kinh nghiệm được những giờ phút cầu nguyện nào có thể cho thấy có ảnh hưởng tốt. “Phụng vụ hôn nhân là một biến cố độc nhất vô nhị, một cử hành vừa của gia đình vừa của cộng đoàn. Các dấu chỉ đầu tiên của Chúa Giêsu  được thực hiện tại tiệc cưới Cana. Rượu ngon, có được do phép lạ của Chúa đem lại niềm hoan lạc vào lúc khởi sự của một gia đình mới, là rượu mới của giao ước của Đức Kitô với con người thuộc mọi thời đại… Như thế, người cử hành đang nói với cộng đoàn gồm cả những người thi thoảng mới tham dự đời sống Hội thánh, hay những người là thành viên của các giáo phái Kitô giáo khác hay các cộng đoàn tôn giáo. Vì thế thời điểm đó cung cấp một cơ hội giá trị cho việc loan báo Tin mừng của Đức Kitô”[23] .

Việc đồng hành những năm đầu đời hôn nhân

  1. Điều quan trọng là ta phải coi hôn nhân là vấn đề của tình yêu, chỉ những ai tự do chọn và yêu thương nhau mới được phép lấy nhau. Khi tình yêu chỉ là sự hấp dẫn của thân xác hay chỉ là một tình yêu nhạt nhòa, vợ chồng trở nên rất dễ bị tổn thương một khi tình cảm này tàn phai hay sự hấp dẫn kia của thân xác giảm suy. Vì tình trạng này thường xảy ra, nên điều quan trọng hơn là ta phải giúp đôi bạn suốt những năm đầu của đời sống gia đình để phong phú hóa và đào sâu quyết định tự do và ý thức của họ để có, để giữ và để yêu nhau suốt đời. Thường giai đoạn đính hôn ngắn quá, quyết định lại bị thôi thúc vì nhiều lý do và điều rắc rối hơn chính là đôi bạn chưa trưởng thành đủ. Nên các vợ chồng mới cưới cần hoàn tất một tiến trình đáng lẽ họ phải hoàn tất trong thời kỳ đính hôn.
  2. Một thách thức nữa của việc chuẩn bị hôn nhân là giúp cho đôi bạn nhận ra rằng hôn nhân không phải là một cái gì đó chỉ xảy ra một lần. Hôn nhân của họ là hôn nhân thật và không thể hủy bỏ được, lại còn được bí tích hôn phối củng cố và hiến thánh nữa. Nhưng trong việc chung sống, vợ chồng thường đảm nhận một vai trò tích cực và sáng tạo trong một chương trình kéo dài suốt đời.  Cái nhìn của họ bây giờ phải hướng về tương lai, một tương lai mà với sự trợ giúp của ân sủng Thiên Chúa, họ  được kêu gọi gầy dựng hằng ngày. Vì lý do đó, cả hai vợ chồng đều không thể chờ mong người kia hoàn thiện. Mỗi người đều phải dẹp bỏ mọi ảo tưởng và vợ chồng mình sao chấp nhận vậy: một sản phẩm chưa hoàn tất, cần phải phát triển, một tác phẩm còn dang dở. Thái độ chì  chiết bạn đời là dấu chỉ  cho thấy người ta chưa đi vào hôn nhân  như một chương trình phải cùng nhau thực hiện cách kiên trì, hiểu biết, khoan dung và đại lượng. Chậm mà chắc, tình yêu khi ấy sẽ mở đường cho việc không ngừng thắc mắc và phê bình, dừng lại nơi những điểm tốt và xấu của nhau, đưa ra mục đích cao nhất và tham gia vào việc thi đua và tự công chính hóa mình. Khi ấy đôi bạn cho thấy họ có thể giúp nhau xây dựng sự hợp nhất trưởng thành. Việc này cần phải được trình bày cách thực tiễn  cho các vợ chồng mới cưới ngay từ đầu để họ có thể hiểu rõ rằng  đám cưới chỉ “mới là khởi đầu thôi”. Khi nói “tôi hiểu”, họ bước vào một cuộc hành trình đòi họ phải vượt qua mọi trở ngại đang ngăn chặn không cho họ đạt được cùng đích. Việc chúc lành hôn phối họ  nhận được là một ân sủng và một sự khích lệ trong cuộc hành trình này. Họ chỉ có thể đạt được lợi ích qua việc ngồi xuống và nói chuyện với nhau về việc làm thế nào để đạt được mục đích của họ cách cụ thể.
  3. Tôi nhớ lại câu nói xưa: nước không chảy là nước tù chỉ vô ích thôi. Nếu, những năm đầu của hôn nhân, kinh nghiệm của đôi bạn về tình yêu trở nên tù túng, tình yêu ấy sẽ mất đi chính sự hấp dẫn đáng lẽ phải là sức mạnh có tính thôi thúc của nó. Tình yêu non trẻ cần nhảy tới tương lai với niềm hy vọng bao la. Hy vọng là men, mà trong các năm đầu của việc đính hôn và thành hôn, khiến người ta có thể có được cái nhìn vượt quá những tranh cãi, xung đột và khó khăn và thấy được các sự việc trong viễn cảnh rộng  hơn. Hy vọng  kiểm soát những gì ta không chắc chắn và các mối bận  tâm của ta để có được sự triển nở. Hy vọng cũng  mời ta sống trọn vẹn giây phút hiện tại, dành mọi sự cho cuộc sống gia đình, vì chuẩn bị  cách tốt nhất cho một tương lai vững vàng là sống tốt giây phút hiện tại.
  1. Tiến trình này xảy ra trong các giai đoạn khác nhau, các giai đoạn đòi hỏi sự đại độ và hy sinh. Những tình cảm mãnh liệt ban đầu về sự hấp dẫn nhường bước cho việc nhận ra rằng người ấy bây giờ là một phần của đời tôi. Niềm hoan lạc của việc thuộc về nhau đưa tới chỗ nhìn cuộc sống như một chương trình chung, khi đặt hạnh phúc của người ấy lên trước hạnh phúc của tôi và hân hoan nhận ra rằng cuộc hôn nhân này làm phong phú xã hội. Khi trưởng thành, tình yêu ấy cũng học được cách “thương thảo”. Không còn gì là ích kỷ hay tính toán nữa, việc thỏa thuận ấy là cách thực hành tình yêu hỗ tương, là một tác động lẫn nhau trong việc cho và nhận, vì lợi ích của gia đình. Ở mỗi giai đoạn mới của đời sống hôn nhân bao giờ cũng có nhu cầu phải ngồi xuống và xem lại những gì đã đồng ý, để sẽ không có kẻ được người mất, nhưng cả hai đều được. Trong gia đình, ta không được đưa ra các quyết định đơn phương, vì mỗi vợ chồng đều chia sẻ trách nhiệm đối với gia đình; mỗi gia đình đều độc nhất vô nhị và mỗi cuộc hôn nhân sẽ tìm được một sự sắp xếp hoạt động cách tốt nhất.
  2. Trong số những nguyên nhân khiến các cuộc hôn nhân đổ vỡ có những kỳ vọng cao cách bất hợp lý về đời sống vợ chồng. Một khi mọi sự trở nên rõ ràng là thực tế giới hạn và khó khăn hơn người ta tưởng nhiều, thì giải pháp không còn là suy nghĩ chớp nhoáng và vô trách nhiệm về việc chia tay, nhưng là nhận ra cách tỉnh táo rằng đời sống hôn nhân là một tiến trình phát triển, trong tiến trình ấy mỗi vợ chồng đều là phương tiện Thiên Chúa dùng để làm cho người kia trưởng thành. Thay đổi, cải thiện, làm cho những phẩm chất tốt lành vốn có trong mỗi người nở hoa – tất cả những điều ấy đều có thể làm được. Mỗi cuộc hôn nhân đều là một thứ “lịch sử cứu độ”, một lịch sử xuất phát từ những khởi đầu mong manh – nhờ ơn Thiên Chúa và sự đáp trả sáng tạo và quảng đại về phía ta – lớn lên thành một cái gì đó quí giá và bền vững. Ta không thể nói rằng sứ mạng lớn nhất của hai người trong tình yêu là giúp nhau trở thành người nam và người nữ hơn sao? Nuôi dưỡng sự phát triển có nghĩa là giúp một người nào đó hình thành nên căn tính mình. Như thế, tình yêu là một thứ nghề thủ công. Khi đọc trong Kinh thánh về việc tạo dựng người nam và người nữ, ta thấy Thiên Chúa tạo nên Adam trước (x. St 2, 7); Ngài nhận ra rằng có một cái gì đó rất quan trọng đang thiếu và thế là Ngài dựng nên Eva và Ngài nghe ông ấy sung sướng reo lên: “Vâng, người này thật chỉ xứng với tôi thôi!” Hầu như ta không thể nghe được cuộc đối thoại kinh ngạc hẳn đã xảy ra khi người nam và người nữ lần đầu gặp nhau. Trong cuộc sống vợ chồng, cả những lúc gian nan, người này vẫn có thể làm cho người kia ngạc nhiên và những cánh cửa mới vẫn có thể mở ra cho tương quan của họ, như thể họ gặp nhau lần đầu vậy. Vào mỗi giai đoạn mới, họ đều có thể “hình thành nên” nhau. Tình yêu làm cho người này đợi chờ người kia với sự kiên nhẫn của thợ thủ công, một sự kiên nhẫn xuất phát từ Thiên Chúa.
  3. Việc chăm sóc mục vụ đối với những vợ chồng mới cưới cũng phải kéo theo việc khuyến khích họ quảng đại trong việc trao ban sự sống. “Theo đặc tính riêng tư và nhân bản của tình yêu vợ chồng, thì việc kế hoạch hóa gia đình xảy ra cách thích hợp như kết quả của một cuộc đối thoại của những người cùng có xác thịt như nhau giữa hai vợ chồng, biết tôn trọng số lần và quan tâm đến phẩm giá của bạn đời. Theo nghĩa đó, giáo huấn của Thông điệp Humanae Vitae (x. 1014) và Tông huấn Familiaris Consortio (x. 14; 2835) phải được nhìn cách mới mẻ, để chống lại não trạng thường hay thù địch với sự sống… Những quyết định liên quan tới việc làm cha mẹ có trách nhiệm giả thiết phải có việc đào tạo lương tâm , là “cõi thẳm sâu nhất và là cung thánh của con người. Tại đó, mỗi người được ở một mình với Thiên Chúa, tiếng Ngài vẫn âm vang trong cõi thẳm sâu của tầm hồn” (GS 16). Đôi bạn càng cố lắng nghe Thiên Chúa và các điều răn của Ngài trong lương tâm mình (x. Rm 2, 15) và càng được đồng hành về mặt thiêng liêng, thì quyết định của họ càng thoát khỏi tính thất thường chủ quan cách sâu xa và khỏi việc ở lại với các tập tục thịnh hành của xã hội”[24]. Giáo huấn rõ ràng của Công Đồng Vatican II vẫn khẳng định: “[đôi bạn] sẽ đưa ra những quyết định nhờ nỗ lực và việc bàn bạc chung. Hãy để họ cân nhắc thật kỹ lợi ích của mình và của con cái, những đứa đã và những đứa sẽ ra đời trong tương lai. Vì việc cân nhắc này họ cần tính toán cả điều kiện vật chất lẫn tinh thần của thời đại cũng như tình trạng của cuộc sống họ. Cuối cùng, họ cũng nên tham khảo quyền lợi của các nhóm gia đình, của xã hội hiện nay và Hội thánh. Cuối cung, chính cha mẹ chứ không ai khác phải đưa ra phán đoán này dưới mắt Thiên Chúa”[25]. Hơn nữa. “việc sử dụng các phương pháp dựa trên luật tự nhiên và khả năng sinh con tự nhiên” (Humanae Vitae, 11) phải được đề cao, vì “các phương pháp này tôn trọng thân xác của vợ chồng, khích lệ sự âu yếm giữa họ và ủng hộ việc giáo dục sự tự do chân thực”[26]. Ta cũng cần nhấn mạnh hơn đến sự kiện này là con cái là quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa và là niềm hon lạc cho cha mẹ và Hội thánh. Nhờ chúng, Chúa canh tân thế giới này”[27].

Một số tài nguyên

  1. Các Nghị phụ Thượng Hội Đồng nhận xét rằng “những năm đầu đời hôn nhân là giai đoạn sống động và nhạy cảm, suốt giai đoạn ấy vợ chồng trở nên ý  thức  hơn về những thách thức và ý nghĩa của đời sống hôn nhân. Vì thế, việc đồng hành mục vụ cần vượt ra ngoài việc cử hành bí tích hiện thời (Familiaris Consortio, phần III). Về lãnh vực này, các đôi bạn có kinh nghiệm đóng một vai trò quan trọng. Giáo xứ là nơi các đôi bạn có kinh nghiệm có thể giúp các đôi bạn trẻ, với sự cộng tác ngẫu nhiên của các hiệp hội, các phong trào Hội thánh và các cộng đoàn mới. Các đôi bạn trẻ cần được khuyến khích chủ yếu mở ra cho quà tặng lớn là con cái. Ta cũng phải nhấn mạnh tới tầm quan trọng của nền linh đạo, việc cầu nguyện và tham dự lễ Chúa nhật của các gia đình; và  khích lệ các đôi bạn thường xuyên gặp gỡ nhau để nâng cao sự phát triển trong đời sống thiêng liêng và tình liên đới trong những đòi hỏi cụ thể của cuộc sống. Phụng vụ, các việc đạo đức và Thánh Thể được cử hành cho các gia đình, nhất là những dịp kỷ niệm hôn phối, được đề cập tới như những dữ kiện sống động trong việc nuôi dưỡng công cuộc phúc âm hóa nhờ gia đình”[28].
  2. Tiến trình này đòi hỏi thời gian. Tình yêu cần thời gian và không gian; các thứ khác đều phụ thuộc. Người ta cần thời gian để bàn chuyện, để ấp ủ yêu thương, để chia sẻ kế hoạch, để lắng nghe nhau và nhìn thật sâu vào ánh mắt nhau, để trân trọng nhau và xây dựng một mối tương quan vững mạnh hơn. Có lúc bước chân cuồng loạn của xã hội và những áp lực của nơi làm việc gây nên rắc rối. Lúc khác, vấn đề lại nằm ở chỗ thiếu thời gian có chất lượng với nhau, ở cùng phòng mà chẳng ai đoái hoài đến ai. Những người làm mục vụ và các nhóm người có gia đình phải suy nghĩ về những cách thức giúp các đôi bạn trẻ và dễ bị tổn thương tận dụng tối đa những khoảnh khắc ấy, để hiện diện với nhau, kể cả chia sẻ với nhau những lúc thinh lặng đầy ý nghĩa.
  3. Các đội bạn nào đã học được cách làm tốt điều này có thể chia sẻ một số gợi ý thực tế mình cảm thấy hữu ích: lên kế hoạch ở với nhau lúc rảnh, những lúc giải trí với con cái, những cách cử hành các biến cố quan trọng khác nhau, chia sẻ các cơ hội phát triển tâm linh. Họ cũng có thể cung cấp các tài nguyên giúp các đôi bạn làm cho những lúc ấy có ý nghĩa và yêu thương và như thế cũng cải thiện việc truyền thông của họ. Khi một đôi bạn nào đó không còn biết làm thế nào để dành thời gian ở chung với nhau nữa, thì một hoặc cả hai người ấy sẽ bắt đầu vùi đầu vào một món đồ nào đó, tìm cách dấn thân vào những thứ khác, tìm cách ấp ủ người khác hay cách đơn giản tìm cách chạy trốn những gì đang trở thành một sự gần gũi khó chịu.
  4. Ta cần khuyến khích các đôi bạn trẻ phát huy thói quen đem lại cảm thức lành mạnh về sự gần gũi và ổn định nhờ các trình tự chung hằng ngày. Những trình tự này có thể gồm một nụ hôn ban sáng, một chúc lành ban đêm, đợi ở cửa để đón nhau về, cùng du lịch với nhau và chia sẻ những việc vặt vãnh trong nhà. Nhưng việc này cũng giúp phá đi một thói quen ăn nhậu để cùng ăn mừng những ngày kỷ niệm hay những biến cố đặc biệt của gia đình. Ta cần những lúc này để ấp ủ ân ban của Thiên Chúa và cần canh tân lòng nhiệt thành đối với cuộc sống. Bao lâu còn có thể ăn mừng, bấy lâu ta còn có thể nhen lên ngọn lửa tình yêu của ta và giải thoát tình yêu ấy khỏi sự đơn điệu và điểm tô cho thói quen hằng ngày bằng niềm hy vọng.
  5. Chúng ta, các mục tử, phải khuyến khích các gia đình lớn lên trong đức tin. Điều này có nghĩa là khuyến khích xưng tội, đi linh hướng thường xuyên và thỉnh thoảng tĩnh tâm. Đó cũng có nghĩa là khuyến khích việc cầu nguyện gia đình suốt tuần, vì “gia đình nào còn cầu nguyện với nhau, gia đình ấy còn ở lại với nhau”. Khi thăm các gia đình của dân mình, ta nên qui tụ hết mọi thành viên và vắn tắt cầu nguyện cho nhau, đặt gia đình trong bàn tay Chúa. Cũng rất hữu ích khi khuyến khích mỗi vợ chồng tìm giờ cầu nguyện một mình với Thiên Chúa, vì mỗi người đều có các thập giá âm thầm phải vác. Các Nghị phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận rằng “lời Thiên Chúa là nguồn sự sống và linh đạo cho gia đình. Mọi công tác mục vụ nhân danh gia đình đều phải cho phép con người được uốn nắn và được hình thành từ bên trong với tư cách là các thành viên của Hội thánh tại gia nhờ việc đọc Kinh thánh cầu nguyện. Lời Thiên Chúa không chỉ là tin mừng trong đời sống cá nhân mà còn là tiêu chuẩn để xét đoán và là ánh sáng để phân định các thách thức khác nhau mà các đôi bạn và gia đình đang gặp phải”[29].
  6. Có một số trường hợp, một trong hai vợ chồng chưa được thánh tẩy hay không muốn thực hành đức tin. Việc này có thể làm cho ước muốn sống và lớn lên trong đời sống Kitô hữu của người kia gặp nhiều khó khăn và đôi khi đau khổ. Nhưng, họ vẫn tìm được một số giá trị chung và những giá trị ấy có thể được chia sẻ và ưa chuộng. Trong bất cứ biến cố nào, việc bày tỏ tình yêu cho vợ chồng không phải là tín hữu, đem lại hạnh phúc, xoa dịu thương đau và chia sẻ cuộc sống với nhau bao giờ cũng tiêu biểu cho con đường thánh hóa thật. Tình yêu bao giờ cũng là quà tặng của Thiên Chúa. Ngài tuôn tràn tình yêu ấy xuống đâu, thì ở đó người ta cảm được sự hiện diện biến đổi của nó, thường cách mầu nhiệm, ngay cả đến mức “người chồng chưa tin cũng được hiến thánh nhờ vợ và ngươi vợ chưa tin được hiến thánh nhờ chồng” (1 Cr 7, 14).
  7. Các giáo xứ, các phong trào, trường học và các tổ chức khác của Hội thánh có thể giúp nâng đỡ các gia đình và giúp các gia đình ấy lớn lên bằng nhiều cách. Những cách ấy có thể gồm: các cuộc họp của các đôi bạn sống trong cùng một khu xóm, các cuộc tĩnh tâm ngắn hạn dành cho đôi bạn, các cuộc nói chuyện do các chuyên gia về những vấn đề cụ thể đang đối diện với các gia đình, việc tư vấn hôn nhân, các tông đồ gia đình, những người giúp các đôi bạn bàn bạc về những khó khăn và ước vọng của mình, các dịch vụ xã hội giải quyết những vấn đề gia đình như nghiện ngập, bất trung và bạo lực gia đình, các chương trình phát triển về mặt thiêng liêng, các hội nghị dành cho các cha mẹ có con cái hay sinh sự và các cuộc họp gia đình. Văn phòng giáo xứ phải được chuẩn bị để đáp ứng cách hữu hiệu và nhạy bén các nhu cầu của gia đình và khi cần, có thể giới thiệu tới những người có thể trợ giúp. Cũng có những đóng góp do các nhóm vợ chồng thực hiện, họ hỗ trợ phần nào trong việc phục vụ, cầu nguyện, đào tạo và nâng đỡ nhau. Những nhóm này có thể làm cho đôi bạn quảng đại, trợ giúp các gia đình khác và chia sẻ đức tin; đồng thời tăng cường sức mạnh cho các cuộc hôn nhân và giúp các cuộc hôn nhân ấy phát triển. 230. Đúng là nhiều đôi bạn, khi kết hôn, đã bỏ cộng đoàn Kitô hữu. Tuy nhiên, thường cả ta nữa, ta cũng không tận dụng được những cơ hội khi họ trở lại, để nhắc cho họ về lý tưởng cao đẹp của hôn nhân Kitô giáo và sự nâng đỡ mà giáo xứ có thể đem cho họ. Tôi nghĩ về việc Thánh tẩy và Rước Lễ lần đầu của con cái họ, hay các dịp ma chay cưới hỏi của thân nhân, bạn hữu họ chẳng hạn. Hầu hết các đôi bạn ấy đều tái xuất hiện vào các dịp ấy và ta phải tận dụng dịp này ngay. Một cách để gần gũi hơn là việc làm phép nhà hay việc rước ảnh Đức Mẹ tới các gia đình hàng xóm; đây là dịp để nói chuyện mục vụ về hoàn cảnh của gia đình ấy. Việc xin các đôi bạn lớn tuổi hơn giúp các đôi bạn trẻ hơn trong khu xóm bằng cách thăm viếng và hướng dẫn họ vào những năm đầu đời hôn nhân có thể cũng rất hữu ích. Do nhịp độ của cuộc sống hôm nay, hầu hết các đôi bạn đều không thể tham dự các cuộc họp thường xuyên; nhưng ta vẫn không thể giới hạn việc mục vụ vào các nhóm nhỏ và ưu tuyển được. Ngày nay, việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình phải là một sứ vụ căn bản, đến tận nơi người ta đang ở. Ta không thể giống như một xí nghiệp được nữa rồi, đưa ra ngay những tiến trình mà chẳng mấy ai theo.

Chiếu ánh sáng vào những cuộc khủng hoảng, âu lo và khó khăn

  1. Ta cũng nên nói thêm một lời nữa về những người mà tình yêu của họ, như rượu ngon, có giá trị riêng của nó. Rượu để càng lâu càng ngon thế nào, thì kinh nghiệm hằng ngày về sự chung thủy cũng đem lại cho đời sống hôn nhân sự phong phú và “hương vị” như thế. Chung thủy liên quan tới sự nhẫn nhục và hy vọng. Niềm hoan lạc và hy sinh của nó sinh hoa kết quả khi năm tháng dần trôi lúc đôi bạn vui mừng thấy được cháu chắt mình.

Tình yêu hiện nay ngay từ đầu bắt đầu ý thức, ổn định và trưởng thành hơn khi khi đôi bạn khám phá ra nhau, ngày này qua ngày khác, năm nọ tới năm kia, cách mới mẻ hơn. Thánh Gioan Thánh Giá nói với chúng ta rằng “những người yêu lớn tuổi là những người đã được thử thách và là người yêu thật”. “Bên ngoài họ không còn bốc lửa tình yêu, không còn thôi thúc mãnh liệt nữa, nhưng nay họ nếm được sự ngọt ngào của rượu tình yêu, lâu năm và được cất giấu thật sâu trong lòng”[30]. Các đôi bạn ấy đã vượt qua các cuộc khủng hoảng và khó khăn cách thành công mà không lẩn tránh thách thức hay che đậy vấn đề.

Thách thức của các cuộc khủng hoảng

  1. Cuộc sống của mọi gia đình đều được đánh dấu bằng mọi thứ khủng hoảng, nhưng các khủng hoảng này cũng là một phần của vẻ đẹp ấn tượng của gia đình. Ta nên giúp các đôi bạn nhận ra rằng vượt qua một khủng hoảng không nhất thiết làm suy yếu tương quan của mình, nhưng có thể cải thiện, ổn định và làm chín muồi rượu hiệp thông. Cuộc sống chung không giảm sút mà làm mãn nguyện gia tăng; mỗi bước đi mới trên con đường này đều có thể giúp đôi bạn tìm ra các cách thức mới để đạt đến hạnh phúc. Mỗi cuộc khủng hoảng đều trở nên một cuộc thực tập trong việc gần gũi nhau hơn và học thêm được chút gì đó về hôn nhân là gì. Đối với các đôi bạn, không cần phải bỏ mình đến độ không còn thấp hơn được hay đến mức tầm thường có thể chịu được. Trái lại, khi hôn nhân được coi là một thách thức liên quan tới việc vượt qua các trở ngại, thì mỗi cuộc khủng hoảng đều thành cơ hội để cho rượu tương quan chín ngấu và ngon hơn. Do nhận được sự trợ giúp khi đương đầu với khủng hoảng, các đôi bạn sẽ đạt đến chỗ chịu đựng và nhìn nhận thách thức như một phần của đời sống gia đình. Các đôi bạn có kinh nghiệm và đã được huấn luyện phải cởi mở để đem lại sự hướng dẫn, để các đôi bạn khác không bị mất nhuệ khí do các cuộc khủng hoảng ấy hay bị cám dỗ quyết định vội vàng. Mỗi cuộc khủng hoảng đều có các bài học để dạy ta, ta cần biết lắng nghe với đôi tai của tâm hồn.
  2. Khi đương đầu với khủng hoảng, trước tiên ta có khuynh hướng phản ứng cách tự vệ, vì ta cảm thấy rằng ta không còn kiểm soát được nữa hay ta hơi có lỗi và cảm giác ấy làm ta khó chịu. Ta đành phải phủ nhận, che giấu hay coi thường vấn đề và hy vọng rằng vấn đề ấy rồi sẽ qua. Nhưng làm thế sẽ không có lợi; chỉ làm cho mọi sự tồi tệ hơn, mất sức và trì hoãn giải pháp. Vợ chồng trở thành xa cách nhau và đánh mất khả năng liên lạc. Khi vấn đề không được giải quyết, thì truyền thông là điều đầu tiên khăn gói ra đi. Dần dần, “người tôi yêu” trở thành “bạn tôi” sau đó chỉ còn là “cha mẹ của các con tôi” và cuối cùng thành ngươi xa lạ.
  3. Vợ chồng cần cùng nhau đương đầu với khủng hoảng. Điều này khó, vì đôi khi người ta rút lui có trật tự để khỏi phải nói ra những gì mình đang cảm nhận; họ rút vào trong một sự im lặng hèn nhát. Vào những lúc ấy, điều quan trọng hơn là tạo ra các cơ hội để lòng nói với lòng. Trừ phi đôi bạn học biết cách làm thế, họ sẽ thấy càng để lâu càng khó. Truyền thông là một nghệ thuật ta học khi bình an để đưa ra thực hành khi sóng gió. Vợ chồng cần giúp nhau khám phá ra những suy nghĩ và những tình cảm sâu xa nhất và diễn tả chúng ra. Hệt như việc sinh con vậy, đây là một tiến trình gian khổ đem lại một kho tàng mới. Các câu trả lời cho việc tham khảo ý kiến trước Thượng Hội Đồng cho thấy rằng hầu hết những người ở trong những hoàn cảnh khó khăn hay khủng hoảng đều không tìm đến sự trợ giúp mục vụ, vì họ không thấy có sự cảm thông, thực tế hay quan tâm tới các trường hợp của các cá nhân. Đây phải là điều thôi thúc ta cố gắng tiếp cận các cuộc khủng hoảng hôn nhân cách nhạy bén hơn với gánh nặng khổ đau và băn khoăn của họ.
  4. Một số cuộc khủng hoảng tiêu biểu cho hầu như mọi cuộc hôn nhân. Các vợ chồng mới cưới cần học cách chấp nhận những khác biệt của nhau và tự giải thoát mình khỏi cha mẹ. Con cái chào đời lại có những thách thức mới về tình cảm. Việc nuôi con thơ nhất thiết tạo ra xáo trộn trong nếp sống, trong khi sự công kích của con cái ở độ tuổi thiếu niên bao giờ cũng gây ra lo nghĩ, vỡ mộng và thậm chí căng thẳng giữa cha mẹ. “Một tổ ấm rỗng tuếch” buộc vợ chồng phải định nghĩa lại tương quan của họ, trong khi nhu cầu chăm sóc cha mẹ già luôn kéo theo việc khó đưa ra những quyết định trong lãnh vực này. Tất cả những điều này đều là những hoàn cảnh đòi hỏi khắt khe có thể tạo nên e sợ, cảm giác tội lỗi, chán nản và mệt mỏi, để lại những hậu quả nghiêm trọng trên hôn nhân.
  5. Rồi cũng có những khủng hoảng cá nhân ảnh hưởng tới đời sống lứa đôi, thường liên quan tới tài chính, những rắc rối tại nơi làm việc, những khó khăn về tình cảm, xã hội và tâm linh. Những hoàn cảnh không mong muốn ập xuống trên họ, làm ngưng trệ đời sống gia đình và đòi hỏi tiến trình tha thứ và hòa giải. Trong quyết định tha thứ cho người kia thật, mỗi người phải âm thầm và khiêm tốn tự hỏi mình có một cách nào đó tạo điều kiện đẩy người ấy tới những khuyết điểm của họ chăng. Một số gia đình tan tác khi vợ chồng kỳ thị nhau, nhưng “kinh nghiệm cho thấy rằng với sự trợ giúp và những hành động hòa giải thích hợp, nhờ ân sủng, phần lớn các cuộc hôn nhân gặp khó khăn đều tìm được giải pháp thỏa đáng. Để biết tha thứ và thấy mình được tha thứ là một kinh nghiệm căn bản trong đời sống gia đình”[31]. “Nghệ thuật hòa giải gian khổ này, một nghệ thuật đòi hỏi sự trợ giúp của ân sủng, rất cần sự hợp tác quảng đại của thân nhân và bạn hữu, và đôi khi đòi cả sự trợ giúp bên ngoài và sự trợ giúp của các chuyên gia”[32].
  6. Nghĩ rằng, khi một hay cả hai người không còn cảm thấy mãn nguyện nữa, hay các sự việc đã không như mình muốn, đủ để chấm dứt hôn nhân, đang ngày càng trở nên phổ biến. Cứ nghĩ như thế, thì chẳng cuộc hôn nhân nào bền vững cả. Đôi khi, để quyết định ta phải cân nhắc tất cả những điều này là mọi sự đang trôi qua, đó chỉ là một lần duy nhất không thỏa mãn thôi mà, sự vắng mặt của người ấy khi ta cần họ nhất, tự ái bị tổn thương hay nỗi sợ hãi bâng quơ. Chắc chắn, các hoàn cảnh sẽ nẩy sinh có liên quan tới sự yếu hèn của con người và những hoàn cảnh ấy có thể lấn át về tình cảm. Vợ, chồng có thể thấy mình không được tôn trọng trọn vẹn, hay bị người khác hấp dẫn. Ghen tương và căng thẳng có thể xuất hiện hay những thứ hấp dẫn mới có thể chiếm hết thời gian và chú ý của người ấy. Các thay đổi về thể lý xảy ra cách tự nhiên nơi mọi người. Những thay đổi ấy, và nhiều thứ khác là rất nhiều cơ hội để làm sống lại và canh tân, chứ không đe dọa tình yêu.
  7. Trong những hoàn cảnh như thế, một số người có được sự trưởng thành cần thiết luôn tái khẳng định việc chọn người ấy là bạn đời trong suốt cuộc hành trình của cuộc sống, bất kể những giới hạn của mối tương quan. Họ chấp nhận cách thực tế rằng người ấy không thể hoàn tất mọi ước mơ vợ chồng ủ ấp. Những người như thế nên tránh nghĩ mình là người tử đạo; họ nên tận dụng bất cứ khả năng nào đời sống gia đình đem cho họ và kiên trì làm việc để củng cố sự ràng buộc hôn nhân. Cuối cùng, họ nhận ra, mọi khủng hoảng đều có thể là một “sự ưng thuận” mới, làm cho tình yêu có thể được canh tân, đào sâu và củng cố từ bên trong. Khi khủng hoảng đến, họ không ngại đi vào tận gốc rễ của nó, để thương lượng lại những điều khoản căn bản, để đạt đến một sự quân bình mới và cùng nhau tiến về phía trước. Với một sự cởi mở không ngừng kiểu này, họ có thể đương đầu với một số hoàn cảnh khó khăn nào đó. Trong bất cứ biến cố nào, trong khi nhận ra rằng hòa giải có thể thực hiện được, thì ta vẫn thấy rằng “điều khẩn thiết hiện nay là một thừa tác vụ chăm sóc những người màtương quan vợ chồng của họ đã đổ vỡ”[33].

Các vết thương cũ

  1. Ta có thể hiểu là các gia đình thường đụng phải rắc rối vì một trong hai vợ chồng thiếu trưởng thành về tình cảm do các vết sẹo của những kinh nghiệm trước đây vẫn còn. Một thời thơ ấu hay niên thiếu bất hạnh có thể làm nẩy sinh các cuộc khủng hoảng cá nhân ảnh hưởng tới hôn nhân của họ. Nếu mọi người đều trưởng thành và bình thường, khủng hoảng sẽ ít hơn và ít đau hơn. Nhưng sự thật là mãi khi bốn mươi, người ta mới đạt một sự trưởng thành đáng lẽ họ phải có vào cuối thời niên thiếu. Một số người yêu bằng một tình yêu qui ngã, thất thường, ích kỷ của trẻ con: một tình yêu tham lam vô độ luôn la lối, khóc than khi không đạt được những gì họ muốn. Những người khác lại yêu bằng một tình yêu thời niên thiếu được đánh dấu bằng hận thù, phê bình gay gắt và cần buộc tội người khác; bị vướng vào những tình cảm và những tưởng tượng ấy của mình, những người này mong người khác làm đầy chỗ trống và thỏa mãn mọi ước vọng của mình.
  2. Nhiều người từ giã thời thơ ấu mà chưa một lần cảm được tình yêu vô vị lợi. Việc này ảnh hưởng tới khả năng tin tưởng và cởi mở với tha nhân. Một mối tương quan nghèo nàn với cha mẹ và anh chị em, nếu vẫn chưa được chữa lành, có thể lại nổi lên và làm cho hôn nhân bị tổn thương. Những vấn đề chưa được giải quyết cần phải được giải quyết và tiến trình giải thoát phải xuất hiện. Khi rắc rối xảy ra trong hôn nhân, trước khi đưa ra những quyết định quan trọng, thì điều quan trọng là phải bảo đảm rằng mỗi vợ chồng đều phải nắm được lịch sử của mình. Điều này liên quan tới việc nhận ra nhu cầu chữa lành, việc cầu nguyện không ngừng để xin ơn tha thứ và được tha thứ, việc sẵn sàng chấp nhận sự trợ giúp và quết định không bỏ cuộc nhưng tiếp tục cố gắng. Chân thành xét mình sẽ giúp có thể thấy các khiếm khuyết và thiếu trưởng thành của con người ảnh hưởng thế nào tới tương quan. Dù dường như rõ ràng là người ấy có lỗi thật, nhưng chỉ mong người ấy thay đổi thôi, sẽ không vượt qua khủng hoảng được. Ta cũng phải hỏi xem chỗ nào trong cuộc sống ta cần phát triển và chữa lành khi giải quyết xung đột.

Việc đồng hành sau khi đổ vỡ và ly dị

  1. Trong một số trường hợp, việc tôn trọng phẩm giá con người và lợi ích của con cái đòi không được nhượng bộ đối với những đòi hỏi quá đáng hay phải ngăn chặn một sự bất công, bạo lực nghiêm trọng hay một sự ngược đãi thường xuyên. Trong những trường hợp ấy, “việc ly thân là điều không thể tránh. Đôi khi, việc ly thân đó còn cần thiết về mặt luân lý, khi phải di chuyển người dễ bị tổn thương hơn và con cái còn nhỏ để khỏi bị tổn hại vì lạm dụng và bạo lực, khỏi bị nhục mạ và bóc lột và khỏi bị coi thường và hờ hững.”[34]. Ngay cả khi ấy, “việc ly thân cũng vẫn phải được coi là giải pháp cuối cùng, sau khi mọi cố gắng hợp lý đều cho thấy là vô ích”[35].
  2. Các Nghị phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận rằng “việc phân định đặc biệt là điều không thể thiếu đối với việc chăm sóc mục vụ cho những người ly thân, ly dị và bị bỏ rơi. Ta cần phải cho thấy sự tôn trọng cách riêng đối với những đau khổ của những người phải chịu cảnh ly thân, ly dị và bị bỏ rơi cách bất công hoặc những người do sự ngược đãi của vợ hay chồng mà phải phá vỡ cuộc sống chung. Tha cho những bất công họ đã phải chịu không dễ, nhưng ân sủng luôn làm cho hành trình tha thứ này có thể thực hiện được. Việc chăm sóc mục vụ nhất thiết phải bao hàm các nỗ lực nhắm tới việc hòa giải và điều đình, nhờ thiết lập các trung tâm tư vấn trong các giáo phận’[36]. Đồng người, “ta phải khuyến khích những người ly dị nào không tái hôn, mà thường làm chứng cho sự thủy chung của hôn nhân, tìm trong Thánh Thể nguồn bổ dưỡng họ cần để nuôi sống mình trong tình trạng hiện nay của cuộc sống. Cộng đoàn địa phương và các mục tử phải đồng hành với những người đang sống đơn lẻ ấy, cách riêng khi họ có con hay khi họ ở trong tình trạng khó khăn nghiêm trọng về tài chính”[37]. Sự đổ vỡ của gia đình ngày càng trở nên đau khổ và tổn hại trong trường hợp của những người nghèo, vì họ có rất ít tài nguyên trong tay để bắt đầu một cuộc sống mới. Một người nghèo, khi bị đẩy ra khỏi môi trường gia đình an toàn, dễ sa vào cảnh bị bỏ rơi và những tai hại gấp đôi những người khác.
  3. Điều quan trọng là ta phải làm cho những người ly dị nào đã bước vào một cuộc kết hôn mới vẫn cảm thấy họ là thành phần của Hội thánh. “Họ không bị vạ tuyệt thông” và ta không được đối xử với họ như thế, vì họ vẫn còn là một thành phần của cộng đoàn Hội thánh[38]. Những hoàn cảnh này “đòi phải phân định kỹ và đồng hành cách tôn trọng. Ta phải tránh thứ ngôn ngữ và thái độ có thể đã đưa họ tới chỗ cảm thấy bị kỳ thị và phải khuyến khích họ tham dự vào đời sống của cộng đoàn. Việc chăm sóc của cộng đoàn Kitô hữu đối với những người ấy không được coi là làm yếu đi đức tin của cộng đoàn mình và chứng tá cho sự vô phương tháo gỡ của hôn nhân; mà việc chăm sóc ấy là cách diễn tả đặc biệt đức ái của cộng đoàn”[39].
  4. Đa số các Nghị phụ Thượng Hội Đồng cũng “nhấn mạnh đến nhu cầu làm cho tiến trình trong những trường hợp tiêu hôn được dễ dàng hơn, đỡ mất giờ hơn, và miễn phí nếu được”[40]. Sự chậm trễ trong tiến trình này gây ra bực bội và căng thẳng cho cả các bên. Hai văn kiện mới đây của tôi bàn về vấn đề này[41]đã đơn giản hóa các tiến trình tuyên bố tiêu hôn. Với những văn kiện này, tôi muốn “làm rõ rằng chính các giám mục, trong Hội thánh mình được bổ nhiệm là mục tử và làm đầu, do chính sự kiện ấy, phải là thẩm phán về những trường hợp được ủy thác cho sự chăm sóc của mình”[42]. “Vì thế, việc áp dụng các văn kiện này là trách nhiệm quan trọng đối với đức giám mục trong các giáo phận, những người được yêu cầu xét xử một số trường dành cho chính các ngài và, trong mọi trường hợp, phải bảo đảm cho các tín hữu đến với công lý cách dễ dàng hơn. Điều này liên quan tới việc chuẩn bị có đủ nhân viên, gồm cả giáo sĩ và giáo dân là những người trước hết được ủy nhiệm để làm nhiệm vụ này của Hội thánh. Việc thông tin, tư vấn và điều đình liên kết với việc tông đồ gia đình cũng phải sẵn sàng cho các cá nhân ly thân hay các vợ chồng đang khủng hoảng. Những việc này cũng có thể bao gồm việc gặp gỡ cá nhân để thẩm vấn sơ bộ về tiến trình hôn nhân (x. Mitis Iudex, kh. 2 – 3)[43].
  5. Các Nghị phụ Thượng Hội Đồng cũng chỉ cho thấy “những hậu quả của việc ly thân và ly dị đối với con cái, trong mọi trường hợp, các em vẫn là các nạn nhân vô tội của hoàn cảnh này”. Ngoài mọi cân nhắc khác, lợi ích của con cái phải là quan tâm hàng đầu và không một lợi ích thầm kín hay chủ quan nào được lấn át lợi ích này. Cha kêu gọi các bậc cha mẹ ly thân: Đừng bao giờ, bắt con cái làm con tin! Các con ly thân vì nhiều vấn đề và lý do. Cuộc sống đã đem lại cho các con thử thách này, nhưng con cái các con không phải chịu gánh nặng của sự ly thân này hay bị sử dụng như các con tin chống lại vợ chồng mình. Chúng phải lớn lên và biết rằng mẹ chúng luôn nói tốt về cha chúng, dù cha mẹ chúng không sống chung và cha chúng luôn nói tốt về mẹ chúng”[44]. Làm mất uy tín vợ chồng như một phương tiện để chinh phục tình cảm của con cái hay vì trả thù hoặc tự biện minh cho mình là vô trách nhiệm. Làm thế sẽ ảnh hưởng tới sự trong sáng nội tâm của con mình và gây ra những thương tích khó chữa lành.
  6. Hội thánh, trong khi đánh giá đúng hoàn cảnh xung đột là một phần của hôn nhân, không thể không nói ra nhân danh những người dễ bị tổn thương nhất: con cái thường phải âm thầm đau khổ. Ngày nay, “bất kể những bén nhạy có vẻ tiến triển và mọi phân tích tâm lý đã được cải thiện, tôi vẫn tự hỏi không biết ta có không trở nên tê cứng với nỗi xót xa của linh hồn con cái nình không… Ta có cảm thấy gánh nặng ê chề về tâm lý con cái đang phải vác trong các gia đình nơi các thành viên ngược đãi và gây đau khổ cho nhau tới mức cắt đứt các sợi dây chung thủy của hôn nhân không?[45]. Những kinh nghiệm tai hại đó không giúp con cái lớn lên trong sự trưởng thành cần thiết để thực hiện những cam kết dứt khoát. Vì lý do này, các cộng đoàn Kitô hữu không được bỏ rơi các cha mẹ đã ly dị và đã bước vào một cuộc hôn nhân mới, nhưng phải kể đến họ và nâng đỡ họ trong những nỗ lực nuôi dạy con cái. “Nếu ta cứ để họ trong tình trạng không thân thiết gì với đời sống của cộng đoàn, coi họ như thể những người bị vạ tuyệt thông, thì làm sao ta có thể khuyến khích họ làm mọi sự có thể để nuôi dạy con cái trong đời sống Kitô hữu, làm gương cho chúng về một đức tin dấn thân và thực tế,? Ta phải tránh hành động theo kiểu chất thêm lên vai gánh nặng mà con cái trong những hoàn cảnh ấy đã phải vác rồi![46]. Giúp chữa lành các thương tích của cha mẹ và nâng đỡ họ về mặt thiêng liêng cũng rất có lợi đối với con cái, những người đang cần một khuôn mặt thân mật của Hội thánh để thấy họ qua kinh nghiệm thương đau này. Ly dị là một điều xấu và con số ly dị ngày càng gia tăng là điều rất đáng ngại. Vì thế, nhiệm vụ mục vụ quan trọng nhất của ta liên quan tới gia đình là củng cố tình yêu của họ, giúp họ chữa lành các thương tích và làm việc để ngăn chặn sự lây lan của thảm kịch này trong thời đại ta.

Một số hoàn cảnh phức tạp

  1. “Những vấn đề liên quan tới các cuộc hôn nhân hỗn hợp đòi phải đặc biệt chú ý. Các cuộc hôn nhân giữa người Công giáo và những người đã được thánh tẩy khác ‘đều có bản chất đặc biệt của chúng, nhưng cũng bao hàm các yếu tố ta có thể tận dụng và khai triển, vừa vì giá trị nội tại của chúng vừa vì đóng góp có thể có cho phong trào đại kết’. Vì mục đích này, ‘ta phải cố gắng thiết lập sự hợp tác chân thành giữa các thừa tác viên Công giáo và không Công giáo từ lúc bắt đầu các cuộc dự bị hôn nhân và lễ cưới’ (Familiaris Consortio, 78). Còn việc tham dự Thánh Thể, ‘quyết định xem có cho phía không Công giáo của hôn lễ hiệp lễ hay không cần phải được thực hiện theo các qui tắc chung về vấn đề này, cho cả các Kitô hữu phương Đông và các Kitô hữu khác, khi xem xét hoàn cảnh đặc biệt của việc lãnh nhận bí tích hôn phối của hai Kitô hữu đã được thánh tẩy.Tuy vợ chồng trong cuộc hôn nhân hỗn hợp chia sẻ bí tích Thánh tẩy và hôn phối, nhưng việc chia sẻ Thánh Thể chỉ có thể là ngoại lệ và trong mỗi trường hợp đều phải theo các qui tắc nhất định’ (Pontifical for Promoting Christian Unity, Directory for the Application of Principles and Norms on Ecumenism, 25 March, 1993, 159 – 161”[47].
  2. “Các cuộc hôn nhân kéo theo sự khác biệt về nghi lễ là chỗ đặc biệt cho cuộc đối thoại liên tôn trong đời sống hằng ngày… Các cuộc hôn nhân ấy kéo theo những khó khăn đặc biệt liên quan cả tới căn tính Kitô giáo của gia đình lẫn việc nuôi dạy con cái về mặt tôn giáo… Số người sống trong một nhà với đôi bạn kết hôn có sự khác biệt về nghi lễ ngày một tăng trong các vùng truyền giáo và tại các nước có truyền thống Kitô giáo lâu đời, khẩn thiết đòi hỏi phải cung cấp việc chăm sóc mục vụ khác nhau theo các bối cảnh văn hóa, xã hội khác nhau. Tại một số nước nơi không có tự do tôn giáo, vợ chồng Kitô hữu thường bị buộc phải theo đạo khác để lập gia đình, không thể cử hành hôn phối theo giáo luật nên đòi phải có sự khác biệt về nghi lễ hay không thể thánh tẩy cho con cái. Vì thế ta phải nhắc lại nhu cầu tôn trọng tự do tôn giáo của mọi người”[48]. “Ta cũng cần chú ý đến những người đi vào các cuộc hôn nhân ấy, không chỉ trong giai đoạn trước đám cưới. Những thách thức đáng chú ý các đội bạn và gia đình đang phải đương đầu đó là một người là Công giáo còn người kia không tin. Trong những trường hợp như thế, việc làm chứng rằng tin mừng có thể dìm mình vào trong những hoàn cảnh này, sẽ làm cho họ có thể nuôi dạy con cái trong đức tin Kitô giáo”[49].
  3. “Những vấn đề đặc biệt nẩy sinh khi những người trong một hoàn cảnh hôn nhân phức tạp muốn được thánh tẩy. Những người này có một khế ước hôn nhân ổn định vào lúc mà ít nhất một trong hai người không biết đến đức tin Kitô giáo. Trong những trường hợp ấy, các giám mục được mời gọi thực hiện việc phân định mục vụ xứng với lợi ích thiêng liêng của những người ấy”[50].
  4. Hội thánh làm cho thái độ của Chúa Giêsu, Đấng hiến trao tình yêu vô biên của Ngài cho mỗi người không trừ ai, thành của mình[51]. Suốt kỳ họp Thượng Hội Đồng, chúng tôi đã bàn luận về hoàn cảnh của các gia đình mà các thành viên của các gia đình ấy gồm những người đang kinh nghiệm sự hấp dẫn đồng giới, một hoàn cảnh không dễ hoặc cho cha mẹ hoặc cho con cái. Trước mọi thứ khác, ta muốn khẳng định lại rằng mọi người, bất kể hướng chiều về giới tính, đều phải được tôn trọng trong phẩm giá của mình và phải được đối xử với sự chiếu cố, trong khi ‘mọi dấu chỉ của sự kỳ thị bất công’ đều phải tránh[52], cách đặc biệt bất cứ hình thức hung hăng và bạo lực nào. Ta phải đem lại cho những gia đình như thế sự hướng dẫn mục vụ cách tôn trọng, để những người thể hiện khuynh hướng đồng tính có thể đón nhận sự trợ giúp họ cần để hiểu và thực hiện cách đầy đủ ý Thiên Chúa trong đời mình[53].
  5. Khi bàn về phẩm giá và sứ mạng của gia đình, các Nghị phụ Thượng Hội Đồng nhận xét rằng: “về các đề nghị đặt các cuộc hôn nhân giữa những đồng giới ngang hàng với mức độ của hôn nhân, thì (các nghị phụ cho rằng)[54] việc coi các cuộc hôn nhân đồng giới một cách nào đó giống như hay có đôi chút tương tự với kế hoạch của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình là điều tuyệt đối không có nền tảng”. Việc “các Hội thánh địa phương bị buộc phải chịu áp lực trong vấn đề này và các bộ phận quốc tế phải trợ giúp tài chính cho các nước nghèo đang cần để đưa các luật thiết lập ‘hôn nhân’ giữa những người đồng giới” ra thảo luận[55] là điều không thể chấp nhận được.
  6. Các gia đình chỉ có cha hoặc mẹ thường xuất phát từ “việc cha, mẹ ruột không sẵn sàng là một thành phần của gia đình; các hoàn cảnh bạo lực, nơi cha, mẹ bị buộc phải chạy trốn với con cái; cái chết của cha hoặc mẹ; việc một người bỏ gia đình và những hoàn cảnh khác. Bất kể nguyên nhân nào đi nữa, các cha mẹ một mình ấy phải nhận được sự động viên và nâng đỡ của các gia đình khác trong cộng đoàn Kitô hữu và của việc viếng thăm mục vụ của giáo xứ. Các gia đình này thường phải chịu những khó khăn khác, như khó khăn kinh tế, những viễn tượng bất trắc về nghề nghiệp, những vấn đề về việc nuôi dạy con cái và thiếu nhà ở”[56].

Khi cái chết làm cho ta cảm được nỗi quặn đau

  1. Đôi khi đời sồng gia đình bị thách thức vì cái chết của một người thân yêu. Ta không thể không đem lại ánh sáng đức tin như một sự nâng đỡ đối với các gia đình đang trải qua kinh nghiệm này[57]. Quay lưng lại đối với một gia đình phiền muộn chứng tỏ thiếu lòng khoan nhân, cho thấy việc đang đánh mất cơ hội mục vụ và khép cửa lại đối với những nỗ lực phúc âm hóa khác.
  2. Tôi có thể hiểu được nỗi thống khổ những người đang mất người thân yêu, người vợ họ đã chia sẻ không biết bao nhiêu thứ, đang cảm nhận. Chính Chúa Giêsu cũng đã xúc động mạnh và bắt đầu rơi lệ trước cuộc ra đi của một người bạn (x. Ga 11, 33, 35). Và làm sao ta có thể hiểu nổi nỗi đớn đau của những cha mẹ mất con? “Thời gian như ngừng trôi: một vực thẳm mở ra chôn vùi cả quá khứ lẫn tương lai”, và “đôi khi ta còn đi xa đến mức trách móc Thiên Chúa. Không biết bao nhiêu người – tôi có thể hiểu được họ – đã giận dữ Thiên Chúa”[58] “Mất vợ mất chồng đặc biệt gay go… Từ lúc phải chịu đau khổ vì mất mát ấy, một số người bày tỏ khả năng tập trung sức lực chăm lo cho con cái, cháu chắt hơn, tìm thấy trong kinh nghiệm yêu thương ấy một cảm thức về sứ mạng mới trong việc nuôi dạy con cái… Những người không có thân nhân để dành thời gian cho và đón nhận tình cảm của họ, nhất là khi đó là người nghèo” phải được cộng đoàn Kitô hữu giúp đỡ bằng cách đặc biệt quan tâm và sẵn sàng[59].
  3. Thông thường, tiến trình than khóc chiếm mất một thời gian khá dài, và khi phải đồng hành với tiến trình này, mục tử phải thích nghi với những đòi hỏi của mỗi giai đoạn. Toàn bộ tiến trình này ắp đầy vấn nạn: về những lý do vì sao người họ yêu lại phải chết, về mọi sự đáng lẽ đã phải làm, về người ta có kinh nghiệm gì khi chết. Với tiến trình chân thành và kiên trì cầu nguyện và giải thoát bên trong, bình an sẽ trở lại. Vào những lúc đặc biệt, ta phải giúp người có tang nhận ra rằng, sau khi mất người thân, ta vẫn còn một sứ mạng phải thực hiện và kéo dài đau khổ chẳng ích gì, đó dường như là hình thức bày tỏ lòng kính trọng. Người thân của ta không cần những đau khổ ấy, những đau khổ ấy không tôn vinh họ mà chỉ phá hại đời ta. Đó cũng không phải là cách tốt nhất diễn tả tình yêu tồn đọng nơi họ và làm họ thêm danh tiếng, vì danh tiếng thì phải tùy thuộc quá khứ, đúng ra phải tiếp tục yêu mến họ hiện đang ở chỗ khác. Họ có thể không còn hiện diện cách thể lý với ta, vì quyền lực của sự chết, nhưng “tình yêu mạnh hơn sự chết” (Dc 8, 6). Tình yêu đòi hỏi một trực giác có thể làm cho ta nghe mà không cần âm thanh và thấy được những thứ vô hình. Điều này muốn nói đến việc những người ta yêu trước đây thế nào, ta hình dung vậy, nhưng cũng muốn nói đến việc có thể chấp nhận họ đã thay đổi như hiện nay. Khi bà Maria muốn ôm Ngài, Chúa Giêsu phục sinh bảo bà đừng cầm giữ Ngài lại (x. Ga 20, 17) để đưa bà tới một kiểu gặp gỡ khác.
  4. Điều an ủi ta là ta biết rằng những người chết không qua đi, và đức tin bảo đảm cho ta rằng Chúa phục sinh sẽ không bao giờ bỏ ta. Như thế, ta có thể “ngăn chặn sự chết khỏi đầu độc sự sống, khỏi làm cho tình yêu thành mây khói, khỏi việc đẩy ta vào vực thẳm tăm tối nhất”[60]. Kinh thánh dạy ta rằng Thiên Chúa tạo dựng ta vì tình yêu và tạo dựng ta theo cách sự sống ta không chấm dứt với sự chết (x. Kn 3, 2 – 3). Thánh Phaolô cũng nói với ta về cuộc gặp gỡ Đức Kitô ngay sau khi chết: “Tôi hăm hở ra đi và ở với Đức Kitô” (Pl 1, 23). Với Đức Kitô, sau khi chết, vẫn còn một điều đợi chờ ta “điều Thiên Chúa đã chuẩn bị cho những ai yêu mến Ngài” (1 Cr 2, 9). Kinh Tiền Tụng phụng vụ lễ an táng nói cách dễ thương rằng: “những ai buồn sầu vì số phận phải chết vẫn được an ủi vì Thiên Chúa hứa ban phúc trường sinh sau này. Vì lạy Chúa, đối với các tín hữu, sự sống thay đổi chứ không mất đi”. Thật vậy, “những người thân yêu của chúng ta không tan biến trong bóng tối của hư vô; đức cậy bảo đảm cho ta rằng họ đang ở trong bàn tay tốt lành, mạnh mẽ của Thiên Chúa”[61].
  5. Một cách duy nhất để duy trì sự hiệp thông với những người mình yêu là cầu nguyện cho họ[62]. Kinh thánh dạy ta “cầu nguyện cho người chết” ( 2 Mcb 12, 44 – 45). “Việc ta cầu nguyện cho họ có thể không chỉ giúp họ mà họ còn có thể chuyển cầu cho ta cách hữu hiệu”[63]. Sách Khải huyền mô tả các vị tử vì đạo chuyển cầu cho những người chịu bất công trên mặt đất (x. Kh 6, 9 – 11), trong tình liên đới với thế giới này và lịch sử của thế giới ấy. Một số vị thánh trước khi chết đã an ủi những người thân yêu bằng cách hứa rằng các ngài sẽ ở bên cạnh để giúp đỡ họ. Thánh Têrêsa Lisieux muốn tiếp tục thực hiện những việc tốt lành từ trời[64]. Thánh Đaminh tuyên bố rằng “sau khi chết ngài sẽ làm ích nhiều hơn… sẽ có quyền thế hơn trong việc đạt được ân sủng”[65]. Đây thật sự là “mối liên kết của tình yêu”[66], vì “sự hiệp thông của những người lữ hành với anh em đã an nghỉ trong Chúa không bị gián đoạn…[nhưng] được củng cố bằng việc trao đổi những của cải thiêng liêng”[67].
  6. Nếu ta chấp nhận cái chết, ta có thể chuẩn bị cho cái chết ấy. Cách chuẩn bị duy nhất là lớn lên trong tình yêu của ta dành cho những người vẫn đi bên cạnh ta, cho “tới ngày sự chết sẽ không còn nữa, không còn than khóc, kêu la và đau khổ nữa” (Kh 21, 4). Như thế, ta sẽ chuẩn bị cho mình gặp lại những người thân yêu đã chết. Chúa Giêsu “trả lại cho người mẹ đứa con đã chết thế nào (Lc 7, 15), thì đối với ta cũng thế. Ta đừng phí sức do dừng lại với quá khứ xa xôi. Càng sống tốt lành nơi thế gian này, hạnh phúc ta sẽ có thể chia sẻ với những người thân yêu của ta trên trời càng lớn. Càng trưởng thành và triển nở trên thế gian này, ta càng có thể đem nhiều quà tặng lên bàn tiệc thiên quốc.

Linh mục Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R. chuyển ngữ

 (còn tiếp)

Chú thích

[1] Relatio Synodi, 2014, 30.

[2] Ibid., 31.

[3] Relatio Synodi 2015, 56.

[4] Ibid., 89.

[5] Relatio Synodi 2014, 32.

[6] Ibid., 33.

[7] Ibid., 38.

[8] Relatio Synodi 2015, 77.

[9] Ibid., 61.

[10] Ibid.

[11] Ibid.

[12] Ibid.

[13] X. Relatio Synodi 2104, 26.

[14] Ibid. 39.

[15] Hội đồng giám mục Ý, Ủy ban giám mục về đời sống gia đình, Orientamenti pastorali sulla preparazion al matrimonio e alla famiglia (22. 10, 2012), 1.

[16] Ignatio Loyola, Linh thao, Annotation 2,

[17] Ibid., Annotation 5.

[18] Thánh Gioan Phaolô II, Giáo lý (27.6.1984), 4: Insegnamenti VII/1 (1984), 1941.

[19] Giáo lý (21. 10.2015): L’Osservatore Romano, 22.10,2015, tr. 12.

[20] Hội đồng giám mục Công giáo Kenya, Sứ điệp Mùa Chay (18.2.2015).

[21] X. Đức Pio XI, Thông điệp Casti Connubii (31. 12. 1930): AAS 22 (1930), 583.

[22] Đức Gioan Phaolô II, Giáo lý (4.7.1984), 3, 6: Insegnamenti VII/2 (1984), tr. 9 – 10.

[23]Relatio Finalis 2015, 59.

[24] Ibid., 44.

[25] Công Đồng Vatican II, Gaudium et Spes, 50.

[26] Giáo lý Hội thánh Công giáo, 2370.

[27]Relatio Finalis, 2015, 63.

[28]Relatio Synodi 2014, 40

[29] Ibid., 34.

[30] Cantico Espiritual B, XXV, 11.

[31]Relatio Synodi 2104, 44.

[32]Relatio Finalis 2015, 81.

[33] Ibid., 78.

[34] Giáo lý (24. 6. 2015); L’Osservatore Romano, 25.6. 2015.

[35] Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio (22. 11. 1982), 83: AAS 74 (1982), 184.

[36]Relatio Syndodi 2014, 47.

[37] Ibid., 50

[38] Giáo lý (5.8.2015): L’Osservatore Romano, 6.8. 2015, tr. 7.

[39]Relatio Synodi 2014, 51; x. Relatio Finalis 2105, 84.

[40] Ibid., 48.

[41] Motu Proprio Mitis Iudex Dominus Jesus (15. 8. 2015); L’Osservatore Romano, 9. 2015, tr. 3 – 4; x. Motu Proprio Mitis Iudex Dominus Jesus (15.8.2015); L’Osservatore Romano, 9. 9. 2015, tr. 5 – 6.

[42] Motu Proprio Mitis Iudex Dominus Jesus (15.8.2015); Preambe, III: L’Osservatore Romano, 9. 9. 2015, tr. 3

[43]Relatio Finalis 2015, 82.

[44] Giáo lý (20.5.2015), L’Osservatore Romano 21.5.2015, tr.8

[45] Giáo lý (24. 6.2015, L’Osservatore Romano 25.6.2015, tr. 8.

[46] Giáo lý (5.8..2015, L’Osservatore Romano 6.8.2015, tr. 7

[47]Relatio Finalis, 2015, 72.

[48] Ibid., 73.

[49] Ibid., 74.

[50] Ibid., 75.

[51] X. Tự Sắc Misericordiae Vultus, 12: AAS 107 (2015), 407.

[52] Giáo lý của Hội thánh Công giáo, 2358; xem Relatio Finalis 2015, 76.

[53] Ibid.

[54] Dịch giả thêm vào cho dễ hiểu

[55]Relatio Finalis 2015, 76; x. Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Considerations Regarding Proposals to Give Legal Recognition to Unions between homosexual Persons (3.6.2003), 4.

[56] Ibid., 80.

[57] X. Ibid., 20

[58] Giáo lý (17.6.2015: L’ Osservatore Romano, 18.6. tr. 8

[59]Relatio Finalis 2015, 19.

[60] Giáo lý (17.6. 2015): L’ Osservatore Romano, 18.6.2015, tr.8

[61] Ibid.

[62] X. Giáo lý Hội thánh Công giáo, 958.

[63] Ibid.

[64] X. Têrêsa Liseiux, Derniers Entretiens: Le “carnet de Mère Agnes, 17.7.1897, trong Oeuvres Completes, Paris, 1966, 1050. Các nữ tu Dòng Cát minh của chị nói về lời chị hứa rằng việc ra khỏi thế gian này của chị giống như”việc mưa hoa hồng” (Ibid., 9.6.1897, 1913.

[65] Jordan Xasony, Libellus de principiis Ordinis Praedicatorum, 93: Monumenta Historica Sancti Patris Nostri Domini, XVI, Rome, 1935, tr. 69.

[66] X. Giáo lý Hội thánh Công giáo, 857

[67] Công Đồng Vatican II, Lumen Gentium, 49.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube