TÔNG HUẤN "AMORIS LAETITIA" (Chương IV: các số 89 - 164)

CHƯƠNG BỐN

TÌNH YÊU TRONG HÔN NHÂN

  1. Tất cả những gì ta đã nói cho tới nay vẫn chưa đủ để diễn tả Tin mừng về hôn nhân và gia đình, nếu ta không nói về tình yêu. Vì ta không thể khích lệ sự chung thủy và việc hiến mình cho nhau khi không khích lệ sự lớn lên, tăng cường sức mạnh và đào sâu tình yêu trong hôn nhân và gia đình. Quả vậy, ân sủng của bí tích hôn phối trước tiên không nhắm gì khác ngoài việc “hoàn thiện tình yêu đôi lứa”[1]. Ở đây ta cũng có thể nói rằng: “dù tôi có đức tin đến độ có thể chuyển núi dời non, mà không có tình yêu, tôi chỉ là không. Nếu tôi đem phát chẩn mọi sự tôi có, và đem thân chịu thiêu đốt mà không có tình yêu, tôi cũng chỉ là không” (1 Cr 13, 2-3). Tuy nhiên, thuật ngữ “yêu” được dùng cách phổ biến nhưng cũng thường bị lạm dụng[2].

TÌNH YÊU TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

  1. Trong một đoạn văn trữ tình của Thánh Phaolô, ta thấy được một số đặc điểm của tình yêu đích thật: “Tình yêu thì nhẫn nại, hiền hậu. Tình yêu không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy điều gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu mang lấy tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13, 4-7).

Tình yêu được cảm nghiệm và dưỡng nuôi trong đời sống hằng ngày của vợ chồng và con cái họ. Thật hữu ích khi suy nghĩ sâu hơn về ý nghĩ của bản văn này của Thánh Phaolô và sự thích hợp của ý nghĩa ấy đối với hoàn cảnh cụ thể của mọi gia đình.

Tình yêu thì nhẫn nhục

  1. Từ ngữ đầu tiên được sử dụng là makrothyméi. Từ này không chỉ có liên quan tới “việc chịu đựng mọi sự”, vì ta thấy ý tưởng này được diễn tả ở cuối câu bảy. Ý nghĩa của từ này đã được bản dịch Cựu ước tiếng Hy lạp làm sáng tỏ, chỗ ta đọc thấy rằng Thiên Chúa “chậm bất bình (Xh 34, 6; Ds 14, 18). Vậy từ ấy ám chỉ tới phẩm chất của một người nào đó không hành động theo sự bốc đồng và luôn tránh phạm tội. Ta thấy được phẩm chất này trong vị Thiên Chúa của giao ước, Đấng luôn kêu gọi ta noi gương Ngài cả trong đời sống gia đình. Các bản văn của Thánh Phaolô sử dụng từ ngữ này cần phải được đọc dưới ánh sáng của sách Khôn Ngoan (x. 11, 23; 12, 2, 15-18), những đoạn văn ca ngợi sự kiềm chế của Thiên Chúa, khi mở ra khả năng sám hối, nhưng vẫn nhấn mạnh đến quyền năng của Ngài, như đã được mặc khải trong các hành vi xót thương của Ngài. “Sự nhẫn nhục” của Thiên Chúa, được bày tỏ trong lòng xót thương của Ngài đối với những kẻ tội lỗi, là dấu chỉ của quyền năng đích thật của Ngài.
  2. Nhẫn nhục không có nghĩa là để mình bị ngược đãi thường xuyên, chịu đựng những xâm hại thể lý hay để người ta sử dụng mình. Bất cứ khi nào ta nghĩ rằng các mối tương quan hay con người phải hoàn thiện, hay khi ta coi mình là quan trọng và mong ước các sự việc tạo nên cách thức của ta ta đều gặp rắc rối. Lúc ấy mọi sự đều làm ta mất bình tĩnh đều làm ta phản ứng cách hung hăng. Trừ phi ta không nuôi dưỡng sự nhẫn nhục, ta sẽ không luôn luôn biện hộ được cho những đáp trả giận dữ của ta. Ta sẽ trở nên không thể sống chung, khó gần, không thể làm chủ các cơn bốc đồng, gia đình ta sẽ thành bãi chiến trường. Đó là lý do vì sao lời Thiên Chúa nói với ta: “Đừng bao giờ chua cay, gắt gỏng, nóng nảy, giận hờn hay la lối thóa mạ và hãy dẹp bỏ mọi hành vi gian ác” (Ep 4, 31). Nhẫn nhục bén rễ khi ta nhận ra rằng tha nhân cũng có quyền sống trong thế giới này hệt như ta vậy. Nếu họ có cản đường tôi, có làm đảo lộn các kế hoạch của tôi, có làm phiền tôi vì cách hành động hay suy nghĩ của họ hay nếu họ không phải là mọi sự tôi muốn thì cũng chẳng sao. Tình yêu bao giờ cũng có một khía cạnh của sự cảm thông sâu xa đưa tới chỗ chấp nhận người khác như một phần của thế giới này, cả khi họ hành động không như tôi muốn.

Tình yêu là để phục vụ tha nhân

  1. Từ ngữ tiếp theo Thánh Phaolô sử dụng là chrestéeutai. Từ này chỉ được dùng ở đây trong toàn bộ Kinh Thánh. Từ ấy được rút từ chrestos: một người tốt, một người cho thấy sự tốt lành của mình qua việc làm. Ở đây, đối chiếu với động từ đi trước, từ ngữ này là một túc từ. Thánh Phaolô muốn cho thấy rõ rằng “nhẫn nhục” không phải là một thái độ hoàn toàn thụ động, nhưng là một thái độ có kèm theo hoạt động, nhờ tác động năng động và sáng tạo với tha nhân. Từ ngữ này cho thấy rằng tình yêu luôn làm ích và trợ giúp tha nhân. Vì lý do đó, người ta dịch ra là “tử tế”; tình yêu bao giờ cũng sẵn sàng cứu giúp.
  2. Suốt bản văn này, rõ ràng Thánh Phaolô muốn nhấn mạnh rằng tình yêu hơn hẳn một tình cảm thuần túy. Đúng ra, tình yêu ấy phải được hiểu theo những đường lối của động từ “yêu” trong thư Hipri; đó là “làm điều tốt”. Như Thánh Ignatiô Loyola nói: “Tình yêu tỏa sáng nhờ việc làm hơn lời nói”[3]. Như thế, tình yêu bao giờ cũng cho thấy sự sinh hoa trái của nó và cho phép ta kinh nghiệm được hạnh phúc của việc trao ban, sự cao quí và huy hoàng của việc tiêu hao chính mình cách không mệt mỏi, không đòi đền đáp, chỉ vì niềm vui được cho đi và phục vụ.

Tình yêu không ghen tuông

  1. Thánh Phaolô tiếp tục loại bỏ thái độ được diễn tả bằng động từ zeloi, coi đó như phản nghịch với tình yêu – ghen tuông hay ghen tỵ. Điều này muốn nói rằng tình yêu không có chỗ cho sự bực bội về vận may của người khác (x. Cv 7, 9; 17, 5). Ghen tỵ là một hình thức của sự buồn rầu do sự thịnh vượng của người khác khơi lên; ghen tỵ cho thấy rằng ta không quan tâm tới hạnh phúc của tha nhân mà chỉ biết tới quyền lợi của mình. Trong khi tình yêu làm cho ta vượt lên chính mình thì ghen tỵ lại khép ta lại nơi chính mình. Tình yêu đích thật luôn trân trọng các thành đạt của người khác, không bao giờ nhìn tha nhân như một hiểm họa. Tình yêu giải thoát ta khỏi vị chua của ghen tỵ. Tình yêu nhận ra rằng mọi người đều có những ân ban khác nhau và đều có một con đường độc nhất vô nhị trong cuộc sống. Vì thế, tình yêu bao giờ cũng cố tìm ra con đường đưa tới hạnh phúc và bao giờ cũng để cho tha nhân tìm ra hạnh của chính họ.
  2. Tóm lại, tình yêu muốn nói đến việc chu toàn hai điều răn cuối cùng của Luật Thiên Chúa: “Ngươi sẽ không thèm muốn nhà cửa của đồng loại; ngươi sẽ không thèm muốn vợ hay tôi trai tớ gái hay con bò, con lừa hay bất cứ thứ gì của đồng loại ngươi (Xh 20, 17). Tình yêu bao giờ cũng khơi lên sự trân trọng chân thành đối với mọi người và nhìn nhận quyền được hạnh phúc của họ. Tôi yêu người này và tôi nhìn họ bằng đôi mắt của Thiên Chúa, Đấng ban cho ta mọi sự “vì niềm vui của ta” (1 Tim 6, 17). Do đó, tôi cảm thấy được một cảm thức sâu sắc về hạnh phúc và bình an. Tình yêu cắm rễ sâu này cũng đưa tôi chỗ dẹp bỏ bất công khiến người thì có quá nhiều, người lại chẳng có gì. Tình yêu thôi thúc tôi tìm ra những cách thức giúp những người bị xã hội ruồng bỏ tìm được đôi chút niềm vui. Đó không phải là ghen tỵ mà là khát vọng bình đẳng.

Tình yêu không vênh vang

  1. Từ ngữ sau, perpereúetai, có nghĩa là sự khoe khoang, nhu cầu kiêu hãnh, có vẻ mô phạm và hơi huênh hoang. Những người yêu thương không chỉ cố không nói quá nhiều về mình mà còn tập trung vào người khác; họ không cần phải là trung tâm chú ý. Từ ngữ kế tiếp là – physioútai – cũng có nghĩa tương tự, diễn tả tình yêu thì không huênh hoang. Theo nghĩa đen, tiếng ấy có nghĩa là ta không được “vênh váo” trước người khác. Tiếng ấy cũng chỉ cho thấy một cái gì đó tế nhị hơn: nỗi ám ảnh, sự kiêu hãnh và việc đánh mất cảm thức về thực tại. Những người như thế thường nghĩ rằng, vì họ “thiêng liêng” và “khôn ngoan” hơn, nên họ quan trọng hơn thực tế của họ nhiều. Thánh Phaolô sử dụng động từ này vào những dịp khác, như khi ngài nói rằng “sự hiểu biết sinh lòng kiêu ngạo, còn lòng bác ái mới xây dựng” (1 Cr 8, 1). Một số người nghĩ rằng họ quan trọng vì họ hiểu biết hơn người khác; họ muốn thống trị những người ấy. Nhưng điều thực sự làm cho ta thành quan trọng  chính là một tình yêu hiểu biết, bày tỏ sự quan tâm, ôm ấp kẻ yếu hèn. Chỗ khác từ ngữ này được dùng để phê bình những người “được thổi phồng” bằng sự quan trọng của mình (1 Cr 4, 18), nhưng thực ra, họ lại đầy ắp những hư từ chứ không có “quyền năng” đích thật của Thần khí (x. 1 Cr 4, 19).
  2. Đối với các Kitô hữu, bày tỏ tình yêu thương bằng cách đối xử với các thành viên của gia đình, những người ít hiểu biết về đức tin, yếu hèn hay không chắc chắn về xác tín của mình là điều quan trọng. Đôi khi lại xảy ra những điều trái ngược: các tín hữu giả thiết phải trưởng thành hơn trong gia đình lại trở nên kiêu hãnh cách không thể chịu nổi. Mặt khác, tình yêu bao giờ cũng được đánh dấu bằng sự khiêm tốn; nếu ta phải hiểu biết, phải tha thứ và phục vụ tha nhân hết lòng, thì sự kiêu hãnh của ta phải được chữa lành và sự khiêm tốn của ta phải gia tăng. Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng trong một thế giới nơi quyền lực thống trị, thì mỗi người đều cố cai trị người khác, nhưng “giữa anh em với nhau thì không được thế” (Mt 20, 26). Logic nội tại của tình yêu Kitô giáo không phải là sự quan trọng và quyền lực, nhưng là “ai làm đầu giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20, 26). Trong đời sống gia đình, logic của sự thống trị và cạnh tranh xem ai là người thông minh hay quyền thế nhất bao giờ cũng phá vỡ tình yêu. Lời khuyên của Thánh Phêrô cũng áp dụng cho gia đình: “Tất cả anh em hãy mặc lấy lòng khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5, 5).

Tình yêu không khiếm nhã

  1. Yêu bao giờ cũng nhẹ nhàng và có suy nghĩ, và điều này được truyền đạt trong từ ngữ sau, aschemonéi. Từ này cho thấy rằng tình yêu không khiếm nhã hay bất lịch sự; không nhẫn tâm. Các hành động, lời nói, cử chỉ của tình yêu đều đem lại niềm vui chứ không đem lại đau đớn hay khắt khe. Tình yêu ghét cay ghét đắng việc làm cho người ta đau khổ. Lịch sự “là trường học dạy sự nhạy bén và vô vị lợi” một trường học đòi người ta “phát triển tâm trí và tình cảm mình, khi cách học cho biết nghe, biết nói, và trong một số trường hợp, biết giữ im lặng”[4]. Đó không phải là một cái gì đó một Kitô hữu được phép chấp nhận hay từ bỏ. Vì là một đòi hỏi chủ yếu của tình yêu, “mọi người buộc phải sống hài hòa với những người chung quanh mình”[5]. Mọi ngày, “việc bước vào trong đời người khác, cả khi người ấy đã có một vai trò quan trọng trong đời ta rồi, vẫn đòi sự nhạy bén và kiềm chế, khả dĩ có thể canh tân sự tin tưởng và tôn trọng. Thật thế, tình yêu càng sâu đậm bao nhiêu, thì càng đòi hỏi tôn trọng tự do của người khác và khả năng đợi chờ cho tới họ mở cửa lòng bấy nhiêu”[6].
  2. Để mở ra cho cuộc gặp gỡ chân thành với tha nhân, thì “một cái nhìn tinh tế” rất quan trọng. Đây là điều không phù hợp với thái độ tiêu cực lúc nào cũng sẵn sàng vạch trần những khuyết điểm của người ta trong khi khuyết điểm của mình lại không hề để ý tới. Một cái nhìn tinh tế giúp ta thấy được những gì vượt quá các giới hạn của ta, giúp ta nhẫn nhục và hợp tác với tha nhân, bất kể những khác biệt. Sự tinh tế yêu thương xây nên liên kết, vun xới các tương quan, tạo nên những mạng lưới hợp nhất mới và dệt nên tấm vải xã hội vững chắc. Theo cách này, sự tinh tế ấy không ngừng vững mạnh hơn, vì không có cảm thức thuộc về, ta không thể duy trì việc dấn thân cho tha nhân; ta bắt đầu tìm kiếm tiện ích cho mình và không thể sống chung được. Những người phản xã hội nghĩ rằng những người khác có mặt chỉ để thỏa mãn các nhu cầu của họ. Kết quả là, không còn chỗ cho sự dịu dàng của tình yêu và cho việc diễn tả tình yêu. Những người yêu thương bao giờ cũng có khả năng nói lời xoa dịu, củng cố, an ủi và khích lệ. Đó là những lời chính Chúa Giêsu đã nói: “Hãy yên tâm, hỡi con!” (Mt 9, 2); “Này bà, đức tin của bà lớn thật!” (Mt 15, 28); “Hãy trỗi dậy!” (Mc 5, 41); “Hãy đi bình an!” (Lc 7, 50); “Đừng sợ!” (Mt 14, 27). Đó không phải là những lời tự hạ thấp phẩm giá mình, đem lại u buồn hay tỏ vẻ khinh khi. Trong các gia đình, ta phải học theo sự hiền lành của Chúa Giêsu trong lời ăn tiếng nói với tha nhân.

Tình yêu không tìm tự lợi

  1. Ta đã nhắc đi, nhắc lại rồi là để yêu tha nhân ta phải yêu mình trước. Tuy nhiên, bài ca đức mến của Thánh Phaolô lại tuyên bố rằng “đừng tìm tư lợi”, cũng đừng tìm những gì là của mình”. Cũng ý tưởng này đã được diễn tả trong một bản văn khác: “Mỗi người trong anh em đừng dán mắt vào quyền lợi của mình mà hãy để ý tới quyền lợi của người khác” (Pl 2, 4). Kinh Thánh nói rõ rằng quảng đại phục vụ tha nhân thì quí hơn yêu thương chính mình. Yêu mình chỉ quan trọng vì là một đòi hỏi không thể thiếu về mặt tâm lý để có thể yêu tha nhân: “Ngay với chính mình mà người ta còn hà tiện, thì họ còn quảng đại được với ai?” (Cn 14, 5-6).
  2. Thánh Tôma Aquinô giải thích rằng “Đối với đức ái, muốn yêu thì hơn là muốn được yêu.”[7]; quả thật, “Các bà mẹ, là những người yêu nhiều nhất, luôn tìm cách yêu chứ không tìm cách để được yêu”[8]. Vì thế, tình yêu có thể vượt quá và tràn ngập những đòi hỏi của công lý, “không mong được đền đáp” (Lc 6, 35) và tình yêu lớn hơn mọi tình yêu có thể “đưa tới chỗ hy sinh tính mạng” vì tha nhân (Ga 15, 13). Lòng quảng đại ấy, một lòng quảng đại làm cho ta có thể cho đi cách trọn vẹn, tự do, có thể có thật chăng? Có, vì đó là điều Tin mừng đòi hỏi: “Anh em đã nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không!” (Mt 0, 8).

Tình yêu không nuôi hận thù

  1. Nếu lời đầu tiên của bài thánh ca của Thánh Phaolô nói về nhu cầu phải nhẫn nhục, không phản ứng ngay cách tàn nhẫn với những yếu hèn và lầm lỗi của tha nhân, thì lời kế tiếp thánh nhân sử dụng – paroxynetai – lại liên quan nhiều hơn đến sự căm phẫn bên trong do một cái gì đó bên ngoài khơi lên. Từ ấy liên quan tới một phản ứng bạo lực bên trong, một sự bực tức thầm kín làm ta chán không muốn ở nơi có người khác, như thể họ gây rắc rối hay đe dọa nên phải tránh mặt. Nuôi dưỡng sự thù nghịch ấy trong lòng chẳng giúp gì ai, chỉ gây đau đớn và xa cách. Phẫn nộ chỉ lành mạnh khi nó làm cho ta phản ứng lại với bất công nghiêm trọng; khi phẫn nộ thấm sâu vào thái độ của ta đối với tha nhân thì rất có hại.
  2. Tin mừng dạy ta để ý đến cái xà trong mắt mình (x. Mt 7, 5). Các Kitô hữu không thể xem thường lời khuyên liên tục này của lời Thiên Chúa là đừng nuôi giận hờn: “Đừng để sự dữ thắng được mình” (Rm 12, 21). “Làm việc thiện thì đừng sờn lòng nản chí” (Gal 6, 9). Cảm nhận được hận thù bất chợt trào lên là một chuyện, chấp nhận hận thù ấy, để nó cắm rễ sâu trong lòng ta lại là chuyện khác: “Cứ nổi giận, nhưng đừng phạm tội; đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4, 26). Lời khuyên của tôi là đừng bao giờ để cho ngày đã tàn mà gia đình lại không làm hòa với nhau. “Và tôi phải làm hòa thế nào? Bằng cách quì gối xuống sao? Không! Chỉ bằng một cử chỉ nho nhỏ, một điều đơn sơ và sự hài hòa trong gia đình anh chị em sẽ được phục hồi. Chỉ một chút âu yếm thôi, chẳng cần nói. Nhưng đừng để ngày tàn mà gia đình chưa có bình an”[9]. Phản ứng đầu tiên của ta, khi bị chọc tức, phải là phản ứng của việc chân thành chúc lành, xin Thiên Chúa chúc lành, giải thoát và chữa lành người ấy. “Trái lại hãy chúc phúc vì anh chị em được kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc” (1 Pr 3, 9). Nếu ta phải chống lại sự dữ, thì cứ chống, nhưng bao giờ cũng phải nói “không” với bạo lực trong gia đình.

Tình yêu tha thứ tất cả

  1. Một khi ta để cho ý xấu bén rễ trong tâm hồn, ý ấy sẽ đưa tới sự phẫn nộ sâu xa. Cụm từ ou lozizetai to kakon có nghĩa là tình yêu “không chấp nhất sự dữ”; “không căm phẫn”. Phản nghĩa của căm phẫn là tha thứ, bắt nguồn từ một thái độ tích cực luôn tìm cách hiểu sự hèn yếu của tha nhân. Như Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Nhưng ta vẫn cứ càng ngày càng tìm kiếm lầm lỗi, tưởng tượng ra những sự dữ ghê gớm hơn, đoán ra đủ mọi loại chủ ý xấu, thế là căm phẫn phát triển và sâu thêm. Như thế, mọi lỗi lầm hay sa ngã về phía vợ chồng đều có thể làm hại mối dây yêu thương và sự ổn định gia đình. Có một cái gì đó không đúng khi ta nhìn mọi vấn đề đều nghiêm trọng như nhau; theo cách này, ta có nguy cơ hà khắc vô lý với những thất bại của tha nhân. Ước vọng ngay chính muốn thấy các quyền của ta được tôn trọng thường trở thành khát vọng trả thù hơn là bảo vệ hợp lý phẩm giá của ta.
  2. Khi ta đã bị chống đối hay chà đạp rồi, thì tha thứ là điều có thể và đáng mơ ước, nhưng không ai dám bảo đó là chuyện dễ dàng. Sự thật là “ta chỉ có thể duy trì và hoàn thiện sự hiệp thông gia đình nhờ tinh thần hy sinh cao cả. Thật vậy, điều này đòi hỏi mỗi người và mọi người phải sẵn sàng và quảng đại mở ra cho sự hiểu biết, độ lượng, tha thứ và hòa giải. Không một gia đình nào mà lại không biết ích kỷ, bất hòa, căng thẳng và xung đột tấn công mạnh mẽ ra sao, đôi khi lại còn làm tê liệt sự hiệp thông của gia đình nữa: vì thế, mới xuất hiện nhiều hình thức ly tán trong đời sống gia đình”[10].
  3. Hôm nay, ta nhận ra rằng việc có thể tha thứ cho người khác liên quan tới kinh nghiệm giải thoát của sự hiểu biết và tha thứ cho mình. Thường các lầm lỗi của ta hay những chỉ trích ta nhận được từ nơi những người thân yêu, có thể đưa ta tới chỗ đánh mất lòng tự trọng. Ta trở nên xa cách tha nhân, xa tránh tình cảm và sợ hãi trong các mối tương quan liên vị. Kết án tha nhân trở thành việc tái khẳng định cách sai lầm. Ta cần học cầu nguyện cho lịch sử quá khứ của ta, học chấp nhận mình, học sống với những giới hạn của mình, và ngay cả học tha thứ cho mình, để cũng có thể đối xử với tha nhân như thế.
  4. Tất cả những điều này giả thiết rằng tự mình, ta đã có kinh nghiệm về việc được Thiên Chúa tha thứ, được công chính hóa nhờ ân sủng của Ngài chứ không phải nhờ công nghiệp của ta. Ta đã biết một tình yêu có trước mọi cố gắng của ta, một tình yêu muôn đời mở cửa, thăng cấp và khích lệ. Nếu ta chấp nhận rằng tình yêu Thiên Chúa là một tình yêu vô điều kiện, rằng ta không thể mua bán tình yêu của Chúa Cha, ta sẽ trở nên có thể bày tỏ tình yêu vô biên ấy và tha thứ cho nhau dù họ xúc phạm đến ta. Nếu không, đời sống gia đình ta sẽ không còn là nơi hiểu biết, đỡ nâng và khích lệ nữa mà chỉ còn là một nơi muôn đời căng thẳng và chỉ trích nhau.

Tình yêu luôn vui mừng với tha nhân

  1. Thành ngữ chaírei epì te adikia liên quan tới một sự ẩn núp tiêu cực nằm sâu trong cõi lòng con người. Đó là thái độ tàn độc của những người vui mừng khi thấy bất công giáng xuống trên người khác. Cụm từ sau phản nghĩa với cụm từ ấy: sygchairei te aletheia: “vui mừng khi thấy điều chân thật”. Nói cách khác, ta vui trước sự tốt lành của tha nhân khi thấy được phẩm giá của họ và trân trọng các khả năng và các công việc tốt lành của họ. Đây là điều không thể được đối với những ai lúc nào cũng phải so sánh và cạnh tranh, ngay cả với vợ chồng mình, đến độ họ âm thầm vui mừng trước thất bại của tha nhân.
  2. Khi một người yêu thương có thể làm điều tốt lành cho người khác hay thấy người khác hạnh phúc, thì bản thân người ấy cũng hạnh phúc và như thế, cũng là tôn vinh Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa yêu mến những kẻ cho các vui vẻ” (2 Cr 9, 7). Chúa chúng ta đánh giá cao những ai tìm thấy niềm vui trong hạnh phúc của tha nhân. Nếu ta không học cho biết làm thế nào để vui mừng trong hạnh phúc của người khác, và tập trung trước hết vào nhu cầu của mình, ta đang tự đẩy mình tới một cuộc sống không có niềm vui, như Chúa Giêsu đã nói: “Cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20, 35). Gia đình bao giờ cũng phải là nơi, khi có một điều tốt lành xảy ra cho các thành viên của mình, mọi người đều biết rằng những người khác có mặt là để chia vui với mình.

Tình yêu chịu đựng tất cả

  1. Bản danh sách của Thánh Phaolô kết thúc với bốn cụm từ, đều chứa đựng từ ngữ “tất cả”. Tình yêu chịu đựng tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Ở đây ta thấy rõ sức mạnh phản văn hóa của một tình yêu có thể đương đầu với bất cứ điều gì có thể đe dọa nó.
  2. Trước hết, Thánh Phaolô nói rằng tình yêu “chịu đựng tất cả” (panta stegei). Điều này hơn hẳn việc chỉ chịu đựng sự dữ; điều ấy có liên quan tới việc sử dụng miệng lưỡi. Động từ này muốn nói đến việc “gìn giữ sự bình an của con người” về những gì có thể xúc phạm đến một người khác. Động từ ấy cũng liên quan tới việc hạn chế xét đoán, kiểm soát cơn bốc đồng trong việc kết án gay gắt và mạnh mẽ: “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán” (Lc 6, 37). Tuy đây là điều trái nghịch với thói quen sử dụng miệng lưỡi của ta, nhưng lời Thiên Chúa vẫn bảo ta: “Anh chị em đừng nói xấu nhau” (Gcb 4, 11). Sẵn sàng nói xấu người khác là một cách khẳng định mình, để hả cơn giận và nỗi ghen tỵ mà không quan tâm đến tác hại ta có thể gây ra. Ta thường quên rằng nói hành nói xấu có thể hoàn toàn có tội; đó là việc chống lại Thiên Chúa cách nặng khi làm thiệt hại nặng đến danh dự người khác và gây ra những thiệt hại khó sửa chữa. Vì thế, lời Thiên Chúa tuyên bố thẳng thắn rằng miệng lưỡi “là một thế giới của tội lỗi”, một thế giới “làm vấy bẩn toàn bộ thân xác” (Gcb 3, 6); miệng lưỡi là một “sự dữ không ngừng, đầy những nọc độc chết người” (3, 8). Trong khi miệng lưỡi có thể được dùng để “nguyền rủa những người được tạo dựng giống Thiên Chúa” (3, 9), thì tình yêu lại coi trọng danh thơm tiếng tốt của tha nhân, kể cả kẻ thù. Trong việc tìm cách tuân giữ luật của Thiên Chúa ta không bao giờ được quên đòi hỏi đặc biệt này của tình yêu.
  3. Vợ chồng nào được tình yêu đan kết nên một luôn nói tốt về nhau; họ cố chỉ ra khía cạnh tốt đẹp của vợ chồng mình, chứ không phải là những yếu hèn, khuyết điểm. Trong bất cứ biến cố nào, họ thường giữ im lặng hơn là nói xấu nhau. Đây không chỉ là một cách hành động khi có người khác; mà là một hành động xuất phát từ một thái độ bên trong. Chẳng những chân thành xin đừng nhìn vào những vấn đề và yếu hèn của người khác, họ còn nhìn những yếu hèn và lầm lỗi ấy trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Họ nhận ra rằng những thất bại này là một phần của bức tranh lớn hơn. Ta phải công nhận rằng tất cả chúng ta đều là một hỗn hợp của ánh sáng và bóng tối. Tha nhân hơn hẳn một tổng số những sự vật nhỏ nhặt đang phiền đến ta. Tình yêu không buộc phải hoàn thiện để ta đánh giá. (Love does not have to be perfect for us to value it). Người ấy yêu ta hết lòng với tất cả những giới hạn của họ, nhưng việc tình yêu bất toàn không có nghĩa là tình yêu ấy không chân thật hay không có thật. Tình yêu có thật dẫu giới hạn và trần tục. Nếu tôi mong đợi quá, người ấy sẽ cho tôi biết, họ không phải là Thiên Chúa cũng không thể đáp ứng mọi nhu cầu của tôi. Tình yêu cùng hiện hữu với bất toàn. Tình yêu “chịu đựng tất cả” và có thể giữ được bình an trước những giới hạn của người mình yêu.

Tình yêu tin tưởng tất cả

  1. Panta pisteuei. Tình yêu tin tưởng tất cả. Ở đây, “tin” không được nhìn theo nghĩa chặt của thần học, nhưng được nhìn theo nghĩa của những gì ta “tin tưởng”. Điều này vượt quá việc ta giả thiết cách đơn giản là người ấy không nói dối hay ăn gian. Sự tin tưởng như thế công nhận ánh sáng của Thiên Chúa sáng hơn tăm tối, hệt như than hồng tỏa sáng dưới đống tro.
  2. Sự tin tưởng này có thể làm cho một mối tương quan nào đó được tự do. Như thế có nghĩa là ta không phải kiểm soát người ấy, theo dõi mọi bước chân kẻo người ấy thoát khỏi tay mình. Tình yêu tin tưởng, giải thoát, chứ không kiểm soát, chiếm hữu và thống trị mọi sự. Sự tự do này, một sự tự do nuôi dưỡng sự độc lập, nuôi dưỡng việc mở ra cho thế giới chung quanh ta, cho những kinh nghiệm mới, chỉ có thể làm phong phú và mở rộng các tương quan. Lúc ấy vợ chồng chia sẻ với nhau niềm vui của tất cả những ai vợ chồng đón nhận và được biết đến bên ngoài phạm vi gia đình. Đồng thời, sự tự do này cũng hướng đến sự chân thành và trong sáng, vì những ai biết mình được tin tưởng và trân trọng đều có thể mở ra và không giấu giếm điều gì. Những ai biết rằng vợ chồng mình hay nghi ngờ, xét đoán và thiếu tình yêu vô điều kiện, sẽ có khuynh hướng giữ bí mật, giấu kín những thất bại và yếu hèn của mình, và giả vờ là một người khác chứ không phải là mình. Mặt khác, một gia đình được đánh dấu bằng sự tin tưởng yêu thương, dù có thế nào đi nữa, vẫn giúp các thành viên của gia đình là chính mình và dẹp bỏ sự lừa phỉnh, giả dối và gian manh.

Tình yêu hy vọng tất cả

  1. Panta elpixei. Tình yêu không làm mất hy vọng vào tương lai. Tiếp nối những gì vừa nói, cụm từ này nói về niềm hy vọng của người biết rằng người khác có thể thay đổi, trưởng thành và tỏa ra vẻ đẹp bất ngờ và tiềm năng còn bị che khuất. Điều này không có nghĩa là mọi sự sẽ thay đổi trong cuộc sống này, cũng không liên quan tới việc nhận ra rằng, dù mọi sự không phải lúc nào cũng xảy ra như mình muốn, nhưng Thiên Chúa có thể uốn đường cong thành đường thẳng và vẫn có thể rút ra điều lành từ điều dữ ta phải chịu trong thế giới này.
  2. Ở đây, niềm hy vọng trở nên trọn vẹn nhất, vì ấp ủ sự chắc chắn về sự sống sau khi chết. Mỗi người, với mọi thất bại của mình, đều được gọi tới sự viên mãn của sự sống trên trời. Ở đó, vì được biến đổi hoàn toàn trong sự phục sinh của Đức Kitô, mọi yếu nhược, tăm tối và hèn kém sẽ qua đi. Ở đó, con người thật của người ta sẽ chiếu sáng trong tất cả sự tốt lành và mỹ miều của nó. Việc nhận ra này, giữa những thứ ngày một trầm trọng hơn của cuộc sống này, vẫn giúp ta thấy được mỗi người từ góc cạnh siêu nhiên, trong ánh sáng của niềm hy vọng và chờ đợi sự sung mãn họ sẽ nhận được trên nước trời, dù hiện vẫn chưa thấy.

Tình yêu chịu đựng tất cả

  1. Panta hypomenei. Điều này có nghĩa là tình yêu mang lấy hết mọi thử thách với một thái độ tích cực. Tình yêu luôn đứng vững trong môi trường thù địch chung quanh. “Sự chịu đựng” này không chỉ liên quan tới khả năng chịu đựng một số những thứ đang tồi tệ hơn mà còn chịu đựng một cái gì đó lớn hơn: việc luôn luôn sẵn sàng đương đầu với vất cứ thách thức nào. Đó là một tình yêu không khi nào bỏ cuộc, ngay cả trong những giờ phút đen tối nhất. Tình yêu ấy chứng tỏ một chủ nghĩa anh hùng kiên cường nào đó, một sức mạnh chống lại mọi dòng chảy tiêu cực, một sự nhẹ nhàng dấn thân cho sự tốt lành. Ở đây tôi nghĩ đến những lời của Martin Luther King, người đã đương đầu với mọi thứ thử thách và cùng khốn bằng tình huynh đệ: “người ghét bạn nhất cũng có một sự tốt lành nào đó nơi mình; ngay cả một nước nào đó ghét bạn nhất thì nơi nước ấy cũng có một sự tốt lành nào đó; một giống nòi nào đó ghét bạn, thì nơi nòi giống ấy cũng có một sự tốt lành nào đó. Và khi bạn đạt đến trình độ nhìn vào khuôn mặt mọi người và thấy tận trong cõi thẳm sâu của họ, điều tôn giáo gọi là “hình ảnh Thiên Chúa”, thì dù có thế nào đi nữa, bạn cũng bắt đầu yêu họ. Bất kể họ có làm gì đi nữa thì bạn cũng vẫn thấy ‘hình ảnh Thiên Chúa’ ở đó. Có một yếu tố của tốt lành họ không bao giờ có thể xóa sạch được… Một cách khác để bạn có thể yêu thương kẻ thù là: khi bạn có cơ hội đánh bại kẻ thù, thì đó lại là lúc bạn không được đánh… khi bạn đạt tới mức độ của tình yêu, thì vì sự cao đẹp và sức mạnh của tình yêu ấy, bạn chỉ tìm cách đánh bại những hệ thống xấu xa. Những ai tình cờ vướng vào hệ thống ấy, bạn thương mến người ấy, nhưng vẫn tìm cách đánh bại hệ thống ấy… Căm thù vì căm thù chỉ làm cho sự hiện hữu của căm thù và của sự dữ vững mạnh thêm trên vũ trụ này. Nếu tôi đánh bạn và bạn đánh tôi, tôi đánh lại bạn và bạn đánh tôi lại v.v., bạn thấy đó, mọi sự sẽ cứ thế đến muôn đời, sẽ không bao giờ chấm dứt. Ở đâu có người nào phải có một chút ý thức, thì đó sẽ là người mạnh mẽ. Người mạnh ấy là người có thể cắt đứt xiềng xích của sự hờn căm, của sự dữ… Người ta phải có tôn giáo và luân lý sao cho có thể cắt đứt xiềng xích ấy và tiêm vào trong chính cấu trúc của vũ trụ này yếu tố mạnh mẽ và hùng cường của tình yêu”[11]
  2. Trong đời sống gia đình, ta cần vun xới sức mạnh ấy của tình yêu, một sức mạnh giúp ta chống lại mọi sự dữ đe dọa nó. Tình yêu không sinh ra oán hận, không sinh ra khinh người hay ước muốn làm người ta đau khổ hay đạt được một lợi ích nào đó. Đôi khi ta ngạc nhiên thấy những người phải chia tay với vợ, chồng để bảo vệ mình, nhưng, vì tình yêu vợ chồng bền vững, họ vẫn cố giúp vợ chồng mình, kể cả bằng cách làm cho họ được an toàn trong những lúc bệnh hoạn, đau đớn và thử thách. Ở đây ta cũng thấy được một tình yêu không bao giờ bỏ cuộc.

LỚN LÊN TRONG TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG

  1. Việc suy nghĩ về bài ca yêu thương của Thánh Phaolô chuẩn bị cho ta bàn về tình nghĩa vợ chồng. Đây là tình yêu giữa vợ với chồng[12], một tình yêu được ân sủng của bí tích hôn phối thánh hóa, làm cho phong phú và soi sáng. Đây cũng là sự “hiệp thông tình cảm”[13], thiêng liêng và hy sinh, kết hợp sự ấm áp của tình bạn lại với đam mê tình ái và kéo dài mãi sau khi cảm xúc và đam mê giảm bớt. Đức Piô XI dạy rằng tình yêu này thấm vào các bổn phận của đời sống hôn nhân và có được một chỗ danh giá[14]. Được Chúa Thánh Thần truyền cho một đặc tính, tình yêu mãnh liệt này là phản ảnh của giao ước bền vững giữa Đức Kitô và nhân loại, chóp đỉnh của giao ước ấy là việc Ngài tự hiến trên thập giá. “Thần khí Chúa đổ xuống ban cho người nam và người nữ một quả tim mới và làm cho họ có thể yêu thương nhau như Đức Kitô yêu thương ta. Tình yêu vợ chồng đạt tới sự viên mãn ấy, một sự viên mãn được ban cho từ bên trong: tình nghĩa vợ chồng”[15].
  2. Hôn nhân là một dấu chỉ quý giá, vì “khi người nam và người nữ cử hành bí tích hôn phối, thì chính Thiên Chúa “được phản chiếu” nơi họ; Ngài đóng trên họ những đặc tính của Ngài và những đặc tính không thể tẩy sạch của tình yêu. Hôn nhân là biểu tượng chói ngời của tình yêu Thiên Chúa dành cho ta. Quả thật, Thiên Chúa cũng là sự hiệp thông: ba Ngôi Cha, Con và Thánh Thần muôn đời sống trong sự hợp nhất hoàn hảo. Và đây chính là mầu nhiệm hôn nhân: Thiên Chúa làm cho hai vợ chồng thành một sự hiện hữu duy nhất”[16]. Điều này có được những kết quả cụ thể hằng ngày, vì vợ chồng, “do bí tích, được trao cho một sứ mạng đích thật và riêng biệt, để khởi sự với những sự việc bình thường, đơn giản hằng ngày, họ có thể làm cho tình Đức Kitô yêu Hội Thánh và hiện vẫn tiếp tục hiến mình cho Hội Thánh, thành hữu hình”[17].
  3. Tuy nhiên, ta không được lẫn lộn hai mức độ khác nhau: không cần phải đặt lên hai con người giới hạn những gánh nặng khủng khiếp của việc phải tạo nên cách hoàn hảo sự hiệp nhất giữa Đức Kitô và Hội Thánh, vì hôn nhân là dấu chỉ đòi hỏi “một tiến trình năng động… một tiến trình tiến triển dân dần với việc ngày một hợp nhất với những ân sủng của Thiên Chúa”[18].

Việc chia sẻ suốt đời

  1. Sau tình yêu kết hợp ta lại với Thiên Chúa, tình yêu vợ chồng là “một hình thức quan trọng nhất của tình bằng hữu”[19]. Đó là một sự kết hợp có mọi đặc điểm của một tình bạn tốt lành: quan tâm đến lợi ích của người kia, tới sự hỗ tương, âu yếm, ấm cúng, ổn định và sự tương đồng phát sinh từ một cuộc sống được chia sẻ. Hôn nhân còn thêm vào cho tất cả những đặc điểm trên một đặc tính riêng vô phương tháo gỡ được diễn tả trong việc kiên quyết cam kết chia sẻ và cùng nhau hình thành nên toàn bộ cuộc sống. Ta hãy chân thành và hãy nhìn nhận các dấu chỉ cho thấy điều đó. Những người yêu nhau không nhìn tương quan của mình chỉ là một mối tương quan nhất thời. Những người lập gia đình không mong cảm xúc tàn phai. Những người làm chứng cho việc cử hành sự hợp nhất yêu thương, tuy mong manh, vẫn tin rằng sự hợp nhất ấy đứng vững trước thử thách của thời gian. Con cái không chỉ muốn cha mẹ yêu thương nhau mà còn trung thành và ở mãi với nhau. Những dấu chỉ này và những dấu chỉ tương tự cho thấy rằng đây phải là điều đáng tin cậy nhất trong chính bản chất của tình yêu vợ chồng. Sự kết hợp bền vững này được diễn tả bằng các lời thề ước hôn nhân hơn hẳn một thủ tục hay một công thức truyền thống nhiều; sự kết hợp ấy bắt nguồn từ những khuynh hướng tự nhiên của bản vị con người. Đối với các tín hữu, đây cũng là một giao ước trước Thiên Chúa Đấng kêu gọi trung thành: “Chúa là chứng nhân cho giao ước giữa bạn và vợ bạn thời trai trẻ, người mà bạn đã thất trung, dù chị là bạn đồng hành và vợ bạn nhờ giao ước… Đừng có ai thất trung với vợ cưới hồi còn độ thanh xuân. Vì ta ghét ly dị, Chúa phán thế” (Mal 2, 14 – 16).
  2. Tình yêu nào yếu hèn, bệnh hoạn, không thể chấp nhân hôn nhân như một thách thức phải mang và phải bảo vệ, phải được tái sinh, canh tân và tái tạo cho tới chết, tình yêu ấy không thể duy trì việc dấn thân quan trọng. Tình yêu ấy sẽ chết trước nền văn hóa phù du luôn ngăn cản tiến trình phát triển không ngừng. Nhưng, “tình yêu hứa hẹn kéo dài đến muôn đời chỉ có thể có được khi ta hiểu được một kế hoạch lớn hơn các ý tưởng và những lời hứa của ta, một kế hoạch nâng đỡ ta và làm cho ta có thể hoàn toàn trao phó tương lai mình cho Đấng ta yêu mến”[20]. Nếu tình yêu này phải chiến thắng mọi thử thách và phải trung thành trong mọi sự, thì nó cũng cần được ban ân sủng để được củng cố và nâng cao. Nói theo ngôn ngữ của Thánh Bellarmine, “Việc một người nam kết hợp với một người nữ trong một ràng buộc vô phương tháo gỡ và việc họ không thể phân ly bất kể mọi thứ khó khăn, cả khi không còn hy vọng có con, chỉ có thể là dấu chỉ của một mầu nhiệm lớn lao”[21].
  3. Tương tự, hôn nhân là một tình bằng hữu được đánh dấu bằng đam mê, nhưng một đam mê luôn hướng về một sự hợp nhất ngày một ổn định và mãnh liệt hơn. Đó là vì “hôn nhân không được thiết lập chỉ để sinh con” mà còn để tình yêu hỗ tương “có thể được diễn tả cách thích hợp, để tình yêu ấy lớn lên và trưởng thành”[22]. Tình bằng hữu độc nhất vô nhị giữa một người nam và một người nữ này đỏi hỏi một tính chất bao gồm hết mọi sự chỉ trong việc kết hợp vợ chồng. Cách chính xác vì bao hàm hết mọi sự, nên sự kết hợp này cũng có tính riêng biệt, trung thành và mở ra cho sự sống mới. Sự kết hợp ấy chia sẻ mọi sự trong việc muôn đời tôn trọng nhau. Công Đồng Vatican II làm vang lên sự kết hợp ấy khi nói “một tình yêu như thế, khi làm cho tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người nên một, bao giờ cũng đưa dẫn những người bạn đời tới chỗ tự do tự hiến cho nhau, một sự tự hiến được kinh nghiệm trong sự dịu hiền và hành động và thấm đẫm toàn bộ cuộc sống”[23].

Niềm hoan lạc và vẻ tuyệt mỹ

  1. Trong hôn nhân, niềm hoan lạc của tình yêu cần phải được vun xới. Khi việc tìm kiếm khoái lạc trở thành nỗi ám ảnh, nó sẽ cần giữ ta lại trong cảnh nô lệ và lấy khỏi ta kinh nghiệm về những thỏa mãn khác. Trái lại, niềm hoan lạc làm gia tăng khoái lạc và giúp ta tìm được sự hoàn tất trong một số sự việc, cả trong những lúc ấy, khi khoái lạc thể xác yếu dần. Thánh Tôma Aquinô nói rằng từ ngữ “niềm hoan lạc” liên quan tới việc mở rộng cõi lòng[24]. Người ta có thể kinh nghiệm được niềm hoan lạc vợ chồng cả trong nỗi buồn; niềm hoan lạc ấy kéo theo việc chấp nhận rằng hôn nhân là một hỗn hợp không thể tránh giữa thích thú và đấu tranh, căng thẳng và nghỉ ngơi, đau khổ và ủi an, thỏa mãn và khát mong, bực bội và khoái lạc, nhưng bao giờ cũng trên đường tiến đến tình bằng hữu, thôi thúc đôi bạn chăm sóc cho nhau: “Họ giúp đỡ và phục vụ nhau”[25].
  2. Tình yêu của tình bằng hữu được gọi “đức ái” khi ta hiểu được và trân trọng “giá trị lớn” của người khác[26]. Vẻ đẹp – giá trị lớn ấy, một giá trị hơn hẳn vẻ hấp dẫn thể lý hay tâm lý – làm cho ta có thể đánh giá được sự thánh thiêng của con người, mà không cảm thấy nhu cầu chiếm hữu vẻ đẹp ấy. Trong một xã hội tiêu thụ, cảm thức về vẻ đẹp bị bần cùng hóa và vì thế niềm vui cũng nhạt nhòa theo. Mọi sự có đó là để trao đổi, chiếm hữu hay tiêu thụ kể cả con người. Mặt khác, sự dịu hiền là dấu chỉ của một tình yêu thoát khỏi sự chiếm hữu ích kỷ. Nó làm ta đến gần con người với sự tôn trọng vô biên và với một chút sợ hãi, làm hại họ hay lấy mất tự do của họ. Việc yêu thương tha nhân bao giờ cũng kéo theo niềm vui của việc chiêm ngắm và hiểu rõ vẻ đẹp bên trong và sự thánh thiêng của họ, là thứ lớn hơn nhu cầu của tôi. Việc yêu thương ấy làm tôi có thể tìm kiếm lợi ích của họ cả khi họ không thể thuộc về tôi hay khi họ không còn hấp dẫn về thể lý lại còn khiến tôi phiền hà, chịu đựng. Vì “tình yêu ấy nhờ đó con người làm vui lòng tha nhân luôn tùy thuộc việc họ tự do cho đi một cái gì đó”[27].
  3. Kinh nghiệm thẩm mỹ về tình yêu được diễn tả trong “cái nhìn” chiêm ngắm người khác như các cứu cánh tự tại, dù họ đau yếu, già nua hay xấu xí. Một cái nhìn biết đánh giá có tầm quan trọng đặc biệt, và một cái nhìn ghen tỵ thường rất có hại. Vợ chồng, con cái đôi khi làm biết bao việc để được chú ý đó! Khi ta thôi, không nhìn nhau nữa, nhiều đau khổ và rắc rối nảy sinh. Đấy là điều ta thường nghe trong những phàn nàn, trách móc trong các gia đình: “Chồng tôi chẳng đoái hoài gì tôi; ông ta hành động như thể tôi không có vậy”. “Làm ơn nhìn tôi khi tôi nói chuyện với bạn!” “Vợ tôi không còn nhìn tôi nữa, bà ấy chỉ còn để mắt tới con bà ấy thôi”. “Trong nhà tôi, không ai còn để ý tới tôi cả; thậm chí họ chẳng còn thấy tôi; chẳng khác gì tôi không còn hiện hữu vậy”. Tình yêu luôn mở mắt ta và làm ta có thể thấy giá trị lớn của một con người hơn mọi thứ khác.
  4. Niềm hoan lạc của tình yêu chiêm ngắm này cũng cần được vun xới. Vì ta được tạo dựng để yêu, nên ta biết rằng không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui của việc chia sẻ những điều tốt lành: “Hãy cho và nhận, hãy làm cho tâm hồn mình thanh thản” (Hc 14, 16), Những niềm vui mãnh liệt trong cuộc sống nảy sinh khi ta có thể khơi lên niềm vui nơi người khác, như việc nếm trước nước trời. Ta có thể nghĩ về cảnh yêu thương trong film Babette’s Feast (Lễ hội của Babette), khi người đầu bếp hào phóng được người ta ôm chặt và khen: “Ah, how you will delight the angels!”. Đem niềm vui cho tha nhân, thấy họ vui là niềm vui và an ủi lớn. Niềm vui này, kết quả của tình huynh đệ, không phải là niềm vui hão huyền, quy ngã, nhưng là niềm vui của những người đang yêu sung sướng vì điều tốt của những người mình yêu, luôn tự do trao hiến cho họ, chính vì thế mà sinh hoa kết trái.
  5. Mặt khác, niềm hoan lạc cũng lớn lên nhờ buồn rầu, đau đớn. Nói theo ngôn ngữ của Thánh Augustinô, “nguy nan trong chiến trường càng lớn, niềm vui chiến thắng càng oanh liệt.”[28] Sau khi cùng chịu đau khổ và cùng đấu tranh, đôi bạn có thể kinh nghiệm được rằng chịu khổ như thế thật đáng giá, vì họ đã đạt được một sự tốt lành nào đó, họ học được một cái gì đó với tư cách là vợ chồng hay bắt đầu biết trân trọng những gì họ đang có. Chẳng mấy niềm hoan lạc của con người sâu thẳm và cảm động như niềm hoan lạc mà hai người yêu nhau và đã đạt được một cái gì đó là kết quả của nỗ lực gian khổ chung, kinh nghiệm được.

Lấy nhau vì tình yêu

  1. Tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng điều này không có gì bị nguy hiểm cả khi tình yêu của họ được diễn tả trong tình yêu. Sự hợp nhất của họ trong hoàn cảnh này gặp được phương tiện để bảo đảm rằng tình yêu của họ thực sự bền vững và triển nở. Cách tự nhiên, tình yêu hơn sự ưng thuận bên ngoài hay một hợp đồng nhiều, nhưng cũng đúng là chọn đem lại cho hôn nhân một hình thức hữu hình trong xã hội qua việc đảm nhận một số cam kết cho thấy hôn nhân quan trọng ra sao. Hôn nhân thể hiện sự nghiêm túc của việc người này đồng hóa với người kia và quyết định vững vàng muốn từ biệt chủ nghĩa cá nhân thời niên thiếu và quyết định thuộc về nhau của họ. Hôn nhân là phương thế cho thấy rằng ta thực sự từ bỏ sự an toàn của gia đình từ đó ta lớn lên để xây dựng những ràng buộc mạnh mẽ khác và để mặc lấy những trách nhiệm mới về một người khác. Điều này có ý nghĩa hơn việc liên kết thuần túy tự nhiên để thỏa mãn nhau nhiều, một sự thỏa mãn thường biến hôn nhân thành công việc riêng tự thuần túy. Vì là một tổ chức xã hội, hôn nhân bảo vệ và hình thành nên việc cùng dấn thân cho sự triển nở sâu xa hơn trong tình yêu và dấn thân cho nhau, vì lợi ích của toàn xã hội. Đó là lý do vì sao hôn nhân hơn hẳn một thứ thời trang nhất thời; hôn nhân có tầm quan trọng bền vững. Bản chất của hôn nhân xuất phát từ bản chất con người và đặc điểm có tính xã hội của ta. Hôn nhân kéo theo hàng loạt bổn phận nảy sinh từ chính tình yêu, một tình yêu nghiêm túc và hào phóng đến độ sẵn sàng đương đầu với bất cứ hiểm nguy nào.
  2. Chọn hôn nhân theo cách này diễn tả quyết định vững vàng và chân thành muốn đi chung đường, bất kể chuyện gì sẽ xảy ra. Dựa vào sự nghiêm túc của hôn nhân, việc cam kết công khai của tình yêu không thể là hoa trái của một quyết định vội vàng, nhưng cũng không thể bị trì hoãn đến vô định. Việc hiến mình cách dứt khoát và riêng biệt cho người khác bao giờ cũng kéo theo một sự liều lĩnh nào đó và một canh bạc táo bạo. Không sẵn sàng thực hiện cam kết ấy là ích kỷ, toan tính và bần tiện, là không nhìn nhận quyền của tha nhân và không đưa họ ra trước xã hội như một người xứng với tình yêu vô điều kiện. Nếu hai người yêu nhau thật, họ sẽ làm việc này cách rất tự nhiên. Khi tình yêu được diễn tả trước người khác trong hợp đồng hôn phối, với tất cả những cam kết công khai, thì tình yêu ấy cho thấy rõ và bảo vệ “sự ưng thuận” mà những người ấy tự do tỏ bày cách không dè sẻn với nhau. “Sự ưng thuận” này nói cho họ biết rằng bao giờ họ cũng có thể tin tưởng nhau và họ sẽ không bao giờ bị bỏ rơi khi khó khăn ập tới, hay những hấp dẫn mới hay những lợi ích vị kỷ hiện ra nơi họ.

Một tình yêu tự tỏ bày và triển nở

  1. Lòng yêu thương của tình bằng hữu này thống nhất mọi khía cạnh của đời sống hôn nhân và giúp các thành viên của gia đình không ngừng phát triển. Tình yêu này phải được diễn tả cách tự do và quảng đại trong lời nói và hành động. Trong gia đình, “ba từ ngữ cần được sử dụng. Tôi muốn nhắc lại điều này! Ba từ ngữ: ‘Làm ơn’, ‘Cám ơn’, ‘Xin lỗi’. Ba từ quan trọng đấy!”[29] “Trong các gia đình khi không độc đoán, ta hỏi: ‘cho phép anh/em nhé!’; trong các gia đình khi không ích kỷ, ta có thể nói: ‘Cám ơn!’; và trong các gia đình khi có người nhận ra mình làm điều không đúng, họ có thể nói ‘anh/em xin lỗi’, gia đình ấy bao giờ cũng kinh nghiệm được bình an và niềm vui.”[30] Ta đừng dùng các từ ngữ ấy cách dè sẻn mà ngày qua tháng lại hãy cứ lặp đi lặp lại. Vì “một sự im lặng nào đó thường gây ngột ngạt ngay cả đôi khi trong các gia đình, giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái và anh chị em với nhau”[31]. Việc nói đúng lời, đúng lúc bao giờ cũng bảo vệ và nuôi dưỡng tình yêu.
  2. Tất cả điều này xảy ra nhờ tiến trình của sự phát triển không ngừng. Hình thức rất đặc biệt của tình yêu là hôn nhân này được kêu gọi thể hiện những gì Thánh Tôma nói về tình bác ái nói chung. Ngài nói: “Bác ái, tự chính bản chất của nó, không giới hạn vào sự phát triển của nó, vì đó là việc tham dự vào đức ái vô biên là Chúa Thánh Thần… Về phía chủ thể, người ta cũng không thể đặt giới hạn cho đức ái được, vì khi đức ái gia tăng, thì khả năng của đức ấy cũng ngày một phát triển hơn”[32]. Thánh Phaolô cũng cầu nguyện: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết” (1 Thes 3, 12) và lại một lần nữa, “liên quan tới tình huynh đệ… Chúng tôi khuyên nhủ anh em hãy tiến tới nhiều hơn nữa” (1 Thes 4, 9-10). Nhiều hơn nữa! Tình nghĩa vợ chồng được bảo vệ trước hết không phải nhờ đưa ra tính vô phương tháo gỡ như một bổn phận, hay bằng việc lặp lại đạo lý, mà qua việc làm cho tình yêu ấy lớn mạnh hơn dưới sự thúc đẩy của ân sủng. Tình yêu không phát triển là tình yêu đang nguy khốn. Sự phát triển chỉ có thể xảy ra khi ta đáp lại ân sủng của Thiên Chúa nhờ những hành vi yêu thương không ngừng, nhờ những hành vi tốt lành ngày càng nhiều, càng sâu xa, càng hào phóng, càng dịu dàng, vui vẻ. Các vợ chồng “trở nên ý thức hơn về và kinh nghiệm được sự hợp nhất của mình ngày càng sâu đậm hơn”[33]. Việc Thiên Chúa đổ tràn tình yêu của Ngài xuống trên các vợ chồng cũng là một lời kêu gọi không ngừng lớn lên trong ân sủng.
  3. Ước mơ một tình yêu bình dị và hoàn hảo không cần phải thôi thúc mới phát triển là điều không có lợi. Quan niệm về tình yêu dưới đất theo kiểu thiên đàng là quên rằng điều tuyệt hảo chưa tới, quên rằng rượu vẫn cần thời gian mới ngon. Như các đức giám mục Chile đã cho thấy, “các gia đình do sự tuyên truyền của chủ nghĩa tiêu thụ lừa phỉnh đưa ra, không có thật. Trong các gia đình ấy, người ta không già, không có bệnh tật, u buồn hay chết chóc… Sự tuyên truyền của chủ nghĩa ấy đưa ra một ý nghĩ không tưởng, không liên quan gì tới thực tại những người đứng đầu các gia đình phải đương đầu hằng ngày”[34]. Nhận thức về các giới hạn, khiếm khuyết và bất toàn của mình và đáp lại lời kêu gọi cùng lớn lên, làm cho tình yêu trưởng thành và củng cố sự hợp nhất, bất kể chuyện gì xảy ra đi nữa, có lợi hơn nhiều.

Đối thoại

  1. Đối thoại là điều chủ yếu để kinh nghiệm, diễn tả và nuôi dưỡng tình yêu trong hôn nhân và gia đình. Nhưng tình yêu ấy chỉ có thể là hoa trái của việc thực tập bền bỉ và đòi hỏi khắt khe. Người nam và nữ, các bạn trẻ và người lớn, truyền đạt cách khác nhau. Họ nói các ngôn ngữ khác nhau và hành động cách khác nhau. Cách đặt câu hỏi và trả lời các câu hỏi ấy của ta, cung giọng ta sử dụng, việc sắp xếp thời gian và một số các dữ kiện khác tác động đến cách ta truyền đạt. Ta cần phát triển một số thái độ diễn tả tình yêu và khuyến khích cuộc đối thoại chân thành.
  2. Đừng vội, hãy tận dụng thời gian. Điều này muốn nói đến việc sẵn sàng lắng nghe mọi sự người ấy muốn nói cách kiên trì và chăm chú. Việc ấy đòi hỏi sự kiềm chế, không nói cho tới khi thời gian chín muồi. Thay vì đưa ra ý kiến hay lời khuyên, ta cần chắc chắn rằng ta đã nghe hết mọi sự người ấy phải nói. Điều này muốn nói đến việc vun trồng sự im lặng nội tâm khiến ta có thể lắng nghe người ấy mà không bị lo ra về tinh thần và cảm xúc. Đừng nóng vội, gác bỏ mọi nhu cầu và âu lo của bạn và dành giờ cho họ. Thường vợ chồng bạn không cần một giải pháp cho các vấn đề của họ đâu, mà chỉ cần được lắng nghe để thấy rằng có người đã biết được nỗi đau, sự bực bội, nỗi sợ, cơn giận, niềm hy vọng và các mơ ước của mình. Bao lần ta đã từng nghe những tiếng thở than như: “Anh ấy không nghe tôi”. “Cả khi anh có vẻ nghe, nhưng kỳ thực anh lại đang làm việc khác”. “Tôi nói chuyện với cô ấy, nhưng tôi lại có cảm tưởng rằng cô ấy không để tôi nói hết” “Khi tôi nói với cô ấy, cô ấy liền đánh trống lảng, hay trả lời cộc lốc để khỏi phải nói chuyện”.
  3. Bạn hãy phát triển thói quen làm cho người ấy thành quan trọng. Điều này muốn nói đến việc trân trọng họ và nhìn nhận quyền được hiện hữu, được suy nghĩ theo kiểu của họ và quyền được hạnh phúc của họ. Đừng bao giờ coi thường những gì họ nói hay nghĩ, dù bạn cần diễn tả quan điểm của bạn. Mọi người đều có một cái gì đó để đóng góp, vì họ cũng có kinh nghiệm sống của họ, họ nhìn sự việc từ một quan điểm khác và họ có những quan tâm, khả năng và nhận thức riêng. Ta phải có thể nhận ra sự thật, giá trị và những quan tâm sâu xa nhất của người ấy và cũng phải nhận ra họ đang cố truyền đạt điều gì, tuy cách hung hăng. Ta phải đặt mình trong địa vị họ và cố nhìn vào cõi lòng họ, để hiểu tường tận những âu lo sâu sắc nhất của họ và lấy đó như khởi điểm để đối thoại sâu hơn.
  4. Bạn hãy cởi mở tâm hồn. Đừng để bị sa lầy trong những ý tưởng và ý kiến hạn hẹp của mình, nhưng hãy sẵn sàng thay đổi và mở rộng những ý tưởng ấy. Việc kết hợp hai cách nghĩ khác nhau này có thể đưa tới một tổng hợp làm phong phú cả hai. Sự hợp nhất ta tìm không phải là sự đồng nhất, mà là “sự hợp nhất trong đa dạng”, hay “một sự đa dạng hòa giải”. Sự hiệp thông huynh đệ được phong phú nhờ sự tôn trọng và trân trọng những khác biệt trong một góc cạnh toàn diện biết đặt công ích lên trên. Ta cần tự giải thoát mình khỏi việc cảm thấy rằng tất cả chúng ta phải như nhau. Ta cũng cần một sự tinh ranh nào đó để ngăn chặn việc xuất hiện của sự “khô cứng” có thể phá rối tiến trình đối thoại. Ví dụ, nếu những tình cảm rắc rối xuất hiện, ta nên giải quyết cách thông cảm, kẻo chúng cắt đứt sự năng động của cuộc đối thoại. Khả năng nói những gì mình đang suy nghĩ mà không chống lại người khác là quan trọng. Phải lựa lời thật kỹ sao cho đừng xúc phạm, nhất là khi đang bàn về những vấn đề khó. Khi nhận xét đừng bao giờ nhằm trút cơn giận và gây đau đớn. Giọng trịch thượng chỉ làm tổn thương, chế nhạo, kết án và chống lại tha nhân. Nhiều bất đồng giữa đôi bạn không phải về những việc quan trọng. Hầu như toàn những việc vặt vãnh. Tuy nhiên điều thay đổi tâm tính chính là cách ta nói ra các sự việc hay thái độ của ta khi nói.
  5. Hãy bày tỏ tình cảm và sự quan tâm đối với người ấy. Tình yêu vượt lên trên cả những rào cản tồi tệ nhất. Khi yêu ai, hay khi ta cảm thấy được họ yêu, ta có thể hiểu rõ hơn điều họ đang muốn truyền đạt. Sợ người ấy như sợ một thứ “đối thủ” là dấu chỉ của sự yếu hèn và cần phải khắc phục. Điều quan trọng là phải xây dựng lập trường của mình trên những chọn lựa, những niềm tin hay giá trị vững chắc chứ không xây trên nhu cầu cần chiến thắng trong tranh luận hay luôn chứng tỏ mình đúng.
  6. Cuối cùng, ta hãy nhìn nhận rằng để có được một cuộc đối thoại đáng giá, ta phải có một cái gì đó để nói. Điều này chỉ có thể là kết quả của sự phong phú nội tâm được nuôi dưỡng bằng việc đọc sách, suy tư, cầu nguyện và mở ra cho thế giới chung quanh. Nếu không, các cuộc đối thoại sẽ thành nhàm chán và tầm thường. Khi cả hai vợ chồng đều không làm việc để nhắm tới cuộc đối thoại ấy và chỉ tiếp xúc qua loa với người khác, đời sống gia đình sẽ trở thành ngột ngạt và việc đối thoại sẽ nghèo nàn.

TÌNH YÊU NỒNG THẮM

  1. Công Đồng Vatican II dạy rằng tình yêu vợ chồng “ấp ủ lợi ích của toàn bộ con người; tình yêu ấy có thể phong phú hóa những tình cảm của tinh thần và cách diễn tả những tình cảm ấy cách thể lý với phẩm giá độc nhất vô nhị và làm cho những tình cảm ấy trở thành cao quý như những nét đặc biệt và sự thể hiện tình bằng hữu dành riêng cho hôn nhân”[35]. Vì lý do đó, một tình yêu hoặc thiếu khoái lạc hoặc thiếu đắm say thì không đủ để làm biểu tượng cho sự kết hợp của tâm hồn con người với Thiên Chúa: “Tất cả các nhà thần bí đều khẳng định rằng tình yêu siêu nhiên và tình yêu thiên giới đều tìm được những biểu tượng chúng tìm kiếm trong tình yêu vợ chồng, chứ không tìm được trong tình bạn, trong lòng hiếu thảo hay trong việc hết tình với một sự nghiệp nào đó. Và ta tìm được lý do trong chính toàn bộ tình yêu ấy”[36]. Vậy vì sao ta lại không nên thôi nói về những tình cảm và giới tính trong hôn nhân?

Thế giới của sự cảm xúc

  1. Những khát vọng, tình cảm, xúc cảm, những thứ mà người xưa gọi là “đam mê”, tất cả đều có một chỗ quan trọng trong đời sống hôn nhân. Chúng được đánh thức bất cứ khi nào “một người khác” hiện diện và trở thành một phần của cuộc đời con người. Ra khỏi mình, đến với người khác là đặc tính của mọi hữu thể sống, và khuynh hướng này bao giờ cũng có những dấu chỉ tình cảm đặc biệt: khoái lạc hay đau khổ, vui hay buồn, hiền lành hay sợ hãi. Chúng hỗ trợ cho hoạt động tâm lý căn bản nhất. Con người sống trên mặt đất này và mọi việc họ làm và tìm kiếm đều ắp đầy đam mê.
  2. Vì là người thật, Chúa Giêsu cũng cho thấy cảm xúc của Ngài. Ngài đau khi Giêrusalem bị ruồng bỏ (x. Mt 23, 27) và nỗi đau ấy khiến Ngài rơi lệ (x. Lc 19, 41). Ngài xúc động nặng trước những đau khổ của người khác (x. Mc 6, 34). Ngài cảm được nỗi buồn miên man của họ (x. Ga 11, 33), và Ngài đã khóc trước cái chết của bạn mình (x. Ga 11, 35). Những ví dụ ấy về sự nhạy bén của Ngài cho thấy tâm hồn nhân loại của Ngài mở ra cho tha nhân ra sao.
  3. Việc kinh nghiệm về một cảm xúc nào đó, tự nó, không tốt hay xấu về mặt luân lý[37]. Việc khuấy động khát vọng hay ác cảm không có tội cũng chẳng đáng kết án. Điều tốt hay xấu về luân lý là điều ta làm dựa trên nền tảng hay dưới tác động của một đam mê cụ thể. Nhưng khi những đam mê ấy được khơi gợi hay tìm kiếm, và kết quả là ta thực hiện những hành động xấu, thì sự xấu ấy nằm ngay trong quyết định muốn làm bừng lên những đam mê ấy và trong những hành động phát sinh từ những đam mê ấy. Cũng thế, việc tôi hấp dẫn một ai đó tự nó không xấu. Nếu việc tôi hấp dẫn người ấy làm cho tôi cố thống trị họ, thì tình cảm của tôi chỉ phục vụ sự ích kỷ của mình thôi. Tin rằng ta tốt chỉ vì “ta cảm thấy tốt” là một ảo tưởng kinh khủng. Có những người tự cảm thấy mình có thể có được một tình yêu lớn lao chỉ vì họ có nhu cầu tình cảm lớn, nhưng họ lại cho thấy họ không thể có được những nỗ lực cần thiết để đem lại hạnh phúc cho tha nhân. Họ bị nhận chìm trong các nhu cầu và ước vọng của mình. Trong những trường hợp như thế, cảm xúc thường làm cho ta không còn để ý đến các giá trị cao nhất và thường che đậy sự quy ngã khiến không thể phát triển đời sống gia đình lành mạnh và hạnh phúc.
  4. Tuy nhiên, nếu đam mê đi kèm với một hành vi tự do, thì đó có thể thể hiện chiều sâu của hành động đó. Tình yêu vợ chồng bao giờ cũng cố bảo đảm rằng toàn bộ đời sống tình cảm của người ta luôn đem lại lợi ích cho toàn gia đình và luôn phục vụ đời sống chung. Gia đình trưởng thành khi đời sống tình cảm của các thành viên của gia đình ấy trở thành một hình thức nhạy bén không bóp nghẹt cũng không làm lu mờ những quyết định và giá trị, nhưng theo đuổi tự do của mỗi người[38], xuất phát từ sự tự do đó, phong phú hóa, hoàn thiện và hòa hợp tự do ấy trong việc phục vụ mọi người.

Thiên Chúa yêu thích niềm hoan lạc của con cái Ngài.

  1. Điều này đòi hỏi một tiến trình có tính sư phạm luôn kéo theo sự quên mình. Xác tín này, về phía Hội Thánh, thường bị loại bỏ, coi như đối nghịch với hạnh phúc của con người. Đức Benedicto XVI tóm tắt lời buộc tội này cách rõ ràng: “Hội Thánh, với mọi lệnh truyền và lệnh cấm, không biến đau khổ thành một sự quý giá nhất trong đời đó sao? Hội Thánh chỉ không thổi còi khi niềm hoan lạc, là quà tặng của tạo hóa, đem lại cho ta hạnh phúc, một thứ hạnh phúc tự nó là việc nếm trước hạnh phúc của Thiên Chúa sao?[39]. Ngài trả lời rằng, tuy có những sự phóng đại và những hình thức sai lầm trong khổ chế của Kitô giáo, nhưng giáo huấn chính thức của Hội Thánh, trong sự trung thành với Kinh Thánh, vẫn không dẹp bỏ “eros đúng nghĩa, nhưng đã tuyên chiến với hình thức lệch lạc và phá hoại của nó, vì việc thiên chúa hóa giả mạo này của eros… thực sự tước mất phẩm giá thần linh và làm mất tính người của nó”[40].
  2. Việc huấn luyện trong các lãnh vực tình cảm và bản năng là cần thiết và đôi khi việc huấn luyện này cũng đòi phải đưa ra những giới hạn. Thái quá, thiếu kiểm soát hay ám ảnh với một hình thức khoái lạc độc nhất nào đó kết thúc bằng việc làm yếu đi và phá hỏng chính khoái lạc ấy[41] và phá vỡ cuộc sống gia đình. Chắc chắn con người có thể tập trung các đam mê của mình cách lành mạnh và tốt đẹp, bằng cách không ngừng hướng chúng tới lòng vị tha và tới việc tự hoàn tất mình cách đầy đủ, một sự tự hoàn tất chỉ có thể phong phú hóa các mối tương quan liên vị tại trung tâm gia đình. Việc tự hoàn tất ấy không muốn nói tới việc từ bỏ những lúc vui mừng mãnh liệt[42], nhưng kết hợp chúng lại với những lúc khác khi dấn thân cách quảng đại, kiên trì hy vọng, mệt mỏi không tránh được và đấu tranh để đạt được một lý tưởng nào đó. Đời sống gia đình là thế, và đáng được sống cách sung mãn nhất.
  3. Một số trào lưu linh đạo dạy rằng ta phải loại trừ khát vọng với tư cách là con đường giải thoát khỏi đau khổ. Nhưng ta tin rằng Thiên Chúa yêu mến sự vui mừng con người cảm nhận được: Ngài tạo dựng ta và cung cấp mọi sự cho ta cách dồi dào để ta thưởng thức (1 Tim 6, 17). Ta hãy vui mừng khi với tình yêu vô biên Ngài nói với ta: “Hỡi con, hãy xử tốt với mình… Đừng tước mất của con một ngày hạnh phúc” (Hc 14, 11-14). Các vợ chồng cũng đáp lại ý Thiên Chúa cách tương tự khi đón nhận lệnh truyền của Kinh Thánh: “Hãy vui mừng trong những ngày thịnh vượng” (Gv 7, 14). Điều quan trọng là phải tự do nhìn nhận rằng khoái lạc có thể tìm được những cách diễn tả khác nhau vào những lúc khác nhau trong đời, theo nhu cầu của tình yêu thương nhau. Theo nghĩa này, ta có thể coi trọng các giáo huấn của một số tôn sư phương Đông, những người luôn thúc đẩy ta mở rộng ý thức để khỏi bị tù túng vì những kinh nghiệm giới hạn của mình, những kinh nghiệm có thể che khuất mắt ta. Việc mở rộng ý thức này không phải là khước từ hay hủy diệt khát vọng mà chỉ mở rộng và hoàn thiện khát vọng ấy.

Chiều kích tình dục của tình yêu

  1. Tất cả những điều này đưa ta tới chiều kích tình dục của hôn nhân. Chính Thiên Chúa tạo nên giới tính, một quà tặng tuyệt diệu cho các thụ tạo Ngài. Nếu quà tặng này cần được vun xới và hướng dẫn, thì chỉ là để ngăn chặn “việc bần cùng hóa một giá trị đích thật”[43]. Thánh Gioan Phaolô II loại bỏ việc khẳng định rằng giáo huấn của Hội Thánh là “phủ nhận giá trị của giới tính con người” hay Hội Thánh cách đơn giản khoan dung với giới tính, “vì đó là điều cần thiết để sinh con”[44]. Khát vọng tình dục không phải là một cái gì đó bị coi khinh, và “không thể có sự nghi ngờ nào về sự cần thiết của khát vọng ấy”[45].
  2. Đối với những người sợ rằng việc huấn luyện các đam mê và giới tính sẽ lấy đi tính hồn nhiên của tình yêu nhục dục, Thánh Gioan Phaolô II trả lời rằng các ngôi vị con người “được kêu gọi tới sự hồn nhiên trọn vẹn và trưởng thành trong các tương quan của họ”, một sự trưởng thành “là kết quả từng bước của việc phân định những sự thúc đẩy của tâm hồn con người”[46]. Điều này đòi hỏi phải có kỷ luật và làm chủ bản thân, vì mỗi người “phải học cách kiên nhẫn và nhất quán, ý nghĩa của thân xác mình”[47]. Giới tính không phải là một phương tiện để thỏa mãn hay tiêu khiển; mà là một thứ ngôn ngữ liên chủ vị nơi người ấy được trân trọng trong phẩm giá thánh thiêng và bất khả xâm phạm của họ. Như thế, “tâm hồn con người bắt đầu tham dự, có thể nói thế, vào một thứ hồn nhiên khác”[48]. Trong bối cảnh này, tình dục xuất hiện như việc thể hiện đặc biệt của giới tính con người. Tình dục ấy làm cho ta có thể khám phá ra “ý nghĩa thuộc hôn nhân của thân xác con người, và phẩm giá đích thật của việc cho đi”[49]. Trong các bài giáo lý về nền thần học thân xác này của ngài, Thánh Gioan Phaolô II dạy rằng sự khác biệt giới tính không chỉ là “cội nguồn của sự phong nhiêu và sinh sản” mà còn có được “khả năng diễn tả tình yêu: một tình yêu trong đó con người trở thành một ân ban”[50]. Khát vọng tình dục lành mạnh, dẫu có liên hệ mật thiết với việc theo đuổi khoái lạc, vẫn luôn luôn kéo theo cảm thức về sự kỳ diệu và chính vì lý do đó khát vọng ấy có thể làm cho những xung lực có tính người hơn.
  3. Vậy nên ta không thể coi chiều kích tình dục của tình yêu chỉ là một sự xấu được phép hay một gánh nặng phải chịu vì lợi ích của gia đình. Mà, ta phải coi đó là một quà tặng từ nơi Thiên Chúa, Đấng luôn phong phú hóa mối tương quan vợ chồng. Vì là một đam mê được tình yêu tôn trọng phẩm giá của nhau thanh lọc, tình dục trở thành một “khẳng định tinh tuyền, thuần khiết” mặc khải ra những điều kỳ diệu tâm hồn con người có thể có được. Như thế, ngay lúc này, ta có thể cảm thấy rằng: “cuộc sống vẫn luôn trở thành tốt đẹp và hạnh phúc” [51].

Bạo động và thao túng

  1. Dựa trên nền tảng của cái nhìn tích cực về giới tính này, ta có thể tiếp cận toàn bộ chủ đề với một quan điểm hiện thực lành mạnh. Xét cho cùng, có sự kiện này là quan hệ tình dục vẫn thường trở thành bị mất nhân tính và không lành mạnh; kết quả là, “quan hệ ấy trở thành dịp và thành công cụ để tự khẳng định và thỏa mãn cách ích kỷ những khát vọng và bản năng của con người”[52]. Trong thời đại của ta, giới tính đang có nguy cơ bị đầu độc bởi não trạng “dùng và bỏ”. Thân xác người ấy thường bị coi là một đồ vật được sử dụng bao lâu nó còn đem lại thỏa mãn và sẽ bị vứt bỏ khi không còn hấp dẫn nữa. Ta có thể thực sự coi thường hay chú ý những hình thức của sự thống trị, kiêu hãnh, lạm dụng, trụy lạc về giới tính và bạo lực là sản phẩm của sự hiểu biết lệch lạc về giới tính chăng? Hay coi thường việc phẩm giá của tha nhân và ơn gọi đến với tình yêu của con người trở thành không quan trọng bằng nhu cầu “tìm kiếm mình” cách mơ hồ?
  2. Ta cũng biết rằng, ngay trong phạm vi hôn nhân, quan hệ tình dục có thể trở thành cội nguồn của đau khổ và sai lệch. Vì thế, ta phải khẳng định rõ rằng “hành vi vợ chồng nào bị áp đặt trên bạn đời mình mà không tôn trọng điều kiện hay những ước muốn hợp lý của họ trong vấn đề này, không phải là hành vi yêu thương thật, nên cũng chống lại trật tự luân lý áp dụng đặc biệt cho mối tương quan âu yếm của vợ chồng”[53]. Những hành vi dành riêng cho việc kết hợp vợ chồng ấy chỉ phù hợp với bản chất của giới tính như Thiên Chúa muốn, khi xảy ra theo “một cách thật sự nhân bản”[54]. Thánh Phaolô nhấn mạnh: “Đừng ai lừa dối và làm tổn thương anh chị em mình trong vấn đề này” (1 Thes 4, 6). Dù Thánh Phaolô viết trong bối cảnh của một nền văn hóa phụ hệ trong đó, phụ nữ bị coi là hoàn toàn phụ thuộc nam giới, nhưng ngài vẫn dạy rằng quan hệ tình dục phải kéo theo sự truyền thông giữa vợ chồng: ngài đưa ra việc có thể tạm hoãn các quan hệ tình dục trong một thời gian, nhưng phải có “sự đồng thuận” (1 Cr 7, 5).
  3. Thánh Gioan Phao lô II cảnh cáo cách rất tế nhị rằng đôi bạn có thể bị “đe dọa bởi lòng tham lam vô độ”[55]. Nói cách khác, trong khi được kêu gọi tới sự hợp nhất ngày một sâu xa hơn, họ có thể có nguy cơ làm lu mờ những khác biệt và khoảng cách chính đáng giữa hai người. Vì mỗi người đều có phẩm giá riêng và bất khả chuyển nhượng của mình. Khi việc thuộc về nhau trở thành một sự cai trị, thì “cấu trúc của sự hiệp thông trong các tương quan liên vị sẽ bị thay đổi cách căn bản”[56]. Chính vì một phần của não trạng thống trị ấy mà những người thống trị trở nên phủ nhận phẩm giá của mình[57]. Cuối cùng, họ không còn “đồng hóa mình cách chủ quan với thân xác mình nữa”[58], vì họ đã lấy mất ý nghĩa sâu xa nhất của nó. Họ trở thành người sử dụng quan hệ tình dục như một sự lẩn trốn và từ bỏ vẻ đẹp việc kết hợp vợ chồng.
  4. Ta phải loại bỏ mọi hình thức hàng phục giới tính. Việc loại bỏ này bao hàm mọi giải thích sai lạc đoạn thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô chỗ ngài nói với các phụ nữ “phải tùng phục đàn ông” (Ep5, 22). Đoạn văn này phản ánh các phạm trù văn hóa của thời đại, nhưng quan tâm của ta không phải là khuôn mẫu văn hóa của đoạn văn ấy mà là sứ điệp mặc khải đoạn văn ấy mang lại. Như Thánh Gioan Phaolô II nhận xét cách khôn ngoan: “Tình yêu bao giờ cũng loại trừ mọi thứ hàng phục khiến vợ thành đầy tớ hay nô lệ của chồng… cộng đoàn hay sự hợp nhất họ phải thiết lập nhờ hôn nhân được thiết lập nhờ việc hiến mình cho nhau, đây cũng là sự hàng phục nhau”[59]. Vì thế mà Thánh Phaolô nói tiếp rằng “chồng phải yêu vợ như yêu chính mình” (Ep 5, 28). Bản văn Kinh Thánh này thật sự quan tâm tới việc khuyến khích mọi người khắc phục chủ nghĩa cá nhân tự mãn và thường xuyên để ý tới người khác: “Hãy tùng phục lẫn nhau” (Ep 5, 21). Trong hôn nhân, sự “tùng phục” lẫn nhau này mặc một ý nghĩa đặc biệt và được nhìn như việc tự do thuộc về nhau được đánh dấu bằng sự chung thủy, tôn trong và chăm sóc. Giới tính không tách rời là để phục vụ tình vợ chồng này, vì giới tính ấy nhắm đến việc giúp cho sự hoàn tất của người ấy.
  5. Cũng thế, dẹp bỏ những méo mó về giới tính và tính đa dâm không khi nào được đưa ta tới chỗ khinh miệt hay hờ hững đối với giới tính và tình dục nơi chính chúng. Ta không được coi lý tưởng hôn nhân thuần túy chỉ là việc cho đi và tự hiến cách hào phóng, khi vợ chồng từ bỏ mọi nhu cầu bản thân và chỉ tìm kiếm lợi ích của người ấy, không quan tâm gì tới sự thỏa mãn cá nhân. Ta cần nhớ rằng tình yêu đích thật cũng cần khả năng đón nhận người ấy, chấp nhận sự mong manh và nhu cầu riêng của con người và chấp nhận cách diễn tả tình yêu cách thể lý qua sự âu yếm, ôm ấp, hôn hít và giao hợp với lòng biết ơn chân thành và vui vẻ. Đức Benedicto XVI tuyên bố rõ như sau: “Nếu người nam phải ước ao là tinh thần thuần túy và phải dẹp bỏ xác thịt chỉ phù hợp với một mình bản tính sinh vật thôi, thì cả tinh thần lẫn thể xác sẽ đánh mất phẩm giá của mình[60]. Vì lý do đó, “người nam không thể sống bởi chỉ một mình tình yêu trao hiến, hạ thấp. Họ không thể lúc nào cũng cho, họ cũng phải nhận nữa. Ai trao hiến tình yêu thì cũng phải nhận lãnh tình yêu như một ân ban”[61]. Nhưng, ta không bao giờ được quên rằng sự quân bình của con người chúng ta rất mong manh; nơi ta luôn có một phần chống lại sự phát triển đích thật của con người và sự chống đối ấy có thể mở trói cho những khuynh hướng ban sơ và ích kỷ nhất bất cứ lúc nào.

Hôn nhân và đồng trinh

158. “Nhiều người không kết hôn không chỉ hiến mình cho gia đình thôi mà còn đem lại những việc phục vụ quan trọng cho bạn bè, cho cộng đoàn Hội Thánh và cho hoạt động nghiệp vụ của mình. Đôi khi, sự hiện diện và những đóng góp của họ bị coi thường, khiến họ cảm thấy bị cô lập. Nhiều người tận dụng tài năng phục vụ cộng đoàn Kitô hữu nhờ các công việc tự nguyện và bác ái. Những người khác ở độc thân vì họ hiến thánh đời mình cho tình yêu Đức Kitô và đồng loại. Việc tận hiến của họ phong phú hóa gia đình, Hội Thánh và xã hội rất nhiều”[62].

  1. Đồng trinh là một hình thức của tình yêu. Vì là một dấu chỉ, đồng trinh nói với ta về Nước Thiên Chúa và nhu cầu toàn hiến cho sự nghiệp của tin mừng (x. 1 Cr 7, 32). Đồng trinh còn là một phản ánh sự sung mãn của nước trời, nơi “người ta không dựng vợ gả chồng” (Mt 22, 30), Thánh Phaolô ca ngợi bậc đồng trinh vì ngài chờ mong cuộc trở lại sắp xảy ra của Chúa Giêsu và ngài muốn mọi người chỉ tập trung vào việc loan báo tin mừng: “Thời buổi đang co rút lại” (1 Cr 7, 29). Nhưng, ngài cũng cho thấy rõ đó chỉ là ý kiến và ưa thích của ngài (1 Cr 7, 6-9), chứ không phải là một cái gì đó bị Đức Kitô kết án: “Tôi không có lệnh truyền của Chúa” (1 Cr 7, 25). Dẫu sao, ngài cũng nhận ra những ơn gọi khác nhau: “mỗi người đều có ơn đặc biệt của Chúa, người được ơn này kẻ được ơn khác” (1 Cr 7, 7). Khi suy nghĩ về điểm này, Thánh Gioan Phaolô II ghi nhận rằng các bản văn Kinh Thánh không đưa ra một lý do nào khẳng định “sự thấp kém” của bậc hôn nhân, hay sự “trội vượt” của bậc đồng trinh hay độc thân[63], do việc kiêng cữ quan hệ. Thay vì nói cách tuyệt đối về sự trội vượt của đồng trinh, chỉ cần cho thấy rằng các bậc sống khác nhau bổ túc cho nhau là đủ, và theo đó, một bậc sống nào đó có thể hoàn hảo hơn cách này, và bậc sống khác hoàn hảo hơn cách khác. Alexander thành Hales chẳng hạn, tuyên bố rằng theo một nghĩa nào đó hôn nhân có thể được coi là trội vượt hơn các bí tích khác, vì tượng trưng cho thực tại lớn lao của “việc Đức Kitô kết hợp với Hội Thánh, hay cho sự kết hợp bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại của Ngài”[64].
  2. Vì thế, “đây không phải là vấn đề giảm bớt giá trị của hôn nhân vì ủng hộ việc tiết dục”[65]. “Không có nền tảng nào cho việc trọng bậc sống này hơn bậc khác… Nếu, theo một truyền thống thần học nào đó, người ta nói về một “tình trạng hoàn hảo” (status perfectionis), thì điều này vẫn không liên quan gì tới tự thân việc tiết dục cả, mà liên quan tới toàn bộ cuộc sống dựa trên các lời khuyên tin mừng”[66]. Một người có gia đình có thể kinh nghiệm được mức độ cao nhất của đức ái và như thế “cũng đạt được sự hoàn thiện vọt ra từ đức ái nhờ chung thủy với tinh thần của các lời khuyên ấy. Sự hoàn thiện ấy mọi người nam, nữ đều có thể có được và tiếp cận được”[67].
  3. Giá trị của sự đồng trinh nằm trong việc là biểu tượng cho một tình yêu không cần phải chiếm hữu người ấy; như thế đồng trinh phản ánh sự tự do của Nước Trời. Đồng trinh khuyến khích các đôi bạn sống tình yêu vợ chồng dựa trên phông màn của tình yêu đáng tin cậy nhất của Đức Kitô, bằng cách cùng tiến tới sự sung mãn của Nước Thiên Chúa. Về phần mình, tình yêu vợ chồng cũng tượng trưng cho các giá trị khác. Một mặt,. tình yêu ấy là một phản ánh đặc biệt của sự hợp nhất viên toàn trong khác biệt tìm được trong Ba Ngôi. Gia đình cũng là một dấu chỉ của Đức Kitô. Gia đình thể hiện sự gần gũi của Thiên Chúa, Đấng luôn là một phần của mọi cuộc sống con người, vì Ngài đã trở nên một với ta nhờ việc nhập thể, chết và sống lại của Ngài. Mỗi vợ chồng đều trở nên “một xương, một thịt” với nhau như dấu chỉ của việc sẵn sàng chia sẻ mọi sự với nhau cho tới chết. Trong khi đồng trinh là một dấu chỉ “có tính cánh chung” của Đức Kitô phục sinh, thì hôn nhân là dấu chỉ “có tính lịch sử” để ta sống trong thế giới này, dấu chỉ của Đức Kitô trần thế Đấng đã chọn trở nên một với ta và phó nộp mình cho ta đến chết. Đồng trinh và hôn nhân là, và phải là những cách yêu thương khác nhau. Vì “con người không thể sống mà không có tình yêu. Nếu tình yêu không được mặc khải ra cho họ, họ sẽ là một hữu thể không thể hiểu nổi ngay cả đối với chính mình, đời họ sẽ vô nghĩa”[68].
  4. Độc thân có thể có nguy cơ trở thành một cuộc sống đơn độc thoải mái đem lại tự do cho người ta được độc lập, được đi từ chỗ này, từ việc này và chọn lựa này tới chỗ khác, việc khác, chọn lựa khác, được dành thời gian cho những người khác theo ý mình. Trong những trường hợp như thế, chứng tá của những người có gia đình đặc biệt hùng hồn. Những người được kêu gọi sống đồng trinh có thể gặp được trong một số cuộc hôn nhân một dấu chỉ chói ngời của sự trung thành quảng đại và vững bền của Thiên Chúa với giao ước của Ngài, và điều này có thể thôi thúc họ sẵn sàng với người khác cách cụ thể và hào phóng hơn. Nhiều đôi bạn, khi một trong hai người không còn hấp dẫn về thể lý, hay không còn thỏa mãn nhu cầu của người kia, bất kể những tiếng nói ngoài xã hội, có thể khuyến khích họ bất trung hay bỏ người kia, nhưng vẫn cứ trung thành. Vợ có thể chăm sóc người chồng bệnh hoạn và như thế khi đến gần Thập giá, có thể canh tân lời cam kết yêu nhau đến chết. Trong tình yêu ấy, phẩm giá của người yêu thương đích thật tỏa sáng, vì yêu thì thích hợp với đức ái hơn được yêu[69]. Ta cũng có thể cho thấy, khả năng phục vụ yêu thương và vô vị lợi trong nhiều gia đình khi con cái gây rắc rối và vô ơn. Khả năng ấy làm cho cha mẹ thành dấu chỉ của tình yêu tự do và vô vị lợi của Chúa Giêsu. Các trường hợp như thế khuyến khích những người độc thân sống cam kết của mình với Nước Thiên Chúa cách quảng đại và cởi mở. Ngày nay, sự tục hóa đã che khuất giá trị của sự kết hợp suốt đời và vẻ đẹp của ơn gọi hôn nhân. Vì lý do đó, “cần phải đào sâu sự hiểu biết những khía cạnh tích cực của tình yêu vợ chồng”[70].

SỰ BIẾN ĐỔI CỦA TÌNH YÊU

  1. Tuổi thọ ngày càng cao hiện đang muốn nói rằng các mối tương quan riêng và gần gũi phải kéo dài bốn, năm hoặc thậm chí sáu thập niên; do đó, quyết định ban đầu phải được canh tân không ngừng. Trong khi một trong hai vợ chồng có thể không còn kinh nghiệm được khát vọng tình ái mãnh liệt nữa, thì họ vẫn có thể kinh nghiệm được niềm hoan lạc được thuộc về nhau và biết rằng cả hai đều không cô đơn nhưng vẫn có một “bạn đời” để chia sẻ mọi sự trong cuộc sống. Họ là người bạn đời, là người cùng với mình chia sẻ những khó khăn và tận hưởng khoái lạc. Sự thỏa mãn này là một phần của tình cảm dành riêng cho vợ chồng. Không có bảo đảm nào cho thấy ta sẽ cảm được tất cả tình cảm ấy như nhau suốt đời. Nhưng nếu đôi bạn có thể đưa ra chương trình sống chung kéo dài suốt đời, thì họ có thể yêu nhau và có thể sống với tư cách là những người nên một cho tới khi sự chết chia cắt họ, khi tận hưởng ái ân phong phú hóa họ. Tình yêu họ thề hứa lớn hơn mọi thứ cảm xúc, tình cảm hay tâm trạng, tuy tình yêu ấy có thể bao hàm mọi thứ ấy. Đó là một tình yêu sâu đậm hơn, một quyết định kéo dài suốt đời của con tim. Kể cả khi ở giữa những xung đột không giải quyết được và những hoàn cảnh rắc rối về mặt tình cảm, họ vẫn ngày ngày tái khẳng định quyết định yêu thương, quyết định thuộc về nhau, chia sẻ cuộc sống và tiếp tục yêu thương, tha thứ của mình. Trong cuộc hành trình này, tình yêu mỉm cười trong mọi bước đi và mọi giai đoạn mới.
  2. Trong tiến trình này của mọi cuộc hôn nhân các vẻ bên ngoài thay đổi, nhưng điều này không có nghĩa là tình yêu và sự hấp dẫn cũng phải mờ nhạt theo. Ta yêu người ấy vì họ, chứ không phải vì thân xác họ. Tuy thân xác già nua, nhưng vẫn cho thấy rằng căn tính của con người mới là cái chinh phục cõi lòng ta trước. Dù những người khác không còn có thể thấy được vẻ đẹp của căn tính ấy, nhưng vợ chồng với con mắt của tình yêu vẫn thấy và như thế tình cảm của họ vẫn không suy giảm. Họ tái xác nhận quyết định thuộc về người ấy và diễn tả chọn lựa ấy ra trong sự gần gũi trung thành và yêu thương. Sự cao quý của quyết định này, nhờ sự mãnh liệt và chiều sâu của nó luôn làm nảy sinh một thứ tình cảm mới khi họ hoàn tất sứ mạng hôn nhân. Vì “tình cảm, do một người khác với tư cách là người gây ra… tự nó không có khuynh hướng về hành vi vợ chồng”[71]. Tình cảm ấy tìm được những cách diễn tả nhạy cảm. Thật vậy, tình yêu “là một thực tại độc nhất, nhưng với những chiều kích khác nhau; vào những thời điểm khác nhau, chiều kích này hay chiều kích khác có thể xuất hiện rõ hơn”[72]. Mối dây hôn phối tìm được những hình thức diễn tả mới và không ngừng tìm kiếm các cách thức mới để phát triển trong sức mạnh. Cả hai đều duy trì và củng cố sợi dây hôn phối. Chúng đòi phải cố gắng mỗi ngày. Tuy nhiên, không cầu xin Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy ân sủng, sức mạnh thiêng liêng và ngọn lửa thiêng của Ngài, để củng cố, hướng dẫn và biến đổi tình yêu của ta trong mọi hoàn cảnh mới, thì sẽ không thể có hình thức được nào cả.

Linh mục Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R. chuyển ngữ

(còn tiếp)

Chú thích:

[1] Giáo lý Hội thánh Công giáo, 1641.

[2] Cf. Đức Benedicto XVI, Tông thư,  Deus Caritas Est (25 December 2005), 2: AAS 98 (2006), 218.

[3] Spiritual Exercises, Contemplation to Attain Love (230).

[4] Octavio paz, La llama doble, Barcelona, 1993, 35.

[5] Thomas aquinas, Summa Theologiae II-II, q. 114, art. 2, ad 1.

[6] Catechesis (13 May 2005): L’Osservatore Romano, 14 May 2015, p. 8.

[7] Thomas aquinas, Summa Theologiae, II-II, q. 27, art. 1, ad 2.

[8] Ibid., q. 27, art. 1.

[9] Catechesis (13 May 2015): L’Osservatore Romano, 14 May 2015, p. 8.

[10] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn,  Familiaris Consortio (22 November 1981), 21: AAS 74 (1982), 106.

[11] Martin Luther King Jr., Sermon delivered at Dexter Avenue Baptist Church, Montgomery, Alabama, 17 November 1957.

[12] Thánh Tôma Aquinô gọi tình yêu này là một vis unitiva (Summa Theologiae I, q. 20, art. 1, ad 3), làm vọng vang cụm từ của echoing Pseudo-Dionysius the Areopagite (De Divinis Nominibus, IV, 12: PG 3, 709).

[13] Thomas aquinas, Summa Theologiae II-II, q. 27, art. 2.

[14] Encyclical Letter Casti Connubii (31 December 1930): AAS 22 (1930), 547-548.

[15] Gioan Phaolô II, Tông huấn, Familiaris Consortio (22 November 1981) 13: AAS 74 (1982), 94.

[16] Catechesis (2 April 2014): L’Osservatore Romano, 3 April 2014, p. 8.

[17] Ibid.

[18] Đức Gioan Phao lô II, Tông huấn,  Familiaris Consortio (22 November 1981), 9: AAS 75 (1982), 90.

[19] Thomas aquinas, Summa Contra Gentiles III, 123; cf. ArisToTLe, Nicomachean Ethics, 8, 12 (ed. Bywater, Oxford, 1984, 174).

[20] Encyclical Letter Lumen Fidei (29 June 2013), 52: AAS 105 (2013), 590.

[21] De sacramento matrimonii, I, 2; in Id., Disputationes, III, 5, 3 (ed. Giuliano, Naples, 1858), 778.

[22] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Về Hội Thánh Trong Thế Giới Hôm Nay, Gaudium et Spes, 50.

[23] Ibid., 49.

[24] Cf. Summa Theologiae I-II, q. 31, art. 3., ad 3.

[25] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Về Hội Thánh Trong Thế Giới Hôm Nay, Gaudium et Spes, 48.

[26] Cf. Thomas aquinas, Summa Theologiae I-II, q. 26, art. 3.

[27] Ibid., q. 110, art. 1.

[28] Thánh Augustinô, Confessions, VIII, III, 7: PL 32, 752.

[29] Bài nói chuyện với các khách hành hương suốt Năm Đức tin (26 October 2013): AAS 105 (2013), 980.

[30] Angelus Message (29 December 2013): L’Osservatore Romano, 30-31 December 2013, p. 7.

[31] Address to the Pilgrimage of Families during the Year of Faith (26 October 2013): AAS 105 (2013), 978.

[32] Summa Theologiae II-II, q. 24, art. 7.

[33] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Về Hội Thánh Trong Thế Giới Hôm Nay, Gaudium et Spes, 48.

[34] Hội Đồng giám mục Chile, La vida y la familia: regalos de Dios para cada uno de nosotros (21 July 2014).

[35] Hiến Chế Mục Vụ Về Hội Thánh Trong  Thế Giới Hôm Nay, Gaudium Et Spes, 49.

[36] A. Sertillanges, L’Amour chrétien, Paris, 1920, 174.

[37] Cf. Thomas aquinas, Summa Theologiae I-II, q. 24, art. 1.

[38] Cf. ibid., q. 59, art. 5.

[39] Thông điệp Deus Caritas Est (25 December 2005), 3: AAS 98 (2006), 219-220.

[40] Ibid., 4: AAS 98 (2006), 220.

[41] Cf. Thomas aquinas, Summa Theologiae I-II, q. 32, art.7.

[42] Cf. id., Summa Theologiae II-II, q. 153, art. 2, ad 2: “Abundantia delectationis quae est in actu venereo secundum rationem ordinato, non contrariatur medio virtutis”. 

[43] Đức Gioan Phao lô II, Giáo lý (22 October 1980), 5: Insegnamenti III/2 (1980), 951

[44] Ibid., 3.

[45] Id., Giáo lý, (24 September 1980), 4: Insegnamenti III/2 (1980), 719.

[46] Giáo lý, (12 November 1980), 2: Insegnamenti  III/2 (1980), 1133.

[47] Ibid., 4.

[48] Ibid., 5.

[49] Ibid., 1: 1132.

[50] Giáo lý, (16 January 1980), 1: Insegnamenti III/1 (1980), 151.

[51] Josef pieper, Über die Liebe, Munich, 2014, 174. English: On Love, in Faith, Hope, Love, San Francisco, 1997, p. 256.

[52] Đức Gioan Phao lô II, Thông điệp Evangelium Vitae (25 March 1995), 23: AAS 87 (1995), 427.

[53] Đức Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae (25 July 1968), 13: AAS 60 (1968), 489.

[54] Công Đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ của Hội Thánh trong thế giới hôm nay, Gaudium et Spes, 49. 158 Catechesis (18 June 1980), 5: Insegnamenti III/1 (1980), 1778.

[55] Ibid., 6.

[56] x. Giáo lý (30 July 1980), 1: Insegnamenti III/2 (1980), 311.

[57] Giáo lý (8 April 1981), 3: Insegnamenti IV/1 (1981), 904.

[58] Giáo lý, (8 April 1981), 3: Insegnamenti IV/1 (1981), 904.

[59] Giáo lý (11 August 1982), 4: Insegnamenti V/3 (1982), 205-206.

[60] Thông điệp, Deus Caritas Est (25 December 2005), 5: AAS 98 (2006), 221.

[61] Ibid., 7.

[62] Relatio Finalis 2015, 22.

[63] Giáo lý (14 April 1982), 1: Insegnamenti V/1 (1982), 1176.

[64] Giáo lý, (14 April 1982), 1: Insegnamenti V/1 (1982), 1176.

[65] Gioan Phaolô II, Giáo lý (7 April 1982), 2: Insegnamenti V/1 (1982), 1127.

[66] Id., Giáo lý  (14 April 1982), 3: Insegnamenti V/1 (1982), 1177.

[67] Ibid.

[68] Id., Thông điệp Redemptor Hominis (4 March 1979), 10: AAS 71 (1979), 274.

[69] Cf. Thomas aquinas, Summa Theologiae, II-II, q. 27, art. 1.

[70] Ủy Ban Tòa thánh về Gia đình, Family, Marriage and “De Facto” Unions (26 July 2000), 40.

[71] Gioan Phaolô II, Giáo lý (31 October 1984), 6: Insegnamenti VII/2 (1984), 1072.

[72] Benedicto XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (25 December 2005), 8: AAS 98 (2006), 224.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube