TÔNG HUẤN "AMORIS LAETITIA" (Chương II: các số 31 - 57)

CHƯƠNG HAI

NHỮNG KINH NGHIỆM VÀ THÁCH THỨC CỦA GIA ĐÌNH

  1. Sự thịnh vượng của gia đình có tính quyết định cho tương lai của thế giới này và tương lai của Hội thánh. Biết bao nghiên cứu về hôn nhân và gia đình đã được thực hiện, những vấn đề và thách thức hiện nay của các gia đình. Ta tập trung vào những thực tại cụ thể là tốt, vì “lời kêu gọi và những đòi hỏi của Thần khí vẫn vang vọng trong các biến cố của lịch sử” và nhờ những biến cố ấy “Hội thánh cũng có thể được hướng dẫn tới một sự hiểu biết sâu xa hơn về mầu nhiệm không hề vơi cạn của hôn nhân và gia đình”[1]. Ở đây, tôi sẽ không cố trình bày tất cả những gì có thể đã được nói về gia đình hôm nay. Nhưng, vì các Nghị phụ Thượng Hội Đồng đã khảo sát hoàn cảnh của các gia đình trên toàn thế giới, nên tôi sẽ bàn về một số nhận thức mục vụ của các vị mà tôi thấy là thích hợp, cùng với những quan tâm rút được từ kinh nghiệm riêng của tôi.

Thực tại hiện nay của gia đình

  1. “Trung thành với giáo huấn của Đức Kitô ta hướng tới thực tại của gia đình hôm nay trong tất cả sự phức tạp, với cả ánh sáng và bóng tối của nó… những thay đổi về nhân chủng học và văn hóa vào thời đại ta luôn ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của đời sống và luôn đòi một phương pháp có tính phân tích và đa dạng”[2]. Suốt những thập niên qua, các giám mục Tây Ban Nha đã ghi nhận rằng các gia đình đã bắt đầu tận hưởng được một sự tự do hơn “nhờ việc phân phối bổn phận, trách nhiệm và nhiệm vụ công bằng”; quả thế, “việc nhấn mạnh hơn tới việc truyền thông đích thân giữa vợ chồng đã giúp làm cho đời sống gia đình nhân đạo hơn”, trong khi “cả xã hội hôm nay lẫn xã hội ta đang tiến tới đều không để cho những hình thức và khuôn mẫu xưa cũ hơn tồn tại cách tùy tiện”[3]. Cũng rõ ràng là “các khuynh hướng chính trong những thay đổi về nhân chủng – văn hóa” đang đưa “các cá nhân trong đời sống riêng tư và gia đình, tới chỗ ngày càng ít nhận được sự nâng đỡ của các cơ chế xã hội hơn trước đây”[4].
  2. Mặt khác, “ta cũng cần phải cân nhắc cách tương tự về mối nguy hiểm ngày một tăng do chủ nghĩa cá nhân cực đoan tạo ra, một chủ nghĩa đang làm suy yếu các mối dây ràng buộc của gia đình và coi các thành viên của gia đình như một đơn vị biệt lập và trong một số trường hợp đã đưa tới ý tưởng cho rằng nhân cách của con người được hình bởi các ước vọng của họ, những ước vọng ấy được coi là tuyệt đối”[5]. “Những căng thẳng do nền văn hóa theo cá nhân chủ nghĩa cực đoan ấy tạo nên, cùng với việc theo đuổi tiền bạc và khoái lạc, đang đưa tới sự thiếu khoan dung và thù địch trong gia đình”[6]. Ở đây tôi cũng sẽ đưa vào cả nhịp sống quá nhanh của ngày hôm nay, sự căng thẳng và tổ chức xã hội và lao động, vì tất cả những thứ ấy đều là các dữ kiện văn hóa đang chống lại những quyết định vĩnh cửu. Ta cũng sẽ đụng tới một sự không chắc chắn và mơ hồ vốn có. Ví dụ, ta sẽ đánh giá cách đúng đắn thuyết nhân cách, một thuyết chọn tính chân thực vì chống lại sự đồng nhất thuần túy. Trong khi thuyết này có thể ủng hộ tính tự phát và việc tận dụng các tài năng của con người, thì nếu bị hướng dẫn sai, thuyết ấy có thể nuôi dưỡng những thái độ thường xuyên nghi ngờ, sợ dấn thân, qui ngã và kiêu hãnh. Tự do chọn lựa làm cho ta có thể hoạch định và tận dụng được cuộc sống mình. Nhưng nếu thiếu những mục đích cao quí hay kỷ luật bản thân, thì sự tự do ấy sẽ suy thoái thành sự bất lực trong việc quảng đại hiến mình cho tha nhân. Thật vậy, trong nhiều quốc gia nơi số các cuộc hôn nhân đang giảm sút, thì ngày càng có nhiều người chọn sống một mình hay cách đơn giản chỉ dành thời gian để ở với nhau chứ không chung sống. Ta cũng có thể chỉ ra mối quan tâm cho công lý cách đáng ca ngợi; nhưng nếu bị hiểu lầm, thì quan tâm này có thể biến người công dân thành các khách hàng chỉ thích cung cấp các dịch vụ.
  3. Khi những dữ kiện này ảnh hưởng đến sự hiểu biết của ta về gia đình, thì gia đình dần dần có thể được nhìn như một trạm nghỉ chân, hữu ích khi tiện lợi, hay như một bối cảnh trong đó các quyền có thể được đưa vào trong khi các mối tương quan bị phó mặc cho chiều gió của ước vọng con người và các hoàn cảnh. Cuối cùng, hiện rất dễ lẫn lộn sự tự do đích thật với ý tưởng cho rằng mỗi cá nhân đều có thể hành động cách tùy tiện, như thể không có các sự thật, các giá trị và nguyên tắc hướng dẫn và mọi sự đều có thể được và đều được phép. Lý tưởng của hôn nhân, được đánh dấu bằng việc dấn thân cho tính riêng biệt và ổn định, bị quét sạch khi lý tưởng ấy tỏ ra bất tiện và chán chường. Nỗi sợ cô đơn và ước vọng ổn định và thủy chung cùng tồn tại với nỗi sợ ngày một lớn về việc bị sập bẫy trong một mối tương quan có thể cản trở việc đạt được những cùng đích cá nhân của con người.
  4. Với tư cách là Kitô hữu, ta không thể ngưng nâng đỡ hôn nhân chống lại các cảm giác đương thời hay thoát khỏi ước muốn hợp thời trang hay cảm thức về sự vô tích sự khi đứng trước những thất bại về mặt nhân bản và luân lý. Ta thường tước mất của thế giới này những giá trị ta có thể và phải đem đến. Đúng là sẽ chẳng có nghĩa gì khi chỉ biết chỉ trích các sự dữ hiện nay, như thể việc chê bai ấy có thể làm cho sự việc ra khác. Cũng chẳng ích gì khi cố áp đặt các lề luật bằng một thứ quyền tuyệt đối. Điều ta cần là một nỗ lực có trách nhiệm và quảng đại hơn muốn đưa ra những lý do và động cơ chọn hôn nhân và gia đình và như thế cũng giúp người nam và nữ đáp trả lại ân sủng Thiên Chúa ban cho họ cách tốt hơn.
  5. Ta cũng cần khiêm tốn và thực tế, nhìn nhận rằng đôi khi cách ta trình bày niềm tin Kitô giáo và cách ta đối xử với người khác đã giúp góp phần tạo nên hoàn cảnh rắc rối hiện nay. Ta cần một liều thuốc tự phê lành mạnh. Rồi vì quá nhấn mạnh đến nhiệm vụ sinh sản, ta cũng thường trình bày hôn nhân theo cách ý nghĩa của sự hợp nhất, ơn gọi lớn lên trong tình yêu và lý tưởng của việc trợ giúp nhau của hôn nhân bị lu mờ hẳn. Không phải lúc nào ta cũng đưa ra những hướng dẫn đáng tin cậy cho các vợ chồng trẻ, hiểu được thời khóa biểu, cách nghĩ và những quan tâm cụ thể của họ. Đôi khi, ta cũng đã đưa ra một lý tưởng thần học quá trừu tượng và hầu như giả tạo của hôn nhân, quá xa rời với hoàn cảnh cụ thể và những khả năng thực tiễn của các gia đình thật. Việc lý tưởng hóa này, nhất là khi ta đã không khơi lên được sự tín thác vào ân sủng của Thiên Chúa, đã không giúp làm cho hôn nhân thành đáng mơ ước và hấp dẫn, mà hoàn toàn ngược lại.
  6. Từ lâu ta đã nghĩ rằng chỉ cần nhấn mạnh đến các vấn đề đạo lý, đạo đức sinh học và luân lý mà không cần khuyến khích việc mở ra cho ân sủng, thì cũng đủ để ta nâng đỡ các gia đình, củng cố mối dây hôn phối và đem lại ý nghĩa cho cuộc sống hôn nhân. Ta thấy trình bày hôn nhân như một con đường năng động đưa tới sự triển nở và hoàn tất con người chứ không phải là một gánh nặng đeo đẳng suốt đời không phải là chuyện dễ. Ta thấy khó có thể dành chỗ cho lương tâm các tín hữu, những người, trong những giới hạn của mình, vẫn đáp trả Tin Mừng cách tốt nhất theo khả năng mình, và trong những hoàn cảnh phức tạp vẫn có thể thực hiện việc phân định. Ta được mời gọi đào tạo, chứ không thay thế các lương tâm ấy.
  7. Ta phải bày tỏ lòng biết ơn đối với hầu hết mọi người vẫn trân trọng các mối tương quan gia đình, các mối tương quan bao giờ cũng vĩnh viễn và được đánh dấu bằng sự tôn trọng lẫn nhau. Người ta luôn biết ơn các nỗ lực hướng dẫn và tư vấn của Hội thánh trong những lãnh vực liên quan tới việc lớn lên trong tình yêu, khắc phục các xung đột và nuôi dạy con cái. Nhiều người được đánh động vì sức mạnh của ân sủng họ kinh nghiệm được trong bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể, ân sủng ấy giúp họ đương đầu với những thách thức của hôn nhân và gia đình. Tại một số quốc gia, nhất là tại những vùng khác nhau ở Phi châu, chủ nghĩa tục hóa đã không làm suy yếu một số giá trị truyền thống, và các cuộc hôn nhân vẫn rèn đúc nên mối dây liên kết vững mạnh giữa hai gia đình rộng lớn hơn, với các cấu truc được định nghĩa rõ ràng là để giải quyết những khó khăn và xung đột. Hôm nay ta cũng phải bày tỏ lòng biết ơn đối với chứng tá của các cuộc hôn nhân không chỉ chứng tỏ sự bền vững mà còn có kết quả và yêu thương. Tất cả những dữ kiện này có thể khơi lên một phương pháp mục vụ tích cực và đem lại niềm vui, một phương pháp có thể giúp vợ chồng lớn lên trong việc trân trọng những đòi hỏi của Tin Mừng. Nhưng ta vẫn thường ở trong thế tự vệ, lãng phí quá nhiều năng lực mục vụ vào việc kết án thế giới suy đồi này mà không chủ động đưa ra những phương thế đem lại hạnh phúc đích thật. Nhiều người cảm thấy rằng sứ điệp của Hội thánh về hôn nhân và gia đình không phản ánh rõ lời rao giảng và thái độ của Chúa Giêsu, Đấng đưa ra một lý tưởng rất đòi buộc nhưng lại không hề ngưng bày tỏ lòng xót thương và việc gần gũi sự mỏng dòn của con người như chị phụ nữ Samarita hay người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình.
  8. Điều này không có nghĩa là ta phải ngưng cảnh báo về một sự suy sụp văn hóa, (một nền văn hóa) không đề cao tình yêu và việc hiến mình. Việc tham khảo ý kiến trước khi có hai Thượng Hội Đồng vừa qua đã chỉ ra những triệu chứng trầm trọng của “một thứ văn hóa mau qua”. Ở đây, tôi nghĩ về tốc độ người ta đang di chuyển từ một mối tương quan tình cảm duy nhất sang một mối tương quan khác, chẳng hạn. Cùng với các đường dây của các mạng xã hội, người ta tin rằng, theo suy nghĩ hời hợt của kẻ tiêu thụ, tình yêu có thể kết nối hay không kết nối, và tương quan sẽ “bị chặn đứng” ngay. Tôi cũng nghĩ đến các nỗi sợ liên quan với việc dấn thân lâu dài, tới nỗi ám ảnh về thời gian rảnh rỗi và các mối tương quan dựa trên tính toán hơn thiệt để chữa trị cô đơn, cung cấp việc bảo vệ hay đem lại một sự phục vụ nào đó. Ta đối xử với các mối tương quan tình cảm hệt như đối xử với các sự vật và môi trường: mọi sự đều có thể dùng một lần rồi bỏ; mọi người dùng xong vứt, cầm lấy rồi bẻ gẫy, khai thác và vắt kiệt tới giọt cuối cùng. Xong, chia tay. Lòng yêu mình làm cho người ta không còn khả năng có được cái nhìn vượt ra khỏi mình, khỏi các ước vọng và nhu cầu của mình. Sớm muộn gì, những người sử dụng tha nhân cũng sẽ bị chính não trạng ấy sử dụng, chi phối và phế bỏ. Điều đáng kể là những đổ vỡ thường xảy ra nơi những người đứng tuổi, đang muốn tìm kiếm một thứ “độc lập” nào đó và đang muốn khước từ lý tưởng của việc cùng lớn lên, cùng chăm sóc và đỡ đần nhau.
  9. “Để tránh đơn giản hóa cách quá đáng, ta có thể nói rằng ta đang sống trong một nền văn hóa đang áp lực khiến các bạn trẻ không dám lập gia đình, vì thiếu những khả năng cho tương lai. Và cho đến nay chính nền văn hóa ấy cũng đang cung cấp cho những người khác quá nhiều chọn lựa đến độ họ cũng bị khuyên đừng lập gia đình”[7]. Tại một số quốc gia, nhiều bạn trẻ phải “hoãn đám cưới vì những lý do kinh tế, việc làm và học tập. Một số hoãn vì những lý do khác, chẳng hạn như ảnh hưởng của những ý thức hệ coi thường hôn nhân và gia đình, muốn tránh những thất bại của các vợ chồng khác, sợ hãi một cái gì đó mà họ coi là quá quan trọng và thánh thiêng, các cơ hội xã hội và các lợi nhuận kinh tế liên quan tới việc sống với nhau, một quan niệm thuần túy tình cảm và lãng mạn về tình yêu, sợ mất tự do và độc lập và dẹp bỏ một cái gì đó họ quan niệm chỉ có tính tổ chức và hành chính”[8]. Ta cần tìm ra một thứ ngôn ngữ, lập luận và các hình thức chứng tá chuẩn xác có thể giúp ta đạt tới cõi lòng của các bạn trẻ, kêu gọi khả năng quảng đại, dấn thân, yêu thương và thậm chí anh hùng của họ và theo đó, mời họ mang lấy thách thức của gia đình với lòng nhiệt thành, can đảm.
  10. Các Nghị phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận rằng “các khuynh hướng trong thế giới hôm nay dường như không đưa ra những giới hạn về tình cảm của con người”; quả thế, “một thứ tình cảm bất ổn, hay thay đổi và yêu mình không phải lúc nào cũng cho phép người ta lớn lên đến mức trưởng thành”. Các ngài cũng diễn tả mối bận tâm về “việc phổ biến sách báo khiêu dâm và việc thương mại hóa thân xác hiện nay, cũng do việc lạm dụng internet gây ra và về những “hoàn cảnh đáng bị khiển trách, nơi người ta bị đẩy vào tình trạng mãi dâm”. Trong bối cảnh này, “vợ chồng thường hoang mang, do dự và phải đấu tranh để tìm cách phát triển. Nhiều người có khuynh hướng ở lại trong những giai đoạn đầu của đời sống tình cảm và giới tính của mình. Cuộc khủng hoảng trong mối tương quan đôi lứa luôn làm cho gia đình bất ổn và qua việc ly thân hay ly dị, có thể đưa tới những hậu quả nghiêm trọng đối với người lớn, trẻ em và toàn xã hội, làm suy yếu những ràng buộc cá nhân và xã hội”[9]. Những rắc rối của hôn nhân “thường bị đương đầu cách vội vã và thiếu can đảm nên cũng thiếu kiên nhẫn và suy nghĩ, hy sinh và tha thứ cho nhau. Những thất bại thường tạo nên những mối tương quan mới, những cặp vợ chồng mới, các sự kết hợp mới về mặt dân sự và các cuộc hôn nhân mới, khi tạo nên những hoàn cảnh gia đình phức tạp và rắc rối đối với đời sống Kitô hữu” [10]
  11. Hơn nữa, “việc giảm bớt dân số, do não trạng chống lại việc sinh con và do quan niệm chính trị về sức khỏe sinh sản của thế giới này, không chỉ tạo nên một hoàn cảnh trong đó mối tương quan giữa các thế hệ không còn được bảo đảm nữa mà còn tạo ra nguy hiểm, vì sẽ đến lúc, việc giảm bớt này sẽ đưa tới chỗ nghèo khổ về kinh tế và đánh mất niềm hy vọng vào tương lai. Sự phát triển kỹ thuật sinh học cũng có những tác động lớn về tỷ lệ sinh sản”[11]. Ngoài điều này ra còn có những dữ kiện khác như “công nghiệp hóa, cuộc cách mạng tình dục, nỗi sợ hãi về nạn bùng nổ dân số và những vấn đề kinh tế… Chủ nghĩa tiêu thụ cũng có thể ngăn cản người ta sinh con, chỉ để họ có thể duy trì một sự tự do và một nếp sống nào đó”[12]. Lương tâm ngay thẳng của vợ chồng, những người quảng đại trong việc truyền sinh, vì những lý do nghiêm trọng, có thể đưa họ tới chỗ hạn chế số con, nhưng cách chính xác “vì phẩm giá của lương tâm này, Hội thánh kiên quyết bác bỏ sự can thiệp bằng bạo lực của Chính quyền buộc người ta phải ngừa thai, triệt sản và thậm chí phá thai”[13]. Những biện pháp ấy không thể chấp nhận được ngay tại những nơi có tỷ lệ sinh cao, nhưng trong những nước tỷ lệ sinh thấp đến mức báo động ta thấy các chính trị gia cũng khuyến khích các biện pháp ấy. Như Hội đồng giám mục Korea nói, đây là “một cách hành động tự mâu thuẫn và chối bỏ nhiệm vụ của mình”[14].
  12. Việc làm suy yếu đức tin và thực hành tôn giáo trong một số xã hội cũng ảnh hưởng đến các gia đình, khi bỏ mặc các gia đình ấy trong tình trạng bơ vơ giữa những khó khăn.

    Các Nghị phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận rằng “triệu chứng duy nhất của sự nghèo khổ cùng cực trong các nền văn hóa đương thời chính là sự cô đơn, nẩy sinh từ việc thiếu vắng Thiên Chúa trong đời sống cá nhân và sự mong manh của các mối tương quan. Cũng có cảm giác chung về sự bất lực trước thực tại văn hóa- xã hội thường kết thúc bằng việc làm tiêu tan các gia đình… các gia đình thường cảm thấy bị bỏ rơi do thiếu hứng thú và quan tâm về phía các tổ chức. Tác động tiêu cực ấy trên trật tự xã hội rất rõ, như ta thấy trong cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, trong khó khăn khi nuôi dạy con cái, trong việc không sẵn sàng đón nhận sự sống mới, trong khuynh hướng nhìn người cao tuổi như một gánh nặng và trong việc gia tăng những vấn đề về tình cảm và các cuộc bùng nổ bạo lực. Chính quyền có trách nhiệm thông qua luật và tạo công ăn việc làm để bảo đảm tương lai cho các bạn trẻ và giúp họ thực hiện kế hoạch tạo lập gia đình mình[15].

  1. Việc thiếu nơi ở xứng hợp hay vừa phải thường đưa tới chỗ trì hoãn các mối tương quan chính thức. Ta nên nhớ rằng “gia đình có quyền có nhà cửa tươm tất, phù hợp với đời sống gia đình và rộng đủ cho số các thành viên của mình, tọa lạc tại một môi trường vật chất cung cấp các dịch vụ căn bản cho đời sống gia đình và cộng đoàn[16]. Gia đình và nhà cửa luôn đi đôi với nhau. Điều này khiến ta hiểu được việc nhấn mạnh đến quyền của các gia đình chứ không chỉ nhấn đến quyền của cá nhân quan trọng biết bao. Gia đình là một điều tốt lành xã hội không thể bỏ qua được và gia đình phải được bảo vệ[17]. “Hội thánh bao giờ cũng khẳng định việc đề cao hôn nhân và gia đình và khẳng định việc bảo vệ các gia đình ấy chống lại những kẻ tấn công là một phần của sứ mạng mình”[18], nhất là hôm nay, khi trong các lịch làm việc trong lãnh vực chính trị các gia đình hiếm khi được quan tâm. Các gia đình có quyền “có thể dựa vào một chính sách đầy đủ về gia đình, vào các quyền bính dân sự trong các lãnh vực tài chính, xã hội, kinh tế và pháp lý[19]. Thường, các gia đình phải đau khổ khủng khiếp khi đương đầu với bệnh hoạn của người thân, họ không có được sự chăm sóc sức khỏe đầy đủ hay khi phải đấu tranh để tìm được việc làm xứng với phẩm giá mình. “Những căng thẳng về kinh tế đã khiến gia đình không đến được với việc giáo dục, với các hoạt động văn hóa và không tham gia vào đời sống xã hội được. Trong nhiều cách, hoàn cảnh kinh tế hiện nay đang khiến người ta không tham gia vào xã hội được. Các gia đình cách riêng, phải chịu đựng những vấn đề liên quan tới việc làm, nơi các bạn trẻ có được rất ít cơ hội và việc làm lại rất kén người và không an toàn. Các ngày làm việc thường kéo dài và nặng nề hơn do phải vắng nhà nhiều giờ. Hoàn cảnh này không giúp các thành viên gia đình họp nhau hay cha mẹ không được ở với con cái để mỗi ngày nuôi dưỡng các mối tương quan của họ[20].
  2. “Nhiều trẻ em được sinh ra ngoài hôn ước, nhiều trong số ấy sau đó lớn lên chỉ với cha hay mẹ và lớn lên trong một gia đình hỗn hợp hay tái hôn… việc khai thác tình dục trẻ em cho đến nay vẫn là một thực tại đồi trụy và ghê tởm trong xã hội hiện nay. Các xã hội kinh nghiệm được bạo lực vì chiến tranh, khủng bố hay vì sự hiện diện của tội phạm có tổ chức cũng đang chứng kiến sự sa đọa của gia đình, nhất là tại các thành phố lớn, nơi, tại các vùng ngoại ô, hiện tượng gọi là “trẻ em đường phố” ngày càng tăng”[21]. Nạn lạm dụng tình dục trẻ em càng ghê tởm hơn khi xảy ra tại những nơi đáng lẽ phải an toàn nhất, cách riêng trong các gia đình, học đường, các cộng đoàn và các tổ chức Kitô giáo[22].
  3. “Di dân là một dấu chỉ khác của thời đại ta phải đương đầu và phải hiểu theo quan niệm của những ảnh hưởng tiêu cực của nó trên toàn bộ dân số tại những nơi khác nhau trên thế giới. Hội thánh đã thực thi một vai trò quan trọng trong lãnh vựa này. Duy trì và mở rộng việc làm chứng cho Tin Mừng này (x. Mt 25, 35) hiện đang là một nhu cầu khẩn thiết hơn khi nào hết… Việc di chuyển của con người, phù hợp với việc di chuyển lịch sử tự nhiên của các dân tộc, có thể đem lại sự phong phú đích thật cho cả các gia đình di trú lẫn những nước đón tiếp họ. Hơn nữa, việc di trú bắt buộc của các gia đình, xuất phát từ những hoàn cảnh của chiến tranh, bắt bớ, nghèo khổ và bất công, và được đánh dấu bởi sự thăng trầm của cuộc hành trình, một cuộc hành trình thường nguy hiểm đến tính mạng, đang gây đau khổ cho con người và làm cho các gia đình phải bấp bênh.

    “Trong việc đồng hành với những người di dân, Hội thánh cần một chương trình mục vụ đặc biệt không chỉ nhắm đến các gia đình di dân thôi mà còn nhắm đến cả các gia đình còn ở lại. Hoạt động mục vụ này phải được thực hiện với sự tôn trọng đúng đắn các nền văn hóa của họ, vì việc đào tạo nhân bản và tôn giáo họ đã lãnh hội và vì sự phong phú thiêng liêng của các nghi lễ và truyền thống của họ, thậm chí còn vì việc chăm sóc mục vụ đặc biệt nữa… Di dân là một sự bi đát và tổn hại đối với các gia đình và các cá nhân khi đó là một cuộc di dân bất hợp pháp và được các mạng lưới buôn người quốc tế cổ vũ. Điều này cũng đúng khi liên quan tới phụ nữ hay các trẻ em phải đi một mình không có người lớn đi theo, các người này thường bị buộc phải sống rất lâu trong những nơi ở tạm bợ hay các trại tỵ nạn, là những nơi không thể bắt đầu tiến trình hội nhập. Sự khốn cùng hay những hoàn cảnh khác của những gia đình đổ vỡ đôi khi đẩy các gia đình tới chỗ phải bán con vào các nhà thổ hay bán cho những kẻ buôn người lấy các bộ phận”[23]. “Việc bắt bớ các Kitô hữu và các dân tộc thiểu số về chủng tộc và tôn giáo tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại  Trung Đông, là nỗi thống khổ không chỉ đối với Hội thánh mà còn đối với toàn bộ cộng đoàn quốc tế. Ta phải khuyến khích mọi nỗ lực, kể cả cách thực tiễn, trợ giúp các gia đình và các cộng đoàn Kitô hữu để họ ở lại trên quê hương mình”[24].

  1. Các Nghị phụ cũng kêu gọi đặc biệt chú ý đến “các gia đình của những người có những nhu cầu đặc biệt, nơi thách thức phải đương đầu cách bất đắc dĩ với một sự tàn tật nào đó có thể làm đảo lộn sự quân bình, các ước vọng và hy vọng của gia đình… Các gia đình yêu thương chấp nhận khó khăn thử thách của một người con có các nhu cầu đặc biệt thật đáng khâm phục. Các gia đình ấy đang đem lại cho Hội thánh và xã hội một chứng tá vô giá về sự trung thành với hồng ân sự sống. Trong những hoàn cảnh ấy, cùng với cộng đoàn Kitô hữu, gia đình ấy có thể khám phá ra những phương pháp mới, những cách hành động mới, khám phá ra một cách thức khác để hiểu và đồng hóa với tha nhân, khi đón nhận và chăm sóc cho mầu nhiệm của sự mong manh của sự sống con người. Những người tàn tật là một quà tặng cho gia đình và là cơ hội để lớn lên trong tình yêu, trong sự trợ giúp nhau và sự hợp nhất… Nếu gia đình, dưới ánh sáng đức tin, chấp nhận sự hiện diện của những người có nhu cầu đặc biệt, thì họ có thể nhận ra và bảo đảm phẩm chất và giá trị của sự sống mỗi người, với những nhu cầu, quyền hạn và cơ hội riêng. Phương pháp này sẽ đề cao việc chăm sóc và các dịch vụ nhân danh những người thiệt thòi này và sẽ khuyến khích người ta đến gần họ và đem chọ họ tình yêu thương trong mọi giai đoạn của cuộc sống họ”[25]. Ở đây, tôi xin nhấn mạnh rằng việc dấn thân và quan tâm ta bày tỏ cho những người di dân và cũng như những người có nhu cầu đặc biệt là một dấu chỉ của Thần khí. Cả hai hoàn cảnh ấy đều là kiểu mẫu: chúng kiểm tra việc dấn thân bày tỏ lòng thương xót trong việc đón tiếp tha nhân và giúp người hèn yếu trở thành một thành viên trọn vẹn của cộng đoàn.
  2. “Hầu hết các gia đình đều đã có sự tôn kính những người cao niên, vây quanh họ với lòng kính mến và coi họ là một ân phúc. Lời đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn xin được gửi tới những hiệp hội và các phong trào gia đình dấn thân phục vụ các vị cao niên cả về tinh thần lẫn xã hội …Trong các xã hội công nghiệp hóa cao, nơi số những người cao niên ngày càng tăng trong khi tỷ lệ sinh ngày một giảm, các vị có thể bị coi là một gánh nặng. Mặt khác, việc chăm sóc họ cần đến thường chất lên vai những người thân yêu của họ một gánh nặng[26]. “Chăm sóc và quan tâm đến những giai đoạn cuối cùng của cuộc sống ngày càng cần thiết, khi xã hội đương thời đang cố gắng xóa sạch mọi vết tích của sự chết và hấp hối. Những người cao niên dễ bị tổn thương và lệ thuộc đôi khi bị bóc lột cách bất công chỉ vì lợi ích kinh tế. Nhiều gia đình cho ta thấy rằng có thể tiếp cận những giai đoạn cuối của cuộc đời bằng cách nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cảm thức của con người về sự hoàn tất và tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa. Đa số các vị cao niên được chăm sóc trong các tổ chức của Hội thánh, nơi họ có thể sống bình an trong bầu khí gia đình cả về vật chất lẫn tình thần. Cái chết êm dịu và việc giúp tự sát là những đe dọa nghiêm trọng đối với các gia đình trên toàn thế giới; tại nhiều nước, những việc ấy còn được hợp pháp hóa. Hội thánh trong khi kịch liệt chống lại những thực hành này, vẫn cảm thấy nhu cầu phải trợ giúp các gia đình chăm sóc cho các phần tử cao niên và đau yếu của gia đình mình”[27] .
  3. Ở đây tôi muốn đề cập tới hoàn cảnh các gia đình đang phải sống trong sự khó nghèo thảm khốc và những giới hạn quá lớn. Vấn đề các gia đình nghèo thường phải đương đầu ngày càng rất khó chịu[28]. Ví dụ như, khi một mà mẹ độc thân một mình nuôi con và cần phải để con ở nhà để đi làm, thì em bé đó có thể lớn lên với đủ mọi thứ rủi ro và trở ngại cho sự phát triển nhân cách. Trong những hoàn cảnh khó khăn cần thiết ấy, Hội thánh phải liệu sao để đem lại sự hiểu biết, an ủi và chấp nhận, hơn là áp đặt ngay một loạt các luật, những thứ chỉ đưa người ta tới chỗ cảm thấy mình bị chính người Mẹ được kêu gọi bày tỏ lòng xót thương của Thiên Chúa kết án và ruồng bỏ. Đáng lẽ phải đem lại sức mạnh chữa lành của ân sủng và ánh sáng của sứ điệp Tin mừng, một số người lại “truyền bá” sứ điệp ấy, biến sứ điệp ấy thành “những viên đá chết ném vào người khác”[29]

Một số thách thức

  1. Những câu trả lời cho hai bản tham khảo ý kiến trước Thượng Hội Đồng đều nói về những khác biệt lớn của các hoàn cảnh và những thách thức các hoàn cảnh ấy khơi lên. Ngoài những gì đã được đề cập tới, nhiều người trả lời đã chỉ cho thấy những vấn đề các gia đình đang phải đương đầu trong việc nuôi dạy con cái. Trong nhiều trường hợp, cha mẹ về nhà trong tình trạng kiệt sức, không muốn nói chuyện và nhiều gia đình thậm chí không còn ăn cơm chung nữa. Quá nhiều thứ giải trí, kể cả việc nghiện tivi. Điều này làm cho mọi sự ngày càng khó khăn hơn đối với cha mẹ trong việc chuyển giao đức tin cho con cái mình. Những câu trả lời khác lại chỉ cho thấy kết quả của sự căng thẳng nghiêm trọng trên các gia đình, những gia đình này thường bị cuốn hút vào sự an toàn của tương lai hơn là tận hưởng hiện tại. Đây là một vấn đề vấn đề văn hóa rộng lớn hơn, đang bị làm xấu đi vì những âu lo về sự ổn định nghề nghiệp, tài chính và tương lai của con cái.
  2. Ma túy cũng được đề cập tới như một trong những tai họa của thời đại ta, gây ra một nỗi buồn mênh mông và thậm chí gây đổ vỡ cho nhiều gia đình. Rượu, cờ bạc và các thứ nghiện ngập khác cũng thế. Gia đình có thể là nơi người ta ngăn chặn và khắc phục được những thứ ấy, nhưng xã hội và chính trị lại đang có nguy cơ “đánh mất khả năng hành động để cứu giúp các thành viên của mình… Ta thấy được những hậu quả nghiêm trọng của sự đổ vỡ này trong các gia đình ly tán, thanh niên thì mất gốc, người cao niên bị ruồng bỏ và những người trẻ khác hoang mang và không được nâng đỡ”[30]. Như các giám mục Mexico cho thấy, bạo lực trong gia đình bao giờ cũng nuôi dưỡng những hình thức gây hấn mới trong xã hội, vì “các mối tương quan gia đình cũng có thể giải thích khuynh hướng hướng đến một nhân cách bạo động. Đây thường là trường hợp xảy ra với các gia đình thiếu truyền thông, có thái độ tự vệ, các thành viên không nâng đỡ nhau, thiếu các hoạt động gia đình khuyến khích việc tham gia, mối tương quan của cha mẹ thường xung đột và hung bạo, mối tương quan giữa cha mẹ và con cái nặng tính thù địch. Bạo lực trong gia đình là mầm mống phát sinh hận thù, ghen ghét trong hầu hết các mối tương quan của con người[31]
  3. Vì xã hội tự nhiên được xây dựng trên hôn nhân, nên không ai có thể nghĩ rằng sự suy yếu của gia đình sẽ có lợi cho toàn xã hội. Ngược lại mới đúng: sự suy yếu ấy đe dọa sự phát triển trưởng thành của các cá nhân, đe dọa sự vun xới các giá trị của cộng đoàn và sự tiến bộ luân lý của các thành phố và các quốc gia. Người ta vẫn không nhận ra rằng chỉ sự kết hợp riêng và vô phương tháo gỡ giữa người nam và người nữ mới có vai trò tuyệt đối trong xã hội với tư cách là một trách nhiệm ổn định sinh hoa trái trong sự sống mới. Ta cần nhận ra những hoàn cảnh khác nhau của các gia đình, những hoàn cảnh ấy có thể đem lại sự ổn định nào đó, nhưng trên thực tế ta không được phép coi những sự kết hợp đồng giới ngang bằng với hôn nhân. Không một sự kết hợp có tính nhất thời và khép lại với việc truyền sinh nào có thể bảo đảm cho tương lai của xã hội. Nhưng hiện nay ai là người đang nỗ lực củng cố các cuộc hôn nhân, giúp các vợ chồng khắc phục các khó khăn, nuôi dạy con cái và cách chung khuyến khích sự ổn định của mối dây hôn phối?
  4. “Một số xã hội vẫn duy trì tục đa thê; tại những nơi khác, các cuộc hôn nhân được sắp xếp là một thực hành lâu dài… Tại nhiều nơi, không chỉ tại phương Tây, việc sống chung trước hôn nhân đang phổ biến, cũng như một thứ sống chung hoàn toàn loại bỏ ý định kết hôn”[32]. Tại nhiều quốc gia, luật pháp tạo điều kiện cho hàng loạt những thay thế của hôn nhân, dẫn đến kết quả là hôn nhân, với những đặc tính riêng, vô phương tháo gỡ và mở ra cho sự sống, bắt đầu xuất hiện như một chọn lựa xưa cũ và lỗi thời. Nhiều nước đang phải chứng kiến việc tháo gỡ các gia đình cách hợp pháp, vì có khuynh hướng chấp nhận những mô hình hầu hết dựa trên sự độc lập của ý muốn cá nhân. Chắc chắn dẹp bỏ hình thức cổ hơn của các gia đình truyền thống được đánh dấu bằng độc tài và thậm chí bạo lực là điều hợp pháp và đúng đắn, nhưng việc dẹp bỏ ấy không được đưa tới việc coi nhẹ chính hôn nhân, mà đúng ra phải đưa tới chỗ tái khám phá ra ý nghĩa đích thực và việc canh tân của hôn nhân. Sức mạnh của gia đình “nằm trong khả năng yêu thương và dạy cách yêu thương của gia đình. Vì dẫu cho có mọi vấn đề đi nữa, thì bắt đầu với tình yêu, gia đình vẫn có thể phát triển”[33]
  5. Qua một thoáng nhìn này, tôi muốn nhấn mạnh sự kiện này là dù ta đã làm được những tiến bộ có ý nghĩa trong việc nhìn nhận quyền của phụ nữ và việc họ tham gia vào cuộc sống chung, nhưng trong một số nước vẫn còn nhiểu việc phải lảm để nâng cao những quyền này. Những tập tục không thể chấp nhận được vẫn cần phải xóa bỏ. Tôi đặc biệt nghĩ đến sự ngược đãi đáng hổ thẹn đôi khi phụ nữ vẫn đang phải chịu, bạo lực gia đình và những hình thức nô lệ hóa khác nhau, một thứ phô bày quyền của nam giới, là những hành vi đốn mạt hèn nhát. Bạo lực bằng lời nói, thể lý và tình dục phụ nữ phải chịu trong một số cuộc hôn nhân luôn phản lại chính bản chất của sự hợp nhất vợ chồng. Tôi đang nghĩ đến việc cắt bỏ các bộ phận sinh dục của phụ nữ cách đáng khiển trách vẫn đang được thực hành trong một số nền văn hóa, nhưng cũng vì họ không có được những công việc xứng đáng và không có những vai trò trong việc đưa ra quyết định. Lịch sử nặng trĩu những thái quá của các nền văn hóa phụ hệ coi phụ nữ chẳng ra gì, nhưng trong thời đại của ta hôm nay, ta không thể không quan tâm đến việc sử dụng các bà mẹ thay thế và việc “bóc lột và thương mại hóa thân thể phụ nữ trong nền văn hóa truyền thông hiện nay”[34]. Có những người tin rằng đa số những rắc rối hiện nay đều do việc giải phóng phụ nữ gây ra. Tuy nhiên, lập luận ấy không vững, “sai, không đúng, là một hình thức của chủ nghĩa bá quyền nam giới”[35]. Phẩm giá bình đẳng của người nam và người nữ làm cho ta vui mừng thấy những hình thức xưa cũ của nạn kỳ thị đang biến mất, và trong gia đình, sự hỗ tương đang ngày càng phát triển. Nếu một số hình thức của phong trào đòi quyền cho phụ nữ đã có mà ta cho là chưa đủ, thì dẫu sao ta cũng phải thấy Thần khí vẫn đang hoạt động của trong phong trào phụ nữ ấy để có được một sự nhìn nhận rõ hơn về phẩm giá và quyền của phụ nữ.
  6. Đàn ông “cũng đóng vai trò quyết định như thế trong đời sống gia đình, cách đặc biệt liên quan tới việc bảo vệ và nâng đỡ vợ, con… Nhiều ông ý thức tầm quan trọng của vai trò mình trong gia đình và sống nam tính của mình theo ý thức ấy. Sự thiếu vắng người cha bao giờ ảnh hưởng nặng đến đời sống gia đình, tới việc nuôi dạy con cái và đưa chúng vào xã hội. Sự thiếu vắng ấy, có thể là thể lý, tình cảm, tâm lý và tâm linh, luôn tước mất của con cái khuôn mặt thích hợp của ngươi cha”[36].
  7. Nhưng một thách thức nữa do những hình thức của ý thức hệ giới tính khơi lên, một ý thức hệ “phủ nhận sự khác biệt và hỗ tương trong bản tính của người nam và người nữ và tưởng tượng ra một xã hội không có những khác biệt giới tính, nên xóa bỏ nền tảng có tính nhân chủng của gia đình. Ý thức hệ này đưa tới các chương trình giáo dục và việc ban hành các đạo luật đề cao căn tính cá nhân và đề cao việc ái ân tách hẳn khỏi sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ. Kết quả là phẩm giá con người trở thành chọn lựa của cá nhân, một chọn lựa có thể thay đổi bất cứ lúc nào”[37]. Điều này khiến ta phải âu lo, nhất là khi một số ý thức hệ loại này, khi tìm cách đáp lại những gì đôi khi là những ước vọng có thể hiểu được, đã biết cách khẳng định mình là tuyệt đối và chắc chắn, thậm chí còn chỉ cho người ta biết phải nuôi dạy con cái cách nào. Ta cần nhấn mạnh rằng “quan hệ tình dục về mặt sinh học và vai trò của giới tính về mặt văn hóa, xã hội có thể phân biệt nhưng không bao giờ tách biệt”[38]. Mặt khác, cuộc cách mạng kỹ thuật trong lãnh vực sinh sản của con người đã cho thấy khả năng kiểm soát hoạt động sinh sản, làm cho hoạt động ấy độc lập với qua hệ giới tính giữa người nam và người nữ. Theo cách ấy, sự sống con người và vai trò làm cha mẹ đã trở thành các thực tại có thể tách rời và tách biệt, chủ yếu tùy thuộc ước muốn của cá nhân hay vợ chồng”[39]. Hiểu được sự yếu hèn của con người và sự phức tạp của sự sống con người là một chuyện, chấp nhận các ý thức hệ đang cố chia cắt những khía cạnh không thể tách rời của thực tại lại là chuyện khác. Ta đừng sa vào tội tìm cách thay thế Tạo Hóa. Ta là thụ tạo, ta không toàn năng. Tạo thành có trước ta và ta phải đón nhận như một quà tặng, một ơn ban. Đồng thời ta cũng được mời gọi bảo vệ bản tính nhân loại, điều này trước tiên muốn nói rằng, bản tính ấy sao, ta phải chấp nhận và tôn trọng như vậy.
  8. Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì nhiều gia đình, tuy vẫn không coi mình là hoàn thiện, vẫn sống trong yêu thương, hoàn thành ơn gọi mình và luôn vững bước tiến lên, dẫu cũng vấp ngã nhiều. Các suy tư của Thượng Hội Đồng cho ta thấy rằng không có loại gia đình lý tưởng lập thể mà chỉ có một bức tranh ghép đầy sáng tạo bằng các mảnh do các thực tại khác nhau tạo nên, với những vui, buồn, gian khổ. Những hoàn cảnh khiến ta lo lắng là những thách thức. Ta không nên để mình rơi vào trong tình trạng phí phạm năng lực vô ích trong những lời than van sầu thảm, mà phải tìm ra những hình thức thừa sai sáng tạo mới. Trong mọi hoàn cảnh, “Hội thánh đều ý thức nhu cầu phải đem đến lời chân lý và hy vọng… Giá trị quan trọng của hôn nhân và gia đình Kitô giáo bao giờ cũng phù hợp với khát vọng phần nào thuộc về sự sống con người”[40]. Nếu ta thấy được một số vấn đề nào đó, thì những vấn đề ấy, như các giám mục Colmobia nói, là một lời kêu gọi “làm sống lại niềm hy vọng và làm cho niềm hy vọng ấy thành nguồn của những thị kiến có tính ngôn sứ, của những hành động đem lại sự biến đổi và của các hình thức sáng tạo của tình bác ái”[41]

Linh mnục Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R. chuyển ngữ

(còn tiếp)

[1] Đức Gioan Phaolo II, Tông Huấn  Familiaris Consortio (22 November 1981), 4: AAS 74 (1982), 84.

[2] Relatio Synodi 2014, 5.

[3] Hội Đồng giám mục Tây Ban Nha, Matrimonio y familia (6 July 1979), 3, 16, 23.

[4] Relatio Finalis 2015, 5. 12 Relatio Synodi 2014, 5.

[5] Relatio Finalis 2015, 8.

[6] Address to the United States Congress (24 September 2015): L’Osservatore Romano, 26 September 2015, p. 7.

[7] Relatio Finalis 2015, 29.

[8] Relatio Finalis 2015, 29.

16 Relatio Synodi 2014, 10.

[9] Third Exraordinary GeneraL assembLy of The synod of bishops, Message, 18 October 2014.

[10] Relatio Synodi 2014, 10.

[11] Relatio Finalis 2015, 7.

[12] Relatio Synodi 2014, 6.

[13] Ibid., 63.

[14] Hội Đồng giám mục Công giáo tại Korea, Towards a Culture of Life! (15 March 2007), 2.

[15] Relatio Synodi 2014, 6.

[16] Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình, Charter of the Rights of the Family (22 October 1983), Art. 11.

[17] Cf. Relatio Finalis 2015, 11-12.

[18] Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình, Charter of the Rights of the Family (22 October 1983), Introduction.

[19] Ibid., 9.

[20] Relatio Finalis 2015, 14.

[21] Relatio Synodi 2014, 8.

[22] Cf. Relatio Finalis 2015, 78. 30 Relatio Synodi 2014, 8.

[23] Relatio Finalis 2015, 23; cf. Sứ điệp về Ngày Thế giới của Người Di cư và Tỵ nạn ngày  17. 1. 2016 (12 September 2015), L’Osservatore Romano, 2 October 2015, p. 8.

[24] Relatio Finalis 2015, 24.

[25] Ibid., 21.

[26]  Ibid., 20.

[27] Cf. ibid., 15.

[28] Cf. ibid., 15.

[29] Diễn văn Bế mạc Hội nghị Thường niên lần thứ mười bốn của Thượng Hội Đồng giám mục (24 October 2015): L’Osservatore Romano, 26-27 October 2015, p. 13.

[30] Hội Đồng giám mục Argentina, Navega mar adentro (31 May 2003), 42.

[31] Hội Đồng giám mục Mexico, Que en Cristo Nuestra Paz México tenga vida digna (15 February 2009), 67.

[32] Relatio Finalis 2015, 25.

[33]  Ibid., 10.

[34] Catechesis (22 April 2015): L’Osservatore Romano, 23 April 2015, p. 7.

[35] Catechesis (29 April 2015): L’Osservatore Romano, 30 April 2015, p. 8.

[36] Relatio Finalis 2015, 28.

[37] Ibid., 8.

[38] Ibid., 58.

[39] Ibid., 33.

[40] Relatio Synodi 2014, 11.

[41] Hội Đống giám mục Colombia, A tiempos dificiles, colombianos nuevos (13 February 2003), 3.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube