TÔNG HUẤN "AMORIS LAETITIA" (các số 12 - 30)

  1. Khi nói về hôn nhân, Chúa Giêsu bao giờ cũng đưa ta tới với một trang nữa của sách Sáng thế trong chương hai, một trang vẽ lên một bức chân dung chi tiết và huy hoàng của vợ chồng. Trước hết, ta thấy người đàn ông, băn khoăn tìm kiếm “một người trợ giúp thích hợp với mình” (câu 18, 20), có thể xoa dịu nỗi đơn độc ông đang cảm thấy khi ở giữa các sinh vật và thế giới chung quanh. Bản văn Hipri nguyên thủy khơi lên một cuộc gặp gỡ trực tiếp, diện đối diện, mắt nhìn mắt, trong cuộc đối thoại lặng lẽ, vì ở đâu người ta quan tâm tới tình yêu, thì ở đó thinh lặng bao giờ cũng hùng hồn hơn lời nói. Đó là cuộc gặp gỡ một khuôn mặt, một “con người”, phản ánh tình yêu Thiên Chúa và là “tài sản giá trị nhất, một người trợ giúp thích hợp với ông và là một cột chống đỡ” theo ngôn ngữ của vị hiền triết trong Kinh thánh (Cn 36, 24). Hay một lần nữa, như người phụ nữ trong sách Diễm ca của Salomon sẽ hát trong lúc tuyên xưng tình yêu tuyệt vời và việc hiến mình cho nhau: “Người yêu dấu của tôi là của tôi… và tôi là của chàng… Tôi là của người ấy và người ấy là của tôi” (2, 16; 6, 3).

  2. Cuộc gặp gỡ này, một cuộc gặp gỡ xoa dịu nỗi cô đơn của con người, bao giờ cũng đem lại một sự sinh hạ mới và làm phát sinh gia đình. Về ý nghĩa, Adam, cũng là con người thuộc mọi thời và mọi nơi, cùng với vợ mình, bắt đầu một gia đình mới. Chúa Giêsu nói về chuyện này bằng cách trích dẫn đoạn sách Sáng thế sau: “Người đàn ông sẽ gắn kết với vợ mình và cả hai sẽ thành một” (Mt 19, 5; x. St 2, 24). Chính từ ngữ “gắn bó” hay “chia cắt”, trong bản văn Hipri nguyên thủy, chứng tỏ một sự hòa hợp sâu sắc, một sự gần gũi cả thể lý lẫn nội tâm, đến độ từ ngữ ấy bao giờ cũng được dùng để mô tả sự hiệp thông của ta với Thiên Chúa: “Trót cả tâm tình con cùng Ngài gắn bó” (Tv 63, 8). Sự hiệp thông vợ chồng vì thế cũng được khơi lên không chỉ trong chiều kích giới tính và xác thịt, mà còn cả trong việc tự nguyện hiến mình trong tình yêu. Kết quả của sự hiệp thông này là hai người “thành một xương, một thịt” cả về thể lý lẫn trong sự hiệp thông tâm hồn và cuộc sống, và cuối cùng, là sự hiệp thông trong người con, là người sẽ không chỉ chia sẻ về mặt di truyền mà còn cả về mặt tinh thần trong “xác thịt” của cả cha mẹ.

Đàn con như những cành ôliu mơn mởn.

  1. Một lần nữa, ta hãy đọc lại bài ca trên của tác giả Thánh vịnh. Trong nhà, nơi vợ chồng ngồi tại bàn ăn, con cái “như những cành ôliu” cũng xuất hiện bên cạnh họ (Tv 128, 3), nghĩa là, đầy năng lực và sức sống. Nếu theo một nghĩa nào đó, cha mẹ là nền tảng của gia đình, thì con cái cũng như “các viên đá sống động” của gia đình ấy (x. 1 Pr 2, 5). Thật ý nghĩa, từ ngữ thường xuất hiện trong Cựu ước này, chỉ sau danh Thiên Chúa (YHWH, “Đức Chúa”) chính là “con” (ben. “con trai”), từ ngữ này tự nó có liên quan tới động từ “xây” (banah). Do đó, Thánh vịnh 128, khi nói về hồng ân con cái, bao giờ cũng dùng hình ảnh rút ra từ việc xây nhà và cuộc sống xã hội của các thành phố: “Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là luống công… Này con cái là hồng ân của Chúa, bầy con sinh hạ là phần thưởng Chúa ban. Bầy con sinh hạ thời son trẻ tựa nắm tên người dũng sĩ cầm tay. Hạnh phúc thay người nào, đeo ống đầy loại tên như thế. Họ sẽ không nhục nhã khi phải đến cửa công tranh tụng với kẻ thù” (Tv 127, 1, 3 – 5). Những hình ảnh này phản ánh nền văn hóa của xã hội xưa, sự hiện diện của con cái vẫn còn là dấu chỉ của việc tiếp nối của gia đình suốt dòng lịch sử cứu độ, hết thế hệ này tới thế hệ kia.
  2. Ở đây, ta có thể thấy một khía cạnh khác của gia đình. Ta biết rằng Tân ước nói về “các Hội thánh gặp nhau tại các tư gia” (x. 1 Cr 16, 19; Rm 16, 5; Col 4, 15; Plm 2). Không gian để gia đình sống có thể biến thành một Hội thánh địa phương, thành khung cảnh để cử hành Thánh Thể, sự hiện diện của Đức Kitô ở tại bàn ăn của gia đình ấy. Không bao giờ ta có thể quên hình ảnh tìm được trong sách Khải huyền, chỗ Chúa nói: “Này coi, ta đứng ở cửa và gõ, ai nghe được tiếng Ta và mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào và dùng bữa với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3, 20). Ở đây, ta thấy một ngôi nhà ắp đầy sự hiện diện của Thiên Chúa và ắp đầy việc cầu nguyện chung và mọi phúc lành. Đây là ý nghĩa của đoạn kết của Thánh vịnh 128 ta vừa trích dẫn ở trên: “Đó chính là phúc lộc dành cho kẻ kính sợ Chúa. Nguyện Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn” (Tv 128, 4 – 5).
  3. Kinh thánh cũng trình bày gia đình là nơi con cái được nuôi dạy trong đức tin. Đây là điều hiển nhiên dựa trên mô tả của việc cử hành Lễ Vượt qua (x. Xh 12, 26 – 27; Đnl 6, 20 – 25) và sau này xuất hiện rõ ràng trong haggadah của người Do thái, cuộc đối thoại kèm theo nghi lễ của bữa tiệc Vượt qua. Một trong những Thánh vịnh cử hành việc loan báo đức tin trong các gia đình: “Điều chúng tôi đã từng nghe biết do cha ông kể lại cho mình, chúng tôi chẳng giấu gì con cháu cả, sẽ tường thuật cho thế hệ mai sau: sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của Chúa, với những kỳ công Chúa đã làm. Người đã ban huấn lệnh cho nhà Giacob, đặt ra lề luật cho Israel, dạy tổ tiên chúng tôi truyền lại cho con cháu các cụ được tường; hầu thê hệ tương lai, kẻ hậu sinh cũng biết, rồi mai ngày đến lượt kể cho con cháu mình (Tv 78, 3 – 6). Như thế gia đình là nơi cha mẹ trở thành người thầy đầu tiên của con cái trong đức tin. Họ học “nghề” này, bằng cách chuyển cho hết người này đến người khác: “Khi ấy con cái anh em hỏi … và anh em sẽ nói vơi chúng…” (Xh 13, 14).

    Như thế, các thế hệ sau có thể cất cao tiếng hát ngợi khen Chúa: “Ai là nam thanh ai là nữ tú, khắp mặt bô lão, khăp mặt nhi dồng” (Tv 148, 12).

  1. Cha mẹ có trách nhiệm quan trọng trong việc giáo dục con cái, như các nhà hiền triết trong Kinh thánh thường nhắc nhở (x. Kn 3, 11 – 12; 6, 20 – 22; 13, 1; 22, 15; 23, 13 – 14; 29, 17). Về phần mình, con cái cũng được kêu gọi chấp nhận và thực hành điều răn này: “Hãy thảo kính cha mẹ” (Xh 20, 12). Ở đây, động từ “thảo kính” có liên quan tới việc hoàn thành các nghĩa vụ của gia đình và các cam kết xã hội; ta không được coi thường những nhiệm vụ này vì các động cơ tôn giáo (x. Mk 7, 11 – 13). “Ai tôn kính cha sẽ đền bù được muôn tội lỗi; ai tôn vinh mẹ thì cũng giống như người tích lũy được kho tàng” (Cn 3, 3 – 4).
  2. Tin mừng tiếp tục nhắc nhở ta rằng con cái không phải là tài sản của gia đình, nhưng chúng có cuộc sống riêng của chúng. Chúa Giêsu là khuôn mẫu của sự vâng phục cha mẹ trần gian, khi đặt mình dưới trách nhiệm của các ngài (x. Lc 2, 51), nhưng Ngài cũng cho thấy rằng các quyết định về cuộc sống và ơn gọi Kitô hữu của con cái có thể đòi hỏi một sự chia ly vì Nước Thiên Chúa (x. Mt 10, 34 – 37; Lc 9, 59 – 62). Chính Chúa Giêsu năm mười hai tuổi, đã nói với Đức Maria và thánh Giuse rằng Ngài có một sứ mạng quan trọng hơn phải hoàn tất ở bên ngoài gia đình trần thế này (x. Lc 2, 48 – 50). Như thế, Ngài cho thấy nhu cầu về một chuyện khác, cho thấy những ràng buộc sâu xa hơn ngay cả trong gia đình này: “Mẹ Tôi và anh em Tôi là những người nghe và thực hành Lời Thiên Chúa” (Lc 8, 21). Cũng thế, trong mối quan tâm dành cho trẻ em – những người bị các xã hội của miền Cận Đông xưa coi là các chủ thể không có các quyền đặc biệt và thậm chí còn bị coi là tài sản của gia đình – Chúa Giêsu đã đi xa đến độ coi chúng là các thầy dạy, dựa vào sự tin tưởng giản dị và tính hồn nhiên của chúng đối với tha nhân. “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, anh em không được vào Nước Trời đâu” (Mt 18, 3 – 4).

Con đường đau khổ và máu

  1. Bức tranh thôn dã được trình bày trong Thánh vịnh 128 không phải là không phù hợp với một sự thật đau đớn tìm được trong toàn bộ Kinh thánh, nghĩa là, sự hiện diện của đau khổ, sự dữ và bạo lực là những thứ đang phá vỡ các gia đình và phá vỡ sự hiệp thông sự sống và tình yêu của các gia đình ấy. Vì lý do tốt lành, giáo huấn của Đức Kitô về hôn nhân (x. Mt 19, 3 – 9) đã được đưa vào trong cuộc bàn thảo về ly dị. Lời Thiên Chúa vẫn không ngừng làm chứng cho chiều kích ảm đảm đó đã có từ thuở ban sơ rồi, khi, vì tội lỗi, mối tương quan của tình yêu và sự trong sạch giữa người nam và người nữ đang biến thành sự thống trị: “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, nhưng nó sẽ thống trị ngươi” (St 3, 16).
  2. Khởi sự với việc Cain giết chết em mình là Abel, ta sẽ đọc về những cuộc bàn cãi giữa những người con trai và các bà vợ của các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacob, những bi kịch và bạo lực đánh dấu gia đình David, những vấn đề của gia đình được phản ánh trong câu chuyện của Tôbia và những than thở não lòng của ông Giob: “Anh em tôi, Ngài đẩy xa tôi… thân bằng quyến thuộc đều dứt nghĩa đoạn tình… Hơi thở tôi khiến vợ tôi ghê tởm, mũi hôi thối xông ra làm anh em tôi gớm ghiếc” (G 19, 13 – 14, 17).
  3. Chính Chúa Giêsu cũng đã được sinh vào trong môt gia đình bình thường, một gia đình chẳng mấy chốc đã phải chạy sang một vùng đất ngoại bang. Ngài thăm nhà thánh Phêrô, nhạc mẫu ông lúc đó đang đau (x. Mc 1, 30 – 31) và tỏ ra rất thông cảm khi nghe về những cái chết trong nhà ông Giairô và Lazarô (x. Mc 5, 22 – 24, 35 – 43; Ga 11, 1 – 44). Ngài nghe được tiếng khóc than tuyệt vọng của bà góa thành Nain vì con bà đã chết (x. Lc 7, 11 – 15) và để ý đến lời kêu cứu của người cha có đứa con bại liệt trong một thành phố nhỏ (x. Mc 9, 17 – 27). Ngài đến nhà những người thu thuế như Mathêu và Zakêu (x. Mt 9, 9 – 13; Lc 19, 1 – 10) và nói chuyện với những nguười tội lỗi như người phụ nữ tại nhà ông Simon Biệt phái (x. Lc 7, 36 – 50). Chúa Giêsu biết những nỗi âu lo và căng thẳng các gia đình kinh nghiệm và Ngài đưa hết vào trong các dụ ngôn của Ngài: con cái bỏ nhà đi phiêu lưu (x. Lc 15, 11 – 32) hay đang gặp rắc rối (Mt 21, 28 – 31) hay làm mồi cho bạo lực (Mc 12, 1 – 9). Ngài cũng nhạy bén với tình trạng bối rối vì tiệc cưới thiếu rượu (Ga 2, 1 – 10), việc khách không tới dự tiệc (Mt 22, 1 – 10) và nỗi âu lo của một gia đình nghèo đánh mất môt đồng xu (Lc 15, 8 – 10).
  4. Một thoáng nhìn lại, ta có thể thấy rằng lời Thiên Chúa không phải là một loạt những ý tưởng trừu tượng mà đúng ra là nguồn an ủi và là sự đồng hành với mọi gia đình đang trải quan khó khăn hay đau khổ. Vì lời Thiên Chúa chỉ cho họ cùng đích của cuộc hành trình của họ, khi Thiên Chúa “sẽ lau khô nước mắt trên mọi khuôn mặt và chết chóc không còn nữa, đau khổ và than van cũng không còn nữa” (Kh 21, 5)

Công việc tay bạn làm

  1. Mở đầu Thánh vịnh 128, Chúa Cha xuất hiện như người làm vườn, Đấng nhờ công việc tay Ngài, luôn duy trì sự thịnh vượng thể lý và sự yên tĩnh của gia đình Ngài: “Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, đời bạn quả lắm phúc nhiều may, và hạnh phúc ấy sẽ ở với bạn luôn mãi” (Tv 128, 2). Rõ ràng là từ những trang đầu của Kinh thánh công trình ấy là một phần quan trọng của phẩm giá con người; ở đây ta đọc thấy rằng “Đức Chúa là Thiên Chúa đã nắm lấy con người và đặt vào trong vườn Eden để canh tác và gìn giữ vườn ấy” (St 2, 15). Con người được trình bày như một người lao động, sẽ khai thác trái đất, kiểm soát các thế lực của thiên nhiên và sản xuất ra “bánh của những âu lo nhọc nhằn” (Tv 127, 2), cùng với việc vun xới các năng khiếu và tài năng của mình.
  2. Lao động cũng làm cho xã hội có thể phát triển và đem lại lương thực, sự ổn định và hoa trái của gia đình con người: “Ước chi trong suốt cả cuộc đời, bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh! Được sống lâu bên đàn con cháu!” (Tv 128, 4 – 5). Sách Châm ngôn cũng trình bày lao động của người mẹ trong gia đình; công việc hằng ngày của các bà được mô tả chi tiết như cố tìm được tiếng khen của chồng con” (31, 10 – 31). Thánh Phaolô tông đồ hãnh diện vì đã không trở thành gánh nặng cho người khác, vì ngài đã làm việc bằng bàn tay mình và đã bảo đảm được cho cuộc sống mình (x. Cv 18, 3; 1 Cr 4, 12; 9, 12). Thánh Phaolô tin chắc vào sự cần thiết phải làm việc đến độ thánh nhân đã đưa ra một luật nghiêm ngặt cho các cộng đoàn mình: “Ai không làm việc thì đừng ăn” (2 Thes 3, 10; x. 1 Thes 4, 11).
  3. Dựa vào những gì vừa nói, ta mới có thể hiểu được nỗi đau do nạn thất nghiệp và nạn thiếu việc làm tạo nên, như đã được phản ánh trong sách bà Ruth, trong dụ ngôn của Chúa Giêsu về những người lao động bị buộc phải đứng không ngoài đường (Mt 20, 1 – 16), và kinh nghiệm bản Ngài trong việc gặp gỡ những con người đau khổ vì đói nghèo. Thật buồn, những thực tại này ngày nay vẫn hiện hữu trong nhiều nước, nơi việc thiếu những cơ hội có việc làm đang gây thiệt hại cho cảnh yên bình của đời sống gia đình.
  4. Ta không thể bỏ qua sự suy đồi của xã hội do tội lỗi gây ra, như khi con người đàn áp, tàn phá thiên nhiên cách ích kỷ và thậm chí dã man, chẳng hạn. Việc tàn phá ấy đang đưa tới tình trạng hoang mạc hóa trái đất (x. St 3, 17 – 19) và những bất quân bình về xã hội và kinh tế này đã bị các ngôn sứ lên án, khởi đầu với Êlia (x. 1 V 21) và đạt đến chóp đỉnh trong những lời Chúa Giêsu chống lại bất công (x. Lc 16, 1 – 31).

Sự êm ái và vòng tay ôm ấp

  1. Đức Kitô đã đề nghị coi luật yêu thương và việc hiến mình cho tha nhân là dấu chỉ đặc trưng của người môn đệ Ngài (x. Mt 22, 39; Ga 13, 34). Ngài đề nghị thế khi đưa ra nguyên tắc mà những người làm cha làm mẹ thường thể hiện trong đời họ: “Không có tình yêu nào cao quí hơn tình yêu của những người hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Tình yêu cũng sinh hoa trái trong lòng xót thương và sự tha thứ. Ta thấy được điều này cách đặc biệt trong cảnh người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình; trước cửa Đền thờ, người phụ nữ này đang bị những cao buộc bao vây, nhưng sau đó, chỉ còn mình chị với Chúa Giêsu, chị không bị kết án nhưng nhận được lời khuyên sống một cuộc đời giá trị hơn (x. Ga 8, 1- 11).
  2. Dựa vào nền tảng này của tình yêu, một nền tảng rất quan trọng đối với kinh nghiệm Kitô giáo về hôn nhân và gia đình, một nhân đức khác bật lên, một nhân đức thường bị xem nhẹ trong thế giới của các mối tương quan điên loạn và hời hợt này. Ta hãy cân nhắc những lời cảm động của Thánh vịnh 131. Như trong các bản văn Kinh thánh khác (ví dụ, Xh 4, 22; Is 49, 15; Tv 27, 10), sự hiệp thông giữa Chúa và các tín hữu Ngài được diễn tả theo quan niệm của tình yêu cha mẹ. Ở đây, ta thấy một sự mật thiết nhẹ nhàng và tế nhị giữa mẹ với con: hình ảnh này là hình ảnh của một bé thơ ngủ yên trong vòng tay mẹ sau khi bú no. Vì gamul tiếng Hipri cho thấy, bé thơ này đang được bú và đang bám chặt lấy mẹ, là người đang ôm bé trong lòng. Có một sự gần gũi, một sự gẫn gũi có ý thức chứ không thuần túy sinh học. Dựa vào hình ảnh này, tác giả Thánh vịnh đã hát lên: “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ, an vui” (Tv 131, 2), Ta cũng có thể nghĩ về những lời đánh động khác Hôsê đặt lên miệng Thiên Chúa: “Thuở Israel còn thơ bé, ta đã yêu thương nó… Ta ẵm nó vào lòng… Ta dẫn nó đi bằng dây nhân nghĩa, bằng mối yêu thương, đối với nó, Ta như người tháo xiềng bịt miệng nó và cúi xuống cho nó ăn” (Hs 11, 3 – 4).
  3. Với cái nhìn đức tin và đức mến, ân sủng và trung tín, ta đã chiêm ngưỡng mối tương quan giữa các gia đình nhân loại và Thiên Chúa Ba Ngôi. Lời Thiên Chúa dạy ta rằng gia đình này được ủy thác cho một người nam, một người nữ và con cái họ, để họ có thể trở thành một sự hiệp thông của các ngôn vị theo hình ảnh của sự hiệp thông của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Về phần mình, việc sinh sản và nuôi dạy con cái luôn phản ánh công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa. Gia đình được mời gọi họp nhau cầu nguyện hằng ngày, đọc lời Thiên Chúa và tham dự sự hiệp thông Thánh Thể và như thế cũng là lớn lên trong tình yêu và trở thành đền thờ cho Chúa Thánh Thần ngự ngày một trọn vẹn hơn.
  4. Mỗi gia đình phải hướng đến hình ảnh của Thánh gia Nazaret. Cuộc sống hằng ngày của gia đình thánh này luôn có sự chia sẻ gánh nặng và cả những nỗi kinh hoàng, như khi gặp phải sự hung tàn của Hêrôđê. Tiếc rằng sự kiện sau cùng ấy là một kinh nghiệm vẫn đang làm khốn đốn nhiều gia đình tỵ nạn hiện đang cảm thấy bị bỏ rơi và không được cứu giúp. Giống như các nhà chiêm tinh, các gia đình của ta được mời gọi chiêm ngắm Chúa Hài Nhi và Mẹ Ngài, cúi mình xuống thờ lạy Ngài (x. Mt 2, 11). Như Đức Maria, các gia đình cũng được yêu cầu đương đầu với những thách thức của gia đình mình với sự can đảm và an tĩnh, lúc thuận, lúc nghịch và giữ lại trong lòng những điều trọng đại Thiên Chúa đã làm (x. Lc 2, 19, 51). Kho tàng trong lòng Đức Maria cũng bao gồm cả kinh nghiệm về mỗi gia đình, mẹ đang ấp ủ. Vì lý do đó, mẹ có thể giúp ta hiểu được ý nghĩa của những kinh nghiệm này và giúp ta nghe được sứ điệp Thiên Chúa muốn truyền thông qua cuộc sống gia đình của ta.

Linh mục Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R. chuyển ngữ

(còn tiếp)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube