CHƯƠNG NĂM
TÌNH YÊU LÀM CHO SINH HOA TRÁI
- Tình yêu bao giờ cũng đem lại sự sống. Tình yêu vợ chồng “không kết thúc với đôi bạn… Đôi bạn, trong việc trao hiến mình cho nhau, không chỉ hiến mình mà còn đem lại thực tại của con cái, là những phản ánh sống động của tình yêu họ, là một dấu chỉ thường hằng của sự hợp nhất vợ chồng và là một tổng hợp sống động và bất khả phân ly của việc là cha là mẹ”[1].
ĐÓN NHẬN SỰ SỐNG MỚI
- Gia đình là môi trường trong đó một sự sống mới không chỉ được sinh ra mà còn được đón nhận như một ân ban của Thiên Chúa. Mỗi sự sống mới đều “cho phép ta đánh giá chiều kích hoàn toàn nhưng không của tình yêu, một tình yêu không bao giờ thôi làm ta kinh ngạc. Đó là vẻ đẹp của việc được yêu thương trước: con cái được yêu trước cả khi chúng ra đời”[2]. Ở đây ta thấy một phản ánh về tính ưu việt của tình yêu Thiên Chúa, Đấng luôn có sáng kiến, vì con cái “được yêu trước khi làm được bất cứ thứ gì xứng với tình yêu ấy”[3]. Nhưng, “từ giây phút đầu tiên ấy của cuộc đời, nhiều trẻ em đã bị chối bỏ, khước từ và bị tước mất tuổi thơ và tương lai. Có những người dám nói, như thể để biện minh cho mình, rằng đưa con cái vào trần gian này là một sai lầm. Thật đáng hổ thẹn! … Làm sao ta có thể đưa ra những tuyên bố long trọng về các quyền con người và các quyền của trẻ em, nếu ta nuốn trừng phạt trẻ em vì lỗi lầm của người lớn?[4]. Nếu một em nào đó đi vào trong thế giới này trong những hoàn cảnh bất đắc dĩ, thì cha mẹ và mọi thành viên của gia đình phải làm mọi sự có thể để chấp nhận em ấy như quà tặng Thiên Chúa ban và đảm nhận trách nhiệm chấp nhận em với sự cởi mở và thương mến. Vì “khi nói về trẻ em sinh vào trong cuộc đời này, thì không một hy sinh nào của người lớn bị coi là quá tốn kém hay quá lớn, nếu ta có ý định không bao giờ để các em có cảm tưởng rằng chúng là một sai lầm, là vô dụng và bị phó mặc cho bốn phương trời và sự kiêu hãnh của đàn ông”[5]. Việc Thiên Chúa ban tặng cho cha mẹ một người con mới bắt đầu với việc chấp nhận, tiếp tục với vẻ che chở suốt đời và hướng tới cùng đích là sự sống đời đời. Nhờ lặng lẽ chiêm ngắm sự hoàn tất chung cuộc của mỗi người, cha mẹ sẽ ý thức hơn về quà tặng quý giá được ban cho mình. Vì Thiên Chúa cho phép cha mẹ cho con cái mình, một tên mà chính Ngài sẽ đời đời gọi em[6].
- Các đại gia đình là một niềm hoan lạc của Hội Thánh. Các gia đình ấy diễn tả sự phong nhiêu của tình yêu. Đồng thời Thánh Gioan Phaolô II giải thích cách đúng đắn rằng việc làm cha mẹ có trách nhiệm không muốn nói đến việc “hạn chế sinh sản hay thiếu ý thức về những gì liên quan tới việc nuôi dạy con cái, nhưng muốn nói đến việc ban quyền cho đôi bạn để họ sử dụng tự do bất khả xâm phạm cách khôn ngoan và có trách nhiệm, khi cân nhắc các thực tại xã hội và nhân khẩu học cũng như hoàn cảnh và ước vọng hợp pháp của họ”[7].
Tình yêu và việc mang thai
- Mang thai là thời kỳ khó khăn nhưng tuyệt diệu. Người mẹ cùng với Thiên Chúa đem lại phép lạ về một sự sống mới. Việc làm mẹ là kết quả của một “tiềm năng sáng tạo đặc biệt của thân thể người nữ, hướng đến việc cưu mang và sinh ra một con người mới”[8]. Mỗi phụ nữ đều tham dự vào “mầu nhiệm tạo thành, một mầu nhiệm được canh tân mỗi lần sinh nở”[9]. Tác giá Thánh vịnh nói: “Ngài dệt tấm thân con trong lòng thân mẫu” (Tv 139, 13). Mỗi bé thơ lớn lên trong lòng mẹ là một phần của kế hoạch yêu thương của Chúa Cha: “Trước khi ngươi hình thành trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi, trước khi ngươi lọt lòng mẹ, ta đã hiến thánh ngươi” (Gr 1, 5). Mỗi bé thơ đều có một chỗ trong cõi lòng Thiên Chúa từ đời đời; khi em được cưu mang, giấc mơ muôn đời của Thiên Chúa thành hiện thực. Ta hãy dừng lại một chút để gẫm suy giá trị cao vời của một bào thai ngay từ lúc được cưu mang. Ta cần nhìn bào thai ấy bằng đôi mắt của Thiên Chúa, Đấng luôn nhìn vượt quá dáng vẻ bên ngoài.
- Người phụ nữ mang thai có thể tham dự vào kế hoạch của Thiên Chúa qua ước mơ có con. “Suốt chín tháng mọi cha mẹ đều mơ về con mình… Không có ước mơ, bạn không thể có gia đình được. Khi gia đình mất khả năng mơ ước, con cái sẽ không phát triển, tình yêu sẽ mai một, sự sống sẽ teo tóp và tàn lụi”[10]. Đối với các vợ chồng Kitô hữu, bí tích Thánh tẩy nhất thiết phải xuất hiện trong ước mơ ấy. Với việc cầu nguyện, cha mẹ chuẩn bị cho con lãnh nhận Thánh tẩy, ký thác con mình cho Chúa Giêsu trước cả khi bé được sinh ra.
- Các tiến bộ khoa học ngày nay cho phép ta biết trước tóc bé màu gì hay những bệnh tình sau này chúng sẽ phải chịu, vì mọi vết tích thuộc thể xác của con người đều được ghi trong mã di truyền của họ rồi trong tình trạng phôi thai. Nhưng chỉ Chúa Cha, Đấng Tạo dựng, mới biết cách đầy đủ em bé ấy; chỉ mình Ngài biết căn tính và giá trị sâu xa nhất của chúng. Các bà mẹ mang thai cần xin Thiên Chúa sự khôn ngoan để biết đầy đủ về con cái mình và chúng sao chấp nhận chúng vậy. Một số cha mẹ cảm thấy con mình không được sinh ra vào lúc tốt nhất. Họ nên xin Chúa chữa lành và ban sức mạnh để có thể chấp nhận con cái cách trọn vẹn và hết lòng. Điều quan trọng là làm sao để em bé ấy thấy mình được mọi người mong muốn. Em không phải là một thứ phụ thuộc hay một giải pháp cho một nhu cầu nào đó của con người. Em là một con người có một giá trị vô biên và không bao giờ được sử dụng vì lợi ích của bất cứ ai. Vì thế, cuộc sống mới này có lợi cho bạn không, bạn có thích nét mặt nó không, hay nó có hợp với kế hoạch và ước vọng của bạn không, không thành vấn đề. Vì “con cái là một quà tặng. Mỗi em đều độc nhất vô nhị và bất khả thay thế… ta thương con cái không phải vì chúng đẹp hay chúng tỏ vẻ hoặc suy nghĩ như ta hay thể hiện ước mơ của ta. Ta thương chúng vì chúng là con. Con thì muôn đời là con”[11]. Tình thương của cha mẹ là phương tiện nhờ đó Chúa Cha bày tỏ tình thương của Ngài. Ngài chờ đợi mỗi trẻ sinh ra, chấp nhận chúng cách vô điều kiện và tự do đón nhận chúng.
- Với lòng yêu mến thẳm sâu cha xin tất cả các bà mẹ tương lai: vui lên và đừng để bất cứ thứ gì tước mất của các con niềm vui nội tâm của thiên chức làm mẹ. Con cái các con xứng đáng với hạnh phúc của các con. Đừng để những sợ hãi, âu lo và những chỉ trích hay rắc rối của người khác làm vơi nhẹ niềm vui được là phương tiện đem lại sự sống mới cho trần gian này của Thiên Chúa. Hãy chuẩn bị cho việc sinh con, nhưng đừng để bị ám ảnh, hãy hợp với Đức Maria hát lên bài hoan ca: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi, vì Ngài đoái thương nhìn đến phận hèn tôi tớ Ngài” (Lc 2, 46-48). Hãy cố kinh nghiệm sự phấn khích thanh bình này giữa những âu lo và hãy xin Chúa gìn giữ niềm vui của các con để các con có thể truyền lại cho con cái mình.
Tình yêu của một người mẹ và một người cha
- “Con cái, một khi được sinh ra, cùng với việc dưỡng nuôi chăm sóc, bắt đầu nhận được việc ban tặng sự hiểu biết thiêng liêng với sự chắc chắn rằng chúng được yêu thương. Tình yêu này được tỏ cho chúng qua việc đặt tên, chia sẻ ngôn ngữ, những cái nhìn yêu thương và nụ cười rạng rỡ. Theo cách này, chúng biết được rằng nét đẹp của các mối tương quan của con người luôn đụng tới tâm hồn chúng ta, luôn tìm kiếm tự do và chấp nhận sự khác biệt của kẻ khác, nhìn nhận và tôn trọng họ như thành phần của cuộc đối thoại… Tình yêu là thế, và tình yêu ấy bao hàm một tia sáng của tình yêu Thiên Chúa đấy!”[12] Mọi người con đều có quyền đón nhận tình yêu từ cha và mẹ; cả cha lẫn mẹ đều cần thiết đối với sự phát triển hài hòa và toàn diện của con cái. Như các giám mục Úc nhận xét, mỗi vợ chồng đều “góp phần vào việc dưỡng dục con cái theo cách riêng của mình. Tôn trọng phẩm giá của con cái có nghĩa là khẳng định nhu cầu và quyền tự nhiên được có cha, có mẹ của chúng”[13]. Ta không chỉ nói về tình yêu của cha và của mẹ với tư cách là những cá nhân, mà còn nói về tình yêu các ngài dành cho nhau, được cảm nhận như cội nguồn sự sống con người và như nền tảng vững chắc của gia đình. Không có tình yêu này, con cái thường chỉ là đồ chơi. Vợ và chồng, cha và mẹ, cả hai đều “cộng tác với tình yêu Thiên Chúa, Đấng tạo dựng, và theo một nghĩa nào đó, đều là thông dịch viên của Thiên Chúa”[14]. Cha mẹ tỏ cho con cái khuôn mặt thuộc cha, mẹ của Chúa. Họ cùng nhau truyền dạy giá trị của sự hỗ tương, của sự tôn trọng sự khác biệt và của khả năng cho và nhận. Nếu vì một lý do nào đó không thể tránh được, chỉ còn một cha hoặc mẹ thôi, thì điều quan trọng là bù lại sự mất mát ấy vì sự phát triển lành mạnh đến mức trưởng thành của con cái.
- Cảm thức bị mồ côi ảnh hưởng đến nhiều trẻ em và thanh niên hiện sâu đậm hơn ta nghĩ nhiều. Ngày nay, ta công nhận việc phụ nữ mong muốn học tập, làm việc và phát triển tài năng và có những mục đích cá nhân là điều hợp pháp và đáng mong ước. Đồng thời, ta cũng không thể coi thường nhu cầu con cái phải có sự hiện diện của mẹ, nhất là những tháng đầu của cuộc sống. Thật vậy, “với tư cách là mẹ, chủ thể của sự sống mới, vừa được cưu mang và phát triển trong bà và sẽ từ bà sinh vào trong thế giới này, phụ nữ quan trọng hơn nam giới”[15]. Việc làm yếu đi sự hiện diện của người mẹ với các phẩm chất phụ nữ đang khơi lên những nguy hiểm nghiêm trọng cho thế giới của ta. Dĩ nhiên, tôi đánh giá cao thuyết nam nữ bình quyền, nhưng là một thuyết không đòi sự đồng nhất hay phủ nhận việc làm mẹ. Vì sự cao trọng của phụ nữ bao hàm mọi quyền xuất phát từ phẩm giá không thể chuyển nhượng của con người và cũng xuất phát từ thiên tài của người nữ, rất quan trọng đối với xã hội. Những khả năng đặc biệt của phụ nữ của họ – cách riêng việc làm mẹ – cũng là những nhiệm vụ quan trọng bởi việc là phụ nữ cũng đòi hỏi một sứ mạng đặc biệt trong thế giới này, một sứ mạng xã hội cần bảo vệ và gìn giữ vì lợi ích của mọi người[16].
- “Các bà mẹ là thuốc giải độc mạnh nhất đối với việc truyền bá chủ nghĩa cá nhân ích kỷ… Chính các bà mới là những người làm chứng cho vẻ đẹp của sự sống”[17]. Chắc chắn, “một xã hội không có mẹ sẽ là một xã hội phi nhân, vì các bà mẹ luôn luôn, thậm chí cả những lúc tồi tệ nhất, vẫn làm chứng cho sự dịu hiền, trao hiến và sức mạnh luân lý. Các bà mẹ thường truyền thông ý nghĩa sâu xa nhất của việc thực hành tôn giáo trước tiên trong việc cầu nguyện và các việc đạo đức để các con bà noi theo… Không có các bà mẹ, sẽ không chỉ không có các tín hữu mới, mà ngay cả chính đức tin cũng sẽ đánh mất phần tốt lành của sự ấm cúng đơn giản và sâu xa… Các bà mẹ thân mến: xin cám ơn các bà vì vị trí của các bà trong gia đình và vì những gì các bà đem cho Hội Thánh và thế giới này”[18].
- Bà mẹ nào chăm sóc con với sự dịu hiền và nhân hậu sẽ giúp con bà lớn lên trong tin tưởng và kinh nghiệm được rằng thế giới này là một nơi tốt lành. Điều này giúp cho con bà lớn lên trong sự tự trọng và rồi phát triển khả năng thân thiết và cảm thương. Về phần mình, người cha sẽ giúp con cảm nhận được các giới hạn của cuộc sống, cởi mở với những thách thức của thế giới rộng lớn hơn và thấy được nhu cầu cần làm việc chăm chỉ và cố gắng không ngừng. Người cha có một căn tính nam giới rõ ràng và bình thản, thể hiện tình cảm và chăm sóc vợ mình thì cũng cần thiết hệt như một người mẹ chu đáo. Có thể có một sự uyển chuyển nào đó về các vai trò và trách nhiệm, tùy thuộc những hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình đặc biệt. Nhưng sự hiện diện rõ ràng và rành mạch này của cả hai nhân vật, nữ và nam, sẽ tạo nên một môi trường thích hợp nhất cho sự lớn mạnh của con cái.
- Ta thường nghe nói rằng xã hội của ta là “một xã hội không có cha”. Trong nền văn hóa phương Tây, người ta bảo rằng khuôn mặt của ngươi cha vắng bóng, mất tích hay bị biến mất cách biểu tượng. Việc là đàn ông tự nó có vẻ đang bị đặt vấn đề. Kết quả là một sự lầm lẫn có thể hiểu được. “Lúc đầu, điều này được cảm nhận như một sự giải thoát: giải thoát khỏi người cha với tư cách là ông chủ, khỏi người cha với tư cách là đại diện cho một luật áp đặt từ bên ngoài, khỏi người cha với tư cách là người phân xử hạnh phúc của con cái và là một trở ngại đối với sự giải thoát và tự lập của giới trẻ. Trong một số gia đình chủ nghĩa độc đoán và đôi khi cả sự đàn áp đã từng cai trị”[19]. Nhưng “như vẫn thường xảy ra, người ta luôn đi từ thái cực này đến thái cực khác. Trong ngày hôm nay của ta, vấn đề có vẻ không còn là sự hiện diện không thể chịu đựng được của người cha nữa mà là sự thiếu vắng hay không có mặt. Những người cha thường quá bận với mình và công việc mình, và đôi khi với sự hoàn tất chính mình đến độ bỏ bê gia đình. Họ để mặc trẻ thơ và người trẻ một mình”[20]. Sự hiện diện của những người cha và do đó, sự hiện diện của quyền bính họ cũng bị ảnh hưởng bởi số lượng thời gian dành cho việc truyền thông và giải trí. Hiện nay quyền ấy thường bị nghi ngờ và người lớn bị đối xử cách hỗn xược. Chính họ cũng mơ hồ nên không thể đưa ra một sự hướng dẫn chắc chắn con cái được.Việc đảo lộn vai trò của cha mẹ và con cái là điều không lành mạnh, vì cản trở tiến trình phát triển riêng con cái cần kinh nghiệm và khước từ chúng tình yêu và sự hướng dẫn cần thiết để trưởng thành[21].
- Thiên Chúa đã đặt người cha vào trong gia đình để nhờ những ân ban của nam tính mình, họ có thể “gần gũi vợ và chia sẻ mọi sự, vui buồn, hy vọng và gian khổ. Và gần gũi con cái khi chúng lớn lên – khi chúng vui chơi và làm việc, khi chúng thảnh thơi và u buồn, khi chúng nói năng và im lặng, khi chúng bạo dạn và sợ hãi, khi chúng lạc đường và trở lại đường ngay nẻo chính. Để là một người cha luôn hiện diện. Khi nói “hiện diện”, tôi không muốn nói đến “kiểm soát”. Những người cha nào kiểm soát cách quá đáng sẽ che khuất con cái mình, không để chúng triển nở”[22]. Một số người cha cảm thấy mình vô tích sự hay không cần thiết, nhưng sự thật là “con cái cần thấy một người cha chờ đợi chúng khi chúng về nhà với những rắc rối. Có lẽ chúng cố không công nhận điều ấy, không cho thấy điều ấy, nhưng chúng cần điều ấy”[23]. Đối với con cái, thiếu người cha và thành người lớn khi chưa sẵn sàng điều không tốt.
MỞ RỘNG SỰ PHONG NHIÊU
- Một số vợ chồng không thể có con. Ta biết rằng đây có thể là nguyên nhân đau khổ thật đối với họ. Đồng thời, ta cũng biết rằng “hôn nhân được thiết lập không phải chỉ để sinh con… Cả trong những trường hợp, dù vợ chồng khao khát mãnh liệt vẫn không có con, nhưng hôn nhân vẫn giữ được các đặc tính của nó là một cách thức nguyên vẹn và sự hiệp thông sự sống, và vẫn giữ được giá trị và sự vô phương tháo gỡ của nó”[24]. Cũng vậy, “việc làm mẹ không chỉ là một thực tại sinh vật học, nhưng được diễn tả trong những cách thức đa dạng”[25].
- Việc nhận con nuôi là một cách thức quảng đại để trở thành cha mẹ. Tôi khuyến khích những ai không thể có con mở rộng tình yêu vợ chồng tới chỗ ấp ủ những người thiếu một hoàn cảnh gia đình đúng cách. Họ sẽ không bao giờ hối tiếc vì đã quảng đại. Việc nhận con nuôi là một hành vi yêu thương, vì đã trao hiến quà tặng của gia đình cho người không có. Điều quan trọng phải nhấn mạnh là luật pháp phải làm sao cho tiến trình nhận con được dễ dàng, nhất là trong trường hợp các trẻ em bất đắc dĩ, để tránh tình trạng phá thai hay ruồng bỏ. Những ai chấp nhận khó khăn của việc nhận con nuôi và chấp nhận một ai đó cách vô điều kiện và nhưng không đều trở thành máng chuyển tình yêu Thiên Chúa. Vì Ngài phán: “Dù có bà mẹ nào bỏ con đi nữa, thì ta, ta sẽ không quên bỏ ngươi” (Is 49, 15).
- “Việc chọn nhận con nuôi hay chỉ nhận chăm sóc một thời gian diễn tả một thứ phong nhiêu đặc biệt trong kinh nghiệm hôn nhân, và không chỉ trong các trường hợp hiếm muộn. Dưới ánh sáng của những hoàn cảnh này, khi người ta mong có con bằng mọi giá, như một thứ quyền để tự hoàn tất mình, việc nhận con nuôi và nhận chăm sóc, được hiểu cách đúng đắn, luôn thể hiện một khía cạnh đặc biệt của việc làm cha mẹ và nuôi dạy con cái. Những việc ấy làm người ta ý thức rằng con cái, dù con đẻ, con nuôi hay chỉ được nhận chăm sóc trong một thời gian, đều là các bản vị có quyền riêng cần phải được chấp nhấn, yêu thương và chăm sóc chứ không chỉ đưa vào trần gian này thôi. Những quyền lợi tốt nhất của con cái bao giờ cũng phải là nền tảng cho quyết định nhận con nuôi và nhận chăm sóc”[26]. Mặt khác, “cần phải ngăn chặn nạn buôn bán trẻ em giữa các quốc gia và các lục địa bằng các hoạt động hợp pháp thích hợp và việc kiểm soát của chính quyền.
- Ta cũng phải nhớ kỹ rằng sinh sản và nhận con nuôi không phải là những cách kinh nghiệm duy nhất về sự phong nhiêu của tình yêu. Cả những đại gia đình cũng được kêu gọi ghi dấu trên xã hội, bằng cách tìm ra những cách khác để diễn tả sự phong nhiêu của tình yêu để một cách nào đó, kéo dài tình yêu vẫn nâng đỡ họ. Các gia đình Kitô giáo không bao giờ được quên rằng “đức tin không đưa ta ra khỏi mà đưa ta đi sâu hơn vào trong thế gian này… Quả thật, mỗi chúng ta đều có một vai trò đặc biệt trong việc chuẩn bị cho Nước Thiên Chúa trong thế giới của ta”[27]. Các gia đình không nên coi mình là nơi ẩn náu xa cách xã hội, mà thay vào đó, là việc đi ra khỏi nhà trong tinh thần liên đới với tha nhân. Theo cách này, các gia đình trở thành trung tâm đưa người ta vào trong xã hội và là điểm tiếp xúc giữa bầu khí riêng tư với bầu khí công cộng. Các vợ chồng nên ý thức rõ về những ràng buộc xã hội. Với ý thức này, tình cảm của họ không giảm bớt nhưng ngập tràn ánh sáng mới. Như một thi sĩ kia đã nói:
Bàn tay anh là sự âu yếm của em.Những ngày đời em chan chứa bình an. Em yêu anh vì bàn tay anh làm việc cho công lý.
Nếu anh yêu em, thì đó là vì em là tình yêu của anh, là bạn đường, là tất cả của anh và trên đường phố, vai kề vai, ta không chỉ có hai”[28].
- Nếu tự coi mình là quá khác hay “tách biệt”, thì chẳng gia đình nào có thể sinh con. Để tránh nguy cơ này, ta nên nhớ rằng gia đình Chúa Giêsu, đầy ân sủng và khôn ngoan, vẫn không có vẻ bất thường hay khác với các gia đình khác. Đó là lý do vì sao người ta thấy khó nhìn nhận sự khôn ngoan của Chúa Giêsu: “Bởi đâu người này khôn ngoan như thế? Ông chẳng phải là thợ mộc, con bà Maria đó sao?” (Mc 6, 23). “Đó chẳng phải con ông thợ mộc sao?” (Mt 13, 35). Những thắc mắc ấy cho thấy rõ gia đình của các ngài là một gia đình bình thường, gần gũi với các gia đình khác, là một thành phần bình thường của cộng đoàn. Chúa Giêsu không lớn lên trong một mối tương quan khép kín, ngột ngạt với Đức Maria và Thánh Giuse, mà dễ dàng tương tác với gia đình rộng lớn hơn, các thân bằng quyến thuộc của cha mẹ Ngài. Chính vì thế mà, trên đường từ Giêrusalem về, Đức Maria và Thánh Giuse có thể tưởng rằng trẻ Giêsu mười hai tuổi, suốt ngày đang ở đâu đó trong đoàn lữ hành, nghe chuyện của họ và chia sẻ những âu lo của họ: “Tưởng rằng Ngài đi với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đàng mới đi tìm” (Lc 2, 44). Nhưng, một số gia đình Kitô giáo, không biết có phải vì ngôn ngữ sử dụng, vì cách hành động hay xử sự với tha nhân, hay cứ nhai đi, nhai lại vài, ba vấn đề, đã trở thành bị coi là xa lạ hay không thực sự là thành viên của cộng đoàn. Cả thân nhân của họ cũng coi khinh và xét xử họ.
- Vợ chồng nào kinh nghiệm được sức mạnh của tình yêu, đều biết rằng tình yêu này được mời gọi băng bó các thương tích của những người bị xã hội hắt hủi, nuôi dưỡng một nền văn hóa gặp gỡ và đấu tranh cho công lý. Thiên Chúa vẫn ban cho gia đình công việc “thuần hóa” thế giới này[29] và giúp mỗi người biết nhìn đồng loại là anh chị em mình. “Nhìn kỹ vào đời sống hằng ngày của con người hôm nay cho thấy ngay ở đâu cũng có nhu cầu đem lại tinh thần gia thất lành mạnh… Không chỉ việc tổ chức cuộc sống hằng ngày bình thường đang không ngừng bị bộ máy quan liêu đã hoàn toàn bị bứng ra khỏi những ràng buộc căn bản của con người ngăn cản, mà cả những tập tục xã hội và chính trị cũng cho thấy dấu chỉ đang xuống cấp”[30]. Về phần mình, các gia đình biết quan tâm, cởi mở luôn tìm được chỗ cho người nghèo và xây dựng tình bằng hữu với những người kém may mắn hơn mình. Trong những nỗ lực muốn sống theo Tin mừng, các gia đình ấy luôn để ý tới những lời sau của Chúa Giêsu: “Bất cứ điều gì các ngươi làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất này là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25, 40). Cách rất thật, đời họ luôn diễn tả những gì Chúa Giêsu xin tất cả chúng ta: “Khi các ngươi làm tiệc đãi khách, đừng mời bạn hữu hay anh em, hàng xóm giàu có, kẻo họ mời lại các ngươi, và các người đã được trả công. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khổ, què quặt, thương tật, đui mù, và các ngươi sẽ được chúc phúc” (Lc 14, 12-14). Các người sẽ thật có phúc! Đây là bí quyết của gia đình hạnh phúc.
- Nhờ chứng tá cũng như lời nói của mình, các gia đình đang tỏ bày Chúa Giêsu cho người khác. Họ truyền lại đức tin, khơi lên khát vọng Thiên Chúa và phản ánh vẻ đẹp và cách sống của Tin mừng. Như thế, các cuộc hôn nhân Kitô giáo làm cho xã hội dậy men nhờ chứng tá của tình huynh đệ, nhờ việc quan tâm đối với xã hội và lên tiếng bênh vực những người thiếu may mắn, nhờ đức tin chói ngời và đức cậy sống động. Sự phong nhiêu của các gia đình ấy mở rộng và làm cho tình yêu Thiên Chúa hiện diện trong xã hội trong muôn ngàn cách.
Phân biệt thân mình
- Cùng với những dòng này, ta sẽ xem xét kỹ một bản văn Kinh Thánh vẫn thường bị giải thích ngoài bối cảnh của nó hay giải thích theo một nghĩa khái quát, với nguy cơ coi nhẹ ý nghĩa trực tiếp và gần nhất của nó, một ý nghĩa nặng tính xã hội. Tôi đang nói tới 1 Côrintô 11, 17-34, chỗ Thánh Phaolô đương đầu với một hoàn cảnh đáng hổ thẹn trong cộng đoàn. Những thành phần giàu có hơn có khuynh hướng kỳ thị những thành phần nghèo khổ hơn và chuyện này xảy ra cả với bữa ăn agape, ngay sau việc cử hành Thánh Thể. Trong khi người giàu dùng bữa hả hê, thì người nghèo đứng nhìn và ra về bụng đói: “Người thì say mèn, kẻ lại đói meo. Anh em không có nhà để ăn ưống sao? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và nhục mạ những người không có của?” (c. 21 – 22).
- Thánh Thể đòi ta phải là các chi thể trong một thân mình duy nhất là Hội Thánh. Những ai đến với Mình và Máu Đức Kitô không được phép làm tổn thương thân mình ấy bằng cách tạo ra những khác biệt hay chia rẽ tai tiếng nơi các thành viên của mình. Điều ta muốn nói ở đây là “phân biệt” thân mình của Chúa, là nhìn nhận thân mình ấy với đức tin và đức ái cả trong dấu chỉ bí tích lẫn trong cộng đoàn; Ai không phân biệt được thì sẽ ăn và uống án phạt dành cho mình (c. 29). Như thế, việc cử hành Thánh Thể trở thành lời không ngừng kêu gọi mọi người “xét mình” (c. 28), mở toang các cửa của gia đình để có được sự hiệp thông hơn với những người thiệt thòi và theo cách này việc lãnh nhận bí tích của tình yêu Thánh Thể ấy làm cho ta nên một thân mình. Ta không được quên rằng “sự huyền nhiệm của bí tích này có một đặc tính xã hội”[31]. Khi những người lãnh bí tích này không thấy được người đui mù, đau khổ, hay đồng thuận với những hình thức chia rẽ, khinh miệt và bất bình đẳng khác nhau, thì họ sẽ lãnh nhận Thánh Thể cách bất xứng. Trái lại, các gia đình nào chuẩn bị cách xứng hợp và thường xuyên lãnh nhận Thánh Thể, đều tăng cường khát vọng tình huynh đệ, củng cố ý thức xã hội và việc dấn thân cho những người thiếu thốn.
SỰ SỐNG TRONG GIA ĐÌNH
- Gia đình hạt nhân cần tương tác với gia đình rộng lớn hơn được hình thành bởi cha mẹ, cậu mợ, chú bác, cô dì, họ hàng và hàng xóm. Gia đình lớn này có thể có những thành viên cần phải giúp đỡ hay ít ra cần sự đồng hành và tình cảm, hay ủi an khi đau khổ[32]. Chủ nghĩa cá nhân đang phổ biến hiện nay có thể đưa tới chỗ tạo nên những tổ ấm an toàn nhỏ bé, nơi những người khác bị coi là phiền hà và hiểm họa. Tuy nhiên, sự cô lập ấy không thể đem lại một nền hòa bình hay hạnh phúc lớn hơn được; mà chỉ bóp nghẹt con tim của gia đình và làm cho đời sống gia đình ngày càng nhỏ hẹp hơn.
Là con cái
- Trước tiên, ta hãy nghĩ đến cha mẹ mình. Chúa Giêsu nói với những người Biệt phái rằng từ bỏ cha mẹ là phản lại với luật của Thiên Chúa (x. Mc 7, 8-13). Ta nhớ mỗi chúng ta đều là con cái cả là điều phải đạo. “Dù người ta đã trưởng thành, hay đứng tuổi, dù đã thành cha mẹ, dù họ đã có địa vị thế nào đi nữa, thì bên dưới tất cả những thứ ấy, họ vẫn là một người con. Tất cả chúng ta đều là con cái. Và điều này bao giờ cũng đưa ta về lại với việc tự mình, ta không đem lại cho ta sự sống nhưng lãnh nhận sự sống ấy. Món quà sự sống này là quà tặng đầu tiên ta đón nhận”[33].
- Vì thế, “Điều răn thứ tư đòi con cái… phải thảo kính cha mẹ (x. Xh 20, 12). Điều răn này xuất hiện ngay sau khi diện kiến Thiên Chúa. Thật vậy, điều răn này liên quan tới một điều thánh thiêng, một điều thần thánh, một cái gì đó nằm tại nền tảng của mọi thứ tôn trọng khác của con người. Công thức Kinh Thánh của điều răn thứ tư tiếp tục như sau: ‘ngươi sẽ được trường thọ trong đất Đức Chúa là Thiên Chúa của người ban cho ngươi’. Sợi dây nhân đức này giữa các thế hệ là bảo đảm duy nhất cho tương lai và bảo đảm duy nhất cho một xã hội thực sự nhân bản. Xã hội mà con cái không thảo kính cha mẹ bao giờ cũng là một xã hội không danh giá… Đó là một xã hội hướng đến chỗ ắp đầy những người trẻ tham lam và gây hấn”[34].
- Tuy nhiên, đồng tiền cũng còn một khía cạnh khác. Vì lời Thiên Chúa nói với ta: “người nam sẽ bỏ cha mẹ mình” (St 2, 24). Điều này không phải lúc nào cũng xảy ra, và hôn nhân thường bị trở ngại vì không thực hiện sự hy sinh và tuân phục cần thiết này. Ta không được bỏ hay hờ hững với cha mẹ, nhưng hôn nhân tự nó cũng đòi phải bỏ cha mẹ, để gia đình mới trở thành tổ ấm thật, một nơi an toàn, hy vọng và những kế hoạch tương lai, và nơi vợ chồng thật sự là “một xương một thịt” (ibid.). Trong một cuộc hôn nhân, vợ chồng vẫn giữ bí mật đối với nhau, thay vào đó lại tin tưởng cha mẹ mình. Kết quả là, ý kiến của cha mẹ trở thành quan trọng hơn tình cảm và ý kiến của vợ chồng. Tình hình này không thể kéo dài được, và dù phải có thời gian, nhưng cả hai vợ chồng cần cố gắng lớn lên trong sự tin tưởng và truyền thông. Hôn nhân bao giờ cũng thách thức vợ chồng tìm ra những cách làm con cái mới.
Những người cao niên
- “Đừng sa thải tôi khi tuổi đà xế bóng; chớ xua đuổi tôi khi sức lực hao mòn” (Tv 71, 9). Đây là lời cầu xin của người cao niên, sợ bị quên lãng và loại bỏ. Thiên Chúa xin ta là phương tiện của Ngài trong việc lắng nghe tiếng kêu cứu của những người nghèo khổ thế nào, thì Ngài cũng muốn ta nghe tiếng kêu cứu của những người lớn tuổi như thế[35]. Điều này cho thấy một thách thức đối với các gia đình và cộng đoàn, vì “Hội Thánh không thể và không muốn rập theo não trạng bất nhẫn, ít hờ hững và khinh khi hơn, đối với tuổi già. Ta phải thức tỉnh cảm thức tập thể về lòng biết ơn, trân trọng và hiếu khách, khiến những người cao tuổi cảm thấy như một thành viên sống động của cộng đoàn. Những người cao tuổi của ta là nam và nữ, là cha và mẹ, đi trước ta trên đường, ở trong nhà ta, trong cuộc chiến hằng ngày cho một cuộc sống xứng đáng”[36]. Thật vậy, “Tôi mong muốn biết bao một Hội Thánh chính thức phản đối nền văn hóa sa thải bằng một niềm vui trào tràn của mối giao hảo mới giữa người già và trẻ”[37].
- Thánh Gioan Phaolô II xin ta để ý tới vai trò của những người cao niên trong gia đình, vì có những nền văn hóa, “nhất là vào bình minh của sự phát triển đô thị và công nghiệp mất trật tự này, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, đã loại bỏ người cao tuổi cách không thể chấp nhận được”[38]. Người cao tuổi giúp ta đánh giá đúng “sự liên tục giữa các thế hệ” nhờ “đặc sủng là nhịp cầu lấp đầy ngăn cách”[39]. Thường chính ông bà ta mới là người bảo đảm việc chuyển các giá trị quan trọng nhất cho con cháu mình, và “nhiều người có thể làm chứng rằng nhờ ông bà mà họ được đưa vào trong đời sống Kitô hữu”[40]. Lời nói, tình cảm hay cách đơn giản sự hiện diện của họ giúp con cái nhận ra rằng lịch sử không bắt đầu với họ, họ đang là một phần của cuộc hành hương có từ lâu đời, và họ cần tôn trọng tất cả những người đã đến trước mình. Những người thường cắt đứt với quá khứ chắc chắn sẽ thấy khó xây dựng các mối tương quan ổn định và khó nhận ra thực tế lớn hơn họ nhiều. “Việc chú ý tới người cao tuổi tạo nên khác biệt trong xã hội. Xã hội có cho thấy việc quan tâm tới họ không? Xã hội sẽ tiến triển nếu biết tôn trọng sự khôn ngoan của những người cao niên”[41].
- Việc thiếu ký ức lịch sử là một thiếu sót trầm trọng trong xã hội ta. Não trạng chỉ có thể nói: “xưa là xưa, nay là nay” chắc chắn là một não trạng ấu trĩ. Hiểu biết và đánh giá đúng quá khứ là con đường duy nhất để xây dựng một tương lai ý nghĩa. Ký ức cần thiết cho sự phát triển: “Hãy hồi tưởng lại những ngày trước” (Hr 10, 32). Lắng nghe những người cao niên kể chuyện đời rất hữu ích cho thiếu nhi và người trẻ; nó làm cho họ cảm thấy được liên kết với lịch sử sống động của gia đình, thôn xóm và đất nước. Gia đình nào không tôn trọng và thương mến ông bà, là những ký ức sống động của gia đình mình, thì đã suy thoái rồi, còn gia đình nào thương nhớ, gia đình ấy sẽ có tương lai. “Xã hội nào không có chỗ cho người cao niên, hay sa thải họ vì họ gây rắc rối, thì xã hội ấy đã bị virus rồi”[42], “xã hội ấy đã bị trốc gốc rồi’[43]. Kinh nghiệm hiện nay của ta về việc bị thành kẻ mồ côi là kết quả của sự ngắt quãng về văn hóa, về sự mất gốc và việc đánh mất sự chắc chắn, là những thứ đang hình thành nên cuộc sống ta, thách ta biến gia đình mình thành nơi con cái cắm rễ sâu trong mảnh đất phì nhiêu của lịch sử tập thể.
Là anh chị em
- Mối tương quan giữa anh chị em với nhau, với dòng thời gian, sẽ sâu sắc hơn và “mối dây huynh đệ hình thành trong gia đình giữa con cái với nhau, nếu được củng cố nhờ bầu khí giáo dục về việc cởi mở với tha nhân, sẽ là một trường học vĩ đại về tự do và hòa bình. Trong gia đình ấy, ta học được cách sống như một bộ phận duy nhất. Có lẽ không phải lúc nào ta cũng nghĩ đến chuyện này, nhưng chính gia đình ấy bao giờ cũng đưa tình huynh đệ vào thế giới này. Từ kinh nghiệm ban đầu này về tinh huynh đệ, được nuôi dưỡng bằng tình cảm và giáo dục tại gia, phong cách của tình huynh đệ sẽ tỏa ra như một sự hứa hẹn cho toàn xã hội”[44].
- Việc lớn lên với tư cách là anh chị em tạo nên một kinh nghiệm rất đẹp về việc chăm sóc và giúp đỡ nhau. Vì “tình huynh đệ trong các gia đình đặc biệt rực rỡ khi ta thấy được việc quan tâm chăm sóc, sự kiên nhẫn, tình cảm vây bọc chung quanh các em nhỏ, yếu ớt, bệnh hoạn hay dị tật”[45]. Ta phải nhìn nhận rằng “có anh chị em yêu thương là một kinh nghiệm độc đáo, quí báu và sâu đậm”[46]. Ta không cần kiên trì dạy trẻ em đối xử với nhau như anh chị em. Việc huấn luyện này, đôi khi rất đòi hỏi, là một trường học đích thật về xã hội hóa. Trong một số quốc gia, nơi chỉ có một người con trở thành phổ biến, kinh nghiệm về việc được là anh chị em ngày càng ít phổ biến. Khi chỉ có thể có một người con duy nhất, thì ta phải tìm ra các cách để bảo đảm rằng người con duy nhất ấy không lớn lên một mình hay cách cô lập.
Một cõi lòng bao la
- Thêm vào với phạm vi nhỏ bé của vợ chồng và con cái họ, có một gia đình lớn hơn, không thể bỏ qua được. Thật vậy, “tình yêu giữa vợ chồng và, theo cách suy diễn và rộng hơn, tình yêu giữa các thành viên trong cùng một gia đình – giữa cha mẹ và con cái, anh chị em, họ hàng thân quyến và các thành viên khác sống chung trong nhà – được ban cho sự sống và chất bổ dưỡng nhờ sự năng động nội tại không ngừng đưa gia đình tới sự hiệp thông ngày một sâu xa và mãnh liệt hơn, một sự hiệp thông là nền tảng và linh hồn của cộng đoàn hôn nhân và gia đình”[47]. Bạn hữu và những gia đình khác là một phần của đại gia đình này, cũng như các cộng đoàn gia đình, sẽ nâng đỡ nhau trong những khó khăn, trong các dấn thân về mặt xã hội và đức tin của nhau.
- Đại gia đình này sẽ cung cấp tình yêu và sự nâng đỡ cho các bà mẹ thiếu niên, cho con cái không có cha mẹ, cho các bà mẹ độc thân đang phải tự mình nuôi con, cho những người khuyết tật đang cần đến tình cảm và sự gần gũi đặc biệt, những bạn trẻ đang vật lộn với sự nghiện ngập, những người không lập gia đình, ly thân hay góa bụa đang ở một mình, và những người cao niên và đau yếu thiếu sự nâng đỡ của con cái. Gia đình này cũng phải ấp ủ “cả những người đã hoàn toàn thất bại trong cuộc sống”[48]. Đại gia đình này có thể giúp bù lại những khiếm khuyết của cha mẹ, khám phá và tường trình những hoàn cảnh có thể xảy ra trong đó con cái phải chịu bạo lực và ngay cả lạm dụng, và cung cấp tình yêu toàn diện và sự ổn định gia đình trong những hoàn cảnh cha mẹ bất lực về chuyện này.
- Cuối cùng, ta không thể quên rằng đại gia đình này bao gồm cha, mẹ chồng, nhạc phụ nhạc mẫu, mọi người thân của vợ chồng. Một lãnh vực đặc biệt tế nhị là học cách không nhìn những người thân ấy một cách nào đó như những người cạnh tranh, như các mối đe dọa hay những kẻ xâm phạm. Việc kết hợp vợ chồng đòi hỏi sự tôn trọng các truyền thống và tập quán của nhau, đòi cố gắng hiểu ngôn ngữ của nhau và đòi phải tránh chỉ trích, đòi chăm sóc và yêu mến nhau trong khi vẫn duy trì sự riêng tư và độc lập hợp pháp của vợ chồng. Sẵn sàng thực hành như thế cũng là một cách diễn tả tuyệt vời tình yêu hào phóng vợ chồng dành cho nhau.
Linh mục Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R. chuyển ngữ
(còn tiếp)
Chú thích:
[1] Gioan Phaolô II ,Tông huấn, Familiaris Consortio, (22 November 1981), 14: AAS 74 (1982), 96.
[2] Giáo lý (11 February 2015): L’Osservatore Romano, 12 February 2015, p. 8.
[3] Ibid.
[4] Giáo lý (8 April 2015): L’Osservatore Romano, 9 April 2015, p. 8.
[5] Ibid.
[6] Cf. Công đồng Vatican II, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 51: “Let us all be convinced that human life and its transmission are realities whose meaning is not limited by the horizons of this life only: their true evaluation and full meaning can only be understood in reference to our eternal destiny”.
[7] Letter to the Secretary General of the United Nations Organization on Population and Development (18 March 1994): Insegnamenti XVII/1 (1994), 750-751.
[8] Đức Gioan Phaolô II Catechesis (12 March 1980), 3: Insegnamenti III/1 (1980), 543.
[9] Ibid.
[10] Address at the Meeting with Families in Manila (16 January 2015): AAS 107 (2015), 176.
[11] Catechesis (11 February 2015): L’Osservatore Romano, 12 February 2015, p. 8.
[12] Giáo lý (14 October 2015): L’Osservatore Romano, 15 October 2015, p. 8.
[13] Hội đồng Giám mục Úc châu, Thư Mục vụ, Don’t Mess with Marriage (24 November 2015), 13.
[14] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Hội thánh trong Thế giới hôm nay, Gaudium et Spes, 50.
[15] Gioan Phaolô II, Giáo lý, (12 March 1980), 2: Insegnamenti III/1 (1980), 542.
[16] Cf. id., Tông huấn Mulieris Dignitatem (15 August 1988), 30-31: AAS 80 (1988), 1726-1729.
[17] Giáo lý (7 January 2015): L’Osservatore Romano, 7-8 January 2015, p. 8.
[18] Giáo lý (28 January 2015): L’Osservatore Romano, 29 January 2015, p. 8.
[19] Ibid.
[20] Cf. Relatio Finalis 2015, 28.
[21] Giáo lý (4 February 2015), L’Osservatore Romano, 5 February 2015, p. 8.
[22] Giáo lý (4 February 2015), L’Osservatore Romano, 5 February 2015, p. 8.
[23] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ vê Hội thánh trong Thế giới hôm nay, Gaudium et Spes, 50.
[24] Hội nghị chung đầu tiên của các giám mục châu Mỹ Latinh và Caribbe, Aparecida Document (29 June 2007), No. 457.
[25] Relatio Finalis 2015, 65.
[26] Address at the Meeting with Families in Manila (16 January 2015): AAS 107 (2015), 178.
[27] Address at the Meeting with Families in Manila (16 January 2015): AAS 107 (2015), 178.
[28] Mario Benedetti, “Te Quiero”, in Poemas de otros, Buenos Aires 1993, 316: ““Tus manos son mi caricia / mis acordes cotidianos / te quiero porque tus manos / trabajan por la justicia. // Si te quiero es porque sos / mi amor mi cómplice y todo / y en la calle codo a codo / somos mucho más que dos.
[29] X. Giáo lý (16 September 2015): L’Osservatore Romano, 17 September 2015, p. 8.
[30] X. Giáo lý (16 September 2015): L’Osservatore Romano, 17 September 2015, p. 8.
[31] Benedict XVI Thông điệp Deus Caritas Est (25 December 2005), 14: AAS 98 (2006), 228.
[32] Giáo lý (18 March 2015): L’Osservatore Romano, 19 March 2015, p. 8.
[33] Cf. Relatio Finalis 2015, 11.
[34] Giáo lý (11 February 2015): L’Osservatore Romano, 12 February 2015, p. 8.
[35] Cf. Relatio Finalis 2015, 17-18.
[36] Giáo lý (4 March 2015): L’Osservatore Romano, 5 March 2015, p. 8.
[37] Giáo lý (11 March 2015): L’Osservatore Romano, 12 March 2015, p. 8.
[38] Tông huấn Familiaris Consortio, 27 (22 November 1981): AAS 74 (1982), 113.
[39] Id., Address to Participants in the “International Forum on Active Aging” (5 September 1980), 5: Insegnamenti III/2 (1980), 539.
[40] Relatio Finalis 2015, 18.
[41] Giáo lý (4 March 2015): L’Osservatore Romano, 5 March 2015, p. 8.
[42] Ibid.
[43] Address at the Meeting with the Elderly (28 September 2014): L’Osservatore Romano, 29-30 September 2014, p. 7.
[44] Giáo lý (18 February 2015): L’Osservatore Romano, 19 February 2015, p. 8.
[45] Ibid.
[46] Ibid.
[47] Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio (22 November 1981), 18: AAS 74 (1982), 101.
[48] Giáo lý (7 October 2015): L’Osservatore Romano, 8 October 2015), p. 8.