“Thủy triều đỏ” chỉ là câu trả lời lấp liếm

Tắt máy. Tắt máy nghe. Xin lỗi. Không, không, để anh nói riêng với em. Đừng hỏi câu đó. Hỏi câu đó tổn hại cho đất nước của mình” – thứ trưởng Võ Tuấn Nhân thảng thốt khi bị truy về nguyên nhân cá chết.20160428-Bai-ThuyTrieuDo_Anh

Tại buổi họp báo 10 phút sau cuộc họp kín kéo dài 5 giờ, thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Võ Tuấn Nhân công bố thông tin về vụ cá chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung. Theo ông, các nhà khoa học và cơ quan quản lý “thống nhất” nhận định sơ bộ như sau: “Có hai nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ”.

Câu trả lời không rõ ràng, nhưng lại rất dứt khoát của ông thứ trưởng, đã lập tức làm cho giới truyền thông và dân chúng bất bình. Nhưng nếu dân chúng bất bình một vì cách trả lời kiểu câu giờ cho xong của ông hay vì thái độ lẩn tránh báo chí của ông, thì họ bất bình mười vì có quá ít sự thật (nếu không nói là chẳng hề có chút nào) trong cái kết luận mà các nhà khoa học và cơ quan quản lý đã “thống nhất” nhận định và ông công bố nhân danh họ .

Khi được một nữ phóng viên phỏng vấn sâu về nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt, ông đã phản ứng một cách hoảng sợ, khoát tay cắt ngang lời, yêu cầu dừng lại và nói: “Tắt máy. Tắt máy nghe. Xin lỗi. Không, không, để anh nói riêng với em. Đừng hỏi câu đó. Hỏi câu đó tổn hại cho đất nước của mình”.

Thái độ và cách hành xử của ông thứ trưởng Bộ TNMT, cùng câu nói buột miệng lúc bối rối “Hỏi câu đó là làm tổn hại đất nước”, cho thấy những kết luận mà các cơ quan quản lý và các nhà khoa học đã “thống nhất” trước và được ông công bố cho báo chí trong một cuộc họp báo diễn ra chưa đầy 10 phút , chỉ là cách trả lời lấp liếm, nhằm che đậy sự thật, tránh né dư luận và có mục đích câu giờ.

Trong thực tế, theo Vnexpress, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng phản bác nguyên nhân thủy triều đỏ làm chết cá như ông thứ trưởng và những người đứng sau ông chủ trương. Trang Vnexpress ghi: tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, từng làm ở Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng tảo nở hoa không thể khiến cá chết đột ngột, tức thời như vừa qua mà không có dấu hiệu rõ ràng. Nó thường xảy ra gần bờ chứ không ở ngoài xa và sẽ gây cá chết tầng mặt chứ không phải tầng đáy. “Làm gì có chuyện tảo nở hoa trong cả sinh khối nước từ đáy lên mặt“, ông Dũng được vnexpress trích lời. Về lý do độc tố từ nước thải con người, ông Dũng đề nghị làm rõ đó là độc tố là gì, “chứ không thể công bố chung chung như thế“.

Trên báo Thanh Niên, TS Lê Phát Quới, Viện Tài nguyên và môi trường, Đại học Quốc gia TP.HCM, được trích lời: “Bộ [TNMT] nói chưa phát hiện các thông số môi trường vượt quy chuẩn quy định, vậy tại sao cá chết? Còn nếu đạt chuẩn thì tại sao cá lại chết? Sự việc đã xảy ra nhiều ngày rồi, nếu Bộ nói như vậy thì hãy công bố các số liệu cụ thể để thuyết phục hơn chứ nói khơi khơi như vậy không thuyết phục. Ở Huế người ta đã chỉ ra được chất Crom và nhiều chỉ tiêu kim loại nặng khác vượt chuẩn rồi mà giờ Bộ lại nói không vượt là sao? Còn nếu là thủy triều đỏ thì phát hiện được rồi vì thủy triều đỏ hiện tượng không phải xảy ra như thế này mà ảnh hưởng trên một vùng rộng lớn hơn rất nhiều”.

Vẫn trên báo Thanh Niên, GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nói thẳng: “Bộ TN-MT là cơ quan chức năng được nhà nước giao nhiệm vụ nhưng kết luận như vậy là không hợp logic diễn biến của vụ việc. Nếu nhìn vào diễn biến của sự việc, ban đầu cá chết ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), sau đó đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế… nhưng tại sao Nghệ An lại không bị? Hay ngược lại là cá không chết từ Huế ngược ra Hà Tĩnh? Vì ở đó có một dòng hải lưu ngầm chảy theo hướng bắc – nam. Có một số nhà khoa học đã phân tích mẫu và thấy rằng cá chết là do chất Crom và một số loại kim loại nặng khác. Bộ cũng nêu nguyên nhân con người. Vậy phải điều tra xem cá chết là do chất gì và chất đó đơn vị nào sử dụng, sử dụng ra sao? Còn hiện tượng này chưa xác định được có liên quan đến Formosa hay không thì tôi nghĩ là Ủy ban Khoa học nhà nước phải vào cuộc mới có thể đưa ra kết luận thuyết phục được”.

TS Tô Văn Trường, chuyên gia tài nguyên nước và môi trường nhận xét – vẫn theo báo Thanh Niên – rằng 2 nhóm nguyên nhân mà Bộ đưa ra là thiếu thuyết phục.

Vậy phải hiểu sao về câu nói đã gây “phẫn nộ”, “hụt hẫng”, “thất vọng” báo giới và nhân dân cả nước của ông thứ trưởng Võ Tuấn Nhân?

Có người cho rằng ông Nhân chỉ là con tốt thí có nhiệm vụ xoa dịu dư luận, bởi trước sự bực tức đến cực độ của người dân, chính quyền không thể cứ mãi im lặng, nhất là sau chuyến viếng thăm Vũng Áng khó giải thích của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Người khác thì cho rằng, đây chỉ là cách thức câu giờ với hy vọng “cứt trâu để lâu hóa bùn” như vẫn thường thấy tại Việt Nam mỗi khi có những vụ việc nóng bỏng.

Người dân nay không còn lạ gì những cách trốn tránh trách nhiệm của nhà cầm quyền kiểu “mất mùa thì bởi thiên tai, được mùa thì bởi thiên tài đảng ta”, hay như câu chuyện con cá mập cắn đứt cáp quang giữa biển mỗi khi đất nước có những sự kiện mà nhà cầm quyền cần bưng bít thông tin vẫn còn đó.

Dù sao, những diễn biến liên quan tới vụ cá chết hàng loạt tại Vũng Áng những ngày qua đã càng khiến nhiều người tỏ ra không còn tin chính quyền nữa. Đây cũng có thể là một cơn “thủy triều đỏ”…

Hà Thạch

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube