Thánh Maximilian Kolbe

Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12,26)

images (2)Vào tháng 7/ 2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viếng thăm trại tập trung Auschwitz và Birkenau, nơi Đức quốc xã giam cầm, bóc lột sức lao động và giết hại khoảng một triệu rưỡi người, nhất là người Do thái.

Trong số những người bị sát hại có thánh Maximilian Kolbe, tu sĩ dòng Phanxicô Viện Tu Ba Lan, Edith Stein, một nhà triết học Do Thái đã cải đạo sáng Công Giáo, trở thành nữ tu dòng Camêlô, và thánh Têrêxa Benedicta Thánh Giá.

Đức Phanxicô đã thinh lặng cầu nguyện tại nhiều nơi trong khu trại, nhất là trước xà lim giam giữ thánh Maximilian Kolbe. Ngài đã viết trong sổ lưu bút: “Lạy Chúa xin thương xót dân Người! Lạy Chúa, xin hãy tha thứ vì có quá nhiều sự tàn ác!”

Sự tàn ác thể hiện ở những mức độ và mọi hình thái, đầy đọa tinh thần và thể xác của những tù nhân, không phân biệt người lớn hoặc trẻ em, khiến họ sống dở, chết dở. Ngay cả súc vật cũng không bị đối xử tệ như vậy.

Bị cai trị bằng thứ kỷ luật hà khắc và dã man, những tù nhân bị vắt kiệt sức lao động, bị đánh đập, tra tấn, bị cái đói, rét hành hạ mỗi ngày, tính người dần mất và tính thú trỗi dậy. Người ta trở nên tàn nhẫn với nhau và xúc phạm đến cả Chúa. Những tiếng kêu la, nguyền rủa, khóc lóc không ngớt vang lên từ những thân phận tuyệt vọng trong một hoàn cảnh bi đát, nhất là những người Do thái, một dân tộc bị Phát xít Đức coi là hạ đẳng, tình trạng còn thê thảm hơn.

Một thứ hỏa ngục trần gian đày đọa con người. Những người không chịu đựng nổi đã tự mình tìm đến cái chết bằng mọi cách, như một sự giải thoát, không chờ đến lúc kiệt sức, không đợi đến lượt vào phòng hơi ngạt. Một câu hỏi được đặt ra, nếu có Chúa, tại sao Người lại để những sự khủng khiếp này xảy ra cho con cái Người, cho con người!

Đức Phanxicô đã đắm mình trong sự thinh lặng, để cảm nhận trong tất cả những giác quan, trong tinh thần và linh hồn, những sự kinh hoàng, những tiếng rên xiết trong đau đớn cùng cực và bế tắc mà những tù nhân đã phải chịu, và ngay cả Thiên Chúa cũng đã phải chịu.

Ngài cũng đắm mình trong sự thinh lặng để cảm nghiệm về đức tin và niềm hy vọng Kitô giáo tại xà lim biệt giam cha M.Kolbe, để nhận ra sự khác biệt đó, trong cùng một hoàn cảnh tuyệt vọng tại trại Auschwitz.

Franciszek Gajowniczek, người Ba Lan mà cha đã hy sinh để cứu mạng đã làm chứng rằng, Cha Kolbe như đã “trỗi dậy” can đảm bước ra xin được chết thay cho người tù ngài chưa hề quen biết trong tư cách là một linh mục Công giáo. Ông nói: “Ngài không chỉ chết cho mình tôi mà còn cho tất cả chúng ta. Ngài để lại cho chúng ta một chứng từ về đức ái anh hùng”.

Cha M.Kolbe trở nên biểu tượng của tự do Tin Mừng, của sự thiện chiến thắng cái ác trong bối cảnh thế kỷ XX với mọi biến động, trong đó có hai cuộc chiến tranh thế giới khốc liệt và sự xuất hiện của hệ thống toàn trị cộng sản, như sự kéo dài của bạo tàn, hận thù và tuyệt vọng.

Viên cai ngục sững sờ trước giá trị cao cả của Tin mừng mà cha bộc lộ công khai cách hiên ngang. Lần đầu tiên, việc áp giải cha vào phòng hơi ngạt không còn mang tính ghê rợn, chết chóc, mà như cuộc khải hoàn. Cha không đi trong nỗi oán hận, giữa sự nguyền rủa sự tàn bạo của các tù nhân, hoặc trong nỗi vui phớt qua của các tù nhân khác, vì chưa đến lượt mình.

Cha M.Kolbe tự nguyện hiến mạng sống mình, chọn cái chết thay cho người bạn tù, như thế, ngài ở trên cái chết, cái chết không còn quyền gì đối với ngài.

Ngài không khinh chê sự sống nhưng làm vinh danh Đấng có quyền năng trên cả sự chết lẫn sự sống, Đấng sẽ ban cho ngài sự sống đích thật và ngài vĩnh viễn được thuộc về Đấng ấy, Đức Giêsu Kitô.

Hiên ngang đi giữa những tù nhân đến phòng hơi ngạt, cha M.Kolbe cho thấy Thiên Chúa vẫn đang hiện diện, dù là trong cái “hỏa ngục trần gian”, dù là trong những hoàn cảnh bi thảm nhất, tuyệt vọng nhất, trong những tù nhân không còn hình dạng con người và ngay cả giữa những tên Phát xít tàn ác kia.

Từng bước chân cha đi qua ghi lại dấu tích của một tình yêu hiến mình, cao cả, khơi lên niềm hy vọng cứu thoát đặt nơi Thiên Chúa, làm dịu êm, tươi mát những tâm hồn cằn cỗi, trong kiếp sống bị đày đọa, kiếp sống mà cha cũng đang sống. Cha đã xóa mình đi để hé rạng một chân trời mới, không còn cái tôi ích kỷ làm trung tâm, không còn dính bén cái sống và sợ hãi cái chết, những sự đời này chỉ là tạm bợ, phải nhường chỗ, phải được thay thế cho sự vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng mà cha hùng dũng tiến đến trong tư cách là một người phục vụ. Đó là ngày áp lễ Đức Mẹ Mông Triệu 1941.

                                                                                      Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube