Thánh lễ tạ ơn 54 năm "Tin Mừng hoá" cho người Jrai

Sáng hôm qua, ngày 10/10/2023 kỷ niệm 54 năm sứ vụ “Tin Mừng hóa” cho người Jrai tại vùng đất Tây Nguyên, thuộc Giáo phận Kon Tum. Quý Cha, quý Thầy Dòng Chúa Cứu Thế đang hiện diện và phục vụ tại Gp. Kon Tum[1] đã tụ họp tại Giáo xứ Chrôh Ale, thuộc Cộng đoàn Cheo Reo, Giáo hạt Ayun Pa để cùng nhau dâng lời tạ ơn Chúa vì hồng ân trọng đại mà Chúa đã ban cho Nhà Dòng.

Đúng 9g00, quý Cha, quý Thầy cùng với một số anh chị em giáo dân Jrai đã cùng nhau Chầu Thánh Thể, chủ sự là Cha Bart. Nguyễn Đức Thịnh, bề trên cộng đoàn Cheo Reo. Bí tích Thánh Thể luôn là Lễ Tạ Ơn cao trọng nhất mà Con Thiên Chúa – Đức Giêsu Kitô đã hiến mình trên thập giá làm của lễ dâng lên Chúa Cha. Bí tích Thánh Thể cũng là mầu nhiệm phục sinh của Đức Giêsu, vì thế chiêm ngắm, cầu nguyện, ca tụng bí tích cực trọng cũng là lúc tất cả mọi người được hiệp dâng lời tạ ơn Thiên Chúa trong tư cách cá nhân cũng như cộng đoàn.

Sau giờ Chầu Thánh Thể, vào lúc 9g30, cộng đoàn cùng dâng Thánh lễ tạ ơn 54 năm sứ vụ cho người Jrai. Chủ tế là Cha cố vấn Tỉnh Dòng, Giuse Hồ Đắc Tâm, đặc trách miền Tây Nguyên; đồng tế có Cha bề trên và Phó bề trên (Phaolô Nguyễn Đình Thi) cộng đoàn Cheo Reo, cùng tất cả quý Cha, quý Thầy. Phụng vụ Thánh lễ cầu nguyện cho việc truyền giáo tiếp nối nhịp nhàng trong tiếng cồng chiêng của anh chị em Jrai. Chia sẻ Tin Mừng trong Thánh lễ, Cha Giuse Trần Sĩ Tín với đôi mắt sáng, giọng vẫn âm vang, chia sẻ ký ức về những ngày đầu bước chân lên vùng đất Tây Nguyên này, những ngày mà ngài còn không biết đến sự tồn tại của một tộc người với tộc danh là “Jrai”. Với xác tín và là nhân chứng sống động, ngài nói: Tôi ra khỏi Học viện là lên Tây Nguyên này, tôi tin rằng, tôi đã được chính Chúa chỉ dạy cho biết phải làm thế nào để loan báo Tin Mừng cho anh chị em Jrai. Hồi đó, thông tin rất hạn chế, chỉ có sách Tin Mừng và cầu nguyện bằng Tin Mừng mà anh chị em Jrai đã trở lại với Chúa. Đó cũng là lời rao giảng tiên khởi Keryma – cốt lõi củaTin Mừng và cũng là cách cầu nguyện truyền thống của Hội Thánh – Lectio Divina.

Cha Giuse tiếp tục chia sẻ: Chúng ta vui mừng vì được mừng ngày khai mạc sứ vụ cho người Jrai vào tháng 10, tháng mà Hội Thánh tập trung đặc biệt cho sứ vụ thừa sai. Thừa sai, nghĩa là được Chúa sai đi. Tháng 10 là tháng Mân Côi, mà Mẹ Maria là Mẹ của các nhà thừa sai. Chẳng phải khi suy ngắm các mầu nhiệm Mân Côi là suy ngắm chính cuộc đời, mầu nhiệm cứu độ của Chúa Giêsu sao? Khi đón nhận niềm vui Tin Mừng, Ngôi Hai Thiên Chúa cư ngụ trong lòng Mẹ, Mẹ tràn ngập Thần Khí. Mẹ lập tức “đon đả” lên đường thăm bà chị họ Êlisabeth, đó chính là những bước chân của “nhà thừa sai”. Khi Mẹ chào bà chị họ, cả gia đình bà chị họ tràn ngập ơn Chúa Thánh Thần. Vì thế, Thần Khí là sự đổi mới, là sự sống, là ơn thánh hóa khiến cho người “chịu ơn” tràn ngập niềm vui; nó khác hẳn với địa khí, hay nhân khí. Thần Khí là nguồn cội của sứ vụ thừa sai, là sự thúc đẩy và biến đổi tự bên trong con người. Trước ngày 10/10/1969, tôi đã ở Cheo Reo khoảng 1 tháng và biết về sự hiện diện của Cha Jacques Dournes đang ở đó. Cha Jacques Dournes là một nhà thừa sai, nhưng cũng là một nhà nhân học “chân trần” đúng nghĩa. Lúc bấy giờ, ngoài Cheo Reo còn có các vùng truyền giáo khác cho người Jrai như Plei Ku, Đức Cơ. Tuy nhiên, mỗi nơi mới có khoảng trăm người theo Đạo. Hiện nay, theo như tôi được biết, số người Jrai theo Đạo đã có khoảng 80 ngàn người.

Cũng cần nhắc lại sơ lược lịch sử việc loan báo Tin Mừng cho người Jrai theo những tài liệu của Giáo phận Kon Tum và của Cha Giuse Trần Sĩ Tín như sau:

“Lịch sử việc truyền giáo cho người Jrai được bắt đầu rất sớm nếu tính theo thời điểm khởi đầu việc truyền giáo cho vùng đất Tây Nguyên (1851). Trung tâm này nằm phía tây nam Kon Tum, bên hữu ngạn sông Đăk Bla – Krông Pơ Kô do linh mục Fontaine (Cố Phẩm) đảm nhiệm. Nhưng đến năm 1854, vì thiếu linh mục truyền giáo, khí hậu khắc nghiệt và tình trạng mất an ninh giữa các tộc người, trung tâm này không còn vị linh mục nào. Mãi đến năm 1903, linh mục Kemlin (Văn) đến xây dựng họ đạo Plei Jơdrâp, phụ trách truyền giáo cho người Bahnar – Rơngao và cả người Jrai với bán kính hoạt động rất rộng, từ huyện Sa Thầy kéo dài xuống phía nam giáp ranh với vùng Hà Bầu (H’Bau) Pleiku ngày nay.

Việc truyền giáo cho người Jrai phát triển mạnh vào năm 1905, khi linh mục bề trên miền truyền giáo Jules Vialleton (Truyền) gửi thừa sai Gabriel Nicolas (Cận), đến với người Jrai Hà Bầu (H’Bau), nằm ở khu vực phía bắc thành phố Pleiku ngày nay. Hai làng xin theo đạo Công giáo là Plei Ko và Plei Dâl vào năm 1906. Đó là tín hiệu tốt khởi đầu cho các nhà truyền giáo đi vào những buôn làng khác của người Jrai. Sau 3 năm, vào năm 1908, linh mục Nicolas Cận trao lại cho linh mục Corompt Hiển vùng Hà Bầu (H’Bau), còn ngài đến vùng tây tây nam thành phố Plei Ku.

Kế tiếp trung tâm Hà Bầu (H’Bau), Đức Giám Mục Paul Seitz (Kim), vào ngày 01/08/1955 đã cử linh mục Jacques Dournes đến đến truyền giáo cho người Jrai ở Bon Ama Djơng, thuộc vùng Cheoreo, Phú Bổn (nay là thị xã Ayunpa). Năm 1960, sau năm năm truyền giáo, linh mục Jacques Dournes rửa tội được 12 người và khoảng 50 dự tòng (những người đang tìm hiểu Đạo Công giáo). Chi tiết này được ghi trong cuốn sách của linh mục Jacques Dournes như là bút ký truyền giáo – “Dieu aime les païens – Thiên Chúa yêu thương người lương dân”. (Jacques Dournes, 1998, tr.118). Trong một tài liệu nghiên cứu của linh mục Nguyễn Hoàng Sơn (2013), “Sơ lược tiểu sử trung tâm truyền giáo Cheoreo” có nói đến tên người được rửa tội đầu tiên tại Cheo Reo, “sau 5 năm dự tòng, tên là Siu Nge, vào Chúa nhật 05 tháng 06 năm 1960.” Cũng theo Nguyễn Hoàng Sơn, từ năm 1960 đến năm 1969, năm mà linh mục Jacques Dournes rời vùng truyền giáo, kết quả của 14 năm truyền giáo từ năm 1955 có 85 người Jrai được rửa tội và 120 dự tòng. Sau khi linh mục Jacques Dournes rời trung tâm truyền giáo Cheo Reo, có hai linh mục thay thế phụ trách đó là Phaolô Vũ Văn Thiện và Đaminh Đinh Hữu Lộc.

Như vậy, tính đến năm 1969, sau 118 năm việc truyền giáo được thực hiện cho cộng đồng các tộc người trên vùng đất Tây Nguyên, người Jrai đa phần vẫn chưa theo Đạo Công giáo cho dù họ đã biết hoặc tiếp xúc với các nhà truyền giáo và các Kitô hữu người Kinh.

Đứng trước thực tế về việc truyền giáo cho người Jrai, Đức Cha Paul Seitz Kim (1952-1975), viết thư lần thứ hai (1956) mời Dòng Chúa Cứu Thế lên Tây Nguyên truyền giáo. Trong khi đó, lá thư thứ nhất gửi Dòng Chúa Cứu Thế năm 1953, vẫn chưa được trả lời. Tuy nhiên, nhờ vào tinh thần Công Đồng Vatican II (1962-1965) thúc đẩy toàn thể Giáo Hội Công giáo, đặc biệt các Dòng Tu đến với những người chưa biết Chúa, đối thoại trong vui mừng và hy vọng với thế giới để thi hành sứ mạng truyền giáo. Tinh thần này được cụ thể hóa trong Dòng Chúa Cứu Thế, được Đức Cha Paul Seitz Kim mở rộng vòng tay chào đón những nhà truyền giáo và khởi đầu cho sứ vụ tại Jrai – Plei Kly. Ngày 10 tháng 10 năm 1969, Đức Giám mục Paul Seitz Kim đã đích thân đưa bốn vị thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế gồm có: Linh mục Antôn Vương Đình Tài, hai Thầy Phó tế Phêrô Nguyễn Đức Mầu và Giuse Trần Sĩ Tín, cùng với Tu sĩ Phêrô Hồ Văn Quân, các ngài đã tới và dừng chân tại vùng đất thuộc làng Plei Kly, Phú Nhơn. Dưới sự chứng kiến của vị đại diện Giáo phận, Cha Đôminicô Vũ Khắc Minh, Chánh xứ La Sơn, đặc trách các Giáo xứ Mỹ Thạch, Phú Quang và Phú Nhơn, vì khi ấy các điểm này đều thuộc xã Plei Kly, Đức Cha Seitz (Kim) đã công bố đoạn Tin Mừng Luca chương 10 câu 1 đến 12, nói về việc Đức Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng Tin Mừng. Sau đó, Đức Cha trực tiếp sai bốn anh em này và kèm theo lời nhắn nhủ: “Xin giao cho anh em tất cả vùng dân Jrai này. Bây giờ, anh em có bốn người nhưng nếu Dòng Chúa Cứu Thế có gửi đến bảy mươi hai người như trong bài Tin Mừng, chúng tôi cũng hoan hỉ đón nhận.” (Trần Sĩ Tín, 2009, tr.19).”[2]

Tạ ơn Thiên Chúa vì Cha Giuse Trần Sĩ Tín, cây đại thụ trong bốn anh em DCCT đầu tiên nhận sứ vụ chính thức loan báo Tin Mừng cho người Jrai vẫn hiện diện giữa anh em DCCT Việt Nam nói chung, anh em DCCT Tây Nguyên nói riêng. Những lời chia sẻ của ngài trong Thánh lễ tạ ơn là những lời xác tín về con đường của sứ vụ thừa sai, cũng là những lời động viên anh em tiếp tục dấn thân trên con đường loan báo Tin Mừng cho các tộc người ít người. Miền truyền giáo Tây Nguyên vẫn còn mênh mông, không chỉ cho anh chị em Jrai, nhưng còn là người Bahnar mới bắt đầu sứ vụ chính thức từ Lễ Chúa Thánh Thần năm 2008 và các tộc người khác trên mảnh đất quê hương Việt Nam.

Sau Thánh lễ, Cha Cố vấn Giuse Hồ Đắc Tâm gửi lời chúc mừng từ Cha Giám tỉnh đến tất cả anh em (4 cộng đoàn) đang quy tụ tại Chrôh Ale thuộc Gp. Kon Tum; ngài cũng chia sẻ đôi lời với tất cả anh em để cùng nhau hiệp thông và hành động với các định hướng của Tỉnh Dòng cho kế hoạch tương lai. Nguyện xin Chúa Cứu Thế, Mẹ Hằng Cứu Giúp và Thánh tổ phụ Anphongsô chúc lành cho những nỗ lực hiện tại và ước nguyện tốt lành của chúng con, tất cả vì sứ vụ và cho sứ vụ.

Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, CSsR

(Cheo Reo 11/10/2023)

Sau đây là một số hình ảnh:

Picture1 Picture2 Picture3 Picture4 Picture5 Picture7 00000000000000 Picture6 Picture8

 

 

[1] Hiện tại, Dòng Chúa Cứu Thế có 4 Cộng đoàn phục vụ trong Giáo phận Kon Tum. Ba Cộng đoàn phục vụ anh chị em Jrai là Plei Ku, Plei Kly, Cheo Reo. Một Cộng đoàn phục vụ cho người Bahnar là H’ra Phú Yên.

[2] Trần Ngọc Hướng, Văn hóa của người Jrai theo Công giáo – trường hợp Giáo xứ Plei Kly, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, ĐHKHXHNV – Luận văn Thạc sĩ 2021, tr.48-50

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube