Tài liệu của Vatican về phẩm giá con người lên án việc chuyển đổi giới tính, mang thai hộ và phá thai

Mái vòm của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Vatican (Ảnh:Daniel Ibáñez/CNA)

Mái vòm của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Vatican (Ảnh:Daniel Ibáñez/CNA)

Hôm thứ Hai, Văn phòng Giáo lý hàng đầu của Vatican đã ban hành một tuyên bố về chủ đề phẩm giá con người đề cập những mối bận tâm ngày càng gia tăng như lý thuyết về giới, chuyển đổi giới tính, mang thai hộ và an tử bên cạnh việc phá thai, nghèo đói, nạn buôn người và chiến tranh.

“Đối mặt với rất nhiều hành vi vi phạm phẩm giá đe dọa nghiêm trọng đến tương lai của gia đình nhân loại, Giáo hội khuyến khích việc thăng tiến phẩm giá của mỗi con người, bất kể đặc điểm về thể lý, tinh thần, văn hóa, xã hội và tôn giáo của họ”, theo nội dung tuyên bố của Vatican do Bộ Giáo lý Đức tin ban hành.

Tuyên bố, có tựa đề Dignitas Infinita, có nghĩa là “Phẩm giá vô tận”, nói rằng Giáo hội nhấn mạnh những mối bận tâm này “với niềm hy vọng, tin tưởng vào quyền năng xuất phát từ Chúa Kitô phục sinh, Đấng đã mạc khải đầy đủ phẩm giá toàn diện của tất cả mọi người nam nữ”.

Phá thai, an tử và mang thai hộ

Trong tuyên bố, Bộ Giáo lý Đức tin cảnh báo chống lại các mối đe dọa đối với phẩm giá con người bắt đầu từ thời điểm thụ thai, vốn tồn tại trong quá trình sinh sản, và đe dọa nhân loại cho đến cuối đời.

Tuyên bố trích dẫn Thông điệp Evangelium Vitae của Thánh Gioan Phaolô II về vấn đề phá thai, đồng thời lưu ý rằng Đức Thánh Cha đã dạy rằng: “Phá thai có chủ ý là việc giết hại một cách có chủ ý và trực tiếp, bằng bất cứ phương tiện nào, đối với một con người trong giai đoạn đầu của sự tồn tại của họ, kéo dài từ khi thụ thai cho đến khi chào đời”.

Theo Tông Huấn Evangelii Gaudium của Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng được trích dẫn trong tuyên bố, trẻ sơ sinh là “những đối tượng vô tội và không có khả năng tự vệ nhất trong số chúng ta” và trong thời đại ngày nay, “nhiều nỗ lực được thực hiện nhằm phủ nhận phẩm giá con người của chúng và làm bất cứ điều gì họ muốn với chúng, tước đoạt mạng sống của chúng và thông qua luật ngăn cản bất kỳ ai cản trở việc này”.

Tuyên bố cũng cảnh báo rằng an tử và trợ tử đang “nhanh chóng có được chỗ đứng” ở một số nơi trên thế giới, điều mà tuyên bố cho biết cho biết rằng “độc đáo ở chỗ nó tận dụng sự hiểu biết sai lầm về phẩm giá con người để biến khái niệm về phẩm giá chống lại chính sự sống con người”.

“Ngay cả trong tình trạng đau buồn, sự sống con người vẫn mang một phẩm giá phải luôn được đề cao, không bao giờ có thể bị làm tổn hại, và đòi hỏi sự tôn trọng vô điều kiện”, tuyên bố cho biết. “Thật vậy, không có hoàn cảnh nào mà sự sống con người không còn có giá trị và kết quả là có thể bị kết liễu”.

Thực tiễn của việc mang thai hộ là một mối bận tâm khác được tài liệu lưu ý, đồng thời cho biết rằng “đứa trẻ vô cùng xứng đáng sẽ trở thành một đối tượng đơn thuần” trong quá trình này.

“Vì phẩm giá bất khả xâm phạm này, đứa trẻ có quyền có nguồn gốc con người hoàn toàn (chứ không phải nhân tạo) và nhận được món quà sự sống thể hiện cả phẩm giá của người cho lẫn phẩm giá của người nhận”, tuyên bố cho biết thêm.

“Hơn nữa, việc thừa nhận phẩm giá của con người cũng đòi hỏi phải thừa nhận mọi chiều kích của phẩm giá của sự kết hợp vợ chồng và của việc sinh sản của con người. Xét đến điều này, ước muốn chính đáng có con không thể bị biến thành ‘quyền có con’ mà không tôn trọng phẩm giá của đứa trẻ đó với tư cách là người nhận món quà sự sống”.

Lý thuyết về giới và vấn đề chuyển đổi giới tính

Khi nhiều quốc gia phương Tây tiếp tục thúc đẩy hệ tư tưởng về giới tính và tranh luận về việc liệu trẻ vị thành niên có được tiếp cận với ma túy và phẫu thuật chuyển giới hay không, Vatican tuyên bố rằng hệ tư tưởng này “có mục đích phủ nhận sự khác biệt lớn nhất có thể tồn tại giữa các sinh vật: sự khác biệt về giới tính”.

Tuyên bố nhấn mạnh rằng “tất cả những nỗ lực nhằm che đậy sự đề cập đến sự khác biệt giới tính không thể xóa bỏ giữa nam và nữ đều phải bị bác bỏ”, và “chỉ bằng cách thừa nhận và chấp nhận sự khác biệt này trong sự tương hỗ, mỗi người mới có thể khám phá đầy đủ bản thân, phẩm giá và bản sắc của mình”.

Thân xác con người, Vatican lưu ý, cũng chia sẻ phẩm giá của hình ảnh của Thiên Chúa, và con người được kêu gọi đón nhận và tôn trọng thân xác như nó đã được tạo dựng: “Thân xác dự phần vào phẩm giá đó vì nó được ban cho những ý nghĩa cá nhân, đặc biệt trong tình trạng giới tính của nó”.

“Bất kỳ sự can thiệp thay đổi giới tính nào, như một quy luật, đều có nguy cơ đe dọa phẩm giá độc nhất mà một người đã nhận được từ thời điểm thụ thai”, Vatican cho biết thêm.

Để tôn trọng phẩm giá con người, tuyên bố cũng lên án sự phân biệt đối xử bất công, gây hấn và bạo lực nhắm vào các cá nhân dựa trên xu hướng tính dục.

“Cần phải lên án việc này là trái với phẩm giá con người, ở một số nơi, không ít người bị cầm tù, tra tấn và thậm chí bị tước đoạt sự sống chỉ vì xu hướng tính dục của họ”, Vatican nhấn mạnh.

Chiến tranh và nghèo đói

Khi chiến tranh đang hoành hành ở Ukraine, Gaza, Sudan và các nơi khác trên thế giới, tuyên bố khẳng định rằng việc tự vệ là điều được phép nhưng “chiến tranh luôn là ‘một sự thất bại của nhân loại’”, trích dẫn bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô trước Liên Hợp Quốc vào tháng 12 .

“Không có cuộc chiến nào đáng để người mẹ phải rơi nước mắt khi chứng kiến con mình bị cắt xẻo thân thể hoặc bị giết hại; không có cuộc chiến nào đáng để mất đi mạng sống của một con người, một tạo vật thiêng liêng được tạo dựng theo hình ảnh giống với Đấng Tạo Hóa; không có cuộc chiến nào đáng để đầu độc ngôi nhà chung của chúng ta; và không có cuộc chiến nào đáng với sự tuyệt vọng của những người bị buộc phải rời bỏ quê hương và bị tước đoạt, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, ngôi nhà của họ và tất cả các mối quan hệ gia đình, tình bạn, xã hội và văn hóa vốn đã được xây dựng, đôi khi qua nhiều thế hệ”, theo nội dung tuyên bố, trích dẫn lời của vị Giáo hoàng đương nhiệm.

Tuyên bố thảo luận thêm về các vấn đề nghèo đói mà tuyên bố cho rằng có liên quan đến sự phân bổ của cải không đồng đều.

“Nếu một số người sinh ra ở một đất nước hoặc một gia đình mà họ có ít cơ hội phát triển hơn, chúng ta nên thừa nhận rằng điều này trái ngược với phẩm giá của họ, vốn cũng là phẩm giá của những người sinh ra trong một gia đình hoặc đất nước giàu có”, tuyên bố cho biết thêm. “Tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về sự bất bình đẳng rõ ràng này, mặc dù ở những mức độ khác nhau”.

Vấn nạn buôn người, lạm dụng tình dục và bạo lực đối với phụ nữ

Tuyên bố nêu rõ rằng nạn buôn người là “một trong những hành vi vi phạm nghiêm trọng phẩm giá con người”. Nó bao gồm việc tiếp thị các bộ phận và mô của con người, bóc lột tình dục trẻ em cả nam lẫn nữ, lao động nô lệ, mại dâm, buôn bán ma túy và vũ khí, khủng bố và tội phạm có tổ chức.

“Đối mặt với sự phủ nhận phẩm giá con người một cách đa dạng và tàn bạo này, chúng ta cần ngày càng nhận thức được rằng nạn buôn người là một tội ác chống lại loài người”, Bộ Giáo lý Đức tin cho biết.

Lạm dụng tình dục, như được giải thích trong tuyên bố, “để lại những vết sẹo sâu trong trái tim của những người phải chịu đựng nó”. Tuyên bố cũng cho biết thêm rằng “những người bị lạm dụng tình dục phải trải qua những tổn thương thực sự nơi phẩm giá con người của họ” và vấn đề lạm dụng như vậy đang gây tai họa cho xã hội cũng như đã ảnh hưởng đến Giáo hội.

“Từ đó nảy sinh những nỗ lực không ngừng nghỉ của Giáo hội nhằm chấm dứt mọi hình thức lạm dụng, bắt đầu từ bên trong”, Bộ Giáo lý Đức tin nhấn mạnh.

Bộ Giáo lý Đức tin lưu ý rằng phụ nữ đặc biệt phải đối mặt với những mối đe dọa đối với phẩm giá con người của họ thông qua sự bất bình đẳng và bạo lực. Bộ Giáo lý Đức tin cũng đã đề cập đến mức lương không bình đẳng, thiếu sự bảo vệ dành cho các bà mẹ đi làm, sự bóc lột và tình dục hóa phụ nữ cũng như việc phá thai cưỡng bức.

“Mặc dù phẩm giá bình đẳng của phụ nữ có thể được công nhận bằng lời nói, nhưng sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới ở một số quốc gia vẫn rất nghiêm trọng”, tuyên bố cho biết. “Ngay cả ở những quốc gia dân chủ và phát triển nhất, thực tế xã hội cụ thể chứng tỏ rằng phụ nữ thường không được coi trọng như nam giới”.

Phẩm giá của những người bị gạt ra bên lề xã hội

Phẩm giá của các nhóm bị gạt ra bên lề xã hội như người di cư và người khuyết tật cũng được đề cập trong tuyên bố.

“Người di cư là một trong những nạn nhân đầu tiên của nhiều hình thức nghèo đói”, Vatican cho biết. “Không chỉ phẩm giá của họ bị phủ nhận ở quê nhà, mà mạng sống của họ cũng bị đe dọa vì họ không còn phương tiện để lập gia đình, làm việc hoặc nuôi sống bản thân”.

Tuyên bố trích dẫn Thông điệp Fratelli Tutti của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó ngài nói: “Không ai có thể công khai phủ nhận việc những người di cư cũng là con người; tuy nhiên trong thực tế, bằng những quyết định của chúng ta và cách chúng ta đối xử với họ, chúng ta có thể cho thấy rằng chúng ta coi họ kém xứng đáng hơn, kém quan trọng hơn, kém có tính người hơn”.

Tuyên bố cũng cho biết thêm, trích dẫn từ Thông điệp Caritas in Veritate của Đức nguyễn Giáo hoàng Benedict XVI, rằng “tất cả mọi người di cư đều là một con người, như vậy, sở hữu những quyền cơ bản, bất khả xâm phạm mà tất cả mọi người và trong mọi hoàn cảnh phải tôn trọng”.

Trong tuyên bố, Bộ Giáo lý Đức tin cũng đã lên án “nền văn hóa thải loại” và đồng thời kêu gọi xã hội tôn trọng phẩm giá của các nhóm bị gạt ra bên lề xã hội khác như những người khuyết tật.

“Mỗi con người, bất kể những tổn thương của họ, đều nhận được phẩm giá của mình từ việc được Thiên Chúa yêu thương và mong muốn”, tuyên bố khẳng định. “Vì vậy, mọi nỗ lực cần phải được thực hiện để khuyến khích sự hòa nhập và tham gia tích cực của những người bị ảnh hưởng bởi sự yếu đuối hoặc khuyết tật vào đời sống xã hội và của Giáo hội”.

Phẩm giá con người là vô tận

Trong phần giới thiệu tuyên bố, Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, Tổng Trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, nhấn mạnh rằng danh sách này không đầy đủ, nhưng các chủ đề đã được chọn để “làm sáng tỏ các khía cạnh khác nhau của phẩm giá con người vốn có thể bị che khuất trong ý thức của nhiều người”.

“Giáo hội coi việc lên án những vi phạm nghiêm trọng và hiện tại đối với phẩm giá con người là một biện pháp cần thiết”, Đức Hồng Y Fernández nói, “vì Giáo hội giữ vững sự xác quyết sâu sắc rằng chúng ta không thể tách rời đức tin khỏi việc bảo vệ phẩm giá con người, tách rời việc truyền giáo khỏi việc thăng tiến một cuộc sống có phẩm giá, và tách biệt đời sống tâm linh khỏi việc dấn thân cho phẩm giá của mỗi con người”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube