Câu chuyện thứ nhất: Rượu lậu
Thuở trước, những năm 60 đến 80 của thế kỷ 20. miền Bắc của chúng tôi sống và đối mặt thường trực với một chữ to tướng: Đói – đặc trưng của nền kinh tế tập trung dưới sự lãnh đạo “tuyệt đối sáng suốt” của Đảng Cộng sản, giống như Triều Tiên XHCN bây giờ.
Nhà tôi, bố tốt nghiệp đại học, là kỹ sư những năm 60, thuộc loại hiếm và quý. Thế nhưng, mẹ làm nông nghiệp, tất cả con cái phải theo mẹ, nghĩa là không được bất cứ một chế độ tem phiếu, lương thực, thực phẩm nào của nhà nước. Trong khi một công nhân dọn vệ sinh có 7 người con, mỗi tháng có tiêu chuẩn lương thực và thực phẩm của nhà nước thì cái đói không đe dọa hàng ngày. Nghĩa là tổng thu nhập của một cô dọn vệ sinh, bằng khoảng bốn lần của một kỹ sư giỏi, là cán bộ chủ chốt của một công ty nhà nước.
Hồi đó, làng tôi nổi tiếng là làng “nấu rượu lậu”. Cả làng nấu rượu. Cả xóm nấu rượu. Và nuôi lợn.
Mà nấu rượu, làm bánh… đều bị cấm vì “vi phạm chính sách lương thực của đảng”.
Vi phạm thì sẽ bị bắt và thậm chí ra tòa.
Tôi còn nhớ năm 1971, khi đó tôi 9 tuổi, đã được dự một phiên tòa xử người nấu rượu lậu. Cuộc xét xử xảy ra vào buổi tối. Xử lưu động để làm gương ngay tại hội trường của hợp tác xã. Hồi học lớp 8, đến nhà thằng bạn, (sau này nó làm đến chủ tịch xã) tôi cũng đã chứng kiến công an huyện ập vào bắt nhà nó nấu rượu lậu – dù bố nó có một thời cũng đảm đương chức chủ tịch xã tôi, nhưng khi đó đã thôi chức. Khi công an ập vào, nó bê luôn cả mấy vò rượu đang ngâm và cả nồi rượu đang trên bếp ném xuống ao mùng sau nhà.
Kể vậy, để biết việc nấu rượu là một trọng tội.
Vì ở nhà con cái nheo nhóc và đói lả, mẹ tôi buộc phải làm thêm nghề nấu rượu và nuôi lợn để bảo đảm cho con cái học hành.
Thế nhưng, được một điều là không bao giờ mẹ tôi bị bắt vì tội nấu rượu. Dù rượu nhà tôi nấu nổi tiếng khắp nơi là ngon và tốt.
Lý do thì đơn giản.
Ở xóm tôi, hồi đó có một bác làm công an. Ông vừa làm công an, vừa phụ trách việc thu mua thực phẩm cho xã. Chính sách lúc bấy giờ là không được tự ý mổ thịt lợn nhà mình, dù do mình nuôi, mà tất cả đều phải cân cho nhà nước. Ai vi phạm, sẽ bị bắt vì tội “thịt lợn lậu”.
Nhà ai nuôi được con lợn lớn bé, ông đều biết, đến khi cần, ông huy động tất cả về cân cho nhà nước. Giá cả do nhà nước quy định, đại khái là ở ngoài 10 đồng, thì nhà nước sẽ trả 3 đồng. Với chính sách như vậy nên cả làng ít nuôi lợn hoặc nuôi chẳng hứng thú gì. Nhà tôi mẹ tôi nấu rượu và nuôi được cả chuồng lợn rất đông.
Mỗi khi xã cần lợn để thịt liên hoan, họp đảng, họp ủy ban… không biết kiếm đâu lợn phục vụ, ông lại chạy đến chuồng lợn của mẹ tôi và “vay” một con. Nhờ vậy, ông hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc và được xã cử làm chân ấy nhiều năm liền.
Vì có nhiều mối liên hệ nên ông rất hiểu hoàn cảnh nhà tôi và cảm thông cho cả gia đình một mình mẹ tôi gánh vác không nổi. Ông đặc biệt thích cả nhà con cái đều được đi học dù vất vả.
Do vậy, ông bảo mẹ tôi: “Mợ cứ nấu rượu, nuôi lợn mà nuôi mấy cháu cho nó học hành, không thì chúng nó chết đói mất. Tôi tiếc là đứa nào cũng thông minh ngoan ngoãn mà không được học thì phí lắm.”
Mẹ tôi bảo: “Cậu ạ, biết vậy nhưng nhiều khi cũng sợ, công an nó về suốt ngày và rình rập ruốt. Nhỡ nó bắt thì ảnh hưởng đến nhà em và các cháu”.
Ông bảo ngay: “Không sao, mợ cứ nấu, mỗi lần khi nó về bắt đều phải qua tôi và tôi sẽ báo cho biết trước mà cất đi”.
Thế là mỗi lần công an về xóm, định bắt rượu là ông lập tức cho cậu út tên Hiếu chạy cửa sau báo ngay: Mợ ơi, bọn công an nó về bắt rượu, thầy bảo mợ cất ngay nhé, chiều nó đến.
Thế là vừa đủ thời gian để phi tang “tội ác” nấu rượu lậu.
Và mẹ tôi không bao giờ bị bắt và rượu vẫn nấu, lợn vẫn nuôi đều đều, sau khi đoàn công an bắt rượu đi về huyện.
Cũng cần nói thêm: hồi đó, công an là một từ chỉ nghe thôi đã là ác mộng với người dân quê tôi. Ông làm công an, nhiều khi ai gặp cũng sợ. Cha xứ quê tôi mà thấy ông là khiếp, cha đã có thời gian đi tù tận 11 năm không án, nên cứ thấy công an là sợ.
Thế nhưng, sau này ông về già, ông thấy những việc làm của mình thời trẻ cho cộng sản là có vấn đề và ông trở thành một người đạo đức chăm chỉ lễ lạt, nhà thờ. Cuối đời, ông làm ông bõ chuyên chăm chỉ giữ nhà thờ và quét dọn cho đến khi ông lìa đời.
Còn mẹ tôi, mỗi lần nhớ đến những ngày đó, đều nhớ đến công ơn của ông đã giúp gia đình tôi vượt qua một giai đoạn gian nan. Bà vẫn thường cầu nguyện và xin tràng hạt cho ông mỗi khi có dịp.
Câu chuyện thứ hai: Bắt quả tang vợ ngoại tình
Câu chuyện này, tôi không trực tiếp chứng kiến, chỉ được nghe kể lại khi về công tác tại Viện thiết kế Bộ giao thông.
Một ông cán bộ có bà vợ có tính thích vui vẻ. Mỗi lần ông đi làm, bà vợ lại rủ ông bạn đến “giao lưu” tại nhà. Ông chồng biết vậy, nhưng ông lại hay “nể vợ” nên không thể làm gì, mỗi lần nói đến việc đó, bà vợ lại át đi kiểu như: “Chọn đi, môi trường cá tôm hoặc nhà máy”.
Một hôm, ông đến cơ quan, nhờ thêm vài ông bạn và quyết định giữa giờ, về nhà bắt quả tang vợ ngoại tình để làm cho ra ngô, ra khoai.
Cả đám mấy người về nhà thì quả nhiên bắt được bà vợ và ông bạn đang “giao lưu”. Khi bị bắt tại trận, bà vợ chỉ nói một câu: Thôi, được rồi, chờ chút mặc quần áo tử tế rồi nói chuyện, chẳng lẽ anh để bạn anh thấy tôi thế này à?
Ông chồng thấy vợ nói vậy, nghĩ cũng phải và “nể” nên đồng ý cho cả hai mặc quần áo vào để xử lý.
Mặc quần áo xong, bà vợ ráo hoảnh: “Chẳng mấy khi các bác đến nhà em chơi, ở đây trưa ăn cơm với nhà em nhé”. Ông chồng gầm lên: Đồ trơ tráo, bắt tại chỗ ngoại tình mà còn nhơn nhơn vậy à?
Bà vợ thủng thẳng đáp lại: Bắt cái gì? Chứng cớ đâu? Khách đến nhà thì mời ở lại ăn cơm tử tế còn nói gì?
Chẳng là hồi đó làm gì có điện thoại chụp ảnh hoặc quay phim, nên cứ mặc quần áo xong là xong. Thế là ông chồng đành ngậm ngùi vì đuối lý.
Kể từ đó, mỗi lần đi về, biết bà vợ ngoại tình, thì ông chồng vẫn cứ hát khe khẽ: Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao…
Câu chuyện thứ ba: Thanh tra Formosa
Tôi kể hai câu chuyện trên là nhân dịp nhà nước vừa triển khai tổng kiểm tra Formosa.
Formosa là một công ty nước ngoài, chiếm một khu đất cả hàng ngàn ha, biệt lập với xung quanh bằng hào sâu trong ngoài và tường cao. Nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Formosa được ưu tiên, ưu đãi đến mức không thể ngờ và chính vì vậy đã gây nghi ngờ trong công luận, trong dân chúng. Giá cả thuê rẻ hơn cho không, lý do là thuê 3.300 ha đất 70 năm, chỉ phải trả 96 tỷ đồng VN. Trong khi đó, để giải tỏa được khu vực đó, VN phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng. Một kiểu kinh doanh mà nói theo ngôn ngữ dân gian là kinh doanh kiểu “lấy lỗ làm lãi”.
Thậm chí, thanh tra còn vạch ra rằng: Hà Tĩnh đã vượt thẩm quyền, cho thuê đất đến 70 năm là trái luật. Nhưng thủ tướng đã đỡ đòn ngay cho tỉnh.
Formosa nhập về 400 tấn chất độc hóa học để súc rửa đường ống và đã làm từ mấy tháng qua. Đường ống xả đặt ngầm dưới biển và xả ra biển.
Cá chết hàng loạt, môi trường bị hủy hoại, thảm họa xảy ra.
Nhà nước loanh quanh thanh minh rằng Formosa không dính dáng đến tội ác này.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường khi được phản ánh về đường ống xả ngầm ra biển đã nói ngay: Được phép. Khi được hỏi về nhiễm độc kim loại nặng trong nước biển, ông trả lời: Tổn hại cho đất nước.
Một ông vụ phó còn nói thẳng: Chúng tôi không thể vào Formosa vì “có yếu tố nước ngoài”. Câu nói thật lòng về khu “tô giới Formosa” này đã gây bão với câu hỏi: Liệu VN còn chủ quyền với khu Formosa Vũng Áng nữa không?
Công luận và dư luận lên tiếng. Không cãi được, bộ TN- MT đổ lỗi cho thủy triều đỏ. Nhưng kết luận này bị phản ứng dữ dội bởi chính các nhà khoa học.
Còn người dân, thì nói theo cách của Nam Cao, bảo nhau: “Nói chó cũng không ngửi được”.
Thế là sau vài tháng đánh động, nhà nước tổ chức thanh tra, kiểm tra Formosa.
Chưa rõ kết quả thanh tra sẽ đến đâu, khách quan chủ quan thế nào, ngay ngày đầu tiên đã xác nhận: Formosa đã dùng 51 tấn hóa chất. Còn Bộ Công thương thì khẳng định: cả năm 2015 và tính đến thời điểm này, Formosa đã nhập khẩu gần 384 tấn hóa chất.
Người dân có quyền nghi ngờ và đặt câu hỏi:
– Tại sao ngay khi bắt quả tang xả thải, nhà nước không kịp thời thanh tra, kiểm tra ngay mà chờ cho đến khi rượu đã cất, quần đã kéo lên?
– Tại sao khi Formosa nhập cả gần 400 tấn hóa chất, tự ý sử dụng và xả ra biển mà nhà quản lý không nắm được họ đã sử dụng ra sao và xả ra cái gì? Cho đến nay, chưa có một ai chịu trách nhiệm về việc này?
– Tại sao Thanh tra Chính phủ đã kết luận về những sai phạm của Formosa nhưng đến nay họ vẫn cứ bình chân như vại?
– Liệu cuộc thanh tra, kiểm tra này lại có rơi vào vòng luẩn quẩn mà người dân đã đúc kết: “Thanh tra, thanh mẹ, thanh gì / Hễ có phong bì thì lại “thank you”?
Chẳng ai cấm được người dân nghi ngờ, khi mà lòng tin vào chế độ, vào quan chức và các tổ chức nhà nước đã bị tiêu hủy như chính sự hủy hoại môi trường Miền Trung hiện nay.
Hà Nội, ngày 6/5/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh