Miền Trung: màn đêm bi kịch và những ngọn nến cần thắp lên

Những ngày này, miền Trung thân yêu đang nóng bỏng, không phải chỉ do thời tiết, mà còn do những gì đã xảy ra và đang diễn ra: cá biển chết, dân biển hoảng loạn, phát ngôn bị ném đá và hành động xui dại của mấy ông quan…vv… Cả nước đổ dồn tâm trí về khúc ruột miền Trung, cơ man là hành động: lên tiếng, viết bài, quay video đăng web, biểu tình..!

MÀN ĐÊM

Đàn cá chết tức tưởi oan uổng

Cá tiếp tục chết tại bãi Biển Hải Dương, Thừa Thiên Huế sáng 3/5. Ảnh Nguyen Thị Dieu Anh

Cá tiếp tục chết tại bãi Biển Hải Dương, Thừa Thiên Huế sáng 3/5. Ảnh Nguyen Thị Dieu Anh

Những con cá bụng trương, miệng há ngoác kêu oan lắm thay! Chúng khóc rằng chúng tôi không muốn chết thế này! Nếu có chết, chúng tôi cũng muốn là thức ăn sạch nuôi sống con người, đặc biệt người dân nghèo, chứ chúng tôi không muốn lồi con mắt, xém cái bụng sình, ai trông cũng chạy dài…hu hu…!

Nhìn đàn cá đúng là chết thảm quá! Thảm cho chúng một mà thảm cho lòng người ta nỡ gây ra cho chúng mười. Bình thường, một con tôm, con cá nhỏ chết ươn thối không ăn được đã lấy làm tiếc. Thế mà nay, cả hàng chục tấn cá bỗng nhiên chết nổi trắng bờ biển, ai trông mà không xót gan, đứt ruột chắc chẳng phải người. Hỏi ai là kẻ thủ ác trong vụ này? Trời biết, đất biết, người dân cũng biết, chỉ có nhà cầm quyền nước ta còn đang hì hục điều tra và có vẻ chưa muốn biết.

Thương những con cá chết uổng phí, thay vì làm thức ăn cho con người, nay lại thành mối nguy hại cho môi trường. Cả một vùng biển trời chắc thối um. Giận người đầu độc cá tôm, cùng muôn loại sinh vật trong vùng biển ấy chắc cũng chết sạch.

Dân biển hoảng loạn

Thấy cá chết bất thường, người dân biết chúng do nhiễm độc mà chết, chẳng ai dám ăn. Người sống bằng nghề biển phải chạy sang vùng biển khác đánh bắt về bán mà cũng không ai dám mua. Thậm chí, những tàu đánh bắt xa bờ mang cá tôm về cũng đành phải đổ ra đường quốc lộ mà phản đối kẻ gây ra quốc nạn này. Bao nhiêu mồ hôi, công sức và tiền của bỏ ra thời gian qua thì bây giờ trắng tay, biết lấy gì mà sống bây giờ…!

Bao năm nay, người dân chỉ bám biển mà sống. Mọi cái cũng từ biển mà ra, mà có. Nay bỗng nhiên, mọi cái trở nên bất ổn. Cả hạt muối cũng không còn đủ lành để ăn. Xưa nay, ai thấy dân miền biển mà phải hoảng hốt lo thiếu muối ăn, phải đi mua vội về tích trữ bao giờ…!

Những con người, xưa nay vốn hiền lành, chỉ quen lam lũ làm bạn với biển trời, tần tảo kiếm miếng ăn, thế mà nay phải hoảng hốt, nổi sung, nổi tức chặn đường quốc lộ, phản đối kẻ đã tước đi quyền sống của họ. Ai kẻ thủ ác đẩy dân lành vào cảnh như vậy?

Phát ngôn bị ném đá

Thật tội nghiệp cho cái ông đại diện của công ty Formosa Hà Tĩnh, Chu Xuân Phàm. Chắc tiếng Việt cũng còn lơ lớ rằng “Muốn bắt cá, bắt tôm hay là muốn xây một cái nhà máy thép hiện đại?” Chắc ông này cũng đang ở tình trạng hoảng loạn, cho nên mới nói bừa ra như vậy. Chứ một người có trí khôn bình thường và tỉnh táo, không ai dám nói thế.

Tuy nhiên, cái hoảng loạn của ông Phàm khác với hoảng loạn của người dân Miền Trung. Ông hoảng loạn có thể do ông biết rõ chính ông và công ty của ông là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường cá chết. Câu nói của ông ở trên đã gián tiếp xác nhận điều đó. Nhưng nhà chức trách của ta thì rất ư là lịch sự với “chú Khách”: Ấy, sao anh lại tự nhận mình như vậy, hãy cứ để chúng tôi đi điều tra…!

Trải qua bao cuộc điều tra và khảo cứu, hàng lãnh đạo ta cùng các Bộ Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Y tế,… đồng thanh lên tiếng: nước biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế) vẫn sạch và an toàn. Thật là hài quá, mà cười không được. Vậy cá chết là bởi ông Trời…, chứ chẳng phải tại “chú Khách, thằng Ngô” nào cả…!

Mấy ông quan hành động kiểu xui dại người dân

Mấy ngày qua, chắc nước biển miền Trung vừa sạch vừa mát, cá biển miền Trung vừa sạch vừa ngon, cho nên mấy vị lãnh đạo tỉnh và quan chức các bộ Đà Nẵng và Hà Tĩnh rủ nhau đi tắm biển, ăn đồ biển và cố ý cho báo chí thông tin khắp nơi để quảng cáo.

Vẫn biết, các vị hành động như thế là để trấn an người dân. Nhưng với bằng chứng cá biển chết hàng loạt, lại thêm lời gián tiếp xác nhận của ông Phàm: cá tôm phải chết, để có sắt thép, thì hành động của các vị không đủ sức thuyết phục, có khi còn xúi dại người dân đến sự nguy hiểm.

Để dân tin, cứ phải mời chuyên gia quốc tế, ngành môi trường về khảo cứu và công bố kết quả. Chứ ngay cả mời mấy cái bộ của ông Nguyễn Minh Quang, ông Cao Đức Phát, bà Nguyễn Thị Kim Tiến vào điều tra, khảo cứu gì đấy, dân cũng chỉ biết cười mà mếu máo thôi.

NHỮNG NGỌN NẾN CẦN THẮP LÊN!

Một lời bàn về nguyên do thảm họa

nước sạchTất cả màn đêm bi hài kịch vừa nói ở trên: cá chết oan uổng, người dân hoảng loạn, kẻ phát ngôn gây sốc, lãnh đạo hành động khôi hài, chắc chắn không phải bỗng nhiên xảy ra. Nhưng nguyên nhân đẩy đến tình cảnh ấy đã ngấm ngầm hình thành từ lâu và trong thời gian dài. Tuy nhiêu, nhà chức trách và cả chúng ta không quan tâm đủ, không phát hiện và ngăn chặn kịp thời, cho nên dẫn đến hậu quả tai hại, thảm khốc.

Căn bệnh của mọi người chúng ta trong xã hội hiện nay là khi còn thời gian thì cứ lơ là, thiếu quan tâm, thậm chí còn bàng quan vô cảm… Nhiều khi chúng ta phó mặc cho nhà chức trách muốn làm gì thì làm, đến khi xảy ra sự cố, thảm họa, chúng ta mới hoảng hồn phản ứng. Nhưng tiếc rằng chúng ta có tốn bao lời chê trách, bao giấy mực phê phán, bình luận, bao công sức truy tìm thủ phạm, nguyên nhân, thì những con cá cũng không thể sống lại, môi trường biển đã bị tổn thương!

Thái độ cần có, điều cần phải thực thi

Thảm họa đã xảy ra, mỗi người Việt Nam chúng ta trực tiếp hay gián tiếp, người ít người nhiều đều có liên đới trách nhiệm. Chúng ta phê bình, trách móc những người có trách nhiệm, những người lãnh đạo, nhưng cũng phải tự trách chính mình đã để họ làm xảy ra như vậy. Nhà chức trách, nhà cầm quyền ít nhiều cũng là đại diện của người dân chúng ta. Khuôn mặt ấy sáng láng hay lem luốc là trách nhiệm chọn lựa của dân ta.

Những ngày qua, một vài nơi ở ba miền đất nước, một số người đã xuống đường tuần hành ôn hòa để phản đối Formosa – đang là nghi phạm gây thảm họa môi trường biển miền Trung, cũng là để tỏ lòng cảm thông với người dân vùng biển có cá chết. Tuy nhiên, con số người tuần hành vẫn còn ít, cần những tấm lòng quan tâm, liên đới trách nhiệm và hành động nhiều hơn nữa.

Một số ý kiến phao lên rằng người dân tuần hành là do bị kẻ xấu kích động. Nhưng khốn thay, đồng bào mình đang trong cơn khốn khó như vậy, mình không hành động để bảo vệ họ, còn cần đến sự “xui dại” của ai đó chăng? Chính chúng ta phải thấy có trách nhiệm liên đới với đồng bào miền Trung, lên tiếng ủng hộ và đòi công lý cho họ, chứ không cần đến ai xúi giục.

Thuận Kiệt

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube