Trong Lc 1-2, tác giả phác họa những người nghèo, thấp hèn đang đợi chờ Tin Mừng của Thiên Chúa. Đây cũng là cách Lc chuẩn bị cho người đọc thấy Đức Giêsu chính là Đấng công bố Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa cho những người tất bạt nhất.
Hai chương đầu của Tin Mừng Lc bao gồm những trình thuật về thời thơ ấu của Đức Giêsu trong Lc. Trong những trình thuật về thời thơ ấu đó, mỗi “diễn viên trên sân khấu” đã được tác giả Lc bố trí một cách hợp lý vai trò của anawim – những người nghèo.
Ông Dacaria và bà Êlisabet
Ông Dacaria và bà Êlisabet được mô tả như “người công chính” và “không thể chê trách điều gì” trong việc tuân giữ Luật (x. Lc 1,6).
Chúng ta không thấy tác giả đề cập đến vị thế xã hội của họ; song dường như họ thuộc tầng lớp giai cấp tư tế thấp kém, sống giữa những người nghèo trong Israel.
Đàng khác, một điều đặc biệt đáng chú ý: bà Êlisabet là người son sẻ hiếm hoi, và đó là nguồn của mọi sự tủi nhục mà bà phải chịu. Cho nên, khi bà sinh hạ con trai, bà đã vui mừng vì đã cất được nỗi hổ nhục (Lc 1,25; xem thêm St 30,23; 1 Sm 1,5-8).
Ông Dacaria đã cất lên bài ca Benedictus để diễn tả nỗi hân hoan vui sướng vì lời hứa ơn cứu độ đã được thực hiện. Bài thánh ca này cũng ám chỉ đến việc được giải thoát khỏi kẻ thù địch, vì vậy nó phản chiếu niềm hy vọng xa xưa của Israel, là niềm hy vọng được giải thoát khỏi những người áp bức (x. Lc 1,71; xem thêm Tv 106,10.45).
Ông Simêon và bà Anna
Ông Simêon và bà Anna cũng là những người công chính và sùng đạo, sống kiên nhẫn đợi chờ niềm an ủi và ơn cứu độ của Israel sắp xảy đến (x.Lc 2,25.38).
Ơn gọi của ông Simêon không được trình bày, nhưng điều hiển nhiên là ông đã lớn lên trong sự sùng đạo và được Thánh Thần hướng dẫn. Trong lời cầu nguyện tạ ơn, ông đã mường tượng ơn cứu độ của Thiên Chúa bao trùm toàn thể nhân loại: “Lạy Chúa Tể, giờ đây, theo lời Ngài đã phán, xin để tôi tớ Ngài được an bình ra đi. Vì mắt con đã thấy ơn cứu độ Ngài bày ra trước mặt muôn dân: Đó là ánh sáng mặc khải cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen, Dân Ngài” (Lc 2,29-32). Nhưng lời tiên tri của ông dành cho Đức Maria lại chỉ ra một nỗi đau đớn: sự từ chối của Israel.
Bà Anna, người mà Lc gọi là nữ ngôn sứ, đã góa bụa từ rất nhiều năm và đã cao niên. Tác giả Lc rất quan tâm đến những người góa bụa (2,36-38; 7,11-17; 18,1-8; 21,1-4; xem thêm Cv 6,1; 9,39). Giữa những người nghèo trong Israel thì những người góa bụa, cô nhi và kiều ngụ là những người được quan tâm nhiều hơn cả. Nhưng ở đây, điểm lôi cuốn sự chú ý của Lc trong hình ảnh nữ ngôn sứ Anna là bà trung thành không bỏ Đền Thờ, ăn chay cầu nguyện và hết lòng thờ phượng Thiên Chúa (x. Lc 2,37).
Rõ ràng, khi trình bày đời sống gương mẫu của những người Do Thái đạo đức như ông Simêon và bà Anna, tác giả Lc đã cho thấy những đặc điểm quan trọng của người nghèo sùng đạo: họ là những người đợi chờ ơn cứu độ, sự giải thoát và niềm an ủi của Thiên Chúa ngay trong hoàn cảnh túng nghèo thật sự của họ.
Đức Maria
Trong những trình thuật về thời thơ ấu của Đức Giêsu, hình ảnh Đức Maria, Mẹ của Đức Giêsu chính là hình ảnh nổi bật.
Trong “vở kịch” của Lc, Đức Maria được trình bày như một mẫu gương vượt trội của tất cả những người tin,[1] vì Mẹ đã đón nhận đặc ân của Thiên Chúa trong tinh thần khiêm nhường và sẵn sàng của đức tin (Lc 1,38.45).
Một trong những hình ảnh đầy ý nghĩa và đặc trưng, đó là Mẹ tự diễn tả mình như là “nữ tỳ” của Đức Chúa (Lc 1,38.48a). Hạn từ này diễn tả thái độ khiêm nhường của Mẹ. Đối với Lc, thái độ khiêm nhường của Mẹ đạt đến mức độ tròn đầy khi Mẹ cất lên bài ca Magnificat.[2]
46 Bấy giờ bà Maria nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47 thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48 Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
50 Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,
55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham
và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1,46-55).
Đức Maria tỏ ra vui mừng kinh ngạc vì Thiên Chúa đoái thương nhìn đến thân phận thấp hèn của mình. Mẹ đã cất lên bài ca tán dương ân huệ của Thiên Chúa.
Lý do thứ nhất của lời tán dương là vì Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến thân phận thấp hèn của Mẹ (c.48). Câu 48 rõ ràng liên kết với cc. 49-50, ở đó quyền năng của Thiên Chúa được biểu lộ trong sự tương phản với tình trạng thấp hèn của Đức Maria, một sự tương phản được bày tỏ nơi những công việc Thiên Chúa thực hiện vì những đặc ân dành cho Mẹ (c.49) và nơi lòng thương xót trải dài từ thế hệ này sang thế hệ khác (c.50).
“Phận hèn mọn” được nói đến ở c.48 không chỉ qui chiếu về thân phận của Đức Maria trong tư cách là thành phần của một dân tộc đang bị ngoại bang đô hộ, mà còn phải được hiểu trong trường ngữ nghĩa của khái niệm “người nghèo” trong Lc-Cv. Theo đó, “phận hèn mọn” ám chỉ một tình trạng thực tế của những người nghèo thật sự về phương diện vật chất và xã hội. Chính trong tư thế của một người nghèo như vậy mà Đức Maria đã thốt lên: “Phận nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới”(c.48).
Lý do thứ hai của lời tán dương của Đức Maria được nối kết với c. 49. Nếu ở c.47 Thiên Chúa được tán dương trong tư cách là “Đấng cứu độ tôi”, thì ở c.49 này, hình ảnh Đấng Cứu Độ được thay thế bằng hình ảnh Đấng Toàn Năng, tức là Đấng chiến đấu chống lại những kẻ thù của dân Người (x. Đnl 10,17-18; Tv 24,8; Is 10,20-27; Xp 3,17). Tuy vẫn dùng đại từ ngôi thứ nhất “tôi”, nhưng Đức Maria đã đặt mình trong liên kết với toàn thể những người nghèo của Đức Chúa đang mong chờ ơn cứu độ.
Trong cc.50-55, Đức Maria ca ngợi việc Thiên Chúa thực hiện những hành động đầy lòng thương xót đối với những “kẻ kính sợ Người”, “kẻ khiêm nhường”, “người đói nghèo”, “Israel”. Như thế, những hành động của Thiên Chúa bây giờ được thực hiện trong viễn cảnh trọn vẹn.[3]
Những người chăn chiên
Lc 2 cũng nói về những người chăn chiên. Đó là những người thuộc giai cấp nghèo hèn, bị khinh thường. Thế nhưng họ chính là đối tượng đầu tiên được nghe Tin Mừng: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay[4], một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).
Martino Vũ Tùng, C.Ss.R.
Chú thích:
[1] Joel B. Green. The Gospel of Luke: The New International Commentary on The New Testament. Michigan: Wm. B. Eerdmans Publishing Co., 1997, 92; xem thêm R. Brown, K. Donfried, J. Fitzmyer, J. Reumann. Mary in The New Testament. R. Brown eds. Philadelphia: Fortress, 1978, 18-20.105-177.
[2] Dĩ nhiên, ở điểm này ta phải hiểu là bài ca Magnificat của Giáo Hội tiên khởi dùng trong Phụng vụ đã được tác giả Luca gán cho Đức Mẹ. Xem thêm Raymond E. Brown. The Birth of The Messiah, 334-336.
[3] Joel B. Green. The Gospel of Luke, 102-104.
[4] Semêrôn là một thuật ngữ đặc trưng của Luca. Trong toàn bộ Tân Ước, thuật ngữ này sử dụng 41 lần: Mt 8 lần, Mc 1 lần, Lc và Cv 20 lần, 12 lần trong các tác phẩm khác.