Nền tảng nào để xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển?

Không thể xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển khi chưa đặt nền tảng đúng đắn về bản chất, vai trò của Nhà Nước cũng như sức mạnh thật sự của quyền lực chính trị. 

Gần đây, báo chí hay nói về đề tài xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam. Đã có những bài nghiên cứu, phân tích khá nghiêm túc với nhiều thái độ khác nhau về đề tài trên. Đặc biệt, từ khi nhậm chức, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn đề cập đến việc “xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển” khi phát biểu trong những dịp quan trọng.

Thế nào là nhà nước kiến tạo phát triển? 

Khái niệm Nhà nước kiến tạo phát triển được học giả Chalmers Ashby Johnson đưa ra lần đầu năm 1982, với nội dung là “một mô hình quản lý trong đó nhà nước đề ra các chính sách mang tính định hướng phát triển, tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát để phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô”.

Theo PGS TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì “có thể nói một cách ngắn gọn là, chức năng kiến tạo phát triển của Nhà nước là ở chỗ, xây dựng thể chế hỗ trợ thị trường phát triển một cách sáng tạo, năng động, phát huy được mọi nguồn lực và duy trì, nuôi dưỡng được động lực phát triển kinh tế vì sự phồn thịnh quốc gia cũng như phúc lợi cho tất cả mọi người.”

Mô hình nhà nước nhà nước phát triển được xem là rất thích hợp đối với các nước công nghiệp hoá chậm như Việt Nam, và đã được xây dựng thàng công ở một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Singapore… “Chất lượng thể chế và nguyên tắc thị trường” được xem là “hai động lực căn bản tương tác chặt chẽ với nhau, tạo nên sức phát triển” của mô hình nhà nước này.

Sẽ có rất nhiều vấn đề để bàn khi nói đến việc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển trong bối cảnh chính trị, kinh tế Việt Nam hiện nay. Chẳng hạn: nhà nước kiến tạo phát triển và sự tồn tại của điều 4 Hiến pháp với cái đuôi “định hướng XHCN”; vai trò và sự tham gia của xã hội dân sự; con đường dân chủ hoá… Nhưng có lẽ, điều đầu tiên dễ nhận thấy là, không thể xây dựng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển khi chưa đặt nền tảng đúng đắn về vai trò, bản chất và ý nghĩa thật sự của Nhà Nước, chưa nhìn nhận đâu là sức mạnh thật sự của quyền lực chính trị, và chưa phân biệt rõ ràng – hoặc cố tình lập lờ, hàm hồ trong các khái niệm căn bản về “Quốc gia – dân tộc”, “nhà nước – chính quyền”, “xã hội chính trị – xã hội dân sự”…

Bản chất và nền tảng của Nhà Nước và Quyền lực chính trị

Có thể nói về nhiều khía cạnh để xây dựng một thể chế chính trị hay xây dựng một mô hình nhà nước, nhưng không thể bỏ qua một điều căn bản rằng: bản chất khởi nguyên sâu xa của nhà nước và quyền lực chính trị là nhằm ổn định, phát triển xã hội và phụng sự con người. Để làm được điều đó, nhà nước phải ra sức xây dựng công ích – một công ích hướng tới sự thiện hảo – là tổng hoà những điều kiện cho phép cá nhân hay tập thể đạt tới sự phát triển cách đầy đủ và dễ dàng hơn. Công ích bao gồm 3 yếu tố chính: tôn trọng và cổ võ các quyền căn bản của con người; phát triển những nhu cầu tinh thần và vật chất của xã hội; hoà bình và an ninh của xã hội và của các phần tử. Vì thế, Công Ích là mục đích của chính quyền.

Bên cạnh việc ra sức xây dựng công ích, nhà nước phải tôn trọng ‘nguyên tắc bổ trợ’, cũng như phải luôn tạo điều kiện, cổ võ quyền tham gia xây dựng xã hội của các cá nhân, tập thể và các nhóm xã hội dân sự.

Một quyền bính chính trị “sạch” phải được xây dựng dựa trên sức mạnh tinh thần, sức mạnh của Luân Lý, thu phục lòng dân bằng uy tín và đạo đức đặt trên nền tảng của Sự Thật, Công Lý, Tự Do và Bác Ái. Đó không chỉ là một kiểu quyền bính đặt trên “tinh thần thượng tôn pháp luật” – nói như thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – mà lại là một nền pháp luật “nhiều lỗ hổng”, lạc hậu và có khi đi ngược lại quyền con người  và sự phát triển của xã hội, một kiểu quyền lực chính trị dựa trên bạo lực và cưỡng bức.

Tại sao lại đặt quyền bính chính trị trên nên tảng luân lý? Bởi suy cho cùng, mọi hoạt động trong xã hội – từ chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục…, đều là hoạt động của con người, và phải hướng đến cùng đích là phục vụ con người – từ những người nghèo nhất – để được phát triển xứng hợp với nhân phẩm cao quý.  Không thể nhân danh lợi ích của bất cứ đảng phái nào, cá nhân hay nhóm lợi ích nào để đi ngược hay chà đạp luân lý. Đó là điều chống lại con người.

Cần minh bạch, rõ ràng trong các khái niệm

Không thể xây dựng một thể chế trong sạch, vững mạnh và phát triển khi người ta cứ tìm cách lập lờ, hàm hồ và đánh tráo khái niệm nhằm bành trướng quyền lực, để khống chế, tước đoạt và kiểm soát quyền sống của người dân.

“Nhà nước” và “Quốc gia”, về khía cạnh từ ngữ xem như là từ đồng nghĩa: một bên là từ thuần Việt và một bên là từ Hán Việt. Nhưng theo cách sử dụng hiện hành, “nhà nước” ám chỉ quyền lực cai trị, hay nói cách khác là “chính quyền”. Đó là guồng máy pháp lý quyền hành của quốc gia, là công cụ để bảo đảm an ninh, sao cho dân giàu nước mạnh. Bộ máy ấy có thể thay ngôi đổi chủ hay biến dạng, còn Quốc Gia dân tộc thì bền vững, trường tồn. Bởi “quốc gia” bao gồm cả nhân dân, lãnh thổ và cả dân tộc. Trong lòng quốc gia, ngoài “nhà nước” còn có nhiều tổ chức, cộng đồng khác, mà các tổ chức, cộng đồng này cũng cần thiết để đạt được công ích. Vì thế, không thể đồng hoá “nhà nước” và “quốc gia”. Người dân có thể yêu mến và trung thành với quốc gia dân tộc, chứ không ai được ép buộc người dân phải yêu mến và trung thành với nhà nước hay chính quyền.

Cũng không thể đồng hoá “quốc gia” và “xã hội”. Bởi “quốc gia” chỉ là một cấp của xã hội: thường quen gọi là “xã hội chính trị”. Bên cạnh “xã hội chính trị” còn có các “xã hội dân sự” khác như gia đình, hiệp hội, tôn giáo… Một xã hội chỉ phát triển hài hoà, đúng quy luật tự nhiên khi và chỉ khi các tầng bậc của xã hội đều phải được tôn trọng, bổ trợ và liên đới phát triển cùng nhau. Không thể ưu tiên cho cấp bậc quốc gia mà hạn chế hay triệt hạ xã hội dân sự. Kinh nghiệm đau thương này Việt Nam chưa thể quên với những chủ trương sai trái như “tam vô” (vô gia đình, vô tôn giáo, vô dân tộc), hay chủ trương tập trung vào kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, xoá bỏ kinh tế cá thể…

Thiết nghĩ, mỗi người dân Việt đều thiết tha với sự đổi mới và phát triển đất nước, một sự phát triển thật sự, toàn diện và bền vững, trong đó, các quyền con người được tôn trọng xứng hợp với phẩm giá, thiên nhiên và môi trường cũng được gìn giữ và bảo vệ. Điều này đòi hỏi sự thay đổi từ trong nhận thức của những người nắm giữ quyền bính xã hội, đòi hỏi một sự thành tâm thiện chí thật sự muốn thay đổi thế đứng của dân tộc, cũng như đòi hỏi ý thức của mỗi người dân về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thúc đẩy đất nước đổi mới và phát triển.

Nếu không chí ít hội đủ những điều kiện ấy, thì việc hô hào “chuyển đổi và xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển” chỉ là cách nói để xoa dịu lòng dân trong cơn cùng quẫn, bức bách của thời cuộc, hoặc chỉ là một kiểu “rượu cũ bình mới” của mô thức ” nhà nước đối phó – xoay sở”!

Tịnh Khê

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube