Một Tình Yêu lớn hơn sự chết!

Trong diễn từ ly biệt, Chúa Giêsu loan báo về cái chết sắp xảy ra với Ngài: “Thầy ra đi và đến cùng anh em.” (Gioan 14:28).

Ngay cả khi thi hài của người chết vẫn còn đó, thì họ cũng đã đến một nơi vô định và chúng ta không thể theo họ (x. Ga 13:36). Tuy nhiên, trong trường hợp của Chúa Giêsu, có một điều gì đó hoàn toàn mới, làm thay đổi thế giới. Trong trường hợp chúng ta qua đời, “sự ra đi” là dứt khoát; không có ngày trở lại.

Mặt khác, Chúa Giêsu nói về cái chết của mình: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”. Đó là cách Ngài đi và Ngài lại đến. Sự ra đi của Chúa Giêsu mở ra một cách thức hiện diện hoàn toàn mới và lớn lao hơn. Khi chết, Người đi vào tình yêu của Chúa Cha. Cái chết của Người là một hành động của tình yêu, và tình yêu ấy là bất tử. Do đó, sự ra đi của Chúa Giêsu trở nên một hình thức mới, một hình thức hiện diện cao cả sâu sắc hơn và sẽ tồn tại mãi. Trong suốt cuộc đời trần thế của mình, Chúa Giêsu, cũng như tất cả chúng ta, bị ràng buộc với những điều kiện về sự tồn tại về mặt thể lý cũng như một không gian và thời gian xác định. Thể xác tạo nên các giới hạn cho sự hiện diện của chúng ta. Chúng ta không thể đồng thời ở hai nơi khác nhau. Thời gian của chúng ta được định sẵn sẽ kết thúc. Giữa “tôi” và “bạn”, có một rào cản của sự khác biệt. Để chắc chắn, thông qua tình yêu, bằng cách nào đó ta có thể xâm nhập vào sự tồn tại của người kia. Tuy nhiên, rào cản không thể vượt qua của sự khác biệt vẫn còn nguyên vẹn.

BTL-05

Biến đổi và tự do

Nay qua hành động của tình yêu, Chúa Giêsu đã hoàn toàn biến đổi, và hoàn toàn được tự do khỏi những ràng buộc và giới hạn cũ. Ngài cũng không chỉ đi xuyên qua các cửa đóng kín theo như Tin mừng kể lại (x. Gioan 20:19). Ngài cũng đi qua cánh cửa bên trong ngăn cách “tôi” với “bạn”, cánh cửa đóng lại giữa hôm qua và hôm nay, giữa quá khứ và tương lai. Vào ngày Chúa vào thành Giêrusalem cách long trọng, khi một số người Hy Lạp xin được gặp Ngài, Chúa Giêsu đã trả lời bằng dụ ngôn về hạt lúa mì rơi vào lòng đất rồi chết đi và chúng sinh nhiều bông hạt. Bằng cách này, Chúa Giêsu đã báo trước số phận của chính mình: những lời này không chỉ được gửi đến một hoặc hai người Hy Lạp trong thời gian vài phút. Qua thập tự giá, qua việc ra đi, qua cái chết như hạt lúa mì, Chúa thực sự đến giữa những người Hy Lạp, theo cách mà họ có thể nhìn thấy và chạm đến Ngài qua đức tin.

Sự ra đi của Ngài được biến đổi thành sự sống lại, theo cách thức hiện diện của Chúa Phục sinh, hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau. Chúa đã đến, và ở lại với chúng ta mọi lúc, mọi nơi. Giờ đây, Ngài thậm chí có thể vượt qua ngăn cách giữa “tôi” với “bạn”. Điều này đã xảy ra với Thánh Phaolô, ngài đã thuật lại cho chúng ta thấy quá trình cải đạo và chịu phép Thanh Tẩy của mình như sau: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống nữa, nhưng Đức Kitô sống trong tôi.” (Galát 2:20). Nhờ sự xuất hiện của Đấng Phục sinh, Phaolô có được một danh tính mới. “Cái tôi” khép kín của ông nay đã được mở ra. Giờ đây, ông sống trong sự hiệp thông với Chúa Giêssu Kitô, trong cái “tôi” vĩ đại của những người tin – những người đã trở nên – “một trong Đấng Kitô.” (Gl 3:28).

Nên một trong Đức Kitô

Vì vậy, các bạn thân mến, rõ ràng nhờ Bí tích Rửa tội, những lời mầu nhiệm được Chúa Giêsu nói trong Bữa Tiệc Ly trở nên hiện hữu một lần nữa. Trong Phép Rửa, Chúa bước vào cuộc đời bạn qua cánh cửa của trái tim. Chúng ta không còn khoảng cách hay đối lập với nhau nữa. Chúa Giêsu đi qua tất cả những cánh cửa này. Đây là thực tại của Bí tích Rửa tội: Người là Đấng Phục sinh, đã đến với bạn và cùng bạn tham gia cuộc sống này, lôi cuốn bạn vào ngọn lửa tình yêu bừng cháy. Bạn trở nên một với Chúa và nên một với nhau.

Lúc đầu, điều này nghe có vẻ khá trừu tượng và phi thực tế. Nhưng càng sống đời sống của người tín hữu, bạn càng cảm nghiệm được sự thật của những lời này. Những người tin — những người đã được chịu phép rửa – không bao giờ thực sự chia lìa nhau. Các châu lục, văn hóa, xã hội, hoặc thậm chí khoảng cách địa lý lịch sử có thể chia cắt chúng ta. Nhưng khi chúng ta gặp nhau, chúng ta biết nhau cùng là con Chúa, cùng một đức tin, một phép rửa, cùng một hy vọng, một tình yêu, những điều đã hình thành nên chúng ta. Sau đó chúng ta đều cảm nghiệm được nền tảng cuộc sống của chúng ta là như nhau. Trong sâu thẳm nhất của mỗi người, chúng ta mang cùng một danh tính, trên cơ sở đó ngoài những khác biệt bên ngoài, dù lớn đến đâu cũng trở thành thứ yếu. Những người tin không bao giờ bị chia cắt với nhau. Chúng ta hiệp thông với nhau vì danh tính sâu xa của chúng ta. Chúa Giêsu trong chúng ta. Vì thế, đức tin là động lực cho hòa bình và hòa giải trên thế giới: khoảng các giữa người với người được xóa nhòa, trong Đức Kitô, chúng ta trở nên gần nhau hơn. (x. Êphêsô 2:13)

Chuyển ngữ: Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam

Nguồn: A Love Stronger than Death – Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI – (The Word Among Us Press, 2009)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube