Linh mục Da Silva bày tỏ mối bận tâm nghiêm trọng khi các Kitô hữu Palestine chạy trốn khỏi Gaza

GAZA CITY – Trong sáu năm qua, số Kitô hữu ở Dải Gaza đã giảm mạnh từ 4.500 xuống chỉ còn 1.000, do những điều kiện khắc nghiệt mà họ đang phải trải qua, theo vị linh mục của một nhà thờ Công giáo duy nhất tại lãnh thổ này.

Người dân Gaza “sống ở đây như thể đó là một nhà tù ngoài trời vì chúng tôi không thể rời khỏi đó. Chúng tôi không thể thăm người thân, không thể tìm kiếm việc làm, thuốc men hay các bệnh viện tốt ở bên ngoài”, Cha Maria da Silva phát biểu với ACI Prensa.

Children_2_amidst_the_devastated_buildings_in_Gaza_Credit_Shareef_Sarhan_CRS_CNA_7_22_15-690x450

Trẻ em giữa những tòa nhà bị tàn phá ở Gaza. (Credit: Shareef Sarhan/CRS via CNA.)

Dải Gaza có diện tích 141 dặm vuông, một phần của Palestine, nằm ở phía tây Israel và có tới 1,8 triệu người. Kể từ năm 2007, nó đã bị cai trị bởi phong trào Hồi giáo Hamas.

Kể từ khi Hamas lên nắm quyền ở đó, Israel và Ai Cập đã tiến hành phong tỏa kinh tế đối với dải Gaza, hạn chế sự lưu thông đối với người và hàng hóa trong một nỗ lực nhằm giới hạn các cuộc tấn công tên lửa vào Israel được phát động từ lãnh thổ.

Da Silva, một linh mục thuộc Dòng Ngôi Lời Nhập thể, nhớ lại rằng khi ngài đến Gaza vào năm 2012, “tình hình vốn đã hết sức khó khăn. Theo thời gian, tôi hy vọng tình hình sẽ trở nên tốt hơn, nhưng nó chỉ trở nên tồi tệ hơn”.

Ngài kể lại việc cư dân chỉ có ba tiếng mỗi ngày được sử dụng điện, và hiện đang có tình trạng thiếu nước uống trầm trọng.

Hầu hết người dân Gaza đều đang thất nghiệp, linh mục Da Silva nói, và những người làm việc sống nhờ vào “khoảng 150-200 đô la mỗi tháng”.

“Nó thực sự là một nhà tù. Người dân không có tiền và tình hình hiện vô cùng khủng khiếp. Tình trạng đói nghèo tràn lan”.

Những điều kiện khắc nghiệt đối với Gaza đã dẫn đến cuộc di dân của người Kitô hữu Palestine.

“Hàng năm, các Kitô hữu được phép trở về và thăm viếng những nơi thánh vào dịp Lễ Phục Sinh và Giáng Sinh”, và nhiều người trong số họ đã không bao giờ trở lại, linh mục da Silva giải thích.

Nhằm đẩy lui xu thế này, giáo xứ Thánh Gia của linh mục Da Silva đang nỗ lực làm việc cùng với 12 nữ tu, Thuộc Dòng Tôi Tớ Thiên Chúa và Trinh Nữ Matará, các tu sĩ Dòng Thừa Sai Bác Ái, và các nữ tu Hội dòng Mân Côi.

“Chúng tôi đang nỗ lực làm hai việc: đầu tiên, rao giảng Đức Kitô và tầm quan trọng của các Kitô hữu tại Đất Thánh; rao giảng về tầm quan trọng của sự tha thứ và đón nhận Thánh giá là điều mà chúng tôi đang phải nỗ lực trước nhất”.

Hình thức trợ giúp thứ hai là các dự án hỗ trợ vật chất, linh mục Da Silva nói: “Chẳng hạn như, với sự trợ giúp của các tổ chức như Ủy ban Giáo hoàng hay Tòa Thượng Phụ La tinh tại Giêrusalem, Giáo hội cố gắng tạo công ăn việc làm cho hơn 30 thanh thiếu niên để họ sẽ không bỏ đi bởi vì họ chủ yếu là những người muốn rời bỏ nơi này”.

Linh mục Da Silva lưu ý rằng giáo xứ cũng quan tâm đến những tín đồ thuộc các tôn giáo khác: “Cộng đồng Kitô hữu rất nhỏ và có tới 2 triệu người Hồi giáo. Họ cũng đang hết sức thiếu thốn. Chúng tôi cũng đã luôn rộng mở cửa các trường học hoặc nhà thờ của chúng tôi trong thời kỳ chiến tranh để đón nhận những người tìm kiếm những nơi ẩn náu”.

“Không có cuộc bức hại nào lớn đối với các Kitô hữu”, linh mục Da Silva nói. “Mặc dù hiện tại có rất nhiều nỗi sợ hãi với những tin tức rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã đến, xuất phát từ bán đảo Sinai, ở Ai Cập … Đã có những mối đe dọa. Cũng có sự sợ hãi đối với các nhóm Salafist đang đến từ phía Nam”.

“Trên thực tế, khi chúng tôi đối diện với với những vấn đề với những người Hồi giáo muốn làm gì đó chống lại Giáo hội, chúng tôi đã yêu cầu chính phủ bảo vệ chúng tôi và họ đã làm như vậy”, linh mục Da Silva cho biết thêm.

Niềm vui mừng của lễ Phục Sinh năm nay đã bị tác động do việc giảm bớt việc cấp giấy phép bởi Israel dành cho các tín hữu Palestine để được đến viếng thăm những nơi linh thánh trong lãnh thổ của họ, linh mục Da Silva nói.

“Quả thực đây là một điều đáng buồn bởi vì Israel luôn cho phép các Kitô hữu có thể viếng thăm những nơi linh thánh nhân dịp Lễ Giáng Sinh và Phục Sinh”, nhưng năm nay họ chỉ cấp 300 giấy phép thay vì 700 như họ vẫn thường cấp. Những giấy phép này được cấp “cho trẻ em và những người cao tuổi, những người thực sự là những người không thể tự mình đi đâu đó. Rất ít người trong số họ thực sự đã có thể đến những nơi linh thánh này”, linh mục Da Silva than thở.

Tuy nhiên, “có một niềm vui lan tỏa vì Đức Kitô đã sống lại và vì ơn cứu độ của chúng ta đã phát xuất từ đó, vốn quan trọng hơn đời sống vật chất của chúng ta; nhưng trên mức độ con người, đó quả thực là một lễ Phục Sinh đáng buồn”.

“Xin hãy cầu nguyện nhiều cho vấn đề này, vốn là điều mà chúng tôi chủ yếu muốn cầu xin, bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể thay đổi tình hình mà chúng ta đang trải qua ở những quốc gia này ở Trung Đông”, linh mục Da Silva kết luận.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube