Lễ Phục Sinh dưới làn bom đạn ở Zaporizhzhia

Đêm canh thức Phục sinh với Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas ở Zaporizhzhia (Ảnh @rkc.zp.ua)

Đêm canh thức Phục Sinh với Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas ở Zaporizhzhia (Ảnh @rkc.zp.ua)

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine, Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas, người đã trải qua Lễ Phục Sinh ở Ukraine dưới sự bắn phá dữ dội của Nga.

Kính thưa Đức Tổng Giám mục, ngài đã đón Giáng sinh với cộng đồng Công giáo ở Kharkov, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các cuộc tấn công của Nga. Giờ đây, nhân dịp lễ Phục sinh, Đức Cha đã tới Zaporizhzhia, một thành phố khác gần như bị ném bom hàng ngày. Đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay Đức Cha đã chọn cách kỷ niệm những dịp lễ quan trọng nhất với những người thường xuyên bị đe dọa?

 Vâng, đó là một sự lựa chọn, một sự lựa chọn quan trọng đối với cá nhân tôi bởi vì để cầu nguyện trong những ngày lễ quan trọng như Giáng sinh và Phục sinh, tôi thực sự mong muốn cầu nguyện, đặc biệt với những người đến cầu nguyện với lòng khao khát, với lòng nhiệt thành thiêng liêng tuyệt đối, bởi vì họ không có lựa chọn nào khác, không ai cứu được họ, đó là nỗi kinh hoàng của chiến tranh. Và tôi biết rằng đối với những người Công giáo ở những khu vực gần mặt trận quân sự này, việc được ở bên cạnh họ là điều rất quan trọng. Ngoài ra, vì ở Zaporizhzhia, Kherson và Kharkiv, viện trợ nhân đạo được chuyển đến ít hơn. Chẳng hạn, các tổ chức Công giáo ở đây rất tích cực và nhận được sự hỗ trợ từ chính Đức Thánh Cha thông qua Chánh sở Từ thiện của ngài là Đức Hồng Y Krajewski. Vì vậy, đối với tôi, đó cũng là một cách để trực tiếp xem số viện trợ này được chuyển đến như thế nào, nó được phân phối như thế nào. Tôi cũng có thể thấy số người cần giúp đỡ tthamaj chí ngay cả ở một thành phố như Zaporizhzhia, và tôi nhìn thấy lòng biết ơn trong mắt họ khi họ nhận được một miếng bánh mì và thứ gì đó đi kèm; họ thực sự biết ơn vì họ không có gì cả. Và vì nhiều người trong số họ đã mất việc làm vì các nhà máy không hoạt động do chiến tranh nên số người cần viện trợ này ngày càng tăng. Vì vậy, điều đó quan trọng đối với tôi và tôi thiết nghĩ còn quan trọng hơn đối với những người Công giáo sống ở đây.

Lễ Phục sinh được cử hành thế nào? Đức Cha đã gặp những ai và bầu không khí ở Zaporizhzhia và đặc biệt là giữa những người Công giáo như thế nào?

Tôi cũng đã gặp gỡ cộng đồng Công giáo Hy Lạp, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn vì lễ Phục sinh đối với họ sẽ đến muộn hơn, vào tháng Năm. Vì vậy, tôi dành nhiều thời gian cầu nguyện hơn cho các tín hữu Công giáo La Mã, và các buổi cử hành rất thành tâm, rất thân mật vì không có sự hỗ trợ nào khác có thể phục vụ được. Và vì vậy, đối với họ, Lễ Phục Sinh càng trở nên quan trọng hơn ở những vùng đất hòa bình bởi trong thời kỳ chiến tranh có nguy cơ rất lớn rơi vào tình trạng tuyệt vọng về con người, thậm chí về tâm lý, vì sự tàn bạo và những khó khăn. Thậm chí còn có những hiểu lầm vì, chẳng hạn, tôi cũng đã gặp gỡ các tình nguyện viên đến từ nhiều vùng lãnh thổ khác nhau và họ nói rằng đôi khi người dân ở những vùng đó không hiểu đúng tin tức; những gì họ nghe được đều được thúc đẩy bởi sự tuyên truyền. Và họ đến đây và tìm thấy một thực tế khác, cảm động hơn nhiều, sống động hơn nhiều, rồi họ muốn quay trở lại Ukraine vì họ thấy rằng sự tuyên truyền chính trị đôi khi quên mất những nhu cầu này, tập trung vào những điều tầm thường không thấy được, và họ không nhìn thấy những điều quan trọng nhất. Và tôi rất hài lòng với cách chúng tôi có thể cùng nhau cầu nguyện: theo cách mà chúng tôi thực sự mong muốn Chúa Giêsu là ánh sáng của chúng tôi, Ngài là Sự Phục Sinh của chúng ta trong mọi sự, Ngài là sự bình an của chúng ta.

Tôi muốn hỏi liệu có đoạn nào trong lễ Phục Sinh xem ra thích hợp nhất với hoàn cảnh hiện tại mà người dân ở đó đang trải qua không?

Đối với cá nhân tôi, giây phút đầu tiên của Đêm Vọng Phục Sinh rất cảm động, vì nghi thức bắt đầu bằng việc tắt đèn. Bóng tối này thực sự gợi lên chiến tranh, và vì thế chỉ còn lại một ánh sáng – ngọn nến Phục Sinh, Chúa Giêsu chiếu sáng trong bóng tối. Đối với tôi, đây là khoảnh khắc thực sự cảm động vì nó cho thấy rõ rằng chiến tranh là do con người tạo ra, viện ra nhiều lý do khác nhau để tấn công người khác mà không hỏi ý kiến của Đấng Tạo Hóa. Tuy nhiên, ánh sáng của Chúa Kitô vẫn thắp sáng giữa chúng ta.

Không ngày nào trôi qua mà không có các cuộc tấn công nhắm vào các thành phố và làng mạc của Ukraine, gây ra cái chết cho người dân và phá hủy cơ sở hạ tầng. Chưa kể tổn thất nhân mạng ở mặt trận. Sự chết chóc đè nặng lên đất nước. Trong tình huống này, câu “Chúa Kitô đã sống lại” có ý nghĩa gì?

Những lời nói về sự phục sinh của Chúa Giêsu có một ý nghĩa rất quan trọng, tôi xin nói là quan trọng hơn nhiều so với ở những vùng đất bình yên vì cuộc sống sớm muộn gì cũng sẽ kết thúc do chiến tranh hoặc không phải chiến tranh, và ngay cả giữa chiến tranh, ánh sáng này vẫn không ai có thể dập tắt, không ai có thể lấy đi khỏi chúng ta. Vì vậy, chính Chúa Giêsu thực sự là sự chắc chắn của chúng ta, là nền tảng, thậm chí là niềm hy vọng của chúng ta bởi vì thực tế không có niềm hy vọng nào khác. Đó là ý nghĩa cơ bản và được hiểu rất rõ ràng ở những vùng đất bị chiến tranh tàn phá như thế này. Ví dụ, rất gần nhà thờ Công giáo La Mã Zaporizhzhia, một quý ông mà tôi biết đã được chôn cất: luật sư Denys Tarasov, người thậm chí còn là thành viên của ủy ban kỹ thuật theo sáng kiến của Đức Thánh Cha “Đức Giáo hoàng vì Ukraine”. Vì vậy, trước cuộc tấn công [quy mô lớn] của Nga, ông ấy đã giải quyết các vấn đề nhân đạo, sau đó chiến tranh buộc ông ấy phải bảo vệ đất nước của mình và đã thiệt mạng. Thế là tôi biết ông khi ông còn sống, hiện tại tôi biết mộ ông và những người khác như thế… Nhưng ngay cả khi sự sống bị cướp đi một cách oan uổng, hung hãn thì sự sống lại vẫn còn đó, cho nên đó là một nền tảng cảm động hơn trong thời chiến.

Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine, Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas,tại Nhà thờ nghi lễ Latinh ở Kharkov (Ảnh: Vatican News)

Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine, Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas, tại Nhà thờ nghi lễ Latinh ở Kharkov (Ảnh: Vatican News)

Đức Thánh Cha Phanxicô trong thông điệp Urbi et Orbi đã đưa ra lời kêu gọi trao đổi chung tất cả các tù nhân giữa Nga và Ukraine. Cá nhân Đức Cha rất tận tâm với mục tiêu trao đổi tù nhân. Theo ý kiến của ngài, lời kêu gọi này của Đức Thánh Cha có ý nghĩa gì?

Chúng tôi đã hết sức chú ý lắng nghe lời kêu gọi này của Đức Thánh Cha, tôi không thể nói hài lòng, bởi vì sự hài lòng sẽ đến nếu có hiệu quả, nhưng với sự quan tâm sâu sắc và thực sự hiệp nhất thiêng liêng, bởi vì ngay cả ở đây đối với tôi, đang ở vùng đất của Zaporizhzhia cũng có nghĩa là ở vùng đất nơi chúng tôi gần gũi nhất với cuộc sống của rất nhiều tù nhân. Đối với tôi, quả sẽ là một lễ Phục sinh tuyệt vời hơn nữa nếu tôi có thể đến thăm các tù nhân. Và khi Đức Thánh Cha kêu gọi trao đổi toàn bộ tù nhân, đây không phải là một lời kêu gọi đơn giản, mà là một lời kêu gọi liên quan đến nhiều sinh mạng, hàng ngàn người không những không có cơ hội cử hành lễ Phục sinh, kể cả 2 Linh mục Công giáo Hy Lạp bị bắt giữ từ Berdiansk, nơi không xa Zaporizhzhia, vì đó là cùng một khu vực. Vì vậy, suy nghĩ của tôi ở đây thậm chí còn mãnh liệt hơn với họ và cho họ: đối với những Linh mục này, thậm chí không có cơ hội cử hành Lễ Phục sinh. Vì vậy, đây thực sự là một lời kêu gọi nhân đạo mà Đức Thánh Cha ngỏ cùng tất cả những người có đức tin cũng như những người không có đức tin; đó cũng là một lời kêu gọi cầu nguyện để Thiên Chúa mở rộng trái tim của những người lãnh đạo chính trị để thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi tù nhân này. Ở đây, tôi cũng muốn thêm những lời Đức Thánh Cha đã nói trong buổi đi Chặng Đàng Thánh Giá vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh; ngài nói rằng ở những vùng đất không có chiến tranh, đôi khi có nguy cơ không cùng khóc với Chúa Giêsu và nghĩ về chiến tranh từ xa. Và chính lời kêu gọi này, được Đức Thánh Cha bày tỏ hôm nay, vào dịp lễ Phục sinh, là một cách để gần gũi, thực sự quan tâm cụ thể đến những người đau khổ nhất, và những người đau khổ nhất chính là họ: các tù nhân, những người bị thương, và những người thiệt mạng trong cuộc chiến khủng khiếp này.

Kính thưa Đức Cha, Đức Cha đã nói rằng đối với ngài, quả sẽ là một lễ Phục sinh tuyệt vời hơn nữa nếu ngài có thể đích thân đến thăm các tù nhân. Ý ngài là gì? 

Tất nhiên, mong muốn lớn nhất của tôi là có thể đích thân đến thăm các tù nhân, những người mà tôi không thể đến thăm. Ở Ukraine này tôi có thể đến thăm họ, thực tế là tôi đã có thể đến thăm các tù nhân Nga ở đây. Mặt khác, tôi biết rằng những người đồng sự của tôi ở Nga không thể đến thăm các tù nhân Ukraine, và không một đại diện nào của Giáo hội có thể đến thăm họ, kể cả các Linh mục Công giáo Hy Lạp. Đối với tôi đây quả là một gánh nặng rất lớn khi biết rằng người ta đang ở trong hoàn cảnh khó khăn như vậy và thậm chí ngay cả giới răn của Chúa Giêsu – thăm kẻ tù rạc – cũng không thể thực hiện được. Và kế đến, họ bị giam giữ trong điều kiện thế nào? Biết bao cựu tù nhân đã được trả tự do và trao đổi đã nói với tôi rằng đây là nỗi đau khổ lớn nhất: mất niềm tin, mất hy vọng, mất đức tin. Vì thế tôi biết rằng đối với họ đức tin gần như là điều duy nhất còn sót lại, nhưng người ta cũng muốn chạm vào đức tin này, để khích lệ họ, bởi vì nếu không thì nỗi đau khổ của họ vẫn còn vô cùng vô tận.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube