Kiên nhẫn là cách Thiên Chúa thực thi lòng thương xót

Kiên nhẫn là cách Thiên Chúa thực thi lòng xót thương và kiên nhẫn cũng là con đường xót thương, đưa tới cuộc sống xót thương.*


thien-chua-va-nao-boMỗi lần nghe nói đến kiên nhẫn, ta thường có khuynh hướng khúm núm. Tiếng ấy thường muốn nói tới việc đợi chờ. Và như thế, tiếng kiên nhẫn thường có liên quan đến không có khả năng hoạt động, sự thụ động và lệ thuộc. Thật buồn là một tiếng vừa sâu xa vừa phong phú như kiên nhẫn lại có một lịch sử sai lạc trong tâm trí của ta.

Kiên nhẫn đích thật là một sự phản nghĩa của việc đợi chờ thụ động. Kiên nhẫn có nghĩa là chủ động đi vào bề dầy của cuộc sống và mang lấy gánh nặng cách đầy đủ trong ta và chung quanh ta. Kiên nhẫn là khả năng thấy, nghe, đụng chạm đến, nếm cảm những biến cố trong và ngoài cuộc sống ta. Kiên nhẫn là đi vào trong đời ta với đôi mắt, đôi tai và đôi tay rộng mở để ta thực sự biết những gì đang xảy ra. Kiên nhẫn là một thứ kỷ luật hết sức khó khăn vì kiên nhẫn chống lại xung lực thiếu sáng suốt muốn đào tẩu hoặc chiến đấu nơi ta. Kiên nhẫn đòi ta phải vượt quá chọn lựa giữa đào tẩu và chiến đấu.

Khi nói về kiên nhẫn, Chúa Giêsu thường mô tả đó như một thứ kỷ luật, nhờ kỷ luật ấy sự hiện diện trao bao sự sống của Thiên Chúa được thể hiện. Kiên nhẫn là một phẩm chất của những người là mảnh đất tốt, trong mảnh đất ấy, hạt giống có thể sinh gấp trăm. Kiên nhẫn là phẩm chất của lúa tốt sống chung với cỏ lùng. Rõ ràng là Chúa Giêsu đã coi sự kiên nhẫn này là trọng tâm cuộc sống của những kẻ đi theo Ngài. Chúa Giêsu muốn những kẻ đi theo Ngài không được chiến đấu, không đào tẩu nhưng bước trọn vẹn vào trong đau khổ của cuộc hiện sinh con người. Thậm chí Ngài còn đi xa hơn nữa khi bảo các môn đệ Ngài nếu có bị điệu ra trước toà án, cũng không cần phải lo tự bảo vệ. Giữa những đau khổ của mình, họ sẽ khám phá ra tiếng gọi của vị Chúa xót thương. Như thế, Chúa Giêsu luôn cho thấy kỷ luật của lòng kiên nhẫn như con đường dẫn tới cuộc sống của người môn đệ, con đường này làm cho ta thành những dấu chỉ sống động của sự hiện diện xót thương của Thiên Chúa trên trần gian này.

Kiên nhẫn như việc chủ động bước vào bề dầy của cuộc sống luôn mở lòng ta ra cho một kinh nghiệm mới về thời gian. Kiên nhẫn làm cho ta nhận ra rằng Kitô hữu, những người đã cùng Chúa Kitô đi vào cuộc sống người môn đệ không chỉ sống với một tâm tình mới mà còn sống trong một thời gian mới. Kỷ luật của sự kiên nhẫn chính là việc nỗ lực cao độ để thời gian mới mà Đức Kitô đang dẫn ta vào, định đoạt mọi quan niệm và quyết định của ta. Chính thời gian mới này tạo cho ta cơ hội và môi trường để ta ở lại với nhau trong lòng thương xót.

Tuy nhiên, sự thiếu kiên nhẫn luôn là một thách đố và cám dỗ cho con người. Nền tảng của sự thiếu kiên nhẫn là việc sống theo thời gian của đồng hồ. Thời gian của đồng hồ là thời gian theo đường thẳng, nhờ đó đời ta được đo lường trong những đơn vị xuất hiện trên các loại đồng hồ và các loại lịch. Cuộc sống mình bị chi phối bởi các loại đồng hồ. Thời gian của đồng hồ là thời gian bên ngoài, là thời gian có tính khách quan khắt nghiệt và tàn nhẫn của nó. Thời gian của đồng hồ luôn làm cho ta phải lên đường, luôn nuôi dưỡng sự thiếu kiên nhẫn và ngăn chặn việc ta hiện diện với nhau cách xót thương.

Nhưng may mắn, trong đời ta vẫn còn có những thời gian khác nữa, những thời khắc này có một tính cách khác hẳn, trong thời gian ấy kinh nghiệm về sự kiên nhẫn chiếm ưu thế. Những thời khắc ấy xảy đến giống như là thời gian ngừng trôi. Đó là thời viên mãn, thời ân sủng, thời sự sống mới, thời cứu độ của Thiên Chúa đến và đụng chạm đến ta.

Kiên nhẫn là kỷ luật của lòng xót thương vì nhờ kiên nhẫn ta có thể sống trong sự viên mãn của thời gian và có thể mời gọi người khác tham dự vào sự viên mãn ấy. Khi nào ta biết rằng Thiên Chúa đang ban ơn cứu độ cho ta, thì khi ấy ta sẽ có dư thời gian để ở với người khác và cùng cử hành sự sống với nhau.

Tóm lại, kiên nhẫn là cách Thiên Chúa thực thi lòng xót thương và kiên nhẫn cũng là con đường xót thương, đưa tới cuộc sống xót thương. Đó là kỷ luật của người môn đệ. Vì kiên nhẫn phải được thêu dệt thành một bức vải của cuộc sống ta, nên nay ta cần tìm xem những chi tiết lớn hơn về kỷ luật của lòng kiên nhẫn ấy đã hình thành trong đời sống cầu nguyện và hoạt động của ta ra sao.

_______

(*) Bài viết này dựa vào Chương VII Phần III trong sách Lòng Xót Thương – Một Suy Tư Về Đời Sống Kitô Hữu, tác giả Henri M. Nouwen, bản dịch của Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông C.Ss.R, nxb. Tôn Giáo, tr. 113-129.

Martin Vũ Tùng

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube