Giáo hội Nicaragua cam kết chống lại 'các cơ cấu xã hội tội lỗi' khi cuộc đàn áp của chính phủ gia tăng

Từ tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "Kẻ sát nhân" được viết trên bức tranh tường vẽ Tổng thống Nicaragua, Daniel Ortega (Ảnh: Esteban Felix / AP)

Từ tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Kẻ sát nhân” được viết trên bức tranh tường vẽ Tổng thống Nicaragua, Daniel Ortega (Ảnh: Esteban Felix / AP)

Khi chính phủ Nicaragua tiếp tục thắt chặt quyền kiểm soát của mình đối với bất cứ thứ gì và bất kỳ ai mà họ coi là thành phần thuộc phe đối lập, bao gồm cả lãnh đạo của Giáo hội Công giáo, các Giám mục cho biết rằng họ sẽ tiếp tục tố cáo “các cơ cấu xã hội tội lỗi”.

“Giáo hội sẽ tiếp tục loan báo Tin Mừng, tố cáo các cơ cấu xã hội tội lỗi, đồng hành với mọi người, đặc biệt là người nghèo và những người yếu thế”, theo nội dung một tuyên bố do Ủy ban Công lý và Hòa bình của Tổng giáo phận Managua công bố hôm thứ Tư. “Sứ mạng của Giáo hội sẽ luôn khơi dậy những mâu thuẫn trong thế giới này, nơi mà cùng với ánh sáng cũng có bóng tối của sự dữ”.

Tuyên bố được đưa ra vài ngày sau khi các đại biểu của hai ủy ban của Quốc hội thảo luận về “các tôn giáo và lãnh đạo của các tổ chức nhân quyền đã tham gia vào cuộc phiêu lưu đảo chính”.

Sau “các cuộc thảo luận” này, chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega và phu nhân của ông, Phó Tổng thống Rosario Murillo, đã bày tỏ quyết tâm bỏ tù các Linh mục với cáo buộc “phản quốc”.

Cha Harving Padilla thuộc nhà thờ San Juan Bautista ở Masaya, ngoại ô Managua, đã bị “giam lỏng tại Giáo xứ”, với việc cảnh sát và các chiến binh ủng hộ chính phủ ngăn cấm ngài rời khỏi nhà thờ Giáo xứ của mình, đồng thời không cho các tín hữu vào nhà thờ.

Cha Padilla đã nói về việc trở thành mục tiêu của chính phủ từ trước Tuần lễ Phục sinh, đồng thời cũng cho biết rằng ngài đang bị cảnh sát và lực lượng bán quân sự theo dõi trong xe tải.

“Họ không bao giờ giam giữ tôi; tôi nhìn họ đuổi theo tôi; một số quát tháo vào mặt tôi như một kẻ lãnh đạo đảo chính, một kẻ giết người”, Cha Padilla nói.

Trong một tuyên bố gửi cho Crux, Cha Padilla cho biết rằng vào hôm Chúa nhật, một nhóm đàn ông mặc sắc phục đã xuất hiện trên hai chiếc xe tuần tra, chụp ảnh trong khi ngài đang giảng lễ, và sau đó chặn một số giáo dân khi họ đang ra khỏi nhà thờ, lấy tên tuổi của họ và yêu cầu được biết địa chỉ của họ.

“Bắt đầu từ hôm Chúa nhật ngày 15 tháng 5, cảnh sát đã đóng quân xung quanh nhà thờ”, Cha Padilla nói. Cho đến cuối ngày thứ Tư, Giáo xứ vẫn bị bao vây.

Trong tuyên bố của mình, các Giám mục cho biết rằng “chúng tôi quan tâm đến tình hình của quê hương đất nước mà chúng tôi yêu mến với tư cách là con cái của Thiên Chúa, những người dân Nicaragua và những người Kitô hữu. Chúng ta cùng hiệp lòng hiệp ý cầu nguyện để Thiên Chúa biến đổi những trái tim chai đá thành những trái tim nhạy cảm, có tình yêu thương đối với những người lân cận, không có những cảm giác ngăn cản sự chuẩn mực dẫn đến một nền hòa bình xã hội đích thực”.

Các Giám mục cho biết rằng Giáo hội “luôn hiện diện trong niềm vui cũng như trong nỗi buồn, bệnh tật, nghèo đói, sự cô đơn, nỗi sợ hãi và sự thiếu thốn của chúng ta. Giáo hội tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta, nhưng sức mạnh của Giáo hội không nằm ở sức mạnh của con người, vốn chỉ mang tính tạm thời, cũng không phải ở của cải vật chất phù du, mà nằm ở sức mạnh của Thiên Chúa”.

Mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước ở Nicaragua từ lâu đã trở nên căng thẳng, nhưng mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn sau cuộc nổi dậy dân sự bắt đầu vào tháng 4 năm 2018. Hàng trăm người biểu tình đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát, và các Giám mục và Linh mục Công giáo đã mở cửa nhà thờ của họ cho những người bị thương trốn tránh quân đội.

Đầu năm nay, chính phủ tuyên bố đại diện của Vatican tại đất nước này là ‘persona non grata’ (tiếng Latinh: nhân vật không được hoan nghênh), điều mà các nhà quan sát coi như một lời cảnh báo đối với các giáo sĩ: Khi Ortega cắt đứt quan hệ với Hội đồng Giám mục Nicaragua, Sứ Thần Tòa Thánh trở thành người đối thoại chính của Giáo hội, thay mặt cho gia đình của hàng trăm tù nhân chính trị.

Cả Tổng thống Ortega lẫn Phó Tổng thống Murillo đều gọi các Linh mục là “những người Pha-ri-sêu”, “bọn quỷ mặc áo cà sa” và “những kẻ khủng bố”.

Nạn nhân đầu tiên của cuộc đàn áp của Tổng thống Ortega là Đức Cha Silvio Baez, Giám mục phụ tá Địa phận Managua. Vị Giám chức đã bị buộc phải sống lưu vong ở Miami vào tháng 4 năm 2019, sau hàng loạt những lời đe dọa giết chết ngài và thân nhân trong gia đình ngài. Vào cuối tuần, Đức Cha Baez đã cảnh báo người dân Nicaragua không nên trở nên dần quen với “sự chuẩn mực sai lầm này vốn bao trùm nỗi sợ hãi”, và đồng thời kêu gọi người dân không rơi vào “cám dỗ của sự hận thù và thái độ trả thù” bất chấp những bất công liên tục xảy ra trong nước.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube