Đừng chống cự người ác (Mt 5,38-42)

Bài Tin Mừng của ngày thứ Hai 19/06/2017 mời gọi các đồ đệ của Chúa dùng sự thiện đáp trả những hành xử có khi là tiêu cực và gian ác mà người khác dành cho mình (Mt 5,38-42).

Chúa Giêsu bắt đầu phần giáo huấn này bằng cách nhắc đến một luật hình sự: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng” (c.38). Đây là một điều luật được thiết định theo nguyên tắc đối trọng, để bảo đảm sự công bằng (x. Xh 21,23-25; Lv 24,18-20). Theo một nghĩa tích cực, luật này nhằm hạn chế khuynh hướng báo thù cực đoan, khi ngăn cản người ta cứ theo lý lẽ riêng và bản năng bạo lực của mình mà trả thù. Trong thực tế, điều luật này không được áp dụng một cách cứng nhắc, vì có những hình thức khác được đã dự liệu cho nhiều trường hợp, thí dụ việc đóng tiền nộp phạt…

Sau khi nhắc đến điều luật về báo thù đó, Chúa Giêsu đưa ra giáo huấn của Người: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác” (c.39a). Rồi Người nêu năm ví dụ để trình bày một cách rõ ràng giáo huấn, theo đó, thay vì đáp trả sự dữ bằng một sự dữ khác, người đồ đệ của Chúa được mời gọi đáp trả sự dữ bằng sự lành, đáp trả hành động ác bằng hành động thiện.

– “Nếu anh bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (c.39b). Bị vả vào mặt là một tình trạng bị nhục mạ nghiêm trọng. Đưa cả má bên trái cho người ta vả sau khi đã bị vả má bên phải, chính là một hành động chấp nhận bị sỉ nhục ở mức độ phi thường, thay vì đòi công bình bằng cách sỉ nhục lại kẻ đã sỉ nhục mình.

– “Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài” (c.40). Áo ngoài là vật dụng thiết yếu, nhất là đối với người nghèo, đến độ luật cấm người ta giữ áo ngoài của kẻ cầm đợ và buộc phải trả cho kẻ ấy khi mặt trời đã lặn, cho dù anh ta chưa trả được nợ cho chủ cầm đồ. Các đồ đệ được kêu gọi tự nguyện chấp nhận nhường đối phương bằng cách đưa cho anh ta cả những thứ thiết yếu nhất đối với mình, dù anh ta chẳng có quyền dành lấy những thứ ấy, và chấp nhận phần thiệt thòi về mình thay vì kiện tụng.

– “Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm” (c.41).  “Bắt đi một dặm” có lẽ là một dịch vụ mà người ta bị buộc phải thực hiện. Luật và tục lệ ngày xưa cho phép các quan chức và thậm chí ngay cả lính tráng có quyền buộc người đi đường vác một gánh nặng hay đi cùng với họ một đoạn đường như là con tin hay người dẫn đường. Ta gặp một ví dụ ở Mt 27,32 khi quân lính bắt ông Simon người Kyrênê vác thập tự của Chúa Giêsu. Các đồ đệ của Chúa Giêsu được kêu gọi phải đi xa hơn những gì được yêu cầu chiếu theo tập tục hay luật lệ.

– “Ai xin, thì hãy cho” (c.42a).

– “Ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (c.42b). Cần chú ý: người Israel không được lấy lãi khi cho người đồng chủng vay mượn (x. Xh 22,24; Lv 25,35-37; Đnl 15,7-11; 23,20-21). Vì thế, sẵn sàng cho vay mượn tức là sẵn sàng chịu mất cơ hội sinh lợi từ đồng vốn của mình và thay vào đó là tạo cơ hội thành đạt cho người anh em cần cơ hội đó.

Qua năm ví dụ trên, Chúa Giêsu muốn cho các đồ đệ hiểu rằng Thiên Chúa chờ đợi ở họ một sự quảng đại trọn hảo, sẵn sàng cho đi đến cùng khi hoàn cảnh đòi buộc.

Vì thế, vấn đề không phải là việc áp dụng sát chữ những lời Chúa Giêsu nói trong năm ví dụ đó, mà là sống cho đúng tinh thần và ý nghĩa của giáo huấn trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Điều cốt yếu mà người Kitô hữu phải thực hiện, đó là họ phải tự nguyện, trong lòng yêu mến, tạo được một không gian tốt lành để người khác có thể phát triển, cho dù người khác đó lại chính là kẻ gian ác đã hành xử bất công và thô bạo đối với mình (ví dụ như vả má bên phải chẳng hạn).

Đó là điểm nền tảng của việc xây dựng tương quan mới mẻ giữa người với người: từ chối ngay cả những quyền mình đáng được hưởng, để cắt đứt vòng xoáy của bạo lực.

Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube