Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Kinh Thánh cho thấy sự gần gũi của Chúa Giêsu với nhân loại đau khổ’

Đức Thánh Cha Phanxicô trò chuyện với các thành viên của Ủy ban Kinh Thánh Giáo hoàng (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô trò chuyện với các thành viên của Ủy ban Kinh Thánh Giáo hoàng (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các thành viên của Ủy ban Kinh Thánh Giáo hoàng và khuyến khích các học giả Kinh Thánh khám phá tấm gương về lòng nhân từ và sự hòa nhập của Chúa Giêsu khi đối mặt với sự đau khổ của người khác.

Ủy ban Kinh thánh Giáo hoàng đã kết thúc phiên họp toàn thể thường niên tại Rôma vào thứ Năm, tập trung vào chủ đề bệnh tật và đau khổ trong Kinh Thánh.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các thành viên của Ủy ban để khen ngợi công việc của họ trong việc khám phá “chủ đề hiện sinh sâu sắc” này, vốn chạm đến cuộc sống của mỗi con người.

“Bản chất bị tổn thương của chúng ta”, Đức Thánh Cha nói, “mang trong mình những thực tế của sự giới hạn và hữu hạn, đồng thời phải chịu đựng những mâu thuẫn của sự dữ và đau khổ”.

Biến đổi ‘cái sàng của sự đau khổ’

Đức Thánh Cha cho biết hết sức bận tâm đến chủ đề về đau khổ và bệnh tật của con người, vì những vấn đề này là “những đối thủ” mà mọi Kitô hữu được mời gọi đối đầu.

Thay vì né tránh chủ đề đau khổ như một điều cấm kỵ, Đức Thánh Cha nói, chúng ta nên chịu đựng thử thách “bằng cách sống trong mối tương quan với người khác” và để cho Thiên Chúa biến “cái sàng của sự đau khổ” thành cơ hội để trưởng thành và lớn lên trong đức tin.

Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “khuyến khích chúng ta chăm sóc những người đang sống trong hoàn cảnh bệnh tật, với quyết tâm đánh bại bệnh tật. Đồng thời, Ngài dịu dàng mời gọi chúng ta kết hợp những đau khổ của chúng ta với hiến lễ cứu độ của Ngài, như một hạt giống trổ sinh hoa trái”.

Chạm vào những đau khổ, không nói lời sáo rỗng

Chuyển sang chủ đề về lòng trắc ẩn, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý đến nhiều đoạn Kinh Thánh trong đó Chúa Giêsu cảm động trước những người Ngài gặp đang đau khổ, chẳng hạn như đám đông kiệt sức được Ngài cho ăn, những người mù cầu xin Ngài, và nhiều bệnh nhân được Ngài chào đón và chữa lành.

“Chúa Giêsu không giải thích sự đau khổ nhưng cúi xuống trước những người đau khổ”, Đức Thánh Cha nói. “Người không tiếp cận sự đau khổ bằng những lời khích lệ chung chung và những lời an ủi vô ích, nhưng chấp nhận bi kịch của nó, để cho chính mình bị nó chạm tới”.

Kinh Thánh, Đức Thánh Cha cho biết thêm, không cung cấp cho chúng ta một “cuốn sách công thức cảm xúc” hay một cuốn sổ tay gồm những câu nói được chuẩn bị sẵn để nói với những người đang đau đớn.

Như đã nói rõ trong sách Gióp, Kinh Thánh “cho chúng ta thấy những khuôn mặt, những cuộc gặp gỡ và những câu chuyện cụ thể” phá vỡ khuôn mẫu của “các lý thuyết tôn giáo liên kết sự đau khổ với sự trừng phạt của Thiên Chúa”.

Chúa Kitô, Đức Thánh Cha nói, đã biến đổi sự đau khổ của con người bằng cách biến nó thành của chính Ngài và dâng nó lên Chúa Cha như một “hiến lễ tình yêu”.

“Bất cứ ai thấm nhuần Kinh Thánh”, Đức Thánh Cha nói, “đều thanh lọc trí tưởng tượng tôn giáo khỏi những thái độ sai trái, học cách đi theo con đường do Chúa Giêsu chỉ ra: chạm vào nỗi đau thể xác của con người, với sự khiêm tốn, dịu dàng và nghiêm túc, để mang lại, nhân danh Thiên Chúa nhập thể, sự gần gũi của một sự hỗ trợ cụ thể và giải thoát”.

Liều thuốc giải độc cho việc tự khép mình trong những thử thách

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô chuyển sang chủ đề “hòa nhập”, đồng thời lưu ý rằng thuật ngữ này không có trong Kinh Thánh nhưng nói rằng nó “thể hiện một đặc điểm nổi bật trong phong cách của Chúa Giêsu”.

Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu không loại trừ ai khỏi ơn cứu rỗi của Thiên Chúa nhưng thay vào đó chào đón tất cả mọi người và ban cho mọi người “sự chữa lành hoàn toàn, về thể xác, tâm hồn và tinh thần”.

“Qua kinh nghiệm đau khổ và bệnh tật”, Đức Thánh Cha nói, “chúng ta, với tư cách là Giáo hội, được kêu gọi bước đi cùng với mọi người, trong tinh thần liên đới Kitô giáo và nhân loại, mở ra những cơ hội đối thoại và hy vọng nhân danh sự mong manh chung”.

Để kết lời, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các thành viên của Ủy ban Kinh Thánh Giáo hoàng đi sâu vào chủ đề lòng trắc ẩn và sự hòa nhập “với sự nghiêm túc và tinh thần huynh đệ”.

“Lời Chúa là liều thuốc giải độc mạnh mẽ cho mọi sự khép kín, trừu tượng hóa và hệ tư tưởng hóa đức tin”, Đức Thánh Cha kết luận. “Hiểu theo Thần Khí mà từ đó Lời Chúa được viết ra, Lời Chúa làm tăng niềm say mê đối với Thiên Chúa và con người, khơi dậy lòng bác ái và làm hồi sinh lòng nhiệt thành tông đồ”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube