Đức TGM Erbil: Các Kitô hữu tại Iraq "bị đàn áp, bị xúc phạm, nhưng họ vẫn tồn tại nơi đây"

“Nếu không chấm dứt cuộc bách hại cũng như tình trạng bạo lực này, sẽ không có tương lai cho chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo tại Iraq hay bất cứ nơi nào khác tại Trung Đông về vấn đề này”, Đức Tổng Giám Mục Iraq Bashar Warda Địa phận Erbil cho biết trong bài phát biểu tại Đại học Georgetown hôm 15 tháng Hai vừa qua.

Vị Tổng Giám mục Chaldea đã phát biểu về tình hình của Kitô giáo tại Iraq hiện nay cũng như những điều mà cả các nhà lãnh đạo Hồi giáo và phương Tây có thể thực hiện để giúp bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số và đồng thời xây dựng lại các cộng đồng của họ.

rsz_warda_17“Chúng ta, những người Kitô hữu, đã chịu đựng cuộc bách hại trong sự kiên nhẫn và đức tin trong 1.400 năm nay, hiên đang phải đối mặt với một cuộc tranh đấu hiện sinh. Đây có thể là cuộc tranh đấu cuối cùng mà chúng ta sẽ phải đối mặt tại Iraq”, Đức TGM Warda cho biết trong một sự kiện được tổ chức bởi Trung tâm Tôn giáo, Hòa bình và các vấn đề Thế giới Berkley của Đại học Georgetown.

Sau một cuộc tấn công của ISIS đã khiến cho hơn 125.000 Kitô hữu phải di tản, Đức TGM Warda cho biết rằng đã có một bộ phận nòng cốt của các tín hữu, những người sẽ không rời bỏ quê hương của họ ở khu vực đồng bằng Nineveh tại Iraq.

Chỉ trong một đêm, ISIS đã cướp đi hầu như tất cả mọi thứ từ đàn chiên của vị Giám mục, khiến tất cả họ “không có nơi dung thân, không có chỗ trú ẩn, không có việc làm, không có tài sản, không có tu viện, không có khả năng tham gia vào bất kỳ điều gì vốn được trao cho phẩm giá cuộc sống của chúng ta”, Đức TGM Warda nói.

“Và, tuy nhiên, chúng ta vẫn hiện diện ở đó, bị đàn áp, bị xúc phạm, nhưng vẫn tồn tại nơi đây”, Đức TGM Warda lưu ý.

“Còn lại rất ít người trong số chúng ta đã tiếp tục ở lại, con số ước tính khoảng 200.000 Kitô hữu hoặc ít hơn”, vị Giám mục Chaldea tiếp tục. “Mặc dù số lượng của chúng ta là hết sức khiêm tốn, nhưng con số các vị lãnh đạo Giáo hội lại nhỏ hơn nhiều”.

Khi nói về sự đau khổ của người dân, Đức Tổng Giám Mục Warda cũng đã nói về tinh thần tha thứ.

“Chúng ta tha thứ cho những người đã giết hại chúng ta, những người đã tra tấn chúng ta, những người đã cưỡng hiếp chúng ta, những người đã cố gắng để phá hủy tất cả mọi thứ thuộc về chúng ta. Chúng ta tha thứ cho họ nhân danh Đức Giêsu Kitô”.

Đức TGM Warda cho biết Ngài tin rằng thông điệp về tinh thần tha thứ này chính là điều mà các Kitô hữu có thể làm chứng cho những người anh em Hồi giáo của họ tại Trung Đông.

“Chúng ta nói điều này với những người anh em Hồi giáo của chúng ta, ngõ hầu họ cũng sẽ học hỏi điều này từ chúng ta. Hãy để chúng tôi giúp anh chị em chữa lành. Vết thương của anh chị em cũng sâu như những vết thương của chúng tôi… Chúng tôi cầu nguyện cho sự chữa lành của anh chị em. Chúng ta hãy cùng nhau chữa lành cho các quốc bị tổn thương và bị đàn áp”, Đức TGM Warda nói.

Đức TGM Warda kêu gọi các nhà lãnh đạo Hồi giáo thừa nhận rằng cần phải có những thay đổi để bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số.

“Không thể chỉ nói suông, ‘ISIS không đại diện cho Hồi giáo’. Chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa”.

“Tôi khuyến khích các quốc gia Hồi giáo tiến bước trong việc giúp đỡ bằng cách xây dựng lại các ngôi làng Kitô giáo, những ngôi làng của những người Yazidis, để cho thấy một số dấu hiệu của tinh thần liên đới”, Đức TGM Warda nói.

Như một ví dụ về vấn đề này, Đức TGM Warda đã thừa nhận công việc của các tiểu vương quốc Arập thống nhất: “Kể từ cuộc tấn công của ISIS, họ đã sát cánh với chúng ta trong việc giúp đỡ tất cả mọi người – những người Công giáo, Yazidis, Hồi giáo”.

“Có một cuộc khủng hoảng cản bản trong chính bản thân Hồi giáo và nếu như cuộc khủng hoảng này không được thừa nhận, giải quyết và khắc phục thì sẽ không có tương lai cho các Kitô hữu tại Trung Đông”, Đức TGM Warda nói.

“Chúng ta đã nhận thấy một số tiếng nói can đảm từ các nhà lãnh đạo Hồi giáo liên quan đến sự cần thiết phải thay đổi cũng như sự cấp bách giải quyết vấn đề này một cách công khai. Điều nay cần phải được khuyến khích”.

Đức TGM Warda cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự trung thực và tôn trọng” trong cuộc đối thoại liên tôn giữa các Kitô hữu và những người Hồi giáo.

Đức TGM Warda đang nỗ lực làm việc hướng tới các giải pháp bền vững nhằm tái xây dựng cộng đồng của Ngài tại miền bắc Iraq. Đức TGM Warda cũng đã nhận thấy niềm hy vọng tại trường Đại học Công giáo mới tại Erbil, gần đây đã được mở cửa nhờ sự hỗ trợ tài chính từ Hội đồng các Giám mục Ý.

“Chúng ta, những người Kitô hữu đã nhận được Tin Mừng về sự tha thứ của Đức Giêsu Kitô Chúa, tôi thiết nghĩ chúng ta  có thể cho đi một điều gì đó. Chúng ta có thể mở các trường học của chúng ta, mở các trung tâm giáo dục của chúng ta, thậm chí ngay cả những người đã tra tấn chúng ta và nói với họ: “Xin hãy lắng nghe xem chúng tôi là ai và hãy để cho chúng tôi biết anh chị em là ai. Trong các cơ sở giáo dục, chúng ta thực sự có cơ hội để hiểu biết nhau tốt hơn và phát triển trong sự khoan dung và tôn trọng lẫn nhau”, Đức TMG Warda phát biểu với EWTN.

Các sinh viên Kitô giáo và Hồi giáo cùng nhau học tập tại Đại học Công giáo Erbil, mà một ngày nào đó sẽ có thể chứa tới 700 sinh viên. Hiện đang có 82 sinh viên đang theo học về các nghành kinh tế, luật quốc tế, văn học Anh, kế toán và các văn bằng khác.

Tiến sĩ Mary Ann Cusimano Love đã tới thăm trường Đại học Công giáo Erbil vào năm ngoái. Bà đã phát biểu với CNA rằng bà đã tận mắt chứng kiến tại Iraq “công việc can đảm mà Giáo hội đang thực hiện” và đồng thời khuyến khích các nhóm Kitô giáo để cung cấp viện trợ trực tiếp cho Đức Tổng Giám mục Warda.

“Chúng ta có thể nhớ tới Ngài trong lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta có thể gửi tới Ngài sự trợ giúp trực tiếp của chúng ta và tiếp tục liên đới với họ cho dù các chính phủ của chúng ta có thực hiện điều đó hay không”, bà cho biết.

Khi nói đến cuộc khủng hoảng mà các nhóm tôn giáo thiểu số tại Iraq hiện đang phải đối mặt, Đức Tổng Giám mục Warda nhấn mạnh: “Chúng ta, những người Kitô hữu không được tiếp tục bị động hoặc đơn giản chỉ cầu nguyện cho những điều tốt đẹp nhất, chúng ta cũng cần phải đóng một vai trò quan trọng”.

Đức Tổng Giám mục Warda cũng kêu gọi người Công giáo ở phương Tây giúp đỡ tinh thần, đạo đức, chính trị và vật chất cho các Kitô hữu Iraq khi họ đang thực hiện việc xây dựng lại các cộng đồng của họ.

“Phương Tây sẽ phản ứng thế nào? Câu hỏi của tôi không phải mang tính chất hùng biện. Các Kitô hữu tại Trung Đông muốn biết câu trả lời”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube