Đức Giám mục Frank J. Dewane nhấn mạnh sự cần thiết đối với mức lương công bằng trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế Lao động của Hoa Kỳ

Việc cung cấp lương bổng công bằng cho tất cả mọi công nhân là một thành phần quan trọng của một nền kinh tế đạo đức, người đứng đầu Ủy ban Phát triển con người và Công lý trong nước trực thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ chia sẻ trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế Lao động của Hoa Kỳ.

“Ngày nay, có rất nhiều gia đình, thậm chí ngay cả khi họ đã thoát nghèo về mặt kỹ thuật, nhưng họ vẫn gặp phải đối diện với những khó khăn đáng kể trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản”, Đức Giám mục Frank J. Dewane Địa phận Venice, cho biết. “Tiền lương cho những người lao động có thu nhập thấp hơn không đủ để hỗ trợ một gia đình và đem lại một tương lai an toàn”.

Trong tuyên bố nhân Ngày Quốc tế Lao động 2018 của mình, Đức Giám mục Dewane đã nhấn mạnh rằng tất cả các Kitô hữu đều có chung trách nhiệm xây dựng một nền kinh tế tập trung vào con người.

Worker_Labor_Day_Credit_sculpies___Shutterstock_CNA_“Nền kinh tế phải phục vụ con người, chứ không phải là để phục vụ những vấn đề khác xung quanh”, Đức Giám mục Dewane nói. “Lao động không chỉ là một phương thức kiếm sống; mà nó còn là một hình thức tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Nếu như phẩm giá của lao động được bảo vệ, thì các quyền cơ bản của người lao động phải được tôn trọng, bao gồm quyền làm việc hiệu quả, mức lương xứng đáng và công bằng, việc tổ chức và tham gia công đoàn, tài sản các nhân và sáng kiến kinh tế”.

Trong những năm gần đây, Đức Giám mục Dewane lưu ý, nền kinh tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể, với việc giảm đói nghèo và thất nghiệp, và mức cao kỷ lục trong việc sản xuất, cổ phiếu và lợi nhuận.

Tuy nhiên, Đức Giám mục Dewane cho biết, các số liệu thống kê này không cho thấy toàn bộ câu chuyện của nền kinh tế hiện đại, đặc biệt là cuộc tranh đấu hàng ngày của nhiều người thất nghiệp, thiếu công ăn việc làm và những người lao động có mức lương thấp.

“Quả là hết sức khích lệ khi tình trạng nghèo đói đã giảm sút, thế nhưng vẫn còn gần một trong ba người có thu nhập gia đình dưới 200 phần trăm của chuẩn nghèo liên bang”, Đức Cha Dewane nói.

Đức Cha Dewane đã đề cập đến những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng một căn hộ hai phòng ngủ trung bình nằm ngoài tầm với của những người có thu nhập tối thiểu ở 50 tiểu bang và 40% người trưởng thành sẽ không thể chi trả một khoản phí khẩn cấp 400 đô la mà không phải vay hoặc phải bán đi một thứ gì đó.

Một vấn đề đáng lo ngại khác, Đức Giám mục Dewane nói, đó chính là “sự chênh lệch liên tục trong mức thu nhập trung bình giữa các nhóm chủng tộc và sắc tộc khác nhau và giữa phụ nữ và nam giới”.

Đối mặt với những thách thức này, các Kitô hữu có nghĩa vụ phải nỗ lực làm việc cho một xã hội công bằng hơn và “cùng kề vai sát cánh trong tinh thần liên đới với các anh chị em nghèo khổ và dễ bị tổn thương”, Đức Cha Dewane nói.

Đức Cha Dewane đã kêu gọi cả chủ doanh nghiệp và các công nhân hoạt động với một sự liêm chính, đồng thời nhắc lại những lời của ĐTC Phanxicô trong Tông Huấn ‘Gaudete et Exultate’: “Có phải anh chị em lao động để kiếm sống? Hãy trở nên thánh thiện bằng cách lao động với sự liêm chính và kỹ năng trong việc phục vụ anh chị em của mình… Anh chị em có đang nắm giữ một vị trí có thẩm quyền? Hãy trở nên thánh thiện bằng cách nỗ lực làm việc vì công ích chung và đồng thời từ bỏ lợi ích cá nhân”.

Các chủ doanh nghiệp phải theo đuổi sự thịnh vượng của con người hơn là chỉ tìm kiếm lợi nhuận, Đức Cha Dewane nói. “Một phần của nghĩa vụ này đó chính là phải trả một mức lương công bằng, vốn cung cấp một sinh kế xứng đáng cho tất cả các công nhân và gia đình của họ nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ”.

Giáo hội đã dạy rằng việc sẵn lòng để làm việc với một mức lương nhất định của người lao động là không đủ để khiến cho mức lương đó công bằng, vị Giám chức lưu ý. Thay vào đó, sự công bằng trong vấn đề lương bổng phải được đánh giá “trong bối cảnh của tình trạng hạnh phúc và thịnh vượng của cá nhân, gia đình và xã hội”.

“Tất cả mọi công nhân đều có quyền được trả lương theo tiêu chí công bằng, mà Thánh Gioan XXIII đã mô tả là tiền lương,‘cung cấp cho người lao động và gia đình một tiêu chuẩn sống phù hợp với phẩm giá của con người’”.

Việc thực hiện đầy đủ đối với mức lương công bằngtrong thực tế sẽ đòi hỏi một sự thay đổi trong tâm hôn, Đức Cha Dewane nói. Ngài đồng thời cũng đề xuất rằng các chính trị gia cần phải giải quyết những nguyên nhân về cơ cấu đối với những mức lương thấp cũng như những chênh lệch bất công, và xã hội “cần cân nhắc một cách hết sức cẩn thận để đảm bảo sự an toàn cho các nhân viên để thiết lập và duy trì tất cả mọi khía cạnh quan trọng của đời sống gia đình và đồng thời chăm sóc cho các thành viên gia đình trong tương lai”.

Đức Cha Dewane cũng nhấn mạnh quyền của các công đoàn để ủng hộ đối với vấn đề tiền lương công bằng, phúc lợi y tế, việc nghỉ ngơi đầy đủ và đồng thời bảo vệ chống lại việc ăn cắp tiền lương của người lao động.

“Chúng ta đang sống với hy vọng rằng xã hội của chúng ta có thể trở nên công bằng hơn bao giờ hết khi có được một sự biến đổi tâm hồn và tâm trí để mọi người nhận ra phẩm giá vốn có của tất cả mọi người và đồng thời cùng nhau nỗ lực dấn thân làm việc cho công ích chung”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube