ĐTC Phanxicô với Diễn đàn Kinh tế Thế giới: ‘Cần phải cho phép tất cả mọi người sống đúng với phẩm giá của mình’

“Chúng ta không thể tiếp tục im lặng khi đối mặt với nỗi thống khổ của hàng triệu người mà phẩm giá của họ đã bị tổn hại”

Pope-Francis-writing-740x493

Dưới đây là văn bản thông điệp của ĐTC Phanxicô gửi Chủ tịch “Diễn đàn Kinh tế Thế giới” do Vatican cung cấp nhân dịp hội nghị hàng năm được tổ chức tại Davos-Klosters, từ ngày 23/1 đến 26/1 năm 2018: 

Thưa ngài Giáo sư Klaus Schwab,

Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Xin chân thành cảm ơn lời mời tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018 cũng như mong muốn của ngài trong việc tính đến quan điểm của Giáo hội Công giáo và Tòa Thánh tại hội nghị được tổ chức tại Davos. Tôi cũng chân thành cảm ơn vì những nỗ lực của ngài để hướng quan điểm này tới sự chú ý của những người quy tụ tại Diễn đàn thường niên này, bao gồm các nhà chức trách chính trị và chính phủ nổi bật hiện diện cũng như tất cả những người tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh, nền kinh tế, lao động và văn hoá, khi họ thảo luận về những thách thức, những mối bận tâm, hy vọng và triển vọng đối với thế giới hiện nay và tương lai.

Chủ đề được lựa chọn cho Diễn đàn năm nay – ‘Tạo dựng một Tương lai chung trong một Thế giới rạn nứt’ – là rất kịp thời. Tôi tin tưởng rằng nó sẽ hỗ trợ hướng dẫn các cuộc thảo luận của quý vị khi tìm kiếm những nền tảng tốt hơn cho việc xây dựng các xã hội hòa nhập, công bằng và hỗ trợ, có khả năng phục hồi phẩm giá cho những người sống với sự bất ổn và những người không thể mơ ước về một thế giới tốt đẹp hơn.

Ở cấp độ quản trị toàn cầu, chúng ta ngày càng nhận thức được sự chia rẽ ngày càng gia tăng giữa các quốc gia và các thể chế. Các nhân tố mới đang nổi lên, cũng như sự cạnh tranh về kinh tế và các hiệp định thương mại mới trong khu vực. Thậm chí ngay cả những công nghệ tiên tiến nhất cũng đang chuyển đổi các mô hình kinh tế và bản thân thế giới cũng đã được toàn cầu hoá, điều này được quy định bởi những lợi ích cá nhân và tham vọng kiếm lợi bằng tất cả mọi giá, vốn dường như ủng hộ sự chia rẽ và chủ nghĩa cá nhân hơn là tạo điều kiện thuận lợi cho những cách tiếp cận toàn diện hơn.

Những bất ổn tài chính định kỳ đã mang lại những thách thức và những vấn đề mới mà các chính phủ phải đối mặt, chẳng hạn như sự gia tăng tình trạng thất nghiệp, sự gia tăng các hình thức đói nghèo khác nhau, sự mở rộng khoảng cách kinh tế-xã hội cũng như các hình thức nô lệ mới, thường bắt nguồn từ các tình huống xung đột, di dân và các vấn đề xã hội khác nhau. “Cùng với điều này, chúng ta phải đương đầu với một số lối sống ích kỷ, được đánh dấu bởi một tình trạng giàu có vốn không còn bền vững và thường không quan tâm đến thế giới xung quanh chúng ta, và đặc biệt là đối với những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Từ sự thất vọng của chúng ta, chúng ta nhận thấy những vấn đề về kỹ thuật và kinh tế đang chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận chính trị, cho tới sự tổn hại đối với mối bận tâm thực sự về con người. Con người có nguy cơ bị hạ thấp để chỉ còn là những khớp nối trong một cỗ máy vốn xem họ như là những mặt hàng tiêu dùng bị khai thác, và kết quả là – như có thể thấy một cách rõ ràng – bất cứ khi nào sự sống con người được chứng minh là không còn hữu ích cho cỗ máy đó nữa, nó sẽ bị loại bỏ không chút do dự” (Bài phát biểu tại Quốc hội Châu Âu, Strasbourg, 25 tháng 11 năm 2014).

Trong bối cảnh này, điều quan trọng là cần phải bảo vệ phẩm giá con người, đặc biệt là bằng cách cung cấp cho tất cả mọi người những cơ hội thực sự đối với sự phát triển con người toàn diện và bằng cách thực hiện các chính sách kinh tế vốn ủng hộ gia đình. “Tự do kinh tế không được chiếm ưu thế hơn so với quyền tự do thực tế của con người cũng như các quyền lợi của họ, và thị trường không được chuyên chế độc đoán, nhưng tôn trọng những đòi hỏi về công bằng” (Bài phát biểu với Tổng Liên đoàn Công nghiệp Ý, ngày 27 tháng 2 năm 2016). Do đó, các mô hình kinh tế cũng cần phải tuân thủ nguyên tắc đạo đức đối với sự phát triển bền vững và toàn diện, được dựa trên các giá trị vốn đặt con người cũng như những quyền lợi của họ làm trọng tâm.

“Trước những rào cản của sự bất công, sự cô độc, thiếu tin tưởng và nghi ngờ vốn vẫn đang trở nên hết sức tinh vi trong thời đại của chúng ta, thế giới lao động được mời gọi để thực hiện những bước tiến can đảm để “việc cùng nhau nỗ lực làm việc” không chỉ là một khẩu hiệu mà còn là một chương trình đối với hiện tại cũng như tương lai” (Bài phát biểu với Tổng Liên đoàn Công nghiệp Ý, ngày 27 tháng 2 năm 2016). Chỉ thông qua một quyết tâm vững vàng bởi tất cả các nhân tố kinh tế, chúng ta hy vọng sẽ đưa ra một đường hướng mới đối với vận mệnh của thế giới chúng ta. Vì vậy, trí tuệ minh nhân tạo, người máy và những đổi mới công nghệ khác cũng cần phải được sử dụng đến mức chúng góp phần vào việc phục vụ nhân loại cũng như việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, chứ không phải là ngược lại, như một số đánh giá chẳng may đã được dự đoán trước.

Chúng ta không thể tiếp tục im lặng khi đối mặt với sự đau khổ của hàng triệu người mà phẩm giá con người của họ đã bị tổn hại, và chúng ta cũng không thể tiếp tục tiến lên phía trước như thể sự lan tràn của nghèo đói và bất công không có những nguyên do đằng sau. Đó chính là một sự đòi buộc luân lý, một trách nhiệm liên quan đến tất cả mọi người, nhằm tạo ra những điều kiện thích hợp cho phép mỗi người sống đúng với phẩm giá con người của mình. Bằng cách từ chối một nền văn hóa “thải loại” và tâm lý thờ ơ trước mọi sự việc, thế giới kinh doanh có một tiềm năng to lớn đối với sự thay đổi đáng kể bằng cách nâng cao chất lượng năng suất, tạo ra công ăn việc làm mới, tôn trọng luật lao động, chống tham nhũng ở cấp độ khu vực nhà nước và tư nhân, đồng thời thúc đẩy công bằng xã hội cùng với việc chia sẻ lợi nhuận công bằng.

Có một trách nhiệm quan trọng trong việc thực hiện một sự phân biệt khôn ngoan, bởi vì các quyết định được đưa ra sẽ mang tính quyết định đối với việc hình thành thế giới ngày mai và thế giới dành cho các thế hệ tương lai. Vì vậy, nếu chúng ta muốn có được một tương lai an toàn hơn, một trong những điều khuyến khích sự thịnh vượng của tất cả các quốc gia, đó chính là sự cấp thiết cần phải giữ cho chiếc la bàn liên tục hướng về ‘phía Bắc thực sự’, được đại diện bởi những giá trị đích thực. Hiện tại chính là lúc để thực hiện những bước tiến can đảm và quả quyết cho hành tinh yêu dấu của chúng ta. Đây chính là thời điểm thích hợp để đưa ra hành động trách nhiệm của mình nhằm đóng góp vào sự phát triển của toàn thể nhân loại.

Do đó, tôi hy vọng rằng hội nghị năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ cho phép việc trao đổi một cách cởi mở, tự do và tôn trọng, đồng thời được truyền cảm hứng trên hết bởi mong muốn thúc đẩy công ích chung. Với những lời chúc tốt đẹp nhất của mình cho sự thành công của hội nghị, tôi cầu chúc ngài và tất cả các tham dự viên tham gia Diễn đàn được tràn đầy sự khôn ngoan và sức mạnh.

Từ Vatican, ngày 12 tháng 1 năm 2018

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube