ĐTC Phanxicô với các tín hữu Công giáo Trung Quốc: ‘Đức tin sẽ thay đổi lịch sử’

Trong “Thông điệp gửi các tín hữu Công giáo Trung Quốc và Giáo hội Toàn cầu”, ĐTC Phanxicô đã giải thích lý do ký Hiệp định Tạm thời với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: nhằm thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng, và đồng thời thiết lập sự hiệp nhất trong cộng đồng Công giáo tại Trung Quốc.

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422-22

Thông điệp của ĐTC Phanxicô – được công bố sáng hôm thứ Tư 26/9 tại buổi tiếp kiến chung – bắt đầu bằng một lời khuyến khích dành cho các tín hữu Công giáo Trung Quốc, ĐTC Phanxicô nói, những người mà “luôn hiện diện” trong kinh nguyện hằng ngày của mình. ĐTC Phanxicô đã nhắc lại những lời của Chúa Giêsu, trước đó đã được trích dẫn bởi nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong Bức Thư gửi cho các tín hữu Trung Quốc: “Hỡi đàn chiên nhỏ bé, đừng sợ hãi” (Lc, 12:32).

Sự nhầm lẫn từ hàng loạt những ý kiến

ĐTC Phanxicô đã ngay lập tức đi vào trọng tâm của vấn đề:

Gần đây, nhiều báo cáo tương phản đã được lưu hành về hiện tại và đặc biệt là tương lai của các cộng đồng Công giáo ở Trung Quốc. Tôi nhận thức được rằng sự lúng túng của những suy nghĩ và ý kiến này có thể đã gây ra một sự nhầm lẫn nào đó và đồng thời gợi lên nhiều phản ứng khác nhau nơi tâm hồn của nhiều người. Một số người cảm thấy nghi ngờ và rối loạn, trong khi những người khác tự cảm thấy rằng, một cách nào đó, họ đã bị Tòa Thánh bỏ rơi và lo lắng đặt vấn đề về giá trị của những đau khổ mà họ phải chịu đựng do sự trung thành với Đấng kế vị Thánh Phêrô. Trong nhiều trường hợp khác, có những kỳ vọng tích cực cũng như những suy nghĩ được lấy cảm hứng từ hy vọng về một tương lai yên bình hơn đối với việc làm chứng hiệu quả cho đức tin ở Trung Quốc.

Đó chính là một tình huống, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh, “đã ngày càng trở nên gay gắt hơn” với việc ký kết Thỏa thuận Tạm thời về việc đề cử các Giám mục gần đây tại Bắc Kinh.

Sự ngưỡng mộ đối với các tín hữu Công giáo Trung Quốc, những chứng nhân của Tin Mừng

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ “sự ngưỡng mộ chân thành – vốn cũng chính là sự ngưỡng mộ của toàn thể Giáo hội Công giáo – vì món quà của lòng trung thành của tất cả anh chị em, sự kiên trì của anh chị em giữa những gian lao thử thách, cũng như niềm tin vững chắc của anh chị em vào sự quan phòng của Thiên Chúa, thậm chí ngay cả giữa một số tình huống đặc biệt bất lợi và khó khăn”. Những “kinh nghiệm đau đớn như vậy”, ĐTC Phanxicô nói, “chính là một phần của kho tàng tâm linh của Giáo Hội ở Trung Quốc cũng như của tất cả đoàn dân lữ thứ của Thiên Chúa trên trần gian”. ĐTC Phanxicô cũng đảm bảo với họ rằng “Thiên Chúa, thông qua những khó khăn thử thách của chúng ta, không bao giờ ngừng tuôn đổ sự an ủi của Ngài xuống trên chúng ta và chuẩn bị cho chúng ta một niềm vui lớn hơn” và đồng thời khích lệ họ nhìn vào “mẫu gương của tất cả các tín hữu trung thành và các vị mục tử đã luôn sẵn sàng ‘nói lên lời tuyên xưng cao đẹp’ (xem 1 Ti-mô-thê 6:13) cho Tin Mừng, thậm chí ngay cả bằng việc hy sinh cả tính mạng của mình. Họ đã cho thấy họ chính là những bằng hữu đích thực của Thiên Chúa!”.

Một cuộc đối thoại được bắt đầu bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và được đề xướng bởi Đức Bênêđictô XVI

ĐTC Phanxicô đã giải thích một cách rõ ràng rằng Thỏa thuận Tạm thời “chính là kết quả của một cuộc đối thoại lâu dài và phức tạp giữa Tòa Thánh và các cơ quan chức năng Trung Quốc do Thánh Gioan Phaolô II khởi xướng và được tiếp tục bởi nguyên Giáo hoàng Benedict XVI. Thông qua quá trình này, Tòa Thánh mong muốn – và tiếp tục khao khát – chỉ để đạt được mục tiêu tâm linh và mục vụ cụ thể của Giáo Hội, cụ thể là, để hỗ trợ và thúc đẩy việc rao giảng Tin Mừng, và tái lập và duy trì sự hiệp nhất trọn vẹn và rõ ràng của Cộng đồng Công giáo ở Trung Quốc”.

Khởi đi từ đức tin, thậm chí ngay cả khi đường đi mịt mù vô định

Sau đó, ĐTC Phanxicô chia sẻ “một vài suy tư… về cuộc hành trình mà chúng ta được mời gọi thực hiện trong giai đoạn mới này”. Một lần nữa trích dẫn những lời của Đức Benedict, ĐTC Phanxicô giải thích rằng đó chính là một hành trình “đòi hỏi thời gian cũng như bao hàm sự thiện chí của cả hai bên”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến mẫu gương của Áp-ra-ham, “người đã được Thiên Chúa mời gọi … vâng lời bằng cách bắt đầu tìm kiếm một vùng đất hoàn toàn xa lạ mà ông sẽ đón nhận được như một di sản thừa kế, mà không biết con đường phía trước thế nào. Liệu Áp-ra-ham đòi hỏi những điều kiện chính trị và xã hội lý tưởng trước khi rời bỏ xứ sở của mình chăng, có lẽ ông sẽ không bao giờ đặt ra. Thay vào đó, ông hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa và để đáp lại lời của Thiên Chúa, ông đã từ bỏ quê hương xứ sở của mình cũng như tình trạng an toàn của nó. Đó không phải là những thay đổi lịch sử khiến ông đặt niềm tin vào Thiên Chúa; đúng hơn, chính đức tin thuần khiết của ông đã mang lại một sự thay đổi trong lịch sử”. Với tư cách là Đấng kế vị Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô phát biểu một cách mạnh mẽ: “Tôi muốn khẳng định với anh chị em trong đức tin (xem Lc 22:32)… và đề nghị anh chị em đặt trọn sự tin tưởng phó thác của mình một cách xác quyết vào Chúa tể của lịch sử cũng như Việc bổ nhiệm các Giám mục vào sự phân biệt rõ của Giáo Hội đối với Thánh ý của Thiên Chúa”.

Việc bổ nhiệm các Giám mục

ĐTC Phanxicô giải thích rằng “Quả là hết sức cần thiết, trước hết, để giải quyết vấn đề bổ nhiệm các giám mục”. Ngài nói:

Thật đáng tiếc, như chúng ta biết, lịch sử gần đây của Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc đã được đánh dấu bằng những sự căng thẳng đáng buồn, những tổn thương và chia rẽ sâu sắc và đau đớn, đặc biệt là đối với các giám mục với tư cách là người bảo vệ tính xác thực của đức tin và là người bảo đảm sự hiệp thông của Giáo hội.

Khi mà, trong quá khứ, nó được cho là để định đoạt đời sống nội tâm của các cộng đồng Công giáo, áp đặt việc kiểm soát trực tiếp trên và vượt quá thẩm quyền hợp pháp của nhà nước, hiện tượng hoạt động bị mật đã nảy sinh trong Giáo hội ở Trung Quốc.

Kêu gọi tinh thần hòa giải và thể hiện sự liên đới

Tuy nhiên, ĐTC Phanxicô nói, “tôi đã cảm nhận được sự an ủi to lớn khi biết được mong muốn chân thành của người Công giáo Trung Quốc để sống đức tin của họ trong sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội hoàn vũ và với Đấng kế vị Thánh Phêrô”. Điều này, ĐTC Phanxicô nói, cũng chính xác với các Giám mục, “những người đã làm tổn hại sự hiệp thông trong Giáo hội như là kết quả của những sự yếu đuối và sai sót, nhưng không thường xuyên, do áp lực mạnh mẽ và quá mức mà từ phía bên ngoài”. ĐTC Phanxicô đảm bảo với các tín hữu rằng “sau khi xem xét một cách cẩn thận từng tình huống cá nhân, và lắng nghe các quan điểm khác nhau, tôi đã dành nhiều thời gian cho việc suy ngẫm và cầu nguyện, tìm kiếm lợi ích thực sự của Giáo Hội ở Trung Quốc”. Và Ngài khẳng định một cách mạnh mẽ: “Trước mặt Chúa và với sự cân nhắc một cách kĩ lương, trong sự liên tục với định hướng của những người tiền nhiệm của tôi, tôi quyết định ban sự hòa giải cho bảy giám mục ‘chính thức’ còn lại đã được bổ nhiệm mà không có sự phê chuẩn của Giáo Hoàng và đồng thời dỡ bỏ mọi sự trừng phạt của Giáo Hội có liên quan, nhằm tái thừa nhận họ vào sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội. Đồng thời, tôi yêu cầu họ phải bày tỏ, bằng những cử chỉ cụ thể và rõ ràng, tinh thần hiệp thông đã được phục hồi của họ với Tòa Thánh và với các Giáo Hội lan rộng trên khắp hoàn cầu, và đồng thời phải tiếp tục trung thành bất chấp mọi khó khăn”.

Mở rộng vòng tay với những người lầm đường lạc lối

Trong Sứ điệp của mình, ĐTC Phanxicô mời gọi tất cả mọi tín hữu Công giáo Trung Quốc “nỗ lực hướng tới sự hoà giải”, đồng thời nhắc lại những chia sẻ của mình nhân dịp bế mạc Năm Thánh Ngoại thường về Lòng Thương Xót, rằng “không luật pháp hay giới luật nào có thể ngăn cản nổi việc Thiên Chúa một lần nữa ôm lấy đứa con trai đã qua trở về với mình khi thừa nhận rằng nó đã lầm đường lạc lối nhưng có ý định một lần nữa bắt đầu lại cuộc sống của mình”. Với tinh thần này, ĐTC Phanxicô nói, “chúng ta có thể bắt đầu một quá trình chưa từng có mà chúng ta hy vọng sẽ giúp chữa lành vết thương của quá khứ, khôi phục lại sự hiệp thông trọn vẹn giữa tất cả mọi tín hữu Công giáo Trung Quốc”.

Việc lựa chọn các vị Mục tử có trái tim của Chúa Giêsu

ĐTC Phanxicô giải thích rằng, trong khi Thỏa thuận tạm thời bị “giới hạn ở một số khía cạnh nhất định của đời sống Giáo hội và nhất thiết phải có thể cải thiện”, dù sao nó cũng có thể “đóng góp… để viết nên một chương mới của Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc”. “Lần đầu tiên”, ĐTC Phanxicô nói, “Thỏa thuận đặt ra các yếu tố hợp tác ổn định giữa các nhà chức trách chính phủ và Tòa Thánh, với hy vọng cung cấp cho cộng đồng Công giáo những vị mục tử tốt lành”.

Trong bối cảnh này, ĐTC Phanxicô tiếp tục, “Toà Thánh có ý định hoàn toàn đóng vai trò riêng của mình”. Tuy nhiên, ĐTC Phanxicô nói, một vai trò quan trọng cũng tùy thuộc vào tất cả anh chị em, các giám mục, linh mục, những người sống đời thánh hiến, và kể cả giáo dân: để tham gia vào việc tìm kiếm các ứng cử viên phù hợp có khả năng đáp ứng những đòi hỏi của Giáo Hội cũng như đảm nhận sứ vụ quan trọng của các giám mục. Đó không phải là vấn đề của việc bổ nhiệm các quan chức để đối phó với những vấn đề tôn giáo, mà là việc tìm kiếm những vị mục tử đích thực có trái tim của Chúa Giêsu, những người cam kết dấn thân quản đại trong việc phục vụ dân Chúa, đặc biệt là người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất.

Vai trò của các tín hữu Công giáo Trung Quốc trong xã hội

Đề cập đến vị thế của người Công giáo Trung Quốc trong xã hội, ĐTC Phanxicô nói:

 Ở cấp độ dân sự và chính trị, người Công giáo Trung Quốc phải là những công dân tốt, yêu mến quê hương đất nước của mình và phục vụ đất nước của mình với một sự cần mẫn và trung thực, với tất cả những khả năng tốt nhất của mình. Ở cấp độ luân lý, họ cần phải nhận thức được rằng nhiều anh em đồng bào của họ mong đợi từ họ một cam kết lớn hơn đối với việc phục vụ công ích chung cũng như sự tăng trưởng hài hòa của toàn thể xã hội nói chung. Đặc biệt, người Công giáo phải tạo ra một sự đóng góp tiên tri và mang tính xây dựng phát xuất từ đức tin của họ vào vương quốc của Thiên Chúa. Đôi khi, điều này cũng có thể đòi hỏi họ một sự nỗ lực để đưa ra một lời chỉ trích, không liên quan đến một sự phản đối vô ích, mà là vì lợi ích của việc xây dựng một xã hội công bằng và nhân đạo hơn cũng như tôn trọng phẩm giá của mỗi người.

Vượt qua sự đối lập để thực hiện công cuộc truyền giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô sau đó phát biểu với các Giám mục, linh mục, và những người sống đời thánh hiến, đồng thời mời gọi họ vượt qua “những xung đột trong quá khứ và nỗ lực theo đuổi những lợi ích của chính chúng ta”, để “chăm sóc các tín hữu”. ĐTC Phanxicô cùng mời gọi họ “nỗ lực làm việc với tinh thần khiêm nhường hướng tới sự hòa giải và hiệp nhất” và “với tinh thần nhiệt huyết” để “đảm nhận sứ vụ truyền giáo được chỉ ra bởi Công đồng đại kết Vatican II”.

Lời kêu gọi đối với tất cả các bạn trẻ Công giáo Trung Quốc

ĐTC Phanxicô cũng đã nhắn nhủ với tất cả các bạn trẻ Công giáo Trung Quốc, đồng thời khích lệ họ “hợp tác trong việc xây dựng tương lai đất nước của các con”, và “để mang, nhờ tinh thần nhiệt huyết của các con, niềm vui Tin Mừng đến cho tất cả những người mà các con gặp gỡ”. ĐTC Phanxicô cũng mời gọi các bạn trẻ mở rộng tâm hồn của mình “để phân biệt kế hoạch nhân từ của Thiên Chúa, Đấng yêu cầu chúng ta vượt lên trên tất cả mọi định kiến cá nhân cũng như những xung đột giữa các nhóm và các cộng đồng, để thực hiện một cuộc hành trình can đảm dưới ánh sáng của một nền văn hóa gặp gỡ đích thực”.

Tất cả mọi tín hữu Công giáo được mời gọi để trở nên gần gũi với các tín hữu ở Trung Quốc

ĐTC Phanxicô đã đề cập đến “nhiệm vụ quan trọng” của tất cả mọi tín hữu Công giáo trên toàn thế giới “để cùng đồng hành với tất cả các anh chị em của chúng ta ở Trung Quốc với việc cầu nguyện tha thiết và tình bằng hữu huynh đệ”. ĐTC Phanxicô nói, “họ cần phải cảm thấy rằng trong cuộc hành trình đang chực chờ phía trước, họ không hề đơn độc”.

Tiếp tục cuộc đối thoại với chính quyền Trung Quốc

Sau đó, “với sự tôn trọng” đối với các nhà lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ĐTC Phanxicô đã nhắc lạo lời mời gọi của mình để “tiếp tục, với sự tin tưởng, can đảm và nhìn xa trông rộng, cuộc đối thoại đã được khởi sự cách đây khá lâu” để vượt qua “những khác biệt trong quá khứ, thậm chí ngay cả những khác biệt trong quá khứ gần đây”, và để mở ra “một chương mới của sự hợp tác thiết thực hơn, trong một sự xác tín chung rằng ‘sự hiểu lầm [phục vụ] lợi ích của cả người dân Trung Quốc lẫn Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc” (nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI, Lá thư gửi các tín hữu Công giáo Trung Quốc)”. Bằng cách này, ĐTC Phanxicô nói, Trung Quốc và Tòa Thánh sẽ có thể “đưa ra những nỗ lực để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội bằng cách đảm bảo việc tôn trọng lớn hơn đối với con người, cũng như trong lĩnh vực tôn giáo”. ĐTC Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng “phong cách mới về sự hợp tác cởi mở cần được triển khai giữa chính quyền địa phương và các nhà chức trách Giáo hội – các giám mục, linh mục và những người lớn tuổi trong cộng đồng – để đảm bảo rằng các hoạt động mục vụ diễn ra một cách có trật tự, hài hòa với những kỳ vọng hợp pháp của các tín hữu cũng như những quyết định của các nhà chức trách có thẩm quyền”. Và ĐTC Phanxicô lặp lại, “Giáo hội ở Trung Quốc không quên lịch sử Trung Quốc, cũng như không hề tìm kiếm bất kỳ đặc quyền nào”.

Lời cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria

Cuối cùng, ĐTC Phanxicô nài xin Thiên Chúa ban hòa bình, và đồng thời mời gọi tất cả mọi người kêu cầu sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria. Sứ điệp của ĐTC Phanxicô kết thúc bằng lời cầu nguyện:

Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, xin hãy lắng nghe lời cầu xin của con cái Mẹ khi chúng con thiết tha kêu cầu Danh Mẹ!

Lạy Nữ Vương Hy Vọng, chúng con trao phó cho Mẹ cuộc hành trình của các tín hữu nơi vùng đất Trung Quốc nguy nga. Chúng con nài xin Mẹ trao phó trong tay Chúa Tể lịch sử tất cả mọi khó khăn thử thách, những nỗi đau buồn, những lời kêu xin cũng như hy vọng của tất cả những ai kêu xin Mẹ, lạy Nữ Vương Thiên Đàng!

Lạy Mẹ Giáo Hội, chúng con dâng hiến cho Mẹ tất cả hiện tại và tương lai của mọi gia đình cũng như cộng đồng của chúng con. Xin Mẹ bảo vệ chở che và gìn giữ họ trong tinh thần hòa giải huynh đệ và phục vụ người nghèo, những người tôn kính Danh Mẹ, lạ Nữ Vương Thiên đàng!

Lạy Đấng an ủi những kẻ đau khổ, chúng con ngước nhìn lên Mẹ, vì Mẹ chính là chốn nương thân cho tất cả những ai than van khóc lóc giữa những gian lao thử thách. Xin hãy đoái nhìn đến con cái Mẹ, những người ngợi khen Danh Thánh của Mẹ; xin hãy làm cho họ được trở nên một trong việc loan báo Tin Mừng. Xin Mẹ hãy cùng đồng hành với những nỗ lực của họ để xây dựng một thế giới huynh đệ hơn. Xin hãy ban ơn để họ có thể đem niềm vui của sự tha thứ đến cho tất cả những người mà họ gặp gỡ, Lạy Nữ Vương Thiên Đàng!

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube