ĐTC Phanxicô: ‘Việc chăm sóc sức khoẻ là một phần trong sứ mạng của Giáo hội’

Cũng như Chúa Giêsu đã chữa lành tất cả mọi người khi Người thi hành sứ mạng trần gian của mình, việc chăm sóc những người đau yếu cũng chính là sứ mạng mà toàn thể Giáo hội được mời gọi tham dự, ĐTC Phanxicô  nhấn mạnh trong sứ điệp được công bố hôm thứ Hai cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân năm 2018.

PopeFrancis_greets_people_with_disabilities_following_the_General_Audience_on_Nov_15_2017_Credit_Daniel_Ibez_CNA-690x450“Chúa Giêsu đã trao ban cho Giáo hội sức mạnh chữa lành của mình. Sứ mạng của Giáo hội chính là đáp trả lại món quà của Chúa Giêsu, bởi vì Giáo hội biết rằng mình phải mang đến cho những người đau yếu cái nhìn của chính Thiên Chúa, cái nhìn đầy âu yếm và giàu lòng thương xót”, ĐTC Phanxicô viết.

“Công việc chăm sóc sức khoẻ luôn là một nhiệm vụ thiết yếu và căn bản, được tất cả mọi người thực hiện với một sự nhiệt tình mới, từ các cộng đồng giáo xứ cho đến các cơ sở chăm sóc sức khoẻ lớn nhất”, ĐTC Phanxicô viết.

“Các bác sĩ, y tá, linh mục, các tu sĩ nam nữ sống đời thánh hiến, các tình nguyện viên, các gia đình và tất cả những người chăm sóc cho những người đau yếu, đều tham gia vào sứ mang của Giáo hội này”.

Ngày Thế giới Bệnh nhân sẽ được cử hành vào ngày Chúa nhật 11 tháng 2 năm 2018, với chủ đề: “Mẹ Giáo hội: ‘Thưa Bà, này là con Bà…Hỡi con, này là mẹ con’. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Ga 19: 26-27)”.

Suy niệm về đoạn Tin Mừng mà từ đó chủ đề đã được lựa chọn, ĐTC Phanxicô đã giải thích cách thức mà Thánh Gioan, như một môn đệ được Chúa Giêsu thương mến, có thể làm chứng về thực tế rằng Chúa Giêsu đã chữa lành cho nhiều người đau khổ cả về tinh thần lẫn thể xác.

Chúa Giêsu, ĐTC Phanxicô nói, “đã chữa lành những người đau yếu bệnh tật như một dấu chỉ của đời sống dồi dào của Nước Trời, nơi mà tất cả mọi giọt nước mắt sẽ được lau khô”.

Các môn đệ đều nhận biết rằng tâm hồn Chúa Giêsu “luôn luôn rộng mở cho tất cả mọi người và không loại trừ một ai. Tin Mừng về Nước Trời phải được công bố cho hết thảy mọi người, và tinh thần bác ái của Kitô giáo cần phải được hướng đến tất cả mọi người, đơn giản bởi vì họ chính là những con người, là con cái Thiên Chúa”.

Đề cập đến lịch sử lâu dài của Giáo hội trong việc chăm sóc những người đau yếu bệnh tật với vô số các sáng kiến, ĐTC Phanxicô cho biết chúng ta không thể quên “lịch sử cống hiến” này, vốn vẫn tiếp tục hiện diện “cho đến ngày nay trên khắp thế giới”.

Các quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khoẻ công cộng đầy đủ, các Dòng tu Công giáo và các Giáo phận cũng như các bệnh viện của họ cung cấp việc chăm sóc y tế có chất lượng, đặt con người làm trọng tâm, đồng thời tiến hành các nghiên cứu khoa học vốn tôn trọng sự sống con người và các giá trị luân lý Kitô giáo, ĐTC Phanxicô cho biết.

Và ở các quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khoẻ không đầy đủ hoặc thậm chí không tồn tại, Giáo hội Công giáo đang nỗ lực để cải thiện sức khoẻ, loại bỏ con số tử vong trẻ sơ sinh và đồng thời chống lại các căn bệnh lan rộng.

“Ở một số nơi trên thế giới, các bệnh viện của các hội truyền giáo và các Giáo phận chính là những cơ sở duy nhất cung cấp việc chăm sóc sức khỏe cần thiết cho dân chúng”, ĐTC Phanxicô ghi nhận.

Đây là một nguyên nhân tạo niềm vui mừng trong cộng đồng Kitô giáo, nhưng chúng ta cũng cần phải thừa kế di sản lâu dài đó và đồng thời sử dụng nó để giúp chúng ta xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh, đặc biệt là trong những trường hợp các bệnh viện Công giáo trở thành con mồi béo bở của tình trạng kinh doanh theo hướng biến việc chăm sóc sức khoẻ “thành một doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận, kết thúc bằng việc loại bỏ những người nghèo.”

“Tổ chức khôn ngoan và tinh thần bác ái đòi hỏi rằng người bệnh cần phải được tôn trọng nơi phẩm giá của họ, và đồng thời họ luôn phải được xem như là trọng tâm của quá trình điều trị”, ĐTC Phanxicô nói.

“Chớ gì những lời nguyện xin của chúng ta với Mẹ Thiên Chúa hiệp nhất chúng ta trong một lời nguyện xin tha thiết không ngừng để tất cả mọi thành viên trong Giáo Hội có thể sống với tình yêu trong ơn gọi phục vụ sự sống và sức khoẻ con người”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube