ĐTC Phanxicô và Thủ tướng Bangladesh thảo luận về cuộc khủng hoảng Rohingya tại Vatican

Chỉ hai tháng sau chuyến viếng thăm gần đây của mình tới Bangladesh, hôm thứ Hai 12/2 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã đón tiếp Thủ tướng Sheikh Hasina tại Vatican, nơi mà hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các mối quan hệ liên tôn tích cực ở nước này cũng như sự cấp thiết cần phải tìm ra một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya đang diễn ra.

Pope_Francis_meets_Bangladesh_Prime_Minister_Ms_Sheikh_Hasina_at_the_Vatican_Feb_12_2018_Credit_Marco_Mancini_CNA

ĐTC Phanxicô gặp Thủ tướng Bangladesh, Sheikh Hasina tại Vatican vào ngày 12 tháng 2 năm 2018

Theo bản thông cáo của Vatican vào ngày 12 tháng 2, cuộc đối thoại mang tính thân mật và đã nhấn mạnh đến mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa hai quốc gia cũng như sự thành công của chuyến viếng thăm từ ngày 30/11 đến 2/12 của ĐTC Phanxicô đến Bangladesh.

Cụ thể, “sự tham gia tích cực” của nhiều người không phải là người Công giáo đã được nhấn mạnh, bởi vì Bangladesh là một quốc gia mà Hồi giáo chiếm đa số. Người Công giáo chỉ là một nhóm thiểu số nhỏ tại Bangladesh, chỉ chiếm 375.000 người – tương đương 0.2% – trong tổng số gần 156 triệu dân.

Hai nhà lãnh đạo sử dụng tiếng Anh trong cuộc đàm thoại với sự giúp đỡ của thông dịch viên chính thức của Đức Thánh Cha, Đức ông Mark Miles. Khi bà Hasina bước vào, bà đã thưa với ĐTC Phanxicô rằng bà “rất vui mừng vì Ngài đã có thể đến thăm Bangladesh”, và ĐTC Phanxicô cũng đã bày tỏ lòng biết ơn của mình, Ngài nói “xin chân thành cảm ơn”.

Trong cuộc trò chuyện kéo dài 20 phút, ĐTC Phanxicô và bà Hasina cũng đã thảo luận về sự đóng góp của Giáo hội Công giáo đối với nền giáo dục trong nước, cũng như những nỗ lực của Nhà nước trong việc thúc đẩy các mối quan hệ hòa bình giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau.

Hai nhà lãnh đạo cũng đã cũng tập trung vào sự cấp thiết cần phải bảo vệ các nhóm dân tộc thiểu số và những người tị nạn. Để đạt được mục đích này, chính phủ Bangladesh đã hoan nghênh việc chào đón những người tị nạn Hồi giáo Rohingya mà hoàn cảnh của họ chính là một chủ đề chính yếu của chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Miến Điện – cũng gọi là Myanmar – và Bangladesh vào mùa thu năm ngoái.

Một nhóm người Hồi giáo phần lớn cư trú tại bang Rakhine của Miến Điện, những người Rohingya đã phải đối mặt với sự gia tăng mạnh mẽ đối với vấn đề bạo lực do nhà nước bảo trợ tại quê hương của họ, gần đây đã đạt đến những mức độ đáng kinh ngạc, dẫn tới việc LHQ tuyên bố cuộc khủng hoảng này là “một ví dụ điển hình về cuộc thanh trừng sắc tộc”.

Với sự gia tăng đàn áp tại quê nhà Miến Điện của họ, hơn 600.000 người Rohingya đã phải chạy trốn qua biên giới sang Bangladesh, và hiện đang sống trong các trại tị nạn.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đích thân chào đón 18 thành viên của cộng đồng người Rohingya có mặt trong một cuộc gặp gỡ liên tôn tại Dhaka, Bangladesh vào ngày 1 tháng 12, cầu xin sự tha thứ thay mặt cho tất cả những ai đã bách hại nhóm thiểu số người Miến Điện.

Trong cuộc gặp gỡ của ĐTC Phanxicô với bà Hasina, cả hai đều đã bày tỏ hy vọng rằng một “giải pháp thích hợp và lâu dài cho sự thử thách của họ” có thể sẽ sớm đạt được.

Sau cuộc gặp gỡ, ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ phái đoàn bao gồm 9 nhà lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ và hai bên đã trao tặng nhau những phần quà. Về phần mình, bà Hasina đã trao tặng ĐTC Phanxicô bức tranh về một chiếc thuyền. ĐTC Phanxicô lần lượt đã trao tặng Thủ tướng Hasina một kỉ niệm chương hòa bình, mà Ngài thường trao tặng cho những các nguyên thủ quốc gia mà Ngài đón tiếp, cũng như một bản sao của Thông điệp Hòa bình năm 2018 và Thông điệp về môi trường ‘Laudato Si’.

Bà Hasina sau đó đã gặp gỡ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, ĐHY Pietro Parolin và Đức Cha Antoine Camilleri, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube