ĐGH Bênêđíctô XVI – 12 năm sau ngày lên ngai Giáo hoàng

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 20-04-2017 | 22:47:00

Những khoảnh khắc quan trọng khi ĐHY Joseph Ratzinger được bầu lên ngai tòa Phêrô vào ngày này cách đây 12 năm, ngày 19/04/2005 cũng như lúc ngài can đảm thoái vị ngày 11/2/2013 là những thời khắc lịch sử trong đời sống Giáo hội Công giáo cũng như thế giới.

Ngay từ đầu, ĐGH Bênêđíctô đã bị coi như một vị giáo hoàng “bảo thủ”. Tuy nhiên, trong tám năm ở trên ngai tòa Phêrô, ngài nhắc đến Thánh Kinh nhiều hơn là nhắc đến giáo lý, ngài chỉ ra mối liên hệ giữa những Kitô hữu tiên khởi với con người thời đại hiện nay trong việc chiến đấu để sống đức tin của mình.

Ngài xử lý các vấn đề chính trị và xã hội đương thời bằng việc nhấn mạnh đến một số nguyên tắc: rằng các quyền con người có nền tảng trên phẩm giá con người, rằng con người có vị trí quan trọng hơn lợi nhuận, rằng quyền sống là một vấn đề lâu đời của nhân loại chứ không chỉ là một giáo huấn của Giáo hội Công giáo, rằng những cố gắng loại trừ Thiên Chúa ra khỏi các vấn đề dân sự đang làm mục ruỗng xã hội hiện đại. Đối với Đức Bênêđíctô, Kitô giáo là một cuộc gặp gỡ với vẻ đẹp, là sống một đời sống thực sự và vui thú hơn. Chủ đề chính mà ngài đưa ra là tình bạn với Đức Giêsu và với Thiên Chúa.

Đức Bênêđíctô đã khởi đầu thời kỳ Tân Phúc âm hóa bằng việc nhấn mạnh đến ba vấn đề. Ba thông điệp đầu tiên của ngài trình bày về ba nhân đức đối thần: Tin, Cậy và Mến. Ba cuốn sách đầu tiên của ngài tập trung vào trung tâm của niềm tin Công giáo: Đức Giêsu Kitô. Các bài giáo huấn thứ tư hàng tuần của ngài trình bày các vấn đề giáo lý, các giáo phụ, các thánh, các tiến sĩ giáo hội, các thánh vịnh và lời cầu nguyện. Vào tháng 10/2012, ngài tổ chức một thượng hội đồng về Tân Phúc âm hóa và trong diễn văn khai mạc, ngài tuyên bố rằng “Giáo hội tồn tại là để loan báo Phúc Âm”. ĐGH Bênêđíctô đã nhấn mạnh một cách tài tình vào nhu cầu về một đời sống thần học mạnh mẽ, sự cầu nguyện liên lỉ và sự chiêm niệm – cho rằng những điều đó tự nhiên sẽ dẫn đến một đời sống luân lý, một sự cam kết đối với người khác cũng như một đời sống trong bác ái và chân lý.

Nhìn lại tám năm ở trên tòa thánh Phêrô của ngài, tôi thấy biết ơn về những thời gian được hiện diện cạnh ngài. Tôi đã gặp ĐHY Joseph Ratzinger và sau đó là ĐGH Bênêđíctô XVI nhiều lần. Tôi đã cùng ngài ở Rôma, Đức, Áo, Mỹ và Tây Ban Nha trong những chuyến tông du khó quên. Tôi làm phiên dịch tiếng Anh tại hai thượng hội đồng giám mục 2008 và 2012 – nơi tôi có đặc ân được ở cùng Đức Bênêđíctô nhiều ngày cho đến ngày cuối cùng tại Sảnh Thượng Hội đồng ở Rôma.

Tôi đã đi cùng ĐGH Bênêđíctô đến Cologne khi ngài lần đầu tiên tham gia Ngày Giới trẻ Thế giới vào tháng 8/2005. Khi đó, ngài nói với đám đông giới trẻ Kitô giáo cũng như những người hiếu kỳ hiện diện tại đó rằng: “Giáo hội có thể bị chỉ trích, bởi vì Giáo hội có cả lúa mì và cỏ dại, nhưng đó lại là một niềm an ủi khi nhận ra rằng Giáo hội còn có cả cỏ dại. Theo cách nhìn đó, vượt lên trên mọi khiếm khuyết, chúng ta vẫn có thể hy vọng rằng mình sẽ được coi là những môn đệ của Đức Giêsu – Đấng đến để kêu gọi những người tội lỗi”.

20170420 Benedict 3Nếu có một vị ĐGH nào đối phó với những cỏ dại giữa những lúa mì trong suốt triều đại của mình, đó chính là Đức Bênêđíctô XVI. Ngài chỉ thẳng vào những tội lỗi và sự dữ, và mời gọi mọi người trở nên bạn hữu của Đức Giêsu Kitô. Ngài đối mặt trực tiếp với những sai phạm và không ngần ngại khi nói về chúng; ngài thừa nhận những sai lầm diễn ra dưới sự cai quản của mình; ngài đi đến công cuộc đại kết và hứng chịu sự thất bại; ngài mang nhành lá hòa bình đến với những tôn giáo lớn của thế giới và không ngần ngại nói thẳng về những vấn đề đã gây ra sự chia rẽ cũng như cho thấy rằng niềm trông cậy sẽ gắn kết tất cả. Ngài bước đi giữa những vị vương công nhưng không bao giờ đánh mất cảm thức chung về nhân loại.

Hôm nay, ngày 19/04 – kỉ niệm ngày ngài được bầu lên ngai thánh Phêrô – chúng ta hãy cảm tạ Chúa về “người thợ khiêm nhường trong vườn nho của Thiên Chúa” này. Rất nhiều người nghĩ rằng để làm nổi bật những khía cạnh tính cực của “thời đại Phanxicô” mà chúng ta đang sống, cần phải mô tả những khía cạnh tiêu cực của triều đại Bênêđíctô. Cách nghĩ đó không chỉ vô lý mà còn cho thấy một sự bịt mắt, bịt tai và lờ đi những điều mà con người vĩ đại này đã thực hiện. Không thể tránh khỏi sự so sánh giữa Đức Phanxicô và vị tiền niệm, và chắc chắc rằng ĐGH Phanxicô thu hút đám đông hơn … một đám đông rất lớn tiếp tục kéo đến Vatican để gặp gỡ vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Tân Thế giới. Đúng là có một sự thay đổi trong cách nói của Đức Phanxicô mà người ta có thể gọi là một lối nói “nhỏ nhẹ” và “mang tính mục vụ” và một sự quan tâm đến những người ở bên lề xã hội và Giáo hội. Nhưng chúng ta đừng quên rằng rất nhiều cuộc cải cách đang diễn ra trong triều đại của Đức Phanxicô thực ra đã khởi sự từ thời Đức Bênêđíctô, đặc biệt trong hai vấn đề nổi cộm là tài chính và lạm dụng tình dục. Tôi tin chắc rằng nếu hôm nay chúng ta sống trong hào quang của ĐGH Phanxicô, chúng ta phải mãi mãi biết ơn ĐGH Bênêđíctô XVI, Joseph Ratzinger – người đã giúp cho Giáo hội và thế giới có thể có một Phanxicô. Chúng ta nợ Đức Bênêđíctô một lời cảm ơn rất lớn.

Cuộc chia tay

20170420 Benedict 4Được phục vụ trong tư cách người phát ngôn của Vatican trong thời gian chuyển tiếp triều đại giáo hoàng hồi năm 2013, tôi đã được chứng kiến nhiều thay đổi và có nhiều lúc cảm xúc dâng trào. Một trong những khoảnh khắc xúc động nhất khi ở Rôma là ngày 28/02 năm đó, ngày cuối cùng trong triều đại giáo hoàng của ngài. Sự ra đi khỏi Dinh Tông đồ được điều phối một cách cẩn thận đã làm xúc động trái tim và tâm trí của thế giới. Những lời chia tay xúc động của những người đã từng làm việc với ngài trong buổi chiều Italia nóng nắng ấy, chuyến trực thăng nhỏ gọn đưa ngài tới Castel Gandolfo, những lời cuối cùng của ngài trên cương vị giáo hoàng, tất cả nhắc cho chúng ta nhớ rằng ngài sẽ trở thành “một người hành hương” trong chặng cuối của cuộc đời. Điều đó làm thế giới xúc động. Buổi tối hôm đó ở Rôma, mọi con mắt đều rớm lệ. Tôi đã đau buồn khi chứng kiến cuộc ra đi khó tin đó. Tôi đau buồn bởi vì trong thâm sâu, tôi biết rằng ngài là một nhà lãnh đạo vĩ đại của Giáo hội, một thầy dạy, một “tiến sĩ” đức tin thực thụ và ngài đã bị một số người cùng làm việc với ngài trong triều đại giáo hoàng đối xử tệ bạc.

Thánh Gioan Phaolô II đã dạy chúng ta bài học sâu sắc về sự đau khổ và cái chết cho nhân phẩm, còn Đức Joseph Ratzinger đã dạy cho chúng ta ý nghĩa của sự đầu hàng êm dịu – không bám víu vào quyền lực và ngai vàng, những thanh danh, truyền thống và đặc ân đi cùng nó. ĐGH Bênêđíctô đã dạy cho chúng ta biết thế nào là phục vụ Thiên Chúa với niềm vui và sự khiêm nhường. Đối với chúng ta, Joseph là một người anh – một người đã bị nhiều người chối bỏ ngay từ những ngày đầu, nhưng cuối cùng lại được đón nhận như một người anh em thương mến.

Khi nghiên cứu tiếng Đức tại quê hương Baverian của ĐGH Bênêđíctô, tôi học được một cách diễn tả rất tuyệt vời “Vergelt’s Gott!”. Nó không chỉ có nghĩa là “cảm ơn” nhưng có nghĩa là “xin Thiên Chúa trả công cho bạn”. Và khi tôi nhìn lại thời gian ngài phục vụ trên ngai tòa Phêrô cũng như chứng kiến hình ảnh yếu ớt nhưng tràn đầy niềm vui của ngài trong ngày sinh nhật 90 tuổi, tôi nói rằng “Vergelt’s Gott, Heiliger Vater!”.

Giáo hội và thế giới sẽ không thể trở nên như ngày hôm nay nếu không có những gì ngài đã làm cho chúng ta.

Fr. Thomas Rosica, CSB

P.B. chuyển ngữ

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube