Cựu Đại sứ Vatican tại Baghdad hướng đến chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô tới Iraq

Đức Thánh Cha Phanxicô chào mừng Đức Hồng Y Fernando Filoni, Đại Thống lĩnh Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh Giêrusalemmới được bổ nhiệm của Dòng Cưỡi ngựa Mộ Thánh, trong chuyến viếng thăm Piazza di Spagna của Rôma để tôn kính bức tượng Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội nhìn ra Bậc thang Tây Ban Nha vào ngày 8 tháng 12 năm 2019. (ảnh: Daniel Ibanez / CNA / EWTN)

Đức Thánh Cha Phanxicô chào mừng Đức Hồng Y Fernando Filoni, Đại Thống lĩnh Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh Giêrusalem mới được bổ nhiệm, trong chuyến viếng thăm Piazza di Spagna, Rôma để tôn kính bức tượng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên Tội nhìn ra Bậc thang Tây Ban Nha vào ngày 8 tháng 12 năm 2019 (Ảnh: Daniel Ibanez/ CNA/ EWTN)

Khi Đức Hồng y Fernando Filoni phục vụ với tư cách là Đại diện Giáo hoàng tại Iraq vào đầu những năm 2000, ngài đã tiếp tục ở lại Baghdad giữa bối cảnh của các vụ đánh bom và các vụ tấn công liều chết.

Trong một cuộc phỏng vấn với EWTN, Đức Hồng y Filoni nhớ lại những lời mà Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói với ngài khi trao phó sứ mệnh ngoại giao cho ngài tại Iraq vào năm 2001, và hướng tới chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Phanxicô tới đất nước này từ ngày 5-8 tháng 3.

Đức Hồng y Filoni đã được bổ nhiệm làm Đại sứ của Vatican tại Iraq và Jordan vào tháng 1 năm 2001. Tại lễ tấn phong Giám mục của ngài vào ngày 19 tháng 3 năm 2001, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chia sẻ rằng Ngài đã cử vị Giám chức làm “Sứ giả của hòa bình”.

Hai năm sau, Đức Hồng Y Filoni trở thành Sứ thần Tòa Thánh tại Baghdad trong cuộc xâm lược Iraq của Hoa Kỳ, bắt đầu vào ngày 19 tháng 3 năm 2003.

“Đây là một thông điệp hết sức mạnh mẽ mà tôi vẫn luôn ghi nhớ trong lòng, mà tôi luôn khắc sâu trong tâm trí, vì vậy anh chị em có thể tưởng tượng rằng hai năm sau thông điệp đó… cùng ngày diễn ra lễ tấn phong Giám mục của tôi và thông điệp mà tôi nhận được, bắt đầu cuộc chiến tranh”, Đức Hồng Y Filoni nói.

Đức Hồng Y Filoni kiên quyết ở lại Iraq trong toàn bộ nhiệm vụ ngoại giao của mình trong suốt những năm đầu tiên của cuộc Chiến tranh Iraq.

Đức Hồng Y Filoni suýt mất mạng khi một quả bom được đặt trong xe phát nổ bên cạnh Tòa Khâm Sứ vào tháng 2 năm 2006.

“Nếu bạn là một Linh mục, bạn là một vị Mục tử, bạn không thể bỏ rơi người dân của mình”, Đức Hồng y Filoni nói.

“Khi tôi ở đó, tôi ngỏ lời với các Linh mục và Giám mục: ‘Chúng ta hãy tiếp tục ở lại đây; chúng ta đừng bỏ đi’. Chúng tôi phải sát cánh cùng với người dân của mình. Chúng tôi yêu cầu mở cửa tất cả các nhà thờ, mở cửa Chủng viện, mở cửa các cơ sở nơi trú ẩn của chúng tôi, để những người dân có thể đến và ở lại với chúng tôi vì họ sợ bị đánh bom, họ có thể đến tìm các cơ sở trú ẩn của chúng tôi”, Đức Hồng Y Filoni nói.

“Và có rất nhiều người, ban đêm thường đến nhà thờ mang theo chăn nệm và cùng nhau ở lại đây. Đó là khoảnh khắc của sự chia sẻ với các tín đồ Hồi giáo và các Kitô hữu trong tinh thần thân hữu”.

Đức Hồng Y Filoni đã viết một cuốn sách dựa trên kinh nghiệm của mình với tư cách là một nhà ngoại giao của Đức Giáo hoàng tại Iraq từ năm 2001 đến năm 2006 có tựa đề “Giáo hội tại Iraq”.

Đức Hồng Y Filoni tiếp tục phục vụ với tư cách là Sứ thần Tòa Thánh tại Philippines, “sostituto” (Trợ tá) tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, kiêm Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc. Đức Hồng Y Filoni hiện tại đang nắm giữ chức vụ Đại Thống lĩnh Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh Giêrusalem.

Đức Hồng Y Filoni cho biết ngài hy vọng có thể trở lại Iraq nhân chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng Ba. Đây sẽ là lần đầu tiên một vị Giáo hoàng đến thăm đất nước này.

Đức Hồng Y Filoni chỉ ra rằng một trong những nhà thờ mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm ở Baghdad – Nhà thờ Đức Mẹ Cứu Rỗi thuộc Giáo hội Công giáo Syriac – là nơi xảy ra vụ tấn công liều chết của tổ chức Nhà nước Hồi giáo trong Thánh lễ Chúa nhật năm 2010, trong đó hơn 50 người thiệt mạng.

“Tôi nghĩ về Baghdad, nơi Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ cộng đồng Công giáo Chaldean và Syrian tại Nhà thờ Chính Tòa nơi nhiều người đã bị giết hại cách đây chỉ vài năm trước, sẽ là một cơ hội để truyền tinh thần nhiệt huyết, lòng can đảm cho các Kitô hữu để nói lên rằng: ‘Xin hãy yêu mến đức tin của anh chị em. Với tư cách là các tín hữu Công giáo, chúng tôi cùng đồng hành với anh chị em với tư cách là các tín hữu Công giáo, các Kitô hữu, chúng ta cùng đoàn kết với nhau”, Đức Hồng Y Filoni nói.

Đức Hồng y Filoni cũng nhấn mạnh cuộc gặp gỡ đã được dự kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô với Đại giáo sĩ Ali al-Sistani, thủ lĩnh của người Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq, đặc biệt hết sức quan trọng.

“Đức Thánh Cha đã có cơ hội gặp gỡ các tín đồ Hồi giáo dòng Sunni, giờ đây với các tín đồ Hồi giáo dòng Shia. Vì vậy, đây là một cơ hội thuận tiện để có được một cuộc đối thoại liên tôn”, Đức Hồng y Filoni nói.

Cuộc gặp với thủ lĩnh của các tín đồ Hồi giáo dòng Shiite sẽ diễn ra tại Najaf, nơi mà Đức Hồng y Filoni cho biết là gần ngôi mộ của tiên tri Ezekiel, người đã “khích lệ người dân Giêrusalem bị bắt làm nô lệ ở đó trong cuộc lưu đày Babylon”.

“Tiên tri Ezekiel đã cho họ hy vọng, và đồng thời đã cho họ một tầm nhìn, một viễn tượng rằng một ngày nào đó từ những bộ xương khô, những bộ xương vô hồn, những thân thể mới sẽ bắt đầu. Đây là một tầm nhìn. Chúng ta phải suy nghĩ về điều đó”.

“Tôi đã đến đó để viếng ngôi mộ này và tôi cũng nhớ có rất nhiều tín đồ hành hương Hồi giáo đã từng đến đây để cầu nguyện”, Đức Hồng y Filoni nói.

Đức Hồng y Filoni thừa nhận rằng an ninh tiếp tục là một vấn đề ở Iraq, nhưng ngài cho cho biết rằng người dân Iraq đang “xây dựng một cách tiệm tiến” hướng tới hòa bình.

“Đó là điều cần thiết mà tất cả các nhóm thiểu số, tôn giáo, dân sự, tất cả sẽ cùng đồng thuận theo một cách nào đó. Quý vị không thể có hòa bình chỉ vì ai đó đang áp đặt, mà bởi vì quý vị đang xây dựng… Đây là vấn đề đối nội, là điều tùy thuộc vào họ, nhưng về phương diện đối ngoại, đối với tôi, chúng ta cũng phải giúp họ có được điều kiện này, có được điều kiện hòa bình này”, Đức Hồng y Filoni nói.

Đức Hồng y Filoni chia sẻ hy vọng rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới các khu vực phía bắc của Iraq sẽ là một sự khích lệ đối với tất cả các cộng đồng thiểu số, bao gồm cả các Kitô hữu, những người đã phải chịu đựng đau khổ rất nhiều dưới sự đàn áp của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

“Ở phía bắc, tôi nhớ rõ, khi tôi đã từng gặp gỡ mọi người, anh chị em Kitô hữu của chúng ta”, Đức Hồng y Filoni nói.

“Với một tinh thần đức tin quả thực vô cùng mạnh mẽ… quý vị sẽ hết sức xúc động khi chứng kiến đức tin của người dân ở đó mãnh liệt và sâu sắc như thế nào”.

Minh Tuệ (theo NCR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube