Chúa Nhật 22 TN (A): Thương Khó Hay Khó Thương

Điều kiện làm môn đệ Đức Giêsu thật khó. Vì không những, nó đòi hỏi người ta phải có những xác tín dựa trên sự hiểu biết những giá trị mình đã bỏ, để nhận được những giá trị thật sự lớn hơn, vô biên hơn, cao cả hơn, mà phải bỏ cho đến cùng.

images (2)Hội thánh được Đức Giêsu thiết lập trên nền tảng đức tin và lời tuyên tín của Phêrô vào Đức Giêsu là Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống. Hội thánh ấy kiên cố và vững bền đến độ quyền lực tử thần cũng không thắng được.

Viễn tượng về Hội thánh như thế quả có sức hấp dẫn. Dù có lịnh truyền phải giữ kín của Đức Giêsu, nhưng không thể ngăn cản các môn đệ hân hoan vẽ nên trong tâm trí mình một lý tưởng thiên sai trần thế, về sự phục quốc lẫy lừng trong tương lai.

Nhưng kể từ lúc đó, Đức Giêsu, trong thái độ quyết liệt, bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết số phận bi đát đang chờ đợi Người tại Giêrusalem. Nguyên nhân của những đau khổ Người sẽ phải chịu và việc bị giết chết là do các thượng tế và kinh sư gây ra.

Giữ thái độ bình tĩnh trước những gì sẽ xảy ra cho mình, dù đang ở trong thế bị động, Đức Giêsu như thể làm chủ được tình hình, biết được mọi tình huống sẽ xảy ra.

Ý thức việc dấn mình vào nỗi hiểm nguy chết người để trỗi dậy sau ba ngày, ám chỉ sự phục sinh, lời Đức Giêsu thật mâu thuẫn và khó chấp nhận đối với cách hiểu và sự chờ đợi của môn đệ. Vì thế, Phêrô như thể vẫn còn đang hứng khởi từ việc trở nên đá tảng cho Hội thánh, dù chưa hình dung sự việc sẽ diễn tiến cách nào, nhưng với tất cả sự nể nang, yêu mến và tế nhị, đã kéo riêng Đức Giêsu ra và bắt đầu trách, “Xin Thiên Chúa đừng để Thầy phải gặp chuyện ấy”.

Chẳng dễ chấp nhận “sự khôn ngoan của thập giá” nếu không có ơn soi sáng của Thiên Chúa. Phản ứng của Phêrô, một đàng phản ánh được lối suy nghĩ thường tình của con người, muốn dễ dàng hơn khó khăn,  thành công hơn thất bại, quyền lực dũng mãnh hơn yếu đuối hèn kém, muốn được Thiên Chúa che chắn khỏi mọi đau khổ, đàng khác là khuynh hướng muốn tách mình ra khỏi sự phục tùng Thiên Chúa trong kế hoạch của Người, và do đó, không thực thi thánh ý Người.

Đức Giêsu đã phản ứng gay gắt  trước lời van nài của Phêrô, và cho ông thấy, những điều tưởng như hợp tình, hợp lý, nhưng thật ra, đang đi vào đường lối của Satan, tiếp tay cho Satan kéo Người ra khỏi kế hoạch của Thiên Chúa. Dù Phêrô được Đức Giêsu chọn làm đá tảng xây dựng Hội thánh, ông vẫn có nguy cơ trở thành hòn đá vấp phạm, phá hủy công trình của Người, nếu ông không đặt trọn niềm tin vào Đức Giêsu, như Đức Giêsu hằng tin tưởng vào Thiên Chúa, vì Người biết đường lối của Thiên Chúa, biết Thiên Chúa muốn Người làm gì.

Bắt Phêrô trở về đúng vị trí của mình là một môn đệ, Đức Giêsu muốn đưa ông từng bước, đi vào sự hiểu biết tư tưởng của Thiên Chúa, qua việc tìm hiểu và nhận ra giá trị của những chọn lựa của Người, để nối tiếp công trình Người đã thực hiện.

Đứng trước một bước ngoặt quan trọng trong việc thi hành ý Thiên Chúa và vì phản ứng của Phêrô mà Đức Giêsu biết, cũng là của các môn đệ, Người đưa ra điều kiện cho những ai muốn đi theo và trở nên môn đệ của Người. Đó là:

Việc từ bỏ chính mình. Đây là việc quan trọng, cần thiết hàng đầu. Nếu người ta không từ bỏ chính mình, họ chẳng thể biết được mình là ai. Vì họ có thể đồng hóa mình với những khát vọng, ham muốn và ngay cả những quyền lợi chính đáng của mình, hoặc để những thứ ấy làm chủ, điều khiển và chi phối mình. Rốt cuộc, họ chỉ là những kẻ nô lệ chứ không phải là người tự do.

Đức Giêsu không huyễn hoặc các môn đệ bởi những lời hứa hẹn vinh quang cho một cuộc sống thuận lợi. Người không để họ rơi vào ảo tưởng theo Người để mong đạt được những mục đích thấp hèn, Người đòi họ phải trở nên giống như Người, phải vác thập giá mình mà theo.

Từ bỏ mình, chấp nhận thập giá và vác nó để theo Đức Giêsu, như sẵn sàng chấp nhận một thực tế đau thương với những đau khổ và cả cái chết oan nghiệt sẽ xảy đến, như phương tiện sẵn có để trở nên môn đệ Đức Giêsu, để nên giống Người trước thánh ý Thiên Chúa, thi hành ý Thiên Chúa, chứ đau khổ không phải là mục tiêu, là điều thiện hảo, là con đường giải thoát.

Đó là những điều xảy ra thật sự, không phải là ám chỉ, mang nghĩa thiêng liêng, hoặc tượng trưng.

Những giá trị Đức Giêsu đưa ra đơn giản chỉ nằm trong phạm vi được – mất: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Nếu người ta được cả thập giá mà thiệt mất mạng sống mình, thì nào có lợi gì?” (Mt 16, 25-26)

Hé mở một chút về ngày cánh chung, lúc “Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các Thiên sứ của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng với việc họ làm” (Mt 16, 27), Đức Giêsu không muốn cho các môn đệ, những người còn kém hiểu biết và yếu lòng tin phải nản chí.

Con Người huyền bí từ nơi Thiên Chúa đến, Vị Thẩm Phán công minh trong ngày phán xét mà Kinh thánh nói, chính là vị Thầy đang hiện diện với họ, đang dạy dỗ họ, cho họ biết những lẽ nhiệm mầu của kế hoạch Thiên Chúa và mời gọi họ chấp nhận đi vào.

Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube