Chúa Nhật 21 TN (A): Hội Thánh Của Ai?

Vì Hội thánh là của Đức Giêsu, nên Hội thánh biết mình tin vào Ai, dựa vào Ai và phải trở nên thế nào.

iconostas_bMột cách chủ quan, Đức Giêsu biết Người phải nói gì, làm gì theo thánh ý Chúa Cha. Những lời rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa, việc chữa lành những bịnh tật cho con người, xua trừ ma quỷ vừa làm ứng nghiệm lời các ngôn sứ nói về Người, vừa chứng thực Người là Đấng Thiên Chúa sai đến. Giờ đây, trước khi bước sang một giai đoạn quan trọng có tính quyết định, Đức Giêsu muốn biết người ta nói gì về bản thân Người và các môn đệ nghĩ Người là ai.

Đến Xêdarê Philípphê, một miền đất nằm ngoài Galilê, có ít người Do thái nhưng lại  nhiều đền miếu của các tôn giáo, trong đó có một đền thờ lớn do vua Hêrôđê Cả xây để thờ Xêda của đế quốc Rôma.

Bản trắc nghiệm của Đức Giêsu đối với các môn đệ về thần tính của Người khá “hài hước” giữa bên kia là tất cả lịch sử và vinh quang của các vị thần thánh, và bên này là vị Thầy “chân đất”.

Những đồn thổi trong dân về Đức Giêsu đều coi Người là hiện thân của các ngôn sứ nổi danh như Gioan Tẩy Giả đã sống lại, như Êlia trở lại dọn đường cho Đức Kitô hoặc Giêrêmia, người trợ giúp họ trong cơn khốn khó này.

“Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” Câu hỏi bất ngờ của Đức Giêsu nhận được câu trả lời cũng rất bất ngờ của Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”.

Tuyên xưng Đức Giêsu là Kitô, Phêrô có ý muốn nói Người là Vị Vua và Mục Tử thời cuối mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân. Có lẽ khi tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, ông chưa biết hết về mầu nhiệm này, nhưng cũng nhận ra nơi Đức Giêsu, có một tương quan nổi bật và đặc biệt với Thiên Chúa.

Gọi đích danh Simôn con ông Giôna, Đức Giêsu cho thấy lời tuyên xưng của ông không do sức của con người tự nhiên. Sự khám phá về căn tính của Đức Giêsu và mối tương quan đặc biệt của Người với Thiên Chúa không phải là một khám phá do nghiên cứu hoặc một kết luận từ những tiền đề có trước, mà là cái phúc nhận được mặc khải của Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu.

Gọi Simôn bằng một tên mới là Phêrô, nghĩa là tảng đá, Đức Giêsu cho thấy từ đây, ông tùy thuộc hoàn toàn vào Người, sẽ sống đời sống mới với một nhiệm vụ mới. Nhiệm vụ này được diễn tả dưới ba khía cạnh.

Là tảng đá, Phêrô, một con người cụ thể với đức tin sống động, được Thiên Chúa ban cho lời tuyên xưng chân thật, ông phải là nền móng chắc chắn và vững bền, trên đó Đức Giêsu sẽ xây dựng Hội Thánh của Người, là cộng đoàn những người tin và tuyên xưng Đức Giêsu, như Phêrô.

Như thế qua ông, chính Đức Giêsu, Đá Tảng đích thật và duy nhất, sẽ xây lên tòa nhà Hội thánh, ban sự chắc chắn và trường tồn, mà ngay cả quyền lực sự chết cũng không thắng được. Tòa nhà ấy bắt đầu với Phêrô và Phêrô là nền tảng của Hội Thánh theo ý này. Đó là vinh dự lớn nhất dành riêng cho ông.

Với chìa khóa Nước Trời, Đức Giêsu nhấn đến chức vụ Phêrô được giao, như người quản lý thay mặt chủ nhà và hành động theo sự ủy quyền của chủ nhân. Trong Hội thánh Chúa, ông phải hành động nhân danh Chúa, phải chăm lo và gìn giữ, bảo vệ và phát triển đức tin của cộng đồng dân Chúa.

Với quyền cầm buộc và tháo cởi, ông có quyền quyết định điều gì bị cấm và điều gì được phép trong Hội Thánh, không phải một cách tùy tiện nhưng theo ý muốn của Chúa để ơn Cứu Chuộc của Chúa dẫy tràn trên các tín hữu. Với quyền này, để trung thành với Giáo huấn của Đức Giêsu, để bảo vệ đức tin của tòa nhà Hội thánh, ông có thể loại trừ khỏi cộng đoàn những phần tử nguy hại hoặc có thể hội nhập những ai hối lỗi.

Hội Thánh được thành hình từ đó, nhờ Phêrô và những người kế vị chu toàn nhiệm vụ và thể hiện lòng tín trung của họ xứng với sự tin tưởng của Đức Giêsu.

Khi nói về Hội Thánh, người ta thường hay chỉ nghĩ đến Hội Thánh như là một cơ chế phẩm trật, một tổ chức với các ban bệ điều hành những hoạt động. Nhưng Hội thánh, theo nguyên nghĩa, là những người được Chúa triệu tập. Điều Đức Giêsu  muốn nói là, Phêrô là khởi điểm của dân Israen mới, một dân tộc mới mà chính Người sẽ tuyển chọn, triệu tập bằng mối liên hệ đức tin khăng khít vào danh của Người.

Hội Thánh trần thế, mà Phêrô, với vai trò làm đá tảng được Đức Giêsu thiết lập, dù vẫn còn đang trong tiến trình hoàn thiện, chưa tinh tuyền, thánh thiện và vô tỳ tích, Hội thánh vẫn là dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng, dấu chỉ và dụng cụ của việc kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, của chính sự sống Thiên Chúa, là bí tích phổ quát của ơn cứu độ, bí tích biểu hiện sứ mạng của Ðức Kitô và của Thánh thần, là con đường đưa tới Nước Trời.

Vì thế, bảo rằng mình chỉ cần giữ đạo tại tâm; tự mình có thể đến với Đức Giêsu không phải qua Hội Thánh là tự ý loại mình ra khỏi Tòa nhà Hội thánh mà Người thiết lập.

                                                                                   Jos Ngô Văn Kha CSsR

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube