Chúa Nhật 17, TN (A): Báu vật đời ai?

Nếu việc tìm ra kho báu là ngẫu nhiên, thì việc tìm thấy viên ngọc quý là có chủ ý. Nhưng người ta phải biết giá trị thật của nó, để đánh đổi tất cả, trong niềm vui có nó.

240_F_84443120_gIqDrekXwKPZnjfBonZgPFOCQAenVFU2Chủ nghĩa thế tục đang bành trướng, những giá trị Kitô giáo từng giúp bao quốc gia Phương Tây đạt đến đỉnh cao văn minh, giờ lại bị chính những người dân ở đó hủy bỏ. Người ta mong gì, cần gì khi quay ngoắt với quá khứ rực rỡ, mà không phải quốc gia nào, dân tộc nào cũng có thể đạt được, dù phải tốn đến cả nghìn năm lịch sử?

Người ta đang tìm Đấng Cứu Thế nào, đang kiếm ơn Cứu rỗi nào, hay chỉ là sự ngạo nghễ trong tinh thần đắc thắng của những kẻ, xưa kia đã từng xây Tháp Babel, để khẳng định quyền “làm chúa” của mình và tự hào chỉ có mình mới đem lại cho chính mình “ơn cứu rỗi”?

Một lần nữa, giá trị con người và giá trị đời sống của con người bị thách thức. Những bậc thang giá trị tinh thần – Kitô giáo và những giá trị tinh thần – thuần túy con người lại có dịp đối chọi, để giải quyết vấn đề, những vấn đề hiện sinh của con người.

Vậy giá trị con người và đời sống con người có nhất thiết phải phụ thuộc hoàn toàn vào những giá trị vật chất, do người ta kiến tạo, và những giá trị Kitô giáo liệu còn vững vàng giữa cơn sóng thần của thứ của nghĩa thế tục?

Con người làm chủ vật chất hay đang làm nộ lệ cho vật chất?

Những giá trị vật chất mà con người hôm nay đeo đuổi và kiếm tìm có làm cho người ta được viên mãn và thỏa nguyện hơn, có tốt lành, đáng sống và đáng hãnh diện hơn, hay càng làm cho người ta trở nên xấu xí và tệ bạc hơn, vong thân hơn?

Tác giả Thánh vịnh 49, 11-13 đã nói đến kết thúc bi thảm của một đời sống thế tục:

Kìa, thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác.  

Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp. 

Dù sống trong danh vọng, con người cũng không thể trường tồn; 

thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết.

Vì thế, niềm vui khám phá ra giá trị cao cả của Nước Trời, qua dụ ngôn Kho báu và Ngọc quý (Mt 13, 36-44) vượt trỗi hơn tất cả giá trị trần gian, dù vô tình hoặc chủ tâm, đều khiến người ta biết định hướng và đầu tư cuộc sống mình để thuộc về Nước ấy.

Mặc dù thế giới đang đảo điên khi đánh tráo những khái niệm về những thước đo giá trị, gia tăng những mục tiêu khơi gợi nhằm thỏa mãn con người hạ đẳng, hủy hoại những giá trị đạo đức, kích thích những suy nghĩ bất nhân và hành động vô lương, tạo ra những phản ứng ích kỷ và tàn nhẫn, làm cho sự dữ hoành hành, thì sứ điệp của Đức Giêsu cho thấy Nước Trời vẫn là giá trị tối cao và chân thật, đáng con người khát khao tìm kiếm.

Như một kho báu được chôn giấu, tự thân, Nước Trời là thực tại mang những giá trị cần khám phá và hiểu cho đúng. Nước Trời, hiện diện nơi Đức Giêsu, nhưng Người không ép buộc ai, huyễn hoặc ai. Người để cho người ta suy xét, cân nhắc và chọn lựa trong sự thành tâm tìm hiểu và ý chí kiếm tìm những giá trị vĩnh cửu hoặc tạm thời.

Khám phá ra giá trị tối hậu của Nước Trời, người ta mới thấy nhiều giá trị thoạt tưởng là quan trọng và chính đáng, lôi cuốn và hấp dẫn, như gia đình, nghề nghiệp, địa vị, của cải, tiện nghi, sức khỏe, những thú vui…, nhưng chúng dẫn đến đâu? có giải quyết rốt ráo khát vọng muôn đời của con người không?

Vì vậy, nếu đặt mọi giá trị vào trong sự đầu tư Nước Trời, người ta sẽ có câu trả lời, như vua Salomon đã không xin cho mình sống lâu, giàu sang hay chiến thắng quân thù, mà chỉ xin được ơn hiểu biết thánh ý Thiên Chúa để thi hành; như Phaolô đã xác tín: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả là rác rến, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,8)
Nếu việc tìm ra kho báu là ngẫu nhiên, thì việc tìm thấy viên ngọc quý là có chủ ý. Đức Giêsu muốn nói, Nước Trời “đã có đó” nhưng người ta phải biết giá trị thật của nó, rồi vui mừng đánh đổi tất cả, để sở hữu nó. Ai có Thiên Chúa là có tất cả.

Cuộc sống này còn đang nhập nhằng giữa các giá trị trường cửu và nhất thời, nhưng đến ngày phán xét, mọi sự sẽ trở nên rõ ràng. Với dụ ngôn Nước Trời như một chiếc lưới thả xuống biển bắt được mọi thứ cá, Đức Giêsu không ảo tưởng về những con người đi tìm kiếm hoặc đã bỏ tất cả để đầu tư vào Nước Trời. Người nhìn đến ngày cánh chung và nói về cuộc phán xét xảy ra. Khi ấy, số phận đời đời của người tốt và người xấu hoàn toàn khác nhau.

Hội thánh, tượng trưng Nước Trời, quy tụ những người tin vào Đức Giêsu và được hướng dẫn nhờ giáo huấn của Người; giáo huấn đó là kho tàng đức tin, là chân lý đời đời. Vì thế, biết sống thế nào để khi đến thời Chúa quang lâm, mỗi người được Thiên Chúa đón nhận. Làm được như thế là trở nên những Kinh sư khôn ngoan, biết rút ra từ trong kho tàng của mình những cái mới và cả cái cũ.

                                                                                     Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube