Chúa Nhật 14 Thường Niên: Vì sao lại phải hiền lành và khiêm nhường?

Việc làm chứng của người Công giáo trở nên mỗi ngày một tích cực hơn. Thù ghét và oán hận đã giảm đi. Các liên hệ ngày càng thân ái hơn. Phải can đảm lắm mới vượt qua được giai đoạn đó. Phải kiên nhẫn. Người ta không thể thay đổi được xứ sở trong 5 phút” (TGM Giuse Nguyễn Chí Linh).

Tại Đan viện Thiên An, nhà cầm quyền cộng sản Huế, với lý do thật vô lý, làm đường dân sinh, đã san phẳng đồi Thánh Giá. Thánh Giá bị đập gãy, các đan sỹ bị lăng mạ, bị xúc phạm, bị đánh đập. Tại Giáo họ Văn Trường, Giáo xứ Song Ngọc, Huyện Quỳnh Lưu, Tỉnh Nghệ An, nơi cha JB Nguyễn Đình Thục làm Quản xứ, nhà cầm quyền bao che cho những phần tử xấu phá phách việc làm ăn buôn bán của giáo dân. Tại Giáo họ Văn Thai, giáo dân hằng đêm luôn bị khủng bố, bị ném đá và chất bẩn vào nhà, còn chính quyền sở tại vẫn tận lực dùng truyền thông và kích động lương dân để bôi nhọ và bao che cho chiến dịch kỳ thị và quấy phá.

Đã có nhiều phản ứng thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, có hoặc không có tôn giáo, tựu trung, được phân biệt qua bốn thái độ: căm hờn và thù hận với chủ trương mắt đền mắt, răng đền răng; nghi hoặc và nao núng, bởi không biết Trời – Phật có đoái đến, có giằng lại công bằng cho những oan ức mà những người cùng khổ kêu cầu hằng ngày không; kiên trì và tín thác vào ơn trên, thể hiện qua sự hiệp thông, liên đới và cầu nguyện cho những người bị bách hại; nhạo cười những phong trào đòi dân chủ và quyền con người hoặc chỉ loay hoay với việc ăn gì, mặc gì, đi đâu…

Ngay cả người tín hữu cũng chọn cho mình một trong bốn thái độ ấy.

Phải làm gì đây? Dấn thân rồi sẽ đi đến đâu? Cầu nguyện có ích gì không, khi chẳng thấy diễn biến nào khả dĩ là một tín hiệu báo hiệu một ngày mai tươi sáng?

Lời Chúa hôm nay là câu trả lời thỏa đáng từ phía Thiên Chúa cho những điều này.

Bài đọc thứ nhất trích sách ngôn sứ Dacaria, mô tả sự xuất hiện của vị vua khiêm tốn ngồi trên lưng lừa. Đó là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng sẽ quét sạch mọi thù hận chiến tranh, sẽ công bố và thiết lập nền hòa bình cho mọi người.

Đức Giêsu chính là Vua khiêm nhu ấy mà Giáo hội mừng trọng thể trong ngày Lễ Lá. Vị vua từ khước tái lập trật tự và hòa bình bằng bạo lực và áp bức, đến độ trở thành chứng nhân đau khổ cho Tin mừng Người rao giảng, cho quyền năng vô địch của Thiên Chúa.

Quyền năng thánh Phaolô nói trong bài đọc 2, là Thần Khí Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa dùng quyền năng này phục sinh Đức Giêsu khỏi sự chết, để Người trở nên nguồn ban sự sống.

Thế thì phải tự hỏi, tôi chọn cho mình thái độ nào, và thái độ đó được hứng khởi bằng Thần Khí nào, Thần Khí dũng mãnh của Thiên Chúa hay thần khí của tính xác thịt, thần khí của thế gian? Thần Khí nào cho sống, dù trước mặt mọi người, bị kể như đã chết, và Thần Khí nào khiến người ta chết, sống kể như đã chết, hoặc thà đã chết còn hơn?

Căn cứ vào đâu biết được ta có Thần Khí của Thiên Chúa? Đấy là lời tự chất vấn của mỗi người, khi họ bày tỏ thái độ chọn lựa của mình trước thời cuộc, trước sự bách hại và khinh miệt của người đời; đấy không phải là hạng khôn ngoan, thông thái, mà là người mang lấy tinh thần của Đức Giêsu, những người “bé mọn”, những người được Đức Giêsu mặc khải mầu nhiệm Nước Trời, và vì Nước Trời, họ sẵn sàng trở nên nên như “điên dại” trước mặt người đời.

Thần Khí dũng mãnh của Thiên Chúa tỏ bày qua thái độ hiền hậu và khiêm nhường của Đức Giêsu khi Người mang lấy ách và gánh nặng của tội lỗi con người và tiêu hủy nó trên Thập Giá của Người, để mang lại bình an cho con người; sự bình an có được nhờ tin vào Đấng Cứu Chuộc, nhờ hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau.

Sự hiền lành không phải là cách sống nhu nhược, hèn yếu trước sự phá hoại, bất công hoành hành, tội ác lên ngôi! Sự hiền lành của Chúa là vì công lý mà chịu thiệt thòi, vì sự thật mà phải oan ức. Hiền lành chính là “sức mạnh mềm” của Thần Khí Thiên Chúa.

Và chỉ với Thần Khí Thiên Chúa, những ai muốn trở nên môn đệ Đức Giêsu mới có thể mang lấy ách và gánh nặng ấy. Đấy là bài học người môn đệ Đức Giêsu cần phải tập cho nhuần nhuyễn, thuần thục ngang qua những hoàn cảnh éo le, những sự bách hại, bắt bớ, sỉ nhục của người đời, như các đan sỹ trong Đan viện Thiên An, như giáo dân xứ Song Ngọc và Phú Yên, như các tù nhân lương tâm.

Chính  Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn trên tờ L’Église d’Asie, ngày 3 tháng 7 vừa qua, đã nói: “Việc làm chứng của người Công giáo trở nên mỗi ngày một tích cực hơn. Thù ghét và oán hận đã giảm đi. Các liên hệ ngày càng thân ái hơn. Phải can đảm lắm mới vượt qua được giai đoạn đó. Phải kiên nhẫn. Người ta không thể thay đổi được xứ sở trong 5 phút.

Dù có xoay chuyển tình thế trong 5 phút, thì trong thời gian đó, người tín hữu vẫn phải làm chứng cho Chúa, cho Tin mừng; vẫn phải tìm sự nghỉ ngơi, bồi dưỡng bên Đức Giêsu; vẫn phải mang lấy ách và gánh nặng nề trong tinh thần của Chúa, để trải nghiệm được sự êm ái, nhẹ nhàng Chúa dành cho những ai là bạn hữu của Chúa, như thánh Phaolo: “Chúng tôi luôn mang trong mình cuộc khổ nạn của Đức Kitô, để sự sống của Đức Kitô cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi” (2Cr 4,10).

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube