Các quan chức Trung Quốc cảnh cáo các tín hữu Công giáo không được đưa trẻ em đi tham dự Thánh Lễ

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 19-04-2018 | 16:30:15

HONG KONG – Những người Công giáo ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc đã được cảnh báo rằng các nhà thờ sẽ bị đóng cửa nếu như họ không tuân thủ các quy định sửa đổi về các vấn đề tôn giáo.

Ucanews.com báo cáo rằng trong vài tháng trở lại đây, sự kiềm chế tự do tôn giáo đã được tăng cường, với việc tháo dỡ Thánh giá khỏi các nhà thờ, trẻ vị thành niên bị cấm bước vào các nhà thờ, các trường mầm non do Giáo hội điều hành bị đóng cửa và trẻ em bị trục xuất khỏi Thánh lễ.

20180404T1249-16366-CNS-CHINA-WHITE-PAPER_800-690x450Hiện tại, Hiệp hội Công giáo yêu nước Trung Quốc tỉnh Hà Nam và Ủy ban Hành chánh Công giáo Hà Nam đã cùng nhau đưa ra một thông báo, cảnh báo mọi tín hữu giáo dân phải thực hiện các quy định mới một cách nghiêm túc.

Thông báo cảnh báo tất cả mọi người cần phải tuân thủ “nguyên tắc tách biệt giữa vấn đề tôn giáo và giáo dục” cũng như các quy định sửa đổi về các vấn đề tôn giáo. Thông báo cho biết không có địa điểm tôn giáo nào được phép tổ chức các buổi đào tạo và cha mẹ không được phép đưa trẻ em đến nhà thờ.

“Trước đây đó chỉ là một sự tuyên truyền và giáo dục, nhưng hiện tại có một lằn ranh đỏ, một đường lối áp lực cao, vì vậy hãy nghiêm túc xem xét”, thông tư cho biết.

Thông báo cảnh báo rằng nếu bất cứ ai không tuân thủ các quy tắc, các nhà chức trách sẽ bắt giữ những người có trách nhiệm và đóng cửa nhà thờ.

Một người Công giáo yêu cầu được giấu tên phát biểu với ucanews.com rằng các quan chức của Cục Tôn giáo Quận Huệ Tể đã đến nhà thờ Bắc Hải của Giáo phận Trịnh Châu hôm 1 tháng 4 và buộc tất cả các trẻ vị thành niên phải rời khỏi Thánh lễ Phục Sinh. Ông cho biết các quan chức địa phương trước đây đã chặn tất cả trẻ vị thành niên tại các lối ra vào nhà thờ ở các Giáo phận Shangqiu và An Dương thuộc tỉnh Hà Nam.

“Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”, ông cho biết.

Hai trường tiểu học ở Hà Nam đã viết một bức thư ngỏ cho tất cả học sinh và phụ huynh cảnh báo rằng trẻ vị thành niên không được bước vào các địa điểm tôn giáo, theo Điều 36 của Hiến pháp, Đạo luật Giáo dục, Luật Bảo vệ Người chưa thành niên và các quy định sửa đổi về các vấn đề tôn giáo.

Bức thư ngỏ nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã áp dụng nguyên tắc tách biệt giữa vấn đề giáo dục và tôn giáo, vì vậy các tôn giáo không được can thiệp vào vấn đề giáo dục quốc gia và giáo dục công cộng.

“Đó sẽ là một hành vi phạm tội đối với bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào hướng dẫn, hỗ trợ, cho phép và chấp nhận những người vị thành niên tin vào các tôn giáo hoặc tham gia các hoạt động tôn giáo”, bức thư cho biết.

Bức thư cho biết trẻ vị thành niên đang ở giai đoạn quan trọng của sự phát triển về mặt thể chất và tinh thần và không có tư duy độc lập, vì vậy cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dưỡng trẻ em phù hợp với luật pháp quốc gia và các yêu cầu xã hội.

Cha mẹ đã được yêu cầu ký vào lá thư và viết tên và lớp của con mình.

Một thông tư phổ biến khác trên internet nhấn mạnh rằng công dân có quyền tự do tôn giáo nhưng trường học là nơi giáo dục. “Đối với việc nhà nước thúc đẩy tất cả mọi học sinh xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”, không có tổ chức nào được phép sử dụng việc tuyên truyền và tham gia vào các hoạt động tôn giáo, thông tư cho biết.

Thông tư nhấn mạnh rằng mọi công dân nên tham gia vào các hoạt động tôn giáo được chính phủ chấp nhận bên ngoài các trường học, nhưng sinh viên không thể đưa bạn học và bạn bè của mình tham gia vào các hoạt động như vậy.

Các giáo viên các lớp được yêu cầu giải thích các mục trên thông tư, và học sinh được yêu cầu ghi lại tên tuổi của mình, tên của giáo viên cũng như địa điểm và thời gian được lắng nghe lời giải thích.

Một linh mục phát biểu với ucanews.com rằng các biện pháp đối với trẻ vị thành niên và việc tháo dỡ Thánh giá ở tỉnh Hà Nam là các dự án thí điểm được tiến hành bởi các tổ chức quốc gia.

“Nếu các biện pháp này thành công ở Hà Nam, chúng sẽ có thể được thực hiện ở các tỉnh khác”, vị linh mục cho biết.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube