Các nhà lãnh đạo Kitô giáo Syria lên án cuộc không kích của Mỹ như là "một cuộc tấn công tàn bạo"

ROME- Các nhà lãnh đạo Kitô giáo trên toàn thế giới, đặc biệt từ Trung Đông, đang lên tiếng kêu gọi việc “chấm dứt cuộc đổ máu tại Syria” sau một vụ đánh bom do Hoa Kỳ, Anh và Pháp tiến hành vào cuối tuần này, nhắm mục tiêu vào các khu căn cứ quân sự chứa các loại vũ khí hóa học.

Theo TASS, một hãng thông tấn của Nga, ĐTC Phanxicô và Đức Thượng Phụ Chính thống Nga, Đức Thượng Phụ Kirill, đã có cuộc đàm luận qua điện thoại hôm thứ Bảy vừa qua, lo ngại về những diễn biến mới nhất trong cuộc chiến Syria.

“Chúng tôi đã khởi đầu với sáng kiến này khi nhận biết rằng các Kitô hữu không thể tiếp tục đứng bên ngoài lề khi chứng kiến những gì đang xảy ra tại Syria”, Đức Thượng Phụ Kirill phát biểu với các phóng viên hôm thứ Bảy vừa qua. “Cuộc đối thoại của chúng ta là một cuộc đối thoại tạo mang tính xây dựng hòa bình có ý nghĩa quan trọng”.

Đức Thượng Phụ Kirill cũng nhấn mạnh rằng hai nhà lãnh đạo Kitô giáo hy vọng sẽ chứng kiến việc chấm dứt cuộc “đổ máu” tại Syria.

“Chúng tôi đã bàn về việc các Kitô hữu nên tạo ra sự ảnh hưởng như thế nào đến những sự kiện này với mục tiêu chấm dứt bạo lực, chấm dứt chiến tranh, ngăn chặn việc có thêm nhiều nạn nhân nữa”, Đức Thượng Phụ Kirill nói.

3598e82032b8bd7564eb799c8a4d2580-690x450Mặc dù không có con số chính xác về số người thiệt mạng trong bảy năm qua, ước tính có khoảng 400.000 đến nửa triệu người được cho là đã bị giết hại do hậu quả trực tiếp của cuộc chiến đang diễn ra, hoặc là dưới bàn tay của các tổ chức khủng bố như ISIS, chính phủ Syria, các nhóm nổi dậy hoặc các nhân tố quốc tế, bao gồm cả Nga và Mỹ.

Tuần trước, trong bài chia sẻ hàng tuần vào mỗi Chúa nhật của mình, ĐTC Phanxicô đã yêu cầu việc chấm dứt bạo lực “vô nhân đạo” tại Syria, đồng thời nhấn mạnh rằng điều này cần phải được chấm dứt “mà không được chậm trễ”.

“Trong những ngày này, mọi suy nghĩ của tôi đều hướng đến những người dân Syria thân yêu, nơi mà chiến tranh đã ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại Đông Ghouta”, ĐTC Phanxicô nói, đồng thời đề cập tới một khu ngoại ô phía đông của thủ đô Damascus của Syria, nơi mà việc ném bom bởi các lực lượng chính phủ đã được tập trung. Hôm thứ Bảy, quân đội Syria tuyên bố khu vực “đã được giải phóng hoàn toàn”.

Các cuộc tấn công kéo dài suốt đêm hôm thứ Sáu đã xảy ra tại ba địa điểm – một địa điểm tại Damascus và hai địa điểm tại Homs – mà Tổng thống Donald Trump cho biết là “có liên quan đến khả năng vũ khí hóa học của nhà độc tài Bashar al-Assad của Syria”.

Trump đã ca ngợi cuộc tấn công “đã được thực hiện một cách hoàn hảo” trong một dòng tweet được đăng tải hôm thứ Bảy vừa qua, đồng thời cho biết thêm rằng: “Sứ mạng đã được hoàn thành!”

Tuy nhiên, các Kitô hữu tại Syria đã không đồng tình với lời khẳng định của Trump.

Trong một tuyên bố chung được công bố bởi ba vị Thượng Phụ Syria, họ đã “lên án và tố cáo hành động gây hấn tàn bạo vốn đã xảy ra sáng nay (thứ Bảy 14/4) nơi quốc gia Syria vĩ đại của chúng ta bởi Mỹ, Pháp và Anh, dưới những cáo buộc rằng chính phủ Syria đã sử dụng các loại vũ khí hóa học”.

Tuyên bố được ký kết bởi Đức Thượng Phụ John X, Thượng Phụ Chính thống Hy Lạp Antioch và toàn Đông phương; Đức Thượng Phụ Ignatius Aphrem II, Thượng Phụ Chính Thống Syri tại Antioch và toàn Đông phương, và Đức Thượng Phụ Joseph Absi, Thượng Phụ Công giáo Melkite-Hy Lạp tại Antioch, Alexandria và Giêrusalem.

Theo các vị Thượng Phụ, “cuốc tấn công tàn bạo” này vi phạm luật pháp quốc tế và điều lệ của Liên Hợp quốc, bởi vì đó là một “cuộc tấn công phi lý” nhằm vào một quốc gia có chủ quyền.

Cũng như những người tiền nhiệm trước họ, họ cũng đã đặt vấn đề về việc cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học bởi chính phủ Syria, và đồng thời cho biết rằng một tuyên bố như vậy, được sử dụng để biện minh cho các cuộc không kích, là “bất hợp lý và không được hỗ trợ bởi các bằng chứng đầy đủ và rõ ràng”.

Hôm thứ Sáu, các nhà điều tra tội ác chiến tranh của Liên Hợp quốc đã lên án việc nghi ngờ sử dụng vũ khí hoá học ở thị trấn Douma của Syria ở Đông Ghouta, và vào thời điểm xảy ra vụ đánh bom, các chuyên gia đã đến đất nước này để điều tra vụ tấn công bị cáo buộc vốn đã giết hại hàng chục người.

Theo các vị Thượng Phụ, thực tế là vụ đánh bom xảy ra trước khi Ủy ban bắt đầu công việc của họ, “làm suy yếu” những nỗ lực của cuộc điều tra. Với việc miêu tả cuộc tấn công này là “tàn bạo” và “bất công”, họ cũng tố cáo rằng nó khuyến khích các tổ chức khủng bố và đồng thời “tạo cho chúng động lực để tiếp tục các hành động khủng bố của mình”.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các Giáo hội ở các quốc gia tham gia cuộc tấn công hoàn thành nhiệm vụ Kitô giáo của mình, theo Giáo huấn của Tin Mừng, và đồng thời lên án cuộc tấn công này và kêu gọi các chính phủ của họ cam kết bảo vệ hòa bình quốc tế”, các Thượng Phụ viết.

Các vị Thượng Phụ kết thúc tuyên bố của mình bằng cách cầu nguyện cho hòa bình tại Syria và trên thế giới, và đồng thời cho biết rằng họ tin tưởng rằng quân đội Syria sẽ “không cúi đầu trước các cuộc tấn công khủng bố từ bên ngoài hoặc bên trong”.

Các vị Thượng Phụ không phải là những người đầu tiên đặt vấn đề về tính xác thực của vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.

Đức Giám mục Công giáo Chaldean, Đức Cha Antoine Audo, Địa phận Aleppo, đã tố cáo rằng “Hoa Kỳ và Nga đang sử dụng Syria để gây chiến với nhau”.

Phát biểu với đài truyền hình Tg2000 của Ý, Đức Cha Audo cho biết rằng vụ đánh bom vào cuối tuần này đã chứng minh rằng cộng đồng quốc tế đang cố gắng thực hiện tại Syria điều mà họ đã làm tại Iraq “khi họ phá huỷ quốc gia nói rằng họ sở hữu vũ khí hoá học”.

“Điều họ đã thực hiện tại Iraq, hiện họ đang tiến hành tại Syria”, Đức Cha Audo nói.

“Làm thế nào mà tổng thống Assad có thể sử dụng các loại vũ khí hoá học để tự vệ mình?”, Đức Cha Audo đặt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh rằng đó chính là một mưu mẹo để Mỹ và Nga cạnh tranh ảnh hưởng.

Đức Giám mục Georges About Khazen, Đại diện Tông Tòa tại Aleppo, cho biết rằng vụ đánh bom cho thấy lợi ích thực sự của những quốc gia tham gia cuộc chiến, đồng thời cho biết rằng ban đầu nó là một “cuộc chiến tranh ủy nhiệm”, nhưng hiện nay khi “các nhân tố thứ yếu đã bị đánh bại, những nhân vật chính trong cuộc xung đột này đã được đưa ra ngoài thực địa”.

Đức Cha Khazen cũng đang chờ đợi việc khẳng định rằng tổng thống Assad, trên thực tế, đã sử dụng vũ khí hóa học, nhưng trong thời gian chờ đợi, ngài vẫn tiếp tục kêu gọi hòa bình.

“Mọi lời kêu gọi cho hòa bình đều bị bỏ ngoài tai, chỉ có ĐTC Phanxicô vẫn tiếp tục hy vọng cho hòa bình, và chúng tôi tiếp tục hy vọng cùng với Ngài”, Đức Cha Khazen phát biểu với Sir, cơ quan thông tấn xã của Hội đồng Giám mục Italia.

Trong khi một số người vẫn tiếp tục hy vọng về hòa bình vốn chẳng thể xảy ra, “sự đau khổ của dân chúng vốn khát khao hòa bình cứ tăng lên, để rồi nhận lại bom và tên lửa” đối với những lời kêu gọi của họ, Đức Cha Khazen nói.

Vào thời điểm này, Đức Cha Khazen nói, hy vọng của ngài đó chính là những cuộc không kích gần đây sẽ không nhân rộng ra những nơi khác trong khu vực bởi vì nó sẽ “thực sự nguy hiểm và mọi thứ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát”.

“Chúng ta cần một giải pháp chung cần phải đạt được mà không có sự dối trá”, Đức Cha Khazen nói. “Chúng ta không có thứ vũ khí nào khác hơn là lời cầu nguyện”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube