Các Giám mục Châu Phi và Châu Âu: ‘Toàn cầu hoá đòi hỏi sự cảnh giác từ phía Giáo hội’

CAPE TOWN, Nam Phi – Mặc dù việc toàn cầu hoá có thể cho phép việc chia sẻ sự giàu có về tinh thần và vật chất, nó cũng có thể dẫn tới một sự tàn phá to lớn, các Giám mục châu Âu và châu Phi cho biết sau một cuộc họp kéo dài bốn ngày diễn ra tại Fatima, Bồ Đào Nha.

Toàn cầu hoá là một quá trình năng động vốn “ảnh hưởng đến tất cả mọi lĩnh vực của đời sống cá nhân, gia đình và xã hội, bao gồm kinh tế, chính trị, văn hoá và tôn giáo”, tuyên bố hôm 16 tháng 4 của Hội đồng Giám mục Châu Âu và Hội nghị chuyên đề của Các Hội đồng Giám mục Châu phi và Madagascar (SECAM), cho biết.

25 Giám mục nằm trong số hơn 35 tham dự viên đến từ hai châu lục đã gặp gỡ từ ngày 12 đến 15 tháng 4 để thảo luận về những ảnh hưởng của việc toàn cầu hoá đối với Giáo Hội và các nền văn hoá ở Châu Âu và Châu Phi.

Đức Hồng y Manuel Clemente, Tổng Giám mục Lisbon và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha, và Đức Giám mục Antonio Marto Địa phận Leiria-Fatima đã chủ trì cuộc họp.

Các đại biểu đã thảo luận về tác động của việc toàn cầu hoá đối với thanh thiếu niên, về vấn đề di dân, và sự hiểu biết về nhân văn và sinh thái con người.

20180416T0921-16785-CNS-BISHOPS-SECAM-CCEE-690x450Sự toàn cầu hoá kinh tế đã dẫn đến các hoạt động “gây ra đói nghèo và cho thấy một sự coi nhẹ hoàn toàn đối với người nghèo”, Đức Tổng Giám mục Charles Palmer-Buckle Địa phận Accra, Ghana cho biết, đồng thời ngài cũng lưu ý rằng đất đai mua được ở các nước Châu Phi với giá rẻ cho các hoạt động khai thác mỏ hoặc sản xuất thường khiến cho người dân phải di dời, phá vỡ các gia đình, và đồng thời gây tổn hại cho môi trường.

Những người có quyền lực và các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những người có liên quan đến các tập đoàn xuyên quốc gia, “thừa hưởng những thành quả của vấn đề toàn cầu hoá với cái giá phải trả là những người nghèo”, chủ tịch SECAM cho biết trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào ngày 14 tháng 4 từ Fatima.

Các Giám mục đến từ Châu Phi và Châu Âu đã thảo luận về sự cần thiết phải cùng cộng tác với nhau để giải quyết những vấn đề này cũng như những vấn đề chung khác, chủ tịch SECAM cho biết.

“Nhiệm vụ của chúng ta với tư cách là những nhà lãnh đạo Giáo hội đó là giúp đỡ các quốc gia của chúng ta khắc phục những sự thái quá này”.

“Cần phải đưa ra luật lệ đầy đủ và tương xứng để đảm bảo rằng những người dễ bị tổn thương không bị bóc lột”, Đức TGM Palmer-Buckle phát biểu với CNS, đồng thời ngài cũng lưu ý rằng tình trạng gia tăng nạn buôn bán người và các hoạt động phạm tội trên mạng là một trong số những “tác động tiêu cực của việc toàn cầu hoá” vốn đã được thảo luận tại cuộc họp.

Khi bị lạm dụng, các phương tiện truyền thông xã hội có thể “làm cho trẻ em bị mất phương hướng và đồng thời xâm nhập vào đời sống gia đình”, Đức TGM Palmer-Buckle nói.

“Khi được sử dụng hợp lý”, các hoạt động trực tuyến, bao gồm truyền thông xã hội, “có thể giúp việc trao đổi thông tin và nâng cao kiến thức, nhưng các thành viên trong gia đình cần phải biết rằng họ phải kiểm soát được điều này, và không cho phép chúng điều khiển họ”, Đức TGM Palmer-Buckle nói.

Tuyên bố chung của các Giám mục châu Âu và châu Phi nhấn mạnh rằng, một mặt, việc toàn cầu hoá “có thể phục vụ công lý và hòa bình” và “có thể lan truyền những ý tưởng và giá trị quý báu và mang tính xây dựng”.

Tuy nhiên, toàn cầu hoá, “khi được đánh dấu bởi tội lỗi như thường xảy ra ngày nay, có khuynh hướng gây ra một khoảng cách sâu xa giữa người giàu và người nghèo, giữa những kẻ quyền lực và những người yếu thế; nó tăng cường cuộc đấu tranh giành quyền lực, vì lợi nhuận gia tăng và chủ nghĩa khoái lạc; nó phá hủy di sản về văn hoá, tâm linh và phẩm giá con người, gây ra sự phân rã đối với nền tảng của sự tồn tại”, tuyên bố cho biết.

“Những khía cạnh tiêu cực của vấn đề toàn cầu hóa đòi hỏi một sự cảnh giác tích cực và dũng cảm về phía các linh mục, những người sống đời tận hiến, giáo dân, tất cả mọi tín hữu, và những người có thành tâm thiện chí”, tuyên bố cho biết.

Việc khuyến khích hành động có hiệu quả để hỗ trợ công việc giáo dục của họ với các gia đình, các Giám mục lưu ý rằng “việc bảo vệ người nghèo, những người đau yếu bệnh tật, những người bị gạt ra ngoài lề và những người yếu thế không phải là một điều tùy ý nhưng là một điều bắt buộc”.

Các Giám mục đã nhắc lại “sự dấn thân của họ cho các cộng đồng và các lục địa của họ”, và đồng thời cầu nguyện cho “món quà của hòa bình cho thế giới, đặc biệt là cho nhiều khu vực nơi mà các cuộc xung đột đã kéo dài hoặc đang ngày càng tăng”, tuyên bố cho biết.

Đức Hồng y Angelo Bagnasco Địa phận Genoa, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Châu Âu, phát biểu với các đại biểu trong cuộc họp rằng, ở một số khu vực tại châu Âu, dường như Kitô giáo đang chết dần và đức tin bị coi là lạc hậu.

Với nhiều mức độ khác nhau, chủ nghĩa thế tục đã chạm đến tất cả các quốc gia châu Âu, ĐHY Bagnasco nói, đồng thời lưu ý rằng chủ nghĩa tục hoá đã làm cho xã hội trở nên quan liêu và vô hồn.

Vì lý do này, thách thức lớn nhất của Giáo hội Âu Châu đó chính là làm nảy sinh đức tin, ĐHY Bagnasco, đồng thời cũng là Chủ tịch Gội đồng Giám mục Ý, cho biết.

Đức tin, “với Chúa Giêsu ở giữa trung tâm”, cần phải hướng dẫn tất cả mọi lĩnh vực chăm sóc mục vụ, ĐHY Bagnasco nói.

Đức Tổng Giám Mục Gabriel Mbilingi Địa phận Lubango, Angola, Chủ tịch Hội nghị chuyên đề của Các Hội Đồng Giám Mục Châu Phi và Madagascar, cho biết rằng Giáo hội Phi Châu cần phải trở thành một “phổi tinh thần” đích thực cho nhân loại, tất cả mọi người cần phải thực hành hòa giải, công lý và hoà bình.

Hai nhóm lục địa đã tổ chức các cuộc họp chung kể từ năm 2004, Đức TGM Palmer-Buckle cho biết, đồng thời lưu ý rằng các cuộc thảo luận thường xuyên “về những mối bận tâm chung và về việc chúng ảnh hưởng thế nào đến người dân ở các quốc gia khác nhau của chúng ta” đã giúp đỡ cho việc “xây dựng tinh thần liên đới mục vụ tốt hơn”.

Minh Tuệ chuyển ngữ 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube